Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Khi những vi phạm môi trường được bảo kê


Vụ án nước thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nước đến mức suýt “bức tử” dòng sông Thị Vải (Đồng Nai) của Cty Vê Đan chưa kịp nguội, thì lại nóng lên vụ sử dụng hạt Nix (còn gọi là xỉ đồng) làm sạch vỏ tàu biển, gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng của Cty Hyundai Vinashin (Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa). Nét chung trong 2 sự vụ này không chỉ là sự vi phạm cố ý các quy định hoặc chỉ đạo có giá trị pháp lý cao về bảo vệ môi trường của Chính phủ từ phía các công ty trên, mà còn đặc biệt ở chỗ, chúng dường như ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp, được thực hiện trong sự tắc trách, thậm chí “bảo kê” ngấm ngầm hoặc công khai của cơ quan quản lý có trách nhiệm cao ở địa phương…

Cty Vê đan thì “quá cao thủ” trong việc (học tập kinh nghiệm của đất thép Củ Chi năm xưa mà) xây dựng mạng địa đạo- cống ngầm phức tạp nhằm xả trực tiếp nước thải không qua xử lý dưới làn nước không sâu lắm của dòng sông Thị Vải. Họ tài giữ “bí mật kinh doanh” này đến mức các hành vi vi phạm pháp luật của họ dễ dàng qua mặt được các cơ quan địa phương nhiều năm, bất chấp sự phát giác và kêu cứu của hàng ngàn người dân địa phương hàng ngày hàng giờ lặn hụp mưu sinh trên con sông này. Họ chỉ chịu thúc thủ trước sự ra tay quyết liệt và công tâm của cảnh sát môi trường TW. Tuy nhiên, một phần nhờ sự “thương tình, lấy công bù tội” và ráo riết can thiệp “vận động hành lang “ của chính quyền địa phương nhân danh vì lợi ích công ăn việc làm và thu ngân sách địa phương, thay vì phải “bức tử-đóng cửa” nhà máy, Cty Vê đan rút cuộc thở phào sau khi chấp nhận án phạt tài chính tới trên trăm tỷ đồng. Dù sao, với con mắt ‘hạch toán kinh doanh TBCN”, mức án này có lẽ vẫn lời hơn so với chi phí mà đáng lẽ họ phải bỏ ra từ đầu để xây dựng hệ thống xử lý môi trường theo quy định…

Hơn 10 năm nay, nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin (HVS) dùng hạt nix để phun làm sạch vỏ tàu. Năm 2003, Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ có đưa HVS vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2008, HVS đã buộc phải ngưng nhập khẩu và sử dụng hạt nix vì ngót triệu tấn hạt nix mà họ thải ra cả về lý thuyết và trên thực tế đã, đang và sẽ còn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trước hết và trực tiếp hiển nhiên đến đời sống của 700 hộ với hàng vài ngàn nhân khẩu trong vùng. Chính phủ cũng đã chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa cùng với Bộ TNMT đốc thúc việc xử lý ô nhiễm môi trường do hạt nix thải gây ra tại địa phương và ra nghiêm lệnh chỉ khi nào HVS xử lý được “đống của nợ” chất thải nói trên thì mới được phép nhập khẩu và sử dụng hạt nix trở lại.

Đầu năm 2009, với lý do để giải quyết việc làm cho khoảng 1000/3600 lao động của HVS cứ phải thay nhau nghỉ vì ít việc, và HVS đã ký hợp đồng với chủ đầu tư nhà máy xử lý chất thải nix Ninh Thủy (vừa được khởi công hồi nửa đầu tháng 12-2009, cũng chưa rõ nhà máy có năng lực và hiệu quả xử lý hạt nix đến đâu), tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị với Bộ TN&MT cho HVS được phép nhập khẩu và sử dụng hạt nix trở lại. Đợi mãi chẳng có ai đồng ý, tỉnh Khánh Hòa sốt sắng nghiên cứu phương án “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, trên tinh thần “chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp”, tranh thủ “thời gian là vàng”, và thực hiện phương châm “cái gì trong luật không cấm là được phép làm”, đã “bật đèn xanh” cho HVS nhập khẩu trở lại 20.000 tấn hạt nix. Tầu đã cập cảng, hàng đã bốc vào kho gọn gàng từ chiều 29/12/2009. Vận dụng sáng tạo “kinh nghiệm hoạt động cách mạng” vốn có, công nhân được lệnh làm việc ban đêm cho kín đáo và các “tổ công tác vận động quần chúng” được thành lập, tích cực “vào tận ngõ, gõ tận nhà” từng gia đình và người dân để gợi ý họ xác nhận khi được hỏi đến là các nắm bụi đen sì mà mỗi sáng ra người ta quét được trong sân, ngoài ngõ hoặc bám đầy tường chỉ là sỉ than và khói nhang bàn thờ thôi, chứ nhất quyết không phải chúng có nguồn gốc hạt nix. Ai không đồng ý hay có tâm tư cấn cớ gì, sẽ được cán bộ xã Ninh Phước và lãnh đạo Đảng ủy, công đoàn HVS làm công tác tư tưởng kỹ hơn, kỳ thông mới thôi!

Chỉ sau khi sự việc vỡ lở bởi bức xúc từ người dân và Thanh tra Bộ TN&MT vào cuộc ráo riết, thì UBND tỉnh Khánh Hoà mới miễn cưỡng thống nhất chỉ đạo lại: Tạm thời HVS chưa sử dụng 20.000 tấn hạt nix vừa nhập; muốn sử dụng HVS phải trình cơ quan chức năng phương án đảm bảo vệ sinh môi trường; trước khi sử dụng phải báo cơ quan môi trường cử cán bộ đến giám sát. UBND tỉnh Khánh Hoà sẽ có báo cáo giải trình vấn đề này với Bộ Tài nguyên - Môi trường và Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục Bảo vệ môi trường, nói cho nhanh, thì hạt nix là một loại chất thải công nghiệp có chứa các chất độc hại và không ổn định. Nix thải và bụi nix chứa nhiều kim loại nặng như chì, sắt, crom, đồng, asen, cadimi, bụi sơn, dầu mỡ... gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Còn nếu diễn đạt đầy đủ thì Hạt nix (còn được gọi là xỉ đồng) là chất thải của ngành luyện kim, đó là các hạt sắt, đá vôi và silic ôxít có góc cạnh và cứng, đồng thời hoàn toàn trơ, không phản ứng hóa học với nước mưa, nước biển và không khí. So với một số vật liệu sử dụng trong công nghiệp như cát, bột thạch anh, xỉ niken, ôxit nhôm, ôxit crôm…, hạt nix có nhiều tính năng ưu việt hơn: độ cứng cao, chứa ít SiO2 tự do (dưới 1%), giá thành hạ, sử dụng được nhiều lần… Qua thiết bị áp lực lớn, hạt nix được bắn thẳng vào bề mặt vỏ tàu để làm sạch rỉ sắt và lớp sơn cũ của tàu. Thông thường, để làm sạch 1m2 bề mặt kim loại phải dùng 60- 70kg hạt nix. Với một con tàu tải trọng 20.000 tấn có diện tích cần làm sạch khoảng 30.000m2, phải sử dụng 1.500 tấn hạt nix. Hạt nix đã qua sử dụng (hạt nix thải) chứa khoảng 32,92% Si02, 3,80% Ca, 1,09% Mg, một tỉ lệ khá cao các chất tan trong dung môi hữu cơ CCl4 (dầu và vụn sơn...) và các chất bị oxy hóa bởi hỗn hợp sunfo-chromic (chất hữu cơ). Ngoài ra, hạt nix thải còn chứa một hợp phần rất đáng được lưu ý là các kim loại nặng, trong đó có tỉ lệ lớn nhất là Fe (hơn 30%), Cu, Zn và Pb. Thứ hỗn hợp này trở thành một loại chất thải độc hại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và sẽ trở thành tội ác với môi trường cũng như các thế hệ sau nếu không được xử lý triệt để.

Được biết, ngay trong Quyết định 64/2003 nêu trên, Chính phủ đã yêu cầu HVS phải hoàn thành việc xử lý nix thải trong thời hạn 2003 - 2006. Từ tháng 12-2006, Bộ TN-MT phát hiện HVS có hàng loạt vi phạm về bảo vệ môi trường, như thực hiện không đúng nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, xả nước thải có chứa chất nguy hại vượt tiêu chuẩn cho phép 5 lần trở lên, đồng thời gây ô nhiễm môi trường không khí. Nghiêm trọng hơn, HVS đã không thực hiện đúng và chưa hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hạt Nix và đang gây ô nhiễm môi trường đất khu vực xung quanh bãi thải Nix. Trong báo cáo, Bộ TN-MT cũng nêu quan điểm buộc HVS có trách nhiệm hỗ trợ hoặc đền bù thiệt hại cho người dân trong khu vực bị ô nhiễm di dời và ổn định cuộc sống; buộc HVS phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường…Tuy nhiên, HVS vẫn được "thông cảm" kéo dài việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đến 31-12-2007, thay vì cuối năm 2006 như qui định. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã ra quyết định chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc trước 31/12/2007. Quá thời gian được gia hạn, nếu HVS không nghiêm chỉnh chấp hành sẽ bị tạm thời đình chỉ hoặc cấm hoạt động. HVS lại “thề thốt” khá nặng lời về cam kết thay đổi theo hướng sử dụng công nghệ ít gây ô nhiễm hơn, giảm thiểu việc sử dụng hạt nix; chuyển dần sang hoán cải và đóng mới tàu biển với tổng chi phí “cả gói” là khoảng 40 triệu USD và hết tháng 9-2008 kết thúc kế hoạch đầu tư này. Rồi Công văn số 6846 ngày 26-11-2007 của Văn phòng Chính phủ lại “gia hạn” đến cuối năm 2010. Trong khi đó, theo chủ đầu tư, nhanh nhất thì cũng phải đến năm 2011, nhà máy xử lý chất thải Nix kia mới đi vào hoạt động. …

Các quán café đèn mờ dù ở phố hay ở quê mà không có “bảo kê” chắc sớm dẹp tiệm. Cũng vậy, các doanh nghiệp mà không có sự “bảo kê” dưới các dạng thức dù tế nhị hay đơn giản nhất, thì “bố bảo” dám an tâm “bước qua” các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường. Công luận đã, đang và sẽ còn được chứng kiến những nghệ thuật “chơi chữ” thượng thừa để giải trình cho những vi phạm các quy định bảo vệ môi trường (giả dụ như việc nhập khẩu 20.000 tấn hạt Nix nêu trên được Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Khánh Hòa “nói có sách, mách có chứng” rằng theo quy định hiện hành của pháp luật thì hạt nix không có tên trong danh mục cấm hay hạn chế nhập khẩu, khiến người ta buộc phải hiểu hàm ý việc HVS nhập khẩu 20.000 tấn hạt Nix trên đây là hợp pháp, bất kể những văn bản chỉ đạo trực tiếp kiểu “chỉ tận tay, day tận trán” sự vụ nêu trên của Chính phủ!). Đồng thời, người dân địa phương nói riêng, cả nước nói chung, cũng cần biết thông cảm và kiên nhẫn hơn trước “phép dịch chuyển thời gian” của các cơ quan quản lý và cả những người trong cuộc có trách nhiệm trực tiếp hoàn thành các yêu cầu mang tính pháp lý cao nhất trong các hoạt động ngày càng quan trọng và khó khăn là bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân, phòng ngừa cái giá đắt đỏ khó lường tính mà con cháu phải trả cho những kiểu quản lý dễ dãi và làm ăn chụp giựt, thiếu trách nhiệm của cha ông chúng…

Được biết, sau thảm hoạ cháy 1 sàn khiêu vũ kinh hoàng khiến hàng trăm người bị chết đen thui cuối năm 2009, ở nước Nga đã có nghiêm lệnh lập tức cách chức và quy trách nhiệm cao nhất cho quan chức đứng đầu các lĩnh vực có liên quan trực tiếp nếu để xảy ra các vụ cháy tương tự …Thành thử, dạo này các đoàn kiểm tra phòng cháy, chữa cháy của TP.Mátxcơva, nơi tôi đang học tập suốt ngày đến quấy rầy ký túc của chúng tôi. Nếu không có bà quét dọn người Nga tốt bụng tự nguyện vì thương tình mà “bảo kê”, luôn chủ động cấp báo khi có kiểm tra như vậy, thì chắc chúng tôi phải dẹp hết cá loại bếp điện và việc nấu ăn trong phòng ở, để đành chịu khó ra nấu ăn ở bếp công cộng theo đúng quy định vậy.

Nếu kinh nghiệm này mà áp dụng vào Việt Nam ta thì ra sao nhỉ…?!/.

 

                                                                                                                                       Nguyễn Minh Phong

In bài viết nàyIn bài viết