Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Giáo dục - Du học

Hình ảnh Đại học Hoa Kỳ


Vừa qua tôi có dịp tham quan, khảo sát tại 5 trường Đại học ở Hoa Kỳ (3 trường ở bang California, 1 ở bang Georgia và 1 ở bang Utah). Ấn tượng chung của tôi là cơ sở vật chất của các trường này đều quá tốt. Trường nào cũng có diện tích rộng rãi, có các giảng đường, phòng thí nghiệm, ký túc xá, thư viện rất khang trang. Sinh viên tuy rất đông nhưng có đủ chỗ vui chơi, tập thể thao, tập văn nghệ, mua sắm vật dụng học tập và sinh hoạt...Điểm nổi bật là Trường Đại học nào cũng có rất nhiều cơ sở nghiên cứu tầm cỡ và là nơi tạo ra các thành tựu khoa học quan trọng, các phát minh có giá trị và cả các sản phẩm vật chất cụ thể.

Tôi xin tấy một trường không nổi tiếng bằng 4 trường kia để làm ví dụ. Bởi vì chúng ta phấn đấu để có một trường Đại học như trường này đã là khó lắm rồi. Tôi muốn nói đếnTrường Đại học Utah ở thành phố Salt Lake. Trường ở trên một diện tích rộng rãi , cao hơn thành phố và nhìn xuống thành phố vào ban đêm thật là đẹp. Chung quanh thành phố Salt Lake là trùng điệp các dãy núi tuyết phủ trắng xóa. Nơi đây đã là địa điểm tổ chức Olympic Mùa đông thế giới năm 2002. Tuy thành phố này chỉ có 178 nghìn người nhưng có không ít người gốc Việt định cư. Chợ Việt không khác gì ở California nghĩa là có đủ các thực phẩm dân tộc, từ rau muống, rau thơm, dọc mùng cho đến nước mắm, mắm tôm...   

Đại học Utah được thành lập từ năm 1850 (với tên gọi là Đại học Deseret) và được mang tên như hiện nay từ năm 1894. Trường hiện vó 13 760 giảng viên và nhân viên, trong đó có rất nhiều giáo sư nổi tiếng. Hiện đang có 22 661 sinh viên và 6531 nghiên cứu sinh Thạc sĩ và Tiến sĩ. Trong số 3500 trường Đại học và Cao đẳng trên khắp Hoa Kỳ thì ĐH Utah chỉ mới xếp thứ 120 (năm 2007) . Mười trường dẫn đầu Hoa Kỳ là Princeton Univ., Harvard Univ., Yale Univ., California Inst. of Technology, Stanford Univ., Massachusetts Inst. of Technology, Univ. of Pennsylvania, Duke Univ., Darmouth College, Columbia Univ., Univ. of Chicago. Tuy Đại học Utah đứng thứ hạng 120 nhưng quả thật khó có thể hình dung nổi điều kiện học tập và nghiên cứu tại trường Đại học này tốt đến mức nào. Chỉ nhìn vào danh sách 47 Trung tâm và Viện nghên cứu khoa học đủ hiểu chất lượng đào tạo và chất lượng nghiên cứu khoa học ở đây ra sao. Riêng liên quan đến Sinh học tôi thấy có Viện nghiên cứu Não bộ, TT nghiên cứu Tế bào, TT nghiên cứu Di truyền, TT nghiên cứu Độc tố học, TT nghiên cứu Ung thư, TT máy tính tích hợp Y sinh học,...Đại học Utah thu hút sinh viên và nghiên cứu sinh từ khắp 50 bang của Hoa Kỳ và 111 quốc gia trên thế giới. Hiện có 1797 sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế đang có mặt tại Trường. Tôi gặp tại đây một tập thể trên 20 nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam. Trò chuyện với các em thấy đây đúng là một nơi học ra học, nghiên cứu ra nghiên cứu. Dù là các em đã được chọn lọc rất khắc khe để có được học bổng qua đây nhưng tất cả đều phải làm việc rất khẩn trương , rất tích cực mới đáp ứng được yêu cầu của nhà trường. Cũng mừng là các em đều đạt kết quả tốt trong học tập và nghiên cứu, không thua kém gì các bạn người Mỹ và các nước khác. Cách nhận đề tài cũng rất thú vị. Giáo sư đề xuất ra một giả thuyết, có thể là cơ sở của một phát minh, và một số nghiên cứu sinh thuộc các chuyên ngành khác nhau ( chẳng hạn như Sinh học phân tử, Y học, Sinh hóa học, Sinh lý học, Vi sinh vật học...) nhận một phần đề tài để chứng minh cho giả thuyết này. Điều kiện thực nghiệm là rất tốt và tài liệu tham khảo thì quá đầy đủ. Không kể tới một thư viện khổng lồ mà hầu như sách báo gì cần thiết cũng đều có, còn phải kể đến việc ngồi đâu cũng có thể vào mạng và mạng của Trường cho phép tải về toàn văn các bài báo khoa học có liên quan. Các em nghiên cứu sinh đều phải mua máy in chính là vì để in ra các bài báo có liên quan. Nhìn vào danh mục hàng trăm bài báo in sau các luận án bảo vệ trong nước ta thấy đa phần là “trích lại” chứ rất ít bài báo được đọc trực tiếp từ văn bản gốc (!). Mạng Internet thông dụng đâu cho phép tải về các tài liệu cụ thể này. Điều kiện ăn ở của sinh viên và nghiên cứu sinh có thể nói là quá tốt. Hiện có tới trên 24 500 sinh viên và nghiên cứu sinh sống nội trú trong trường. Tôi ghé vào thăm phòng ở của 2 nghiên cứu sinh nữ. Hai em có tất cả 5 phòng: 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 bếp và 1 phòng tắm giặt-vệ sinh. Điện nước dùng thoải mái vì đã tính tất cả trong tiền phòng rồi. Các em có thể sống đầy đủ trong phạm vi học bổng và được ăn cơm tự nấu lấy với thức ăn như trong nước. Nhiều em dành đủ tiền mua ô tô ( xe dùng rồi chỉ khoảng 2000 USD !). Một em bị va chạm xe làm bẹp một cánh cửa và gẫy gương chiếu hậu, em bán lại có ...500 USD (!) để rồi mua xe khác (vì nếu đem chữa thì đắt nhiều so với mua xe khác!). Trường Đại học này đào tạo sinh viên thuộc tới 96 chuyên ngành khác nhau thuộc đủ các ngành: khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, kiến trúc, quản trị, sư phạm, công nghệ, y học, dược học, nghệ thuật, luật, mỏ và địa chất, ...Với chất lượng đào tạo tốt như vậy nên sinh viên ra trường không lo gì thiếu việc làm trong xã hội. Nhiều công ty săn đón sinh viên giỏi ngay từ khi sinh viên đang học.         

So sánh với tình hình trong nước tôi thấy muốn có Đại học chất lượng cao không thể không quan tâm đến cơ sở hạ tầng (trường lớp, phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá, phương tiện kết nối Internet, sân chơi, nhà văn hóa, cửa hàng sách và vật liệu thông dụng, đường xá, nhà để xe...). Bên cạnh đó là xây dựng các Viện và Trung tâm nghiên cứu trực thuộc Trường, cùng với đội ngũ thầy cô giáo đủ năng lực giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học. Sinh viên có thể tuyển rộng rãi đầu vào nhưng với kỷ cương rất nghiêm về chất lượng để có thể đảm bảo đầu ra. Các em không thi đủ tín chỉ thì phải học nhiều năm hơn hoặc nếu thấy không thể theo nổi thì phải tự chuyển sang hệ học nghề (ra đời dễ kiếm được việc làm và lương bổng cũng đâu có thấp). Quan hệ quốc tế và việc học ngoại ngữ cũng là những yêu cầu không thể thiếu được. Chúng ta nói nhiều đến Đại học đẳng cấp Quốc tế nhưng do điều kiện kinh tế còn eo hẹp cho nên chỉ có thể chọn trường để đầu tư một cách tập trung và rút kinh nghiệm để mở rộng dần sang các trường khác. Trong khi chưa có điều kiện đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất thì cần ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên Đại học và kiên quyết thực hiện việc đưa các Viện, các Trung tâm nghiên cứu khoa học về với các trường Đại học hoặc tạo cơ chế để có thể gắn bó chặt chẽ với các trường Đại học. Việc các Trung tâm tư nhân môi giới việc gửi sinh viên sang Hoa Kỳ (cũng như sang các nước khác) cần có trách nhiệm cao trong việc lựa chọn trường. Đã có trường hợp sinh viên ta phải học tại các trường bổ túc văn hóa buổi tối (!) hay các trường có chất lượng quá thấp. Danh sách thứ tự về chất lượng của các trường Đại học và Cao đẳng ở Hoa Kỳ (124 trường) có thể tham khảo trên Google với từ khóa là “America’s Best College 2007”.

 

                                                                                                                                   GSTS. Nguyễn Lân Dũng

In bài viết nàyIn bài viết