Trang chủ  » Kiều bào  » THÔNG TIN KIỀU BÀO

Một năm nhiều ấn tượng


Năm 2015 - một năm đánh dấu và ghi nhận những nỗ lực không ngừng của người Mặt trận trong nhiều phần việc quan trọng, khẳng định tinh thần Mặt trận với truyền thống 85 năm luôn xứng đáng là trung tâm đoàn kết, phát huy sáng kiến của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại Đoàn Kết xin giới thiệu những dấu mốc quan trọng này.

alt

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn
khảo sát mô hình hợp tác xã tại Cần Thơ.

Triển khai 8 chương trình phối hợp giám sát 

Năm 2015, MTTQ Việt Nam đã triển khai 8 chương trình phối hợp giám sát ở cấp Trung ương về 8  lĩnh vực, vấn đề nhân dân rất quan tâm. Đó là chương trình phối hợp về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020; giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát việc thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ; giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; Chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015. 

Trong đó đã hoàn thành xuất sắc Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng, thực hiện trong hai năm 2014 và 2015. 7 chương trình phối hợp giám sát còn lại đã được MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của MTTQ, các bộ ngành liên quan tích cực triển khai, qua đó rút ra các kinh nghiệm về cơ chế tổ chức giám sát, khả năng triển khai việc giám sát của các tổ chức thành viên, chọn mục tiêu, yêu cầu cho giám sát năm 2016.

Từ kết quả này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, một số nội dung và cơ chế giám sát sẽ được hướng dẫn cụ thể để từ năm 2016 sẽ do MTTQ các tỉnh hoặc các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tự triển khai ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. MTTQ Việt Nam các địa phương sẽ lựa chọn các nội dung giám sát cụ thể theo sức mình, không tham làm nhiều mà làm đâu chắc đó và phải làm tới cùng. 

Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) 

Sau hai lần thảo luận về Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), cuối cùng, các đại biểu Quốc hội đã tự tin ấn nút quyết định thông qua Luật với tỉ lệ rất cao: 85,25% tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Sự kiện này thêm một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Mặt trận trong việc tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định, ý nghĩa của việc này còn vượt qua cả nghị trường Quốc hội - đó  chính là sự quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết.

Đất nước còn khó khăn, còn nhiều thách thức lớn lao ở phía trước nên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần xây dựng đồng thuận, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn được đưa lên hàng đầu. Đặc biệt, lần đầu tiên, trong Luật sửa đổi, xác nhận Ban Công tác Mặt trận. Việc xác lập vai trò Ban Công tác Mặt trận trong Luật phù hợp với thực tiễn hoạt động trong suốt 20 năm qua đồng thời mở ra một chương mới khẳng định địa bàn tác chiến của Mặt trận một cách rõ ràng, cụ thể nhất.

alt

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Vũ Trọng Kim thăm Trường
Cao đẳng Kinh tế, Tài chính Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Long).

85 năm Ngày truyền thống Mặt trận 

85 năm qua, đoàn kết là sứ mệnh tiên quyết của Mặt trận để huy động lòng yêu nước, huy động sáng kiến của bất kể ai là con dân nước Việt có chung mục đích dựng xây đất nước. Và nếu không có những sáng kiến, sáng tạo của hàng chục triệu người đoàn kết trong một mái nhà Mặt trận, sau 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm thành lập nước Việt Nam, không thể có những thành tựu quan trọng vượt bậc, đặc biệt là 30 năm đổi mới.

Đoàn kết và sáng tạo, bài học đó luôn có giá trị lâu dài cho con đường xây dựng và bảo vệ đất nước. “Lòng yêu nước là nền tảng chung, đồng thuận phát triển là yếu tố gắn bó nhưng phát huy sáng kiến của hàng triệu người và sáng kiến đó được phối hợp với nhau, tích hợp với nhau sẽ tạo nên sức mạnh mới của dân tộc”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. 

Các tôn giáo cam kết bảo vệ môi trường 

Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra cuối tháng 11-2015 tại TP Huế, do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu Trợ giúp Việt Nam- NCA phổi hợp tổ chức được coi là một dấu mốc lịch sử.

Vì chưa khi nào một hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò các tôn giáo trước một vấn đề vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược, đó là cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, mà ở đó, lãnh đạo của tất cả các tôn giáo ở Việt Nam cùng bàn bạc và đi đến thống nhất hành động bằng những thông điệp của từng tôn giáo, bằng Cam kết của các tôn giáo và bằng một Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo Việt Nam kêu gọi các nỗ lực giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu do con người gây ra, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo vệ  sự sống của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và của thế giới. 

Cam kết mạnh mẽ của 14 tôn giáo ở Việt Nam đã truyền cảm hứng cho tất cả những ai được chứng kiến thời khắc lịch sử ấy như thấy được trách nhiệm nhỏ bé của mình trong sứ mệnh của cả nhân loại khi đang phải cùng nhau khắc phục và bảo vệ môi trường. 

alt

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó
tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Lê Na).

Biểu dương Chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn tiêu biểu

Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2010-2015, tổ chức vào ngày 17/10, tại Hà Nội biểu dương 260 Chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn tiêu biểu trên toàn quốc. 260 đại biểu ưu tú tiêu biểu được biểu dương, tôn vinh tại Hội nghị là đại diện của các dân tộc, các tầng lớp trong cộng đồng dân tộc, nhiều vị có trình độ đại học, cao đẳng, trình độ cao cấp lý luận chính trị, nhiều ​người tham gia cấp ủy và đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Chính phủ, MTTQ Việt Nam.

Lực lượng cán bộ Mặt trận ở 11.100 xã, phường, thị trấn trên cả nước có vai trò vô cùng quan trọng. Thông qua họ, Mặt trận đã hiện thực hóa được chức năng khơi dậy lòng yêu nước, vận động, tập hợp nhân dân để làm những việc ích nước, lợi nhà. 

Tuy độ tuổi, thời gian cống hiến cho công tác Mặt trận khác nhau nhưng ngọn lửa nhiệt huyết trong trái tim của mỗi người đều nồng cháy, tâm huyết, tận tụy, sáng tạo hết lòng với công việc. Họ thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa “Người tốt, việc tốt,” góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

alt

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha
thăm các chiến sĩ tại Trại giam Đắk Trung.

Phát động cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Mặt trận, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức lễ Tổng kết 20 năm cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và 15 năm cuộc vận động Ngày vì người nghèo. 

Sau 20 năm thực hiện cả nước có 18.232.942/ 21.745.573 gia đình đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 83,84%; có 75.598/111.231 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư văn hóa đạt tỷ lệ 67,96%. Từ phát động đến nay  “Quỹ vì người nghèo” ở bốn cấp đã tiếp nhận 10.508,420 tỷ đồng. Cùng với việc tham gia ủng hộ Quỹ, MTTQ và Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp đã vận động sự giúp đỡ bằng công lao động, hiện vật và sự đóng góp khác trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ và sự hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức, các ngành, các doanh nghiệp,sự hỗ trợ của cộng đồng đã đóng góp cho sự vươn lên của chính các hộ nghèo.

Từ thực tiễn 20 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã phát động cuộc vận động mới: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôi mới, đô thị văn minh. Cuộc vận động là cơ sở để MTTQ Việt Nam các cấp hiệp thương với các tổ chức thành viên, phối hợp với chính quyền các cấp để xây dựng và triển khai cụ thể chương trình thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam ở các cấp và mỗi địa phương. 

alt

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh trong ngày hội Toàn dân
bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Hòa Bình. (Ảnh: Lê Na).

Tuần nhận diện hàng Việt Nam- Tuần tự hào hàng Việt 

Năm 2015, năm đầu tiên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chỉ đạo Bộ Công thương thực hiện “Tuần nhận diện hàng Việt Nam- Tuần tự hào hàng Việt (gọi tắt là Tuần lễ tự hào hàng Việt Nam).  

Chương trình là một giải pháp hỗ trợ thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Cụ thể đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến CVĐ, đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 70%.

Đến năm 2020, tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam, cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước.

alt

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh giám sát việc chấp hành pháp luật
của các cơ sở y tế tư nhân tại Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội.
(Ảnh: Văn Dân).

Xây dựng hợp tác xã kiểu mới 

Với chức năng giám sát của Mặt trận, trong hơn 1 năm qua, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác của Trung ương khảo sát nhiều mô hình hợp tác xã trong và ngoài nước. Cũng chính từ những chuyến khảo sát này, người đứng đầu Mặt trận đã đăng đàn nhiều lần từ nghị trường Quốc hội, đến các cuộc họp thường kỳ của Chính phủ và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để bàn về câu chuyện: Hợp tác xã kiểu mới- một trong những bài toán nhằm gỡ khó cho nông nghiệp.

Nỗ lực của người Mặt trận đã tạo nên hiệu ứng và lan tỏa trong các kỳ cuộc. Và đó cũng là tiền đề để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 19 về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã. Chỉ thị 19 yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị MTTQ Việt Nam tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về HTX. Trong đó nhấn mạnh tới việc nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả; Tạo điều kiện cho HTX hưởng các chính sách hỗ trợ; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật HTX. 

http://www.daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/mot-nam-nhieu-an-tuong/81919

 

In bài viết nàyIn bài viết