Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Khoa học

Có nên phát triển ồ ạt việc trồng sắn (khoai mỳ) và sản xuất cồn sinh học?


Theo Bộ Công Thương, với tổng diện tích sắn vào khoảng 510.000 ha, năng suất bình quân 15,7 tấn/ha, năm 2009 tổng sản lượng sắn cả nước đạt khoảng 8,1 - 8,6 triệu tấn, cao hơn năm 2008 khoảng 0,2-0,4 triệu tấn. Năng suất những năm vừa qua cũng tăng, mặc dù  không nhiều, từ 15,35 tấn/ha năm 2005 (trung bình của thế giới là 12,16 tấn/ha) lên 15,7 tấn/ha năm 2008 nhưng vẫn thấp so với Ấn Độ (31,43 tấn/ha), Thái Lan (21,09 tấn/ha). Nếu trừ đi 22,4% sản lượng vào chế biến thức ăn chăn nuôi; 16,8% cho chế biến thủ công và 12,2% dùng ăn tươi, thì còn khoảng 48,6% (tương đương trên 4 triệu tấn sắn) phục vụ xuất khẩu. Cộng thêm lượng sắn tồn kho khá lớn từ năm 2008 chuyển sang, năm 2009 nước ta có thể xuất khẩu tới 4,5-5 triệu tấn sắn. Với lượng sắn có thể xuất khẩu được trong 5 tháng cuối năm 2008 từ 1,8 - 2,3 triệu tấn, nếu giữ được giá xuất khẩu 175 USD/tấn thì năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu sắn có thể đạt tới 800 triệu USD. Sản lượng sắn trên thế giới năm 2005 là 20 880 triệu tấn và với tốc độ tăng trươnghr hàng năm khoảng 2%. Khoảng 58% dùng để ăn, 22% dùng trong chăn nuôi và 20% dùng để sản xuất tinh bột dùng trong công nghiệp, chủ yếu là Công nghệ sinh học.Nước xuất khẩu sắn ngoài Thái Lan còn có Brazil,Argentina, Venezuela, Uruguay, Paraguay, Việt Nam và một số nước khác . Bộ Công Thương đã không ngần ngại đưa cây sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn vào nhóm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu sắn vừa mừng, vừa lo. Mừng vì từ mặt hàng ít được chú ý, sắn đang là một trong những mặt hàng được các doanh nghiệp nước ngoài tìm mua nhiều nhất trên các trang thương mại điện tử, nhiều hơn mặt hàng gạo. Trong suy thoái của nền kinh tế cây sắn vẫn duy trì được sự tăng trưởng đáng ghi nhận, đem lại một khoản ngoại tệ không nhỏ... Lo vì, nguy cơ sẽ tái diễn tình trạng phát triển ồ ạt diện tích trồng sắn trong cả nước. Mà là trồng sắn không thâm canh, không bón phân, không tưới nước, từ đó dễ dàng dẫn đến bạc màu đất đai và sau này rất khó phục hồi. Sắn là một loại cây trồng mà ngành nông nghiệp chưa một lần khuyến khích phát triển, nhưng diện tích sắn mấy năm nay tăng đến mức báo động. Năm 2005, diện tích trồng sắn của cả nước ở mức 270.000ha, đến năm 2008 đã tăng vọt lên gần gấp 2 lần - 510.000ha. Tính ra, vượt tới 135.000ha so với quy hoạch phát triển cây sắn đến năm 2010. Diện tích sắn tăng nhiều nhất thuộc khu vực Tây Nguyên. Năm 2008, các tỉnh Tây Nguyên trồng trên 95.700 ha, nhưng đến năm 2009 diện tích sắn tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã đạt tới 119.600 ha, tăng 23.000 ha so kế hoạch. Trong đó, tăng nhiều nhất là tỉnh Gia Lai với 16.000 ha, Đăk Lăk gần 6.000ha, Kon Tum trên 5.000ha... Thực chất, đây là sự tăng trưởng đáng sợ (!) .Việc mở rộng diện tích sắn một cách ồ ạt có lợi trước mắt nhưng hại về lâu dài. Vì sắn là cây trồng nếu không thâm canh thì cực kỳ phá đất, chỉ sau 2 - 3 vụ trồng sắn, đất sẽ trở nên vô dụng, nghèo kiệt, bạc màu. Điều đặc biệt nguy hại, sắn mọc tới đâu thì rừng bị tàn phá tới đó. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều người, thời gian tới diện tích sắn tại khu vực này (và có lẽ cả nước) còn phát triển nóng. Trong giai đoạn hiện nay, nói tới chuyện giảm diện tích sắn là điều rất khó khả thi. Đi đôi với ồ ạt mở rộng diện tích, các nhà máy chế biến sắn mọc lên nhanh hơn thời kỳ phát triển nhà máy đường. Năm 2007, cả nước có khoảng 41 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, đến nay con số này là trên 60 nhà máy với tổng công suất sử dụng trên 2,5 triệu tấn củ sắn tươi/năm. Ngoài ra, còn hàng ngàn cơ sở chế biến thủ công nằm rải rác ở nhiều tỉnh và thành phố. Hiện nay đã có nhiều dự án đã bắt tay vào xây dựng các nhà máy cồn sinh học với những khoản kinh phí khổng lồ. Tại Quảng Ngãi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (bio-ethanol) Dung Quất. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 80 triệu USD, trên diện tích 24,62 ha, do Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (PCB) làm chủ đầu tư và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) làm tổng thầu EPC. Đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có quy mô đầu tư lớn nhất miền Trung hiện nay, công suất 100.000m3 ethanol/năm, thời gian xây dựng là 18 tháng, sử dụng nguyên liệu sắn lát. Trước đó, tập đoàn này đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đầu tiên của mình tại tỉnh Phú Thọ và chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy thứ 3 tại tỉnh Bình Phước. Từ năm 2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Quy Nguyên triển khai dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất cồn sinh học xuất học xuất khẩu có công suất 100.000 lít/ngày với nguồn nguyên liệu sắn tươi đang sẵn có trên địa bàn tỉnh.. Nhà máy sản xuất năng lượng sinh học (NLSH) tại Phú Thọ với vốn đầu tư 70 triệu USD, công suất 10 vạn m3 cồn ethanol 99,7%/năm từ nguồn nguyên liệu sắn lát và mía. Nhà máy sẽ tăng công suất gấp đôi vào năm 2012. Công ty Cổ phần Cồn Sinh học Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy sản suất cồn công nghiệp với công suất 66.000m3 cồn/năm tại tỉnh Đắc Lắc. Trong đó, sử dụng 4.000ha nông trường trồng sắn. Hiện, ở châu Âu, tỉ lệ cồn (ethanol) trong xăng là 5,75%; ở Mỹ thông dụng là 10%; các nước khác 5 – 10%. Sắn là nguyên liệu giàu tinh bột, nguồn nguyên liệu chủ yếu cho Công nghệ sinh học, nhất là các Công nghiệp được phẩm mới (có giá trị cao hơn rất nhiều so với Cồn sinh học). Vì vậy việc đầu tư quá lớn cho quá nhiều nhà máy cồn sinh học ở nước ta là chuyện cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư. Chúng ta nên biết rằng để cho ra 1000 lít hỗn hợp lên men ra cồn, sẽ cần đến 150kg bột sắn. Để sản xuất 1kg bột sắn, cần 3.5kg sắn tươi. Với 1000 lít hỗn hợp lên men cần tới 525kg sắn tưới nhưng cồn thành phẩm cho ra tối đa chỉ khoảng 60 lít, còn lại chỉ khoảng 40-50 lít mà thôi. Xu thế hiện đại để sản xuất cồn sinh học phải đi từ nguyên liệu là chất xơ (cellulose) hay các thực vật đại dương. Đây là câu chuyện cần cân nhắc lại rất kỹ vì nếu không cẩn thận thì nhiều vạn ha đất đai sẽ bị bạc mầu hết sau khi trồng sắn theo phương pháp quảng canh truyền thống .

 

                                                                                                                        GSTS.NGUYỄN LÂN DŨNG

                                                                                                   Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam

In bài viết nàyIn bài viết