Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » ĐIỂM TIN ĐỐI NGOẠI

Nền tảng vững chắc dựng xây quan hệ Việt Nam - Indonesia


Tình cảm sâu sắc, hiếm có giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno là nền tảng, góp phần nuôi dưỡng quan hệ Việt Nam - Indonesia cho đến tận hôm nay, khi Việt Nam và Indonesia đã chính thức trở thành Đối tác chiến lược của nhau.

 
nen tang vung chac dung xay quan he viet nam indonesia

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno.

Gợi nhớ một thời đã qua, tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno xuất phát từ một tình bạn hết sức giản dị và gần gũi. Ngày ấy, năm 1959, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người, bầu không khí “cờ như rừng, người như biển” của lãnh đạo và nhân dân Indonesia là dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam. Nhân dân Indonesia đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Paman Ho (là Bác Hồ theo cách gọi thân mật của người Indonesia). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gọi Tổng thống Sukarno bằng một cái tên cũng vô cùng gần gũi “Bung Karno” (Bung là cách xưng hô trìu mến, phổ biến trước những năm 1900).

 Trong chuyến thăm ấy, ngoài việc đón tiếp tận tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được Tổng thống Sukarno dẫn đi tham quan các thành phố lớn như Bandung, Solo hay Surabaya – quê hương của Tổng thống và các công trình văn hóa của Indonesia. Đi đến đâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận được sự đón mừng nồng nhiệt, đầy ý nghĩa.

Cảm kích trước tình cảm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hai dân tộc chúng ta có quan hệ với nhau từ xưa, đã gắn bó với nhau từ trong cuộc đấu tranh chống đô hộ thực dân giành độc lập dân tộc. Ngày nay, nhân dân hai nước chúng ta lại cùng sát cánh với nhau vì mục đích giống nhau là thống nhất và bảo vệ hòa bình. Chúng tôi nguyện ra sức củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị với nhân dân Indonesia anh em. Quan hệ hữu nghị giữa nhân dân chúng ta sẽ đời đời bất diệt, sự nghiệp chung của nhân dân hai nước nhất định thành công”.

Ba tháng sau chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Indonesia của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thủ đô Hà Nội đón mừng Tổng thống Sukarno sang thăm Việt Nam. Nhân dân Việt Nam – khắp thành thị, thôn quê, từ các trường học tới nhà máy, nơi nơi sôi nổi hoan nghênh Tổng thống. Tất cả đều tỏ lòng kính mến sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Indonesia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức vui mừng được gặp lại Bung Karno, người bạn chí tình, người anh em kết nghĩa. Người còn đọc hai câu thơ thể hiện tấm lòng của mình rằng: “Nước xa mà lòng không xa/ Thật là bầu bạn, thật là anh em”.

Thật vậy, vào thời điểm ấy, được đón tiếp Tổng thống Sukarno, nhân dân Việt Nam như được ôm ấp vào lòng mình 88 triệu người anh em Indonesia anh dũng, bởi Việt Nam và Indonesia có cùng hoàn cảnh, cùng một lịch sử kháng chiến oanh liệt chống thực dân cướp nước, giành lại độc lập tự do. Và ngày mai, nhân dân hai nước đều phải tiếp tục đấu tranh để giải phóng hoàn toàn đất nước.

Xúc động trước tình cảm của nhân dân Việt Nam, Tổng thống Sukarno cũng khẳng định:  “Tôi đã nghe nhiều về tinh thần anh dũng của nhân dân Việt Nam và nay tôi đã thấy tận mắt, nghe tận tai tinh thần đó. Một đất nước như vậy, một dân tộc như vậy, với một tinh thần như vậy và với vị lãnh tụ như vậy, nhất định sẽ chiến thắng...Cả hai dân tộc chúng ta đều đã chiến đấu, chiến đấu rất nhiều, và trong cùng một ngày tháng 8/1945 cả hai nước chúng ta đều đã tuyên bố độc lập. Cả hai nước đều có lòng tin vững vàng và nhờ đó chúng ta đứng vững. Chúng ta là những người bạn, những người bạn chiến đấu”.

Tổng thống Sukarno cũng bày tỏ lòng kính trọng và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những bậc vĩ nhân ở châu Á bởi Người đã dành cả đời mình cho lý tưởng giải phóng dân tộc và hòa bình cho nhân loại. Sau năm ngày ở lại Việt Nam, trong lúc tiễn Tổng thống Sukarno trở về nước, với tình cảm lưu luyến dạt dào của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng nhà lãnh đạo Indonesia mấy vần thơ: “Nhớ nhung trong lúc chia tay/ Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo Người/ Người về Tổ quốc xa khơi/ Chúc Người thắng lợi, chúc Người bình an”.

Sau hai chuyến thăm đó, tình hữu nghị giữa hai vị lãnh tụ cũng như nhân dân hai nước ngày càng thêm khăng khít. Khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, hai mươi vạn người ở thành phố Solo và hơn chín vạn học sinh, sinh viên ở thành phố Semarang đã xuống đường biểu tình để phản đối cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. Trong những năm tháng chống Mỹ ấy, Indonesia đã luôn sát cánh bên Việt Nam, đã cho Việt Nam vay hàng ngàn tấn lương thực. Cơ quan đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng được đặt ở Thủ đô Jakarta.

Hiếm có mối quan hệ quốc tế nào có thể đặc biệt như vậy. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, sự xa cách về địa lý nhưng vô cùng gần gũi về tâm hồn, đồng cảm, thấu hiểu và ủng hộ nhau, cho đến hôm nay, quan hệ giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước ngày càng bền vững và phát triển.

Ngẫm về cội nguồn của mối quan hệ hữu nghị bền vững và phát triển toàn diện hôm nay, nhân dân hai nước luôn ghi nhớ về tình bạn, tình anh em kết nghĩa và công lao vun đắp của hai vị lãnh tụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno. Chúng ta tin tưởng rằng, mối quan hệ “Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia” sẽ phát triển tốt đẹp, phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước cũng như góp phần xứng đáng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Ths. Hoàng Thị Giang

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học – Xã hội

http://tgvn.com.vn/nen-tang-vung-chac-dung-xay-quan-he-viet-nam-indonesia-26557.html

In bài viết nàyIn bài viết