Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Giáo dục - Du học

Bạo lực học đường: Vì sao?


Tôi thấy nhà trường nào hiện nay cũng có khẩu hiệu rất lớn trên tường “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đó là một trong những truyền thống rất đáng quý của nền giáo dục nước nhà. Từ xa xưa cha ông ta đã quan niệm đi học trước hết phải là Học để làm người, sau đó mới là Học để làm việc. Làm người theo quan niệm hiện nay là Sống và làm việc theo pháp luật, là Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Với trẻ em đạo đức là chuyện phải được uốn nắn hàng ngày trong gia đình, trong trường học và trong xã hội. Con cái những gia đình có gia phong nền nếp không thể có thói quen nói tục, hỗn láo, hút thuốc, uống rượu, càng không thể có những hành vi bạo lực với bè bạn. Đấy phải là một quá trình rèn luyện mà bố mẹ phải thường xuyên chú ý nhắc nhở, khuyên bảo, răn đe...với con em từ nhỏ cho đến tuổi trưởng thành. Nhà trường từ mẫu giáo đến các bậc học cao hơn là nơi mà thầy cô giáo vừa phải là những tấm gương sáng về đạo đức, vừa phải là người thay mặt gia đình và xã hội bồi dưỡng đạo đức và lý tưởng cho từng học sinh của mình. Mặt khác xã hội phải là một môi trường lành mạnh để ươm những mầm xanh, nâng cánh cho những ước vọng cao cả, đẹp đẽ của thế hệ trẻ. Nếu một trong ba môi trường (gia đình, nhà trường, xã hội) có khuyết tật thì tất yếu ảnh hưởng đến thanh, thiếu niên. Bố mẹ lo làm ăn, chỉ chú ý cung cấp phương tiện vật chất, ít quan tâm theo dõi giáo dục cho con em mình,thậm chí không gương mẫu trong lối sống, không tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thì làm sao có được những đứa con ngoan, trò giỏi. Nhà trường chỉ lo chạy theo thành tích thi cử, thầy cô không gương mẫu trong lối sống, nhận tiền dễ dãi từ phụ huynh học sinh để dạy thêm tràn lan hoặc để nâng điểm trong thi cử thì làm sao làm tròn trách nhiệm Trồng người. Xã hội cũng là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, tư cách của thanh, thiếu niên. Chúng ta thấy ít nước nào có chuyện đi lại hỗn độn trên đường phố, tụ tập nghẽn đường khi thấy có tai nạn giao thông, xả rác tự nhiên khắp nơi, thậm chí vứt xác chuột chết ra giữa đường để xe cộ nghiền nát, ruồi nhặng bâu đầy, rồi thì nói tục, chửi bậy, ăn uống lãng phí nơi nhà hàng, ăn mặc và để đầu tốc nhố nhăng, hở hang, khạc nhổ tự nhiên trên đường phố...Đấy là chưa kể đến những bạo lực liên tục xuất hiện nơi này nơi khá, kể cả bạo lực gia đình, rồi thì còn không ít các hành vi trộm cắp, cướp bóc, không thiếu các sách báo thiếu lành mạnh vẫn còn xuất hiện, nhất là những chuyện tranh mang đậm màu sắc bạo lực...

Hiện tượng rộ lên về việc học sinh đánh nhau đã khiến xã hội rất lo ngại về bạo lực học đường. Muốn khắc phục được tình trạng này chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật về những khiếm khuyết trong cả ba môi trường- gia đình, học đường, xã hội. Cần thấy trách nhiệm của người lớn trước hiện tượng này chứ không phải chỉ quan tâm riêng lẻ đến chuyện kỷ luật từng trường hợp hoặc từ chức một cách tiêu cực khi thấy khó hoàn thành nhiệm vụ.

 

                                                                                                                                 GS.TS. NGUYỄN LÂN DŨNG

In bài viết nàyIn bài viết