Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Giáo dục - Du học

Chạy trường là chuyện cần chấm dứt


Ngày nay người ta hay nói dến chuyện "chay" nhiều quá. Việc gì cũng phải " chạy", không " chạy" thì không xong. Chạy chức, chạy quyền, chạy giấy tờ, chạy trường, thậm chí chạy cả huân chương, bằng khen (!). Điều này trái ngược với bản chất ưu việt của Chủ nghĩa xã hội. Trong cuốn "Đạo đức cách mạng " Bac Hồ viết: "Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa" (HCM toàn tập, T.8,1989,tr.246).

" Chạy" nói đúng ra là sự đút lót bằng tiền bạc hay nói cách khác là sự hối lộ trắng trợn hay bằng những sự đổi chác bất chính.     

Ai cũng muốn cho con em mình được học ở những trường có chất lượng cao, được quản lý tốt, không quá xa nhà...Ai cũng muốn con em mình được học các trường có thầy cô giáo dạy giỏi, học sinh ngoan và có triển vọng để sau này học tiếp lên các bậc cao hơn một cách dễ dàng. Những nguyện vọng đó là chính đáng. Nhưng tại sao lại phải "chạy"? Chính vì số trường đạt các tiêu chuẩn đó chưa nhiều mà số trường có chất lượng thấp lại còn quá phổ biến. Mật ít, ruồi nhiều thì đành phải cố gắng kiếm tiền để "chạy". Chạy được cũng là do có người nhận tiền để lo cho con em người có tiền. Trước đây học sinh được phân theo đặc điểm địa dư để các em đi học cho gần. Nay thì học ở xa nhà cũng không sao miễn là "chạy " được. Tôi không có bằng chứng về chuyện này nhưng đi đâu cũng nghe nói là không "chạy" thì không xong (!)      

Một năm trước lúc đi xa, vào ngày 16-10-1968 Bác Hồ trong thư gửi nhân dịp bắt đầu năm học mới đã viết:" Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới" Sđd, T.12,1996,tr.404)       

Sự nghiệp giáo dục của ta đã có những bước phát triển rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên vì phải phục vụ một số lượng học sinh quá đông, trường sở còn chật hẹp và thiếu thốn đủ bề, số thày cô giáo chưa đạt chuẩn còn không ít. học phí không bù đắp nổi các chi phí thực tế...cho nên chất lượng giáo dục, chất lượng quản lý giữa các trường ngay trong cùng một thành phố, một thị xã còn chênh lệch nhau rất xa.       

Để khắc phục tìng trạng "chạy" trường theo tôi cần thảo luận để giải quyết theo các hướng sau đây:
        1- Có một số trường chất lượng cao, hay trường dạy song ngữ để bồi dưỡng nhân tài thì chỉ lựa chọn học sinh giỏi hay có năng khiếu một cách nghiêm chỉnh thông qua thi tuyển nghiêm túc và không có bất kỳ một trường hợp ngoại lệ nào. Ngoài tiêu chuẩn kiến thức còn cần xét cả về tư cách đạo đức. Hàng năm có thể chọn các học sinh xuất sắc từ các trường khác chuyển sang các trường này.
        2- Khẩn trương xem xét lại chương trình giáo dục phổ thông (không cần đợi đến năm 2015 như ý kiến của Bộ GD&ĐT) sao cho không chênh lệch bao nhiêu so với các nước khác. Cụ thể là cấp II cần học nhẹ hơn và cấp III học cần học sâu hơn (do phân ban sâu ở hai lớp 11 và 12). Học và thi theo chương trình chứ không nhất thiết theo sách giáo khoa, vì vậycho nên có thể dùng tạm bộ sách giáo khoa hiện hành nhưng có sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên
        3-Tiêu chuẩn hóa giáo viên để ai chưa đủ tiêu chuẩn phải xuống dạy lớp thấp hơn hay được cử đi bồi dưỡng thêm. Đầu tư thêm để các trường lớp ngày càng khang trang và tránh tình trạng quá xập xệ, chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu nhà vệ sinh.... Nghiêm chỉnh coi trọng tư cách đạo đức của học sinh và có biện pháp thỏa đáng để giáo dục những học sinh lười nhác, hư hỏng (cần phối hợp chặt chẽ với gia đình và các đoàn thể thanh thiếu niên trong trường).
        4- Học sinh học theo khu vực cư trú khi các trường không còn chênh lệch nhiều về chất lượng giảng dạy và quản lý học sinh.
        5- Coi việc đưa và nhận hối lộ là vi phạm Bộ luật Hình sự và cần được xử lý thật nghiêm để làm gương. Càn có sự kiểm tra chặt chẽ của các cấp quản lý giáo dục về chuyện này. Đó là hành động thiết thực để nâng cao uy tín thầy cô giáo, uy tín toàn ngành Giáo dục.

                                                                                                                                     GSTS.Nguyễn Lân Dũng

 

 

 

In bài viết nàyIn bài viết