Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Khoa học

Tảo xoắn Spirulina


Đây là một loại vi sinh vật có hình xoắn sống trong nước mà người ta quen gọi là Tảo xoắn với tên khoa học là Spirulina platensis. Thực ra đây không phải là một sinh vật thuộc Tảo (Algae) vì Tảo thuộc nhóm Sinh vật có nhân thật (Eukaryotes). Spirulina thuộc Vi khuẩn lam (Cyanobacteria), chúng thuộc nhóm Sinh vật có nhân sơ hay nhân nguyên thủy (Prokaryotes). Những nghiên cứu mới nhất lại cho biết chúng cũng không phải thuộc chi Spirulina mà lại là thuộc chi Arthrospira. Tên khoa học hiện nay của loài này là Arthrospira platensis, thuộc bộ Oscilatoriales, họ Cyanobacteria (http://www. cyanotech.com/ spirulina/ spirulina_specs.html)

Ta quen gọi là Tảo xoắn Spirulina , cũng không sao. Vấn đề quan trọng là  sinh khối của chúng rất giàu dinh dưỡng và có nhiều tác dụng chữa bệnh nên đã được nuôi trồng ở quy mô công nghiệp và được sản xuất dưới dạng viên để phòng chống nhiều loại bệnh tật. Nhân dân nhiều vùng ở Mexico và châu Phi từ lâu đã quen sử dụng Spirulina làm thức ăn bổ sung. Nó được gọi dưới tên là Ballerina.        

Spirulina thích hợp với môi trường kiềm cho nên từ lâu đã phát triển tự nhiên trong các hồ ở thung lũng Rift (Đông Phi) hay ở Cộng hòa Chad. Chúng chịu được độ pH rất cao nên trong những môi trường đặc biệt như vậy hầu như không nhiễm tạp bởi các loài sinh vật khác. người dân chỉ việc đặt vải trên cát, đổ nước hồ lên rồi phơi nắng là thu được sinh khối Spirulina. Đáng chú ý là ở chỗ sinh khối này chứa tới 62% protein với đủ các loại acid amin cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Ngoài ra còn chứa phong phú vitamin B12 . Beta-carotene , xanthophyll và nhiều nguyên tố khoáng. Các nhà khoa học đã phân lập thuần chủng để tiến hành nuôi cấy chúng ở quy mô công nghiệp nhằm tạo ra các viên nén Spirulina. Hàng triệu người trên thế giới đã dùng thường xuyên các viên nén này như một loại thuốc bổ dưỡng cao cấp. Tuy nhiên để tạo điều kiện đủ độ kiềm trong môi trường nuôi cấy  Spirulina người ta cần dùng tới khá nhiều natri bicarbonat. Như vậy sẽ rất tốn kém. Thật may, thiên nhiên đã tạo ra ở Vân Nam (Trung Quốc) một hồ lớn có độ kiềm cao, vì vậy tại đây đã có một  xưởng lớn chuyên sản xuất Viên nén Spirulina phục vụ rộng rãi cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam may mắn cũng có một nguồn nước có độ kiềm cao, đó là nguồn nước suối Vĩnh Hảo ở Bình Thuận. Công trình nghiên cứu tại Vĩnh hảo được triển khai bởi một Đề tài cấp nhà nước do Cố GS Nguyễn Hữu Thước chủ trì và hiện nay được Công ty cổ phần nước khoáng Vĩnh Hảo đang sản xuất dưới dạng viên nén với công suất tới 8-10 tấn / năm.      

Tuy có lượng chứa protein rất cao nhưng mỗi ngày chỉ dùng có 6-10 viên (mỗi viên 0,3g) thì cũng chả nghĩa lý gì. Không giống như người dân ở Chad dùng Spirulina để nấu cháo ăn với số lượng lớn hàng ngày.Vậy thì giá trị đích thực của viên Spirulina là ở chỗ nào?

Phân tích các viên nén Spirulina thường được sản xuất tại Hawaii người ta nhận thấy hàm lượng protein > 52%; beta-carotene> 1600mg/kg; tổng số carotenoids> 3500mg/kg; phycocyanin (thô)> 10% (www.cyanotech.com) . Tỷ lệ từng acid amin trong sinh khối Spirolina được Chen Tiannfeng (Jinan Univ.) xác định như sau (mg/g):Asp-54,12; Glu-81,43; Ser-23,71; Arg-28,17; Thr-32,88; Gly-23,63; Ala-30,49; Pro-17,12; Val-20,81, Met-9,56; SeMet- 0,26; Ile-20,50; Leu-32,70; Phe- 18,87; Cys+CysH- 11,26; Lys-19,82; His- 5,90; Tyr-13,21.      

Nhiều nghiên cứu cho biết sinh khối Spirulina có thành phần calcium spirulan, là chất có tác dụng ức chế sự phát triển nhiều loại virus , kể cả HIV . Sinh khối này còn làm hạ lượng chứa cholesterol trong máu. Thành phần phycocyanin có tác dụng oxy hóa nên làm ức chế độc tố gan hepatotoxin. Spirulina có tác dụng nâng cao tính miễn dịch, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Nghiên cứu của R. Kozlenko và cộng sự (www.spirulina.com/SPLNews96.html)  đã chứng minh Spirulina có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của virus qua màng tế bào. Các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học đã chứng minh khả năng ức chế ung thư của sinh khối hay dịch chiết của Spirulina (M.Babu et al., 1995; L.Lisheng et al. 1991; Pang Qishenet al., 1998). Spirulina có tác dụng kích thích sự tăng nhanh các tế bào hồng cầu  bạch cầu và nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể (M.A.Qureshi et al./1995, 1996). Tác dụng phổ biến của việc sử dụng thường xuyên các viên nén Spirulina là giảm khả năng ung thư, nâng cao tính miễn dịch, ức chế virus, chống lão hóa và làm giảm nếp nhăn, làm giảm cholesterrol máu, hạn chế các tai biến về tim mạch...

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lan Dũng

In bài viết nàyIn bài viết