Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Giáo dục - Du học

Một số ý kiến về chương trình và sách giáo khoa sinh học


Trước hết phải nói rằng không ai có thể phủ nhận được kết quả to lớn, những thành tựu có thể coi là vĩ đại của sự nghiệp giáo dục ở nước ta. Từ một dân tộc thất học với 90% nhân dân mù chữ đến chỗ đã hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học trên toàn quốc. Từ chỗ mỗi tỉnh thường chỉ có 1 trường cấp III trước năm 1954, nay nhiều huyện đã có tới vài trường cấp III. Là một nước nghèo mà có tới ¼ dân số đang đi học (số HS,SV năm học vừa qua là 22,7 triệu người). Truyền thống hiếu học thể hiện rõ ở chỗ dù nghèo khó đến đâu bố mẹ cũng hy sinh để mong muốn con em mình có thể đến trường và có thể học tiếp lên các bậc cao hơn. Hàng năm số tiền các gia đình bỏ ra cho con em mình đi học tự túc ở nước ngoài có lẽ không thấp hơn 100 triệu USD (!). Đến nay đã có trên 20 tỉnh thành được công nhận là Phổ cập Giáo dục TH cơ sở. Gần 1 triệu giáo viên từ Mầm non đến Đại học đã giữ vững được tâm huyết yêu nghề mến trẻ để vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống và gắn bó với sự nghiệp Trồng Người . Vậy mà thật đáng tiếc khi ngành giáo dục hiện nay đang gặp phải những khó khăn rất lớn, khiến dư luận của đông đảo nhân dân không yên lòng. Chúng ta tuyên bố chống tiêu cực bằng các khẩu hiệu Hai không rồi sau đó là Bốn không. Ý tưởng thì rất tốt đẹp, rất chính đáng, nhưng thực tế đã chứng minh là phanh gấp, đổ xe. Năm học trước 40 vạn học sinh thi trượt cấp III. Thấy tình hình bất ổn Bộ chủ trương cho thi lại sau hè và đã vớt 20 vạn em (!) Như vậy là lại trở về bệnh thành tích, vì làm gì có chuyện chỉ sau có một dịp nghỉ hè mà đang dốt trở thành hết dốt? Chống ngồi nhầm lớp là đúng, nhưng 5 năm qua đã có tới 3,5 triệu học sinh bỏ học (!). Chuyện không còn là nhỏ nữa rồi.

Chuyện chấn hưng giáo dục theo tôi là phải đi từ cái gốc, trước hết đó là việc Chuẩn hóa Chương trình giáo dục. Điều này Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam với sự huy động một cách dân chủ các nhà khoa học , các nhà giáo đang đứng lớp giỏi giang và tâm huyết sẽ có thể đảm nhiệm được. Nhưng vừa qua Bộ GD&ĐT yêu cầu tham gia đánh giá cả Chương trình lẫn Sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 nhưng trong thời hạn bắt buộc phải hoàn thành là chưa đầy …1 tháng (!). Không nhận lời thì là tỏ ra thiếu thiện chí, mà nhận lời thì có người cho là…bị điên (!). Cuối cùng cũng vẫn phải cố gắng làm một cách rất vội vã và do đó khó có thể có được hiệu quả đích thực. Các Hội Khoa học chuyên ngành sẽ phải sử dụng phương pháp Chuyên gia, nghĩa là chọn ra các nhà khoa học tiêu biểu thuộc các chuyên môn có liên quan đến nội dung Chương trình và Sách giáo khoa ở bậc phổ thông để rồi chia nhau đóng góp nhận xét, sau đó tổng kết lại để gửi lên Liên hiệp Hội. Tôi thật sự không sao hiểu nổi vì sao một chuyện quan trọng như vậy mà lại phải hoàn thành trong thời hạn không đầy 1 tháng?

Tôi rất băn khoăn về sự nghiệp giáo dục vì gần hết đời người đã gắn bó với sự nghiệp này.Tôi là một trong số rất ít người đã được đào tạo liên tục qua 4 trường Sư phạm (từ SP sơ cấp Việt Bắc, đến SP sơ cấp và Trung cấp ở Khu học xá Nam Ninh đến ĐHSP khoa học Hà Nội). Tôi đã làm công tác giảng dạy và nghiên cứu ở bậc Đại học trên nửa thế kỷ. Bố tôi (GS Nguyễn Lân) và bố vợ tôi (GS Nguyễn Văn Huyên ) cũng là những người cả đời tận tụy vì sự nghiệp Giáo dục. Không có lý do gì tôi không cố gắng nói hết ý kiến của mình để góp phần xây dựng nền giáo dục nước nhà. Nhưng quả tình tôi thấy quá băn khoăn về Chương trình và Sách giáo khoa ở bậc phổ thông. Tôi chỉ theo dõi về môn Sinh vật vì được Bộ cử vào Hội đồng thẩm định về Sách Giáo khoa Sinh học. Chúng tôi không được thẩm định về Chương trình (vì Bộ phân cho Hội đồng khác làm rồi) cho nên việc thẩm định sách giáo khoa rất ít ý nghĩa. Chỉ có thể sửa chữa các chỗ không chính xác, các hình vẽ không hợp lý… Nghĩa là chỉ sửa được cái tiểu tiết, còn cái linh hồn là Chương trình giảng dạy Sinh học thì không được động chạm đến. Tôi đã mua toàn bộ sách giáo khoa Sinh học của các nước tôi có dịp đi qua và tôi rất buồn khi thấy chương trình môn Sinh học của ta chả giống ai cả. Thật ra thì chỉ gần giống với Liên Xô cũ mà thôi. Vừa qua tôi sang Pháp và mua vài chục cuốn sách giáo khoa về Sinh học của cả bậc phổ thông. Đó là các cuốn khác nhau của các nhóm tác giả khác nhau và các nhà xuất bản khác nhau. Tất cả chỉ theo một Chương trình thống nhất nhưng cách trình bày rất khác nhau. Đây là chuyện tôi thất bại vì không thuyết phục được Quốc hội khi đưa vào Luật Giáo dục nội dung chỉ có một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn. Thật ra các ĐBQH chỉ nghĩ đơn giản là mới có một bộ sách mà đã lắm ý kiến nhận xét không hài lòng rồi , nếu nhiều bộ sách thì càng khó hơn. Có lẽ chả có nước nào để một nhà xuất bản độc quyền in sách giáo khoa như nước ta. Chỉ cần đầu tư tập trung xây dựng một chương trình chuẩn có thể yên tâm áp dụng cho nhiều năm .Còn chuyện sách giáo khoa đâu có cần đến tiền bạc của Nhà nước. Đó là chuyện của các nhóm tác giả (đọ sức với nhau thì mới có tác phẩm hay) và của các nhà xuất bản (có in bộ sách vừa hay , vừa phù hợp với chương trình, lại dễ hiểu , dễ nhớ thì mới có thể bán chạy được). Chuyện này cũng như chuyện tên Bộ Giáo dục và đào tạo (?), tên các bậc học TH cơ sở, TH phổ thông (?) nhất định phải kiến nghị sửa lại khi có dịp sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Một nước tiên tiến như Pháp mà học sinh không học môn Sinh học (Biologie) ở trường phổ thông (!). Chỉ học môn Khoa học về Sự sống và về Trái đất (Sciences de la Vie et de la Terre) . Chương trình ở cấp II rất nhẹ, rất hấp dẫn. Kênh chữ rất ít, chủ yếu là kênh hình màu. Bên cạnh đó là các ô Giải thích thuật ngữ , Câu hỏi tự trả lời, Tự khám phá, Tóm tắt... Tôi nghĩ nếu trẻ em chúng ta được học theo chương trình này thì hứng thú biết bao. Khoa học về sự sống có nghĩa là chỉ học các nguyên lý chung cho mọi sinh vật mà thôi. Không cần học kỹ về cấu tạo chi tiết của từng nhóm sinh vật riêng biệt. Hãy tưởng tượng một cháu 12 tuổi ở nước ta mà phải nhớ Sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như Vỏ, Tầng sinh vỏ, Thịt vỏ, Mạch rây, Tầng sinh trụ, Mạch gỗ… ( !). Một cháu 13 tuổi phải nhớ các bộ phận Thùy khứu giác,Thùy thị giác, Não trước, Tiểu não , Hành tủy, Tủy sống của con…thằn lằn ( !). Cháu bé 14 tuổi phải nhớ các Cung phản xạ với các bộ phận Rễ sau, Rễ trước, Sừng bên, Sừng trước, Sừng sau, Hạch giao cảm, Hạch đối giao cảm, Lỗ tủy, Sợi cảm giác, Sợi trước hạch, Sợi sau hạch, Dây phế vị, Thụ quan áp lực… ( !). Đố có cháu nào học xong vài năm mà còn nhớ nổi. Bố mẹ các cháu cũng chả hiểu gì, mà cũng chả cần nhớ làm gì các thứ này. Học sinh Pháp học hai buổi, điều kiện sống rất tốt, giáo cụ trực quan rất nhiều mà học nhẹ hơn học sinh còn rất nghèo và rất khó khăn lại học 1 buổi với số giờ Sinh học rất ít như ta thì thật khó lòng có thể thông cảm được với bộ Chương trình và bộ sách giáo khoa mà Bộ GD&ĐT dự định tiếp tục sử dụng ổn định trong 15 năm tới (!)

Về Chương trình Sinh học cấp III (tôi vẫn thích dùng khái niệm này vì không thể đồng tình với chuyện bậc Phổ thông lại cao hơn bậc Cơ sở !) thì tại Hoa Kỳ chỉ có một chương trình Sinh học với một cuốn sách giáo khoa duy nhất dày khoảng 1100 trang. Đây mới là lúc đi sâu vào Sinh thái học, Tế bào học, Di truyền học,Tiến hóa luận, và đi sâu vào từng nhóm Vi sinh vật, Thực vật, Động vật không xương sống , Động vật có xương sống và Cơ thể người. Tôi thật sự kinh ngạc khi sang Nê Pan và được mua hai cuốn sách Sinh học cho lớp 11và lớp 12. Sách lớp 11 dày 627 trang khổ 24 x 16 với nội dung như sau : Khái niệm về sự sống, Sinh học tế bào, Các phân tử của sự sống, Nguồn gốc và tiến hoa của sự sống,, Phân loại học, Giới Khởi sinh, Giới Nguyên sinh, Giới Thực vật, Hình thái học thực vật hiển hoa,  Một số đại diện của cây một lá mầm và hai lá mầm, Giới Nấm, Giới Động vật, Động vật có xương sống, Virút, Sinh thái học và Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên. Cuốn  Sinh học lớp 12 dày 696 trang khổ 22 x 14 với nội dung: Giải phẫu học thực vật, Mô động vật, Mối liên hệ với nước, Sự thoát hơi nước của thực vật, Quang hợp, Hô hấp, Các chất điều hòa sinh trưởng thực vật, Sự chuyển động ở thực vật, Di truyền và biến dị, Vật liệu di truyền (DNA và RNA) Mã di truyền và Vốn gene, Sự biểu hiện di truyền và điều hòa, Các định luật Mendel về di truyền, đặc điểm và bản chất Sự liên kết và trao đổi chéo, Liên kết giới tính và di truyền, Đột biến và Đa bội thể, Sinh sản và phát triển của thực vật hạt kín, Sự hình thành giao tử ở thực vật, Sự thụ phấn , thụ tinh và phát triển của phôi, Sự phát triển của Ếch, Dinh dưỡng, Hệ thống tiêu hóa, Hệ thống hô hấp, Hệ thống tuần hoàn, Hệ thống bài tiết Điều hòa áp suất thẩm thấu, và tính nội cân bằng, Hệ thống thần kinh, Hệ thống nội tiết, Các giác quan, Hệ thống sinh sản, Sự tăng dân số và các vấn đề liên quan, Bệnh tật ở người: Xác suất xã hội về bệnh tật, Các bện xã hội, Bệnh không liên nhiễm: Ung thư, Đại cương về Công nghệ sinh học, Nuôi cấy tế bào thực vật, Khái niệm về kỹ thuật chọn giống và những dòng kháng bệnh của cây trồng, Phân xanh, Chất kháng sinh và Vắcxin, Cấy ghép mô và cơ quan , Sự chọc ối và Em bé ống nghiệm, Kỹ thuật Di truyền, Kỹ thuật lên men.

Khoan bàn chuyện hai cuốn sách này đều bằng tiếng Anh (vì ở Nê Pan có hai hệ, một hệ học bằng tiếng mẹ đẻ nhưng mỗi ngày có 1 tiết tiếng Anh và 1 hệ học tiếng Anh hoàn toàn từ lớp 1). Cả hai hệ học cùng một chương trình Sinh học như nhau. Câu hỏi đặt ra là một nước được coi là thuộc nhóm nước nghèo nhất thế giới tại sao lại có thể học Sinh học được sâu như vậy được . Câu trả lời thật đơn giản. Họ coi học hết 10 năm phổ thông là đủ kiến thức phổ thông rồi (thế hệ chúng tôi cũng chỉ học có 9 năm mà đâu có dốt nát). Cấp III chỉ có 2 năm nhưng chia ra 4 phân ban để phân luồng đào tạo. Đó là các phân ban Quản trị kinh doanh, KH Xã hội & Nhân văn, Vật lý (để phục vụ công nghiệp và kỹ thuật) và Sinh học (để phục vụ nông lâm nghiệp và y dược). Mỗi phân ban chỉ học có 4 môn học thôi cho nên đủ thời gian để học rất sâu. Chúng ta lại chuẩn bị sát nhập hai kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông với Thi Đại học thì còn phân ban sao nổi ?. Cho nên bàn chuyện Chương trình và Sách giáo khoa đâu có đơn giản, vì liên quan đến cả vấn đề Hệ thống giáo dục đã được xác định trong Luật Giáo dục. Tuy nhiên nếu thật sự muốn chấn hưng giáo dục thì không thể không xem xét cặn kẽ tất cả các khía cạnh này.

Đành rằng thay Chương trình và thay sách lúc này là rất khó vì chúng ta đã chi quá nhiều tiền và quá nhiều công sức cho công việc này, đã cuốn chiếu thay mỗi năm một cuốn sách giáo khoa. Với điều kiện kinh tế của các gia đình có mấy con đi học thì đây là chuyện không hề đơn giản. Nhưng không thể không bắt tay ngay vào việc biên soạn một Chương trình mà mọi người có thể yên tâm coi là chuẩn và có thể sử dụng ổn định lâu dài trong nhiều năm và không chênh lệch mhiều so với các nước trên thế giới. Chuyện in sách giáo khoa sẽ là cuộc thi đua của nhiều nhóm nhà giáo , nhà khoa học khác nhau , nhiều nhà xuất bản khác nhau. Nhà nước không cần bỏ tiền ra để tổ chức biên soạn, in ấn mà chỉ nên mua cho Thư viện của các trưởng phổ thông , sau đó để cho học sinh mượn miễn phí như ở nhiều nước khác. Em nào làm hư hỏng, làm bẩn hay đánh mât thì mới phải trả tiền.

Tóm lại việc làm đầu tiên, quan trọng nhất và cũng cần thận trọng nhất lúc này là việc rà soát lại chương trình Giáo dục phổ thông, có so sánh nghiêm túc với Chương trình ở các nước trên thế giới và theo tinh thần của thời đại Internet (mọi kiến thức chi tiết, cụ thể và biến đổi theo thời gian đều có thể dễ dàng tìm được trên Internet). Mục tiêu của chúng ta là đào tạo những bộ óc chứ không phải đào tạo những tủ sách ! .Học sinh và thày giáo chúng ta đủ tư chất để dạy và học không thua kém gì mặt bằng giáo dục phổ thông của các nước trên thế giới. Chúng ta phải có một bộ Chương trình hoàn chỉnh đến mức tối đa và có thể yên tâm sử dụng trong nhiều năm. Chuyện sách giáo khoa có thể dùng tạm bộ sách hiện hành với sự chọn lọc, bổ sung của giáo viên để khớp với chương trình mới (trong khi chờ đợi việc biên soạn các bộ sách giáo khoa mới.)

Tôi nghe nhiều người có trách nhiệm nói: Chúng ta đã làm ngược!.Nghĩa là dựa vào các sách giáo khoa vốn đã có để viết Chương trình, sau đó lại sửa chữa, bổ sung sách giáo khoa. Tôi không hiểu sự thật có đúng như vậy hay không?

Tôi xem các cuốn sách giáo khoa mà tôi sưu tầm được về môn Sinh học của nhiều nước (khoảng 50 cuốn) và tôi thấy giáo viên của chúng ta nếu cố gắng đều có thể dạy được. Nên học hỏi Trung Quốc trong việc bồi dưỡng giáo viên. Họ chọn ra những giáo viên thật giỏi và làm các bài giảng mẫu in thành đĩa VCD cho mỗi môn, mỗi lớp. Ai kém lắm mà xem đi xem lại các bài giảng mẫu này đều có thể dạy tốt được đến mức chấp nhận được. Còn ở ta kiểu tập trung bồi dưỡng vài tuần trong hè thật là quá tốn kém, quá vất vả mà hiệu quả chả được là bao.

 

                                                                                                                               GSTS.NGUYỄN LÂN DŨNG

In bài viết nàyIn bài viết