Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Khoa học

Cần bảo vệ rạn San hô


Tiểu ban San hô của Dự án Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đánh giá san hô Việt Nam có tính đa dạng về thành phần loài thuộc diện cao nhất thế giới. Các nhà khoa học đã điều tra thấy Việt Nam có khoảng 1 222km2 rạn san hô , phân bố suốt từ ven biển từ Bắc tới Nam. Nhiều nhất ở miền Trung và miền Nam. Đã xác định được khoảng 400 loài. Tại Việt Nam có tới 90% các loài san hô cứng của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, và cũng là. khu vực có nhiều nhất các loài san hô mêm thuộc chi Alcyunaria.

San hô là danh từ Hán Việt chỉ một lớp động vật không xương sống tên khoa học là Ạnthozoa, người Nhật gọi là Hoa Trùng, Pháp gọi là Anthozoaires, Anh gọi là Corals hay Sea anemones, Đức gọi là Blumentiere. San hô tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ giống như Hải Quỳ, mỗi polip chỉ có đường kính vài mm mà thôi.

Chúng thường sống thành các quần thể gồm hàng ngàn cá thể giống hệt nhau. Chúng tiết ra canci carbonat (caCO3) để tạo ra các bộ cương cứng và xây nên các rạn san hô (Coral reef ) tại các vùng biển nhiệt đới. Các cành san hô mà chúng ta thường lấy làm vật trang trí là các nhánh xương canci mà trên đó san hô đã chết và không còn vết tích gì nữa. Khi còn sống san hô phát triển nhờ sinh sản vô tính của các polip, cũng có cả dạng sinh sản hữu tính nhờ các giao tử vào thời điểm các đêm trăng tròn. San hô thu nhận chất dinh dưỡng chủ yếu từ các tảo sống cộng sinh với san hô. Tảo cần ánh sáng để quang hợp cho nên san hô thường phát triển ở các vùng nước trong và nông, thường ở độ sâu không quá 60m.. San hô tạo nên cấu trúc vật lý cho các rạn san hô phát triển ở các vùng biển nhiệt đới hoặc á nhiệt đới. Có những loài san hô có thể dùng tế bào châm (nematocyst) tiết chất độc tại các xúc tu để bắt phù du. Vì vậy có những loài san hô không cộng sinh với tảo và có thể sống tại các vùng nước lạnh và sâu. Ví dụ các loài thuộc chi Lophelia sống ở độ sâu tới 3000m tại Đại Tây Dương. Những loài san hô sống tại vùng nước sâu còn gặp ở vùng tây nam Cape Wrath, Scotland, ở bang Washington, ở quần đảo Aleutian tghuộc Alaska (Hoa Kỳ)…        

Rạn san hô theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia là được xây dựng từ các thế hệ san hô tạo rạn và các sinh vật khác với cấu tạo cơ thể chứa cacbonat canci. Ví dụ, khi một đầu san hô sinh trưởng, nó tạo một cấu trúc xương bao quanh mỗi polip mới. Sóng, các loài sinh vật (như cá vẹt, nhím biển, hải miên), và các lực khác làm vỡ các bộ xương san hô thành các mảnh nhỏ lấp các chỗ trống trong cấu trúc rạn. Nhiều sinh vật khác trong cộng đồng rạn san hô cũng đóng góp bộ xương cacbonat canxi của mình một cách tương tự. Các loài tảo san hô (Coralline algae), gồm tảo Zooxanthelat (Symbiodinium spp.) và tảo sợi, là những nhân tố đóng góp quan trọng đối với cấu trúc rạn ở những phần rạn phải chịu sóng lớn (ví dụ mặt rạn đối diện với đại dương). Các loài tảo này xây rạn bằng các tiết đá vôi thành từng lớp phủ lên bề mặt của rạn, nhờ đó làm tăng tính đồng nhất về cấu trúc của rạn.

Các loài san hô tạo rạn hoặc san hô tạo đá ngầm (hermatypic) chỉ được tìm thấy ở những vùng có ánh sáng (độ sâu tối đa 50 m), độ sâu đủ ánh sáng mặt trời cho sự quang hợp. Các polip san hô không quang hợp mà có quan hệ cộng sinh với loại tảo đơn bào có tên zooxanthellae; từ trong các mô của polip san hô, các tế bào tảo thực hiện quang hợp và tạo dinh dưỡng dư thừa mà polip san hô sử dụng. Do quan hệ này, các rạn san hô phát triển nhanh hơn trong các vùng nước trong, nơi nhận được nhiều ánh sáng mặt trời. Quan hệ cộng sinh này giúp cho rạn san hô ở chỗ: nếu không có tảo cộng sinh, san hô sẽ sinh trưởng quá chậm để có thể hình thành các cấu trúc rạn lớn. San hô có thể lấy tối đa 90% dinh dưỡng cho mình từ tảo zooxanthellae cộng sinh.Tuy người ta có thể thấy san hô sinh trưởng tại hầu như khắp nơi trên một rạn san hô khỏe mạnh, việc mặt rạn phẳng ngày càng cao lên so với mực nước biển dẫn tới hạn chế đáng kể đối với sự tăng trưởng của san hô. Nói chung, chỉ có một số ít các loài san hô cứng có thể mọc tốt trên mặt rạn phẳng, và những loài này không thể phát triển ở trên một độ cao nhất định vì khả năng chịu đựng không cao của của các polip đối việc bị phơi ra trong không khí khi thủy triều xuống. Tất nhiên, một số mặt rạn san hô có thể phát triển cao lên và mang theo khoảng 1 m nước biển ở trên bề mặt, và khi đó sự tăng trưởng của san hô sẽ rất nhanh. Chính sự phát triển hướng lên trên của tảo san hô trên phần bên ngoài của mặt rạn dẫn tới sự nâng cao của bề mặt rạn, bề mặt này dốc thoai thoải về phía bờ biển hoặc phá nước và rất dốc về phía biển. Sự phát triển nhanh của các loại tảo này là kết quả đối với chuyển động của sóng mang các sinh dưỡng vô cơ tới và mang rác thải đi. Hiệu ứng xấu của việc vị phơi ra khi triều xuống phần nào đó được cải thiện bởi các đợt sóng mạnh liên tục đánh vào mép rạn. Tuy nhiên, các rạn trưởng thành ở trong trạng thái cân bằng giữa cả mực nước biển cộng với sóng và tốc độ nâng cao bề mặt của mình, lượng đá vôi thừa được sóng đánh khỏi mép rạn mở rộng rạn theo chiều ngang và lấp các vùng thấp. Người ta thấy sự phát triển của san hô ở các vùng nước nông bị lộ ra khi triều xuống không cao bằng của san hô ở vùng nước sâu hơn: dốc phía trước mặt rạn, trong phá nước, và dọc theo các kênh rãnh cắt qua mặt rạn. Trong điều kiện nước trong, nước biển nhiều sóng, san hô tạo ra lượng lớn vật liệu xương tạo nên rạn và cấu trúc phức tạp, dẫn tới sự đa dạng sinh học cao của các loài cá và động vật không xương sống trong rạn.

Rạn san hô ngầm ước tính bao phủ trên 284.300 km². Vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương (bao gồm Hồng Hải, Ấn Độ Dương, Đông Nam ÁThái Bình Dương) chiếm 91,9% trong tổng số. Đông Nam Á chiếm 32,3% trong khi Thái Bình Dương bao gồm cả Australia chỉ chỉ bao phủ 40,8%. Tại Đại Tây Dươngbiển Caribbe thì rạn san hô chỉ bao phủ 7,6% diện tích san hô trên thế giới. Rạn san hô không xuất hiện dọc theo bờ biển phía Tây của châu Mỹ cũng như châu Phi. Vì sự gia tăng của mực nước và những dòng biển lạnh ven bờ làm giảm nhiệt độ nước trong những vùng này. San hô cũng không xuất hiện ở bờ biển Nam Á từ Pakistan tới Bangladesh. Chúng hầu như không có dọc theo bờ biển xung quanh Đông Bắc Bắc MỹBangladesh vì nước ngọt từ sông AmazonHằng làm giảm chất lượng nước.Những rạn san hô và vùng san hô nổi tiếng của thế giới là:

Tuy ở tại các vùng nước nhiệt đới ít dinh dưỡng, các rạn san hô hỗ trợ một hệ thống đa dạng sinh học đặc biệt. Quá trình luân chuyển dinh dưỡng giữa san hô, tảo đơn bào, và các sinh vật khác sống trong rạn giải thích tại sao các rạn san hô sinh sôi nảy nở tại những vùng nước này; sự tái sử dụng làm giảm tổng lượng dinh dưỡng cần cho cả cộng đồng.

Vi khuẩn lam cũng cung cấp các muối nitrat hòa tan cho rạn san hô bằng quá trình cố định nitơ. San hô hút các chất dinh dưỡng trực tiếp từ nước, trong đó có nitơ và phốtpho vô cơ, và ăn các sinh vật phù du theo nước trôi ngang qua các polip. Do đó, hiệu suất sơ cấp của một rạn san hô là rất cao, dẫn đến giá trị cao nhất trên mỗi mét vuông ở mức 5-10g C m-2/ ngày.Các "nhà sản xuất" trong các cộng đồng rạn san hô gồm có tảo đơn bào cộng sinh, tảo san hô, và nhiều loại rong biển, cùng một số tảo loại nhỏ. Các rạn san hô là nơi trú ngụ của nhiều loài cá nhiệt đới hoặc cá chuyên sống trong rạn san hô. Hơn 4.000 loài cá sống tại các rạn san hô. Các rạn san hô còn là nhà của nhiều loại sinh vật khác, trong đó có bọt biển, một số loài thích ti (san hô và sứa), giun, một số loài giáp xác (tôm, tôm rồng, và cua), động vật thân mềm, động vật chân đầu , động vật da gai (sao biển, nhím biểnhải quỳ), động vật có bao, rùa biểnrắn biển. Động vật có vú ít gặp trên các rạn san hô, ngoại trừ các loài thuộc bộ Cá voi thỉnh thoảng ghé qua, trong đó cá heo là nhóm chính. Một số loài trực tiếp lấy san hô làm thức ăn, trong khi một số loài khác ăn tảo và tham gia vào các tháp thức ăn phức tạp. Nhiều loài động vật không xương sống trú ngụ ngay tại nền đá san hô, hoặc khoét vào trong bề mặt đá vôi, hoặc sống trong các hốc và khe có sẵn. Các động vật khoét đá gồm có bọt biển, động vật thân mềm 2 mảnh vỏ, và các loài thuộc nhóm sá sùng . Sống trên rạn san hô còn có nhiều loại khác, đặc biệt là các loài giáp xác và giun nhiều tơ .Do đa dạng sinh học lớn của các rạn san hô, nhiều chính phủ trên thế giới thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ các rạn san hô trong vùng biển của mình. Ở Úc, rạn san hô Great Barrier được bảo vệ bởi Cơ quan công viên biển rạn san hô Great Barrier, và là đối tượng của nhiều kế hoạch và điều luật, trong đó có Kế hoạch hành động vì đa dạng sinh học.         

Tại nước ta "Những rạn san hô mất đi đồng nghĩa với sự cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản. Lúc đó, đừng có mơ tới chuyện làm du lịch biển bởi không ai dại bỏ tiền để lặn xuống đáy biển trơ trụi”. TS. Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải dương học Việt Nam đã nói như vậy khi đề cập đến việc nguồn san hô nước ta đang bị tận diệt.Theo TS Tuấn, chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay. Những cây san hô được bày bán khắp các trung tâm du lịch biển Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu... với sự phong phú về chủng loại, màu sắc. Thật là nghịch lý, ở Nha Trang, khi các nhà khoa học của Viện Hải dương học đang ngày đêm nghiên cứu vai trò của san hô với sinh thái biển, tìm cách bảo vệ nó thì ngay trước cổng Viện, các cửa hàng bày bán la liệt san hô.Những người bán mặt hàng này ở Nha Trang cho biết, họ không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tại chỗ, mà còn cung cấp cho các nhà buôn san hô mỹ nghệ ở Thành phô Hồ Chí Minh vaà cả để xuất khẩu. Một số khu bảo tồn thiên nhiên biển như: Hò Mun (Khánh Hòa), Núi Chúa (Ninh Thuận), dân khai thác san hô cũng đột nhập vào. San hô nguyên vẹn thì làm đồ mỹ nghệ, san hô nát thì làm nguyên liệu cho các lò nung vôi, xây đầm nuôi tôm. Ông Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cho biết, riêng ở vùng biển Vạn Ninh đã có ít nhất 300 người khai thác san hô chuyên nghiệp. Nhiều nhà máy xi măng chủ yếu hoạt động nhờ vào nguồn san hô. Nguy hại nhất là cách khai thác san hô, đánh bắt thủy sản bằng mìn. Các nhà hải dương học cho biết, khi đã dính mìn thì rạn san hô nào cũng tan tành. Tiếc thay chuyện này thường xuyên xảy ra trên các vùng biển nước ta.       

Sự thương tổn các rạn san hô đang diễn ra trên phạm vi vùng biển của 93 quốc gia. Tại Hội nghị Sáng kiến rặn san hô quốc tế tại đảo quốc Seychelles, ông Bộ trưởng Bộ Môi trường Ronny Jumeau đã nói: “Mối đe dọa đối với các rặng san hô không còn là vấn đề của mỗi nước mà là mối lo ngại toàn thế giới. Với khoảng 20% các rạn san hô trên Trái đất đã bị hủy hoại không thể hồi phục được, 24% đang bị đe dọa và 26% đối mặt với những mối đe dọa dài hạn, cộng đồng quốc tế phải làm nhiều hơn để bảo vệ chúng”

Đã đến lúc cần thiết sớm có những điều luật cụ thể và nghiêm khắc để cấm khai thác san hô và bảo vệ nghiêm ngặt các rạn san hô trên suốt dọc bờ biển nước ta.

 

                                                                                                                                   GS.NGUYỄN LÂN DŨNG

In bài viết nàyIn bài viết