Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Giáo dục - Du học

Thầy lại dương cánh buồm căng gió đưa tôi ra khơi


Hơn 40 năm đã trôi qua, quãng thời gian đủ để xóa nhòa mọi niềm vui nỗi sầu, nhưng cũng có những thứ thời gian không bào mòn nổi, đó là ký ức về vị ân sư của tôi.

Nếu bạn theo dõi chương trình KCT trên đài VTV II trước đây, thì người”Hỏi gì đáp nấy”một cách chính xác và dí dỏm; cũng như chuyên mục”Nông thôn ngày nay” trên đài VTV I , người trò chuyện thân tình với nông dân chính là người thầy của tôi. Ông cũng là người đứng trên diễn đàn Quốc hội liền 3 khóa, phát biểu hùng hồn bênh vực cho những người dân bình thường nhất, đó là hình ảnh người thầy của tôi – GS.TS Nguyễn Lân Dũng.

Tôi vốn là học sinh gốc Hoa sinh ra và lớn lên ở Thành phố Cảng trong một gia đình có truyền thống công kỹ nghệ, hằng ngày cắp sách đến trường với thầy trò tòan người Hoa. Đến năm tốt nghiệp phổ thông, các sỹ tử mới giật mình vì vốn tiếng Việt non kém của mình. Tôi may mắn thi đậu vào khoa Sinh, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.      

Ngôi trường cổ kính trên đường Lê Thánh Tông có sức dung hòa kỳ lạ, rào cản ngôn ngữ rồi cũng nhanh chóng được vượt qua, tôi bước sang năm thứ 2 với thành tích xuất sắc. Lần đầu tiên nghe thầy Lân Dũng đứng trên bục giảng, tôi bị lôi cuốn ngay không chỉ vì một thế giới sinh vật mắt thường không nhìn thấy được, mà còn bởi cách diễn đạt sinh động của Thầy. Điều làm tôi ngạc nhiên là Thầy không những thông thạo các tiếng Anh, Pháp, Nga, mà còn biết cả tiếng Trung. Tôi đã không do dự chọn ngay môn Vi sinh vật học làm chuyên ngành của mình.

Năm học cuối, tôi bận rộn hết từ giảng đường, thư viện rồi đến phòng thí nghiệm, tới mức quên ăn quên ngủ, miệt mài với bản khóa luận tốt nghiệp. Đến khi chấp bút, tôi mới nhận thấy trình độ tiếng Việt của mình vẫn chưa đủ để viết một đề tài hòan chỉnh, đành phải viết bằng tiếng Hoa, một việc chưa từng có lúc bấy giờ. Thầy đã giúp tôi chuyển ngữ thành công, nhờ đó tôi đã tốt nghiệp đại học lọai Ưu năm 1964. Vốn có chút năng khiếu về tóan, tôi đã đưa pgương pháp xác suất vào nội dung khóa luận và thầm nghĩ, Thầy giỏi Sinh, giỏi Hóa, nhưng chưa chắc đã giỏi Tóan, phen này sẽ gây khó cho Thầy. Không ngờ, Thầy không những hiểu thấu đáo, còn đưa thêm cho tôi tài liệu tham khảo và chỉ dẫn tôi viết sao cho hòan chỉnh hơn.

Thầy hướng dẫn tôi đi về đề tài Vi khuẩn cố định đạm không cộng sinh Azotobacter. Thầy đã dạy chúng tôi bước ra khỏi tháp ngà, đưa thành quả khoa học đến tận tay nông dân. Về sau tôi được biết, Thầy đã sáng lập Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ KHKT vào từng hộ nông dân và đã được bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ký quyết định thành lập. Bằng thực tiễn của mình, Thầy đã nêu gương sáng cho học trò noi theo. Thầy không những chỉ truyền thụ kiến thức, còn dạy chúng tôi phải trung thực trong khoa học; điều không chỉ là đạo đức khoa học, còn là chuẩn mực làm người. Hơn 40 năm lăn lộn đường đới, dù thanh bần, tôi không dám làm sai giáo huấn của Thầy.

Thầy tôi tốt nghiệp từ năm 18 tuổi, điều có lẽ phải ghi vào Kỷ lục Việt Nam. Do hòan cảnh trớ trêu, Thầy chưa từng được đào tạo ở nước ngòai, nhưng với lòng say mê khoa học và nghị lực phi thường, Thầy đã tự học để vượt qua tất cả. Tính đến cuối năm 2007, Thầy đã công bố 174 công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, sách tham khảo và sách phổ biến khoa học. Thầy đã cố gắng không mệt mỏi xây dựng cơ sở vật chất cho việc nghiên cứu Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, từ Phòng nghiên cứu chuyên đề Vi sinh vật học phát triển lên thành Trung tâm nghiên cứu Vi sinh vật học ứng dụng, đến tháng 5 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng cấp thành lập Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học.

Tôi chẳng có được nghị lực như Thầy, sau khi tốt nghiệp đại học, vì có ông bố là tư sản di cư, hết đường tiến thủ, cố gắng lắm mới kiếm được chân viên chức quèn ở tỉnh lẻ, sống yên phận qua ngày. Sau năm 1975, tôi vào Nam sinh sống, tình cờ gặp Thầy ngay chợ Bến Thành. Lúc đó bố tôi đang làm chủ hãng nhựa Union Plastic ở Chợ Lớn, tôi mời Thầy về thăm xưởng nhựa của bố tôi. Union Plastic chỉ là xưởng bậc trung, chẳng mấy tên tuổi, nhưng vẫn được Thầy khen là”còn lớn hơn Xí nghiệp Nhựa Tiền Phong Hải Phòng”. Bố tôi muốn chứng tỏ mình”thức thời”, đã trình bày với Thầy kế họach mỗi tuần đưa nhân viên văn phòng xưởng cùng lao động với công nhân 1 buổi. Thầy trả lời hóm hỉnh:”Hôm đó sẽ mời công nhân lên ngồi văn phòng”, làm cho mọi người có mặt đều cười ồ. Câu nói vui đó nói lên một chân lý sâu xa: Xã hội có phân công, không thể tùy tiện đảo lộn duy ý chí, mà lúc đó không phải ai cũng dám nói ra.

Mùa Thu năm 2007, tôi có việc về Hà nội nên có dịp đến thăm Thầy tại tư gia số 1 Trần Thánh Tông – ngôi nhà đầy sách và cũng bình dị như chính cuộc đời thầy. Bao năm xa cách, Thầy vẫn nhận ra đứa học trò nhỏ năm xưa viết khóa luận bằng tiếng Hoa. Sau vài câu thăm hỏi, biết tôi có viết lách giải khuây, Thầy liền đưa cho tôi mấy cuốn sách dày cộp, đề nghị tôi phiên dịch rồi sau đó Thầy sẽ sọan lại, cùng đứng tên ra sách tham khảo cho sunh viên.

Về tới Sài Gòn, lòng tôi xao xuyến không nguôi, tôi đâu đủ tầm đứng liên danh với Thầy, nhưng tôi đã cảm nhận được: một lần nữa, Thầy muốn dương cánh buồm căng gió đưa tôi ra khơi. Tình cảm đó, không phải chỉ dành cho tôi, mà là dành cho cả thế hệ trẻ, hay nói rộng hơn, là cho cả tình hữu nghị Việt-Hoa.

Đêm khuya thanh vắng, khi đã mệt nhòai, tôi chợt nhới đến giọng nói trầm bổng, ấm cúng của Thầy như đang thúc giục. Tôi liền pha ấm trà đặc, gắng ngồi trước máy vi tính đánh thêm vài trang, mong không phụ công dìu dắt của vị ân sư.

 

Giải Nhất cuộc thi viết về”Người thầy của tôi” -báo Người Lao động

Chung Chí Thành

In bài viết nàyIn bài viết