Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Khoa học

“Kỳ tích Sông Hàn”


“Kỳ tích Sông Hàn” là đánh giá của thế giới về sự bứt phá nhanh chóng của Hàn Quốc trong mấy thập kỷ gần đây. Chúng ta đều biết, Hàn Quốc bị Nhật thống trị từ 1910 đến 1945. Sau đó lại bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc. Đến năm 1950 chiến tranh bùng nổ và kéo dài đến 1953 rồi bị phân chia thành hai quốc gia cho đến tận hôm nay. Trên bãi đổ nát của chiến tranh, Hàn Quốc đã từng bước khôi phục và phát triển kinh tế để rồi có một sự nhảy vọt làm cho cả thế giới phải khâm phục. Đến giữa thập niên 80, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước công nghiệp mới.

Chúng ta nhớ rằng, Hàn Quốc có dân số là 48,38 triệu, bằng 56,2% so với dân số nước ta, vậy mà diện tích chỉ có 98 480 km2, bằng 27,4% diện tích nước ta. Trong lãnh thổ lại có tới 70% đất đai là đồi núi, diện tích gieo trồng hoa màu chỉ chiếm có 2,01%, lại đâu có dầu mỏ, khí đốt như ta. Tài nguyên chỉ có một ít khoáng sản như than, gra-phit, chì, tung-sten, mô-lip-đen…Thế mà họ đã nhanh chóng làm nên một Hàn quốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những thành tựu khó hình dung nổi. Đó là GDP đứng thứ 10 trên thế giới, GDP/PPP bình quân đầu người cao tới 25 000 USD(!). Đó là tuổi thọ bình quân là 78,64 năm (nam-75,34 năm, nữ- 82,17 năm). Đó là đóng góp vào GDP chỉ có 3% do Nông nghiệp, trong khi có tới 39,4% do công nghiệp và 57,6% do dịch vụ. Cả nước có 24,22 triệu lao động nhưng chỉ có 3% làm nông nghiệp, 17,3% làm công nghiệp và 75,2% làm dịch vụ.         

Tuy không có thời gian đi thăm nhiều nơi nhưng ở Thủ đô Seoul hay ở một số tỉnh cách xa khoảng 100km tôi thấy sự phát triển không chênh lệch bao nhiêu. Tại tỉnh Daejeon, nơi có rất nhiều Viện nghiên cứu khoa học đầu ngành, tuy dân số không đông nhưng phố xá, siêu thị, nhà cửa cũng rất khang trang, hàng hóa phong phú, trật tự giao thông nghiêm chỉnh. Trình độ dân trí rất cao. Các em nghiên cứu sinh Việt Nam kể cho tôi nghe không ít em đánh rơi ví tiền, điện thoại di động nhưng chưa lần nào mất, người bắt được đều tìm cách liên hệ để trả lại tận tay nguyên vẹn. Lên taxi tôi không biết tiếng Hàn, lái xe không biết tiếng Anh, nhưng chỉ đưa ra địa chỉ là họ nạp ngay vào máy hướng dẫn đường xá nhờ vệ tinh để tìm ra con đường ngắn nhất và khi đến nơi trả lại tiền rất sòng phẳng. Đường phố không có ai vứt một mảnh giấy kẹo hay mẩu thuốc lá. Trước cửa mỗi nhà vào buổi tối đều thấy đẩy ra hai hộp chứa rác khác nhau, một hộp có thể tái chế, một hộp là rác hữu cơ … Chỉ riêng mấy chuyện nhỏ này nhưng đã đủ làm tôn thêm mạnh mẽ quốc thể của họ và làm ấm lòng du khách thập phương. Để làm nên Kỳ tích Sông Hàn tôi thấy có sự đóng góp rất lớn của Giáo dục và Khoa học, Công nghệ.         

Về Giáo dục số năm học khác ta không nhiều. Ngoài bậc Mầm non thì bậc Tiểu học (chodeung-hakgyo) gồm từ lớp 1 đến lớp 6 (8 đến 13 tuổi), bậc Trung học gồm từ lớp 7 đến lớp 12 (14 tuổi đến 19) bao gồm cấp II (jung-hakgyo) – lớp 7,8,9 và cấp III (godeung- hakgyo) - lớp 10,11,12. Cấp III có phân ban khá sâu (Khoa học, Công nghệ, Nông nghiệp, Tài chính, Ngoại ngữ, Nghệ thuật…). Vì học ra học, chơi ra chơi, trường ra trường, thầy ra thầy nên tỷ lệ tuổi teen tốt nghiệp phổ thông thường cao tới 97%, thuộc loại cao nhất thế giới.           

Hàn Quốc không có quá nhiều trường Đại học. Cả nước chỉ có 185 trường Đại học theo chế độ 4 năm. Cũng chỉ có một số Đại học danh tiếng được mọi người hâm mộ. Về Đại học công có Đại học Quốc gia (ĐHQG) Seoul, ĐHQG Kyungpook, ĐHQG Pusan, Học viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc. Về các ĐH tư thục thì nổi tiếng nhất là các trường ĐH Korea, ĐH Khoa học và Công nghệ Pohang, ĐH Yonsei, ĐH Sogang, ĐH Hanyang, ĐH Sungkyunkwan, ĐH nữ Ewha. Nhiều Đại học tư thục có lịch sử từ rất lâu đời và có chất lượng rất cao. Nhìn chung tôi thấy giáo dục Hàn Quốc nổi bật lên về tính chất trong sạch và hiện đại.

Sự trong sạch của nền giáo dục có thể kể thấy rõ qua tính nghiêm minh trong kỷ luật với mọi thầy cô giáo trong chuyện nhận tiền hay quà tặng có giá trị. Tùy mức độ mà sẽ bị xử lý từ cảnh cáo, khiển trách, trừ lương đến đình chỉ giảng dạy hay sa thải. Tổ chức khoa học trong trường Đại học đến mức sinh viên không cần tiếp xúc với nhà trường khi có bất kỳ yêu cầu chính đáng nào. Tại Đại học quốc gia Korea tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cái mà tôi gọi là Phòng Giáo vụ …2m2. Đó là mấy chiếc máy tính mở 24/24 giờ gắn với máy in. Sinh viên cần bảng điểm tiếng Hàn hay tiếng Anh, cần giấy giới thiệu, thậm chí cần bằng tốt nghiệp có đủ dấu đỏ và chữ ký Hiệu trưởng chỉ cần bấm vào máy tính và quét thẻ trả tiền in là có ngay sau mấy phút.

Về khoa học thì khó có thể hình dung nổi sự đầu tư rất cao ở các doanh nghiệp và các Viện nghiên cứu Nhà nước nhằm xây dựng một nền khoa học tự chủ và tiên tiến. Trên cơ sở đó các doanh nghiệp liên tiếp làm ra vô vàn các sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm nổi bật là thuộc về lĩnh vực Công nghệ thông tin và Công nghệ sinh học. Tại Viện KRIBB ở Daejeon tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy Viện được trang bị quá hiện đại và tôi đã gặp vị giáo sư chủ trì một đề tài về Công nghệ di truyền với kinh phí hàng năm cao tới 13 triệu USD (10 triệu của Nhà nước và 3 triệu của doanh nghiệp). Thành phố Daejeon (cùng vài thành phố khác) tập trung toàn là các Trung tâm nghiên cứu trọng điểm gắn liền với các trường Đại học. Các doanh nghiệp cũng thường có các Phòng thí nghiệm của mình đặt ngay trong các Trường Đại học danh tiếng. Đó là các tòa nhà lớn được trang bị đầy đủ các thiết bị, hóa chất, dành riêng cho các giáo sư và nghiên cứu sinh thỏa sức nghiên cứu các đề tài có liên quan đến lĩnh vực khoa học của từng doanh nghiệp. Nhờ đó mà kết quả nghiên cứu dù ở tầm quốc tế (giáo sư và nghiên cứu sinh đều được đánh giá bằng số bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế danh tiếng) nhưng lại mở ra các hướng đi mới, tạo nên triển vọng sản xuất những sản phẩm mới cho doanh nghiệp.           

Chúng ta thường nói đến đi tắt, đón đầu nhưng có lẽ chưa thực sự học hỏi kinh nghiệm nước ngoài về mối liên kết mật thiết giữa doanh nghiệp với giới khoa học, kết hợp với sự đầu tư tập trung của Nhà nước cho các cơ sở nghiên cứu chìa khóa (key lab) đối với từng lĩnh vực khoa học mũi nhọn. Rất mong các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ngành có liên quan nên dành thời gian đi nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục và khoa học tại Hàn Quốc để sớm có những quyết sách mạnh mẽ và xác đáng. Rất mong các doanh nghiệp chủ động tìm đến các cơ sở nghiên cứu khoa học chuyên ngành để sớm thiết lập nên những sự liên kết mật thiết và có hiệu quả cao. Một khẩu hiệu đang nổi tiếng trên thế giới là Buiding the Science- Capitals of the Future (Kiến tạo Khoa học là Vốn liếng của Tương lai).

 

                                                                                                                              GSTS. NGUYỄN LÂN DŨNG

In bài viết nàyIn bài viết