Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

VECO Việt Nam


VECO Việt Nam thuộc Tổ chức Vredeseilanden (Bỉ) hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, VECO đã giúp nhiều địa phương nâng cao năng lực sản xuất, giúp người nông dân phát triển mô hình sản xuất nhóm để thoát nghèo bền vững.

Tiến sĩ Eduaro A.Sabio, Đại diện khu vực của VECO Việt Nam tại Hà Nội cho biết, Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận những kiến thức khoa học kỹ thuật và kỹ năng kinh doanh. Do vậy, sự hỗ trợ của VECO chính là giúp họ nâng cao năng lực làm việc nhóm, tạo chuỗi giá trị sản phẩm từ canh tác, nuôi, trồng đến đưa sản phẩm ra thị trường.

Trong 3 năm trở lại đây, VECO hỗ trợ nhiều địa phương năng lực sản xuất rau hữu cơ và rau an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam. Đặc biệt, VECO đã hợp tác với Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng (VINASTAS) để tuyên truyền kiến thức cho người dân về sử dụng sản phẩm rau an toàn, nhờ đó mà một số mô hình về rau an toàn tại Trác Văn (Hà Nam), Thanh Xuân (Hà Nội), Việt Trì (Phú Thọ) đã vận hành rất tốt nhờ có sự liên kết giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.



Các thành viên trong tổ hợp tác rau sạch Trác Văn (Hà Nam) 
tiến hành kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất của các tổ viên. 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Quy trình ủ phân hữu cơ để phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Nông dân Trác Văn (Hà Nam) dùng bẹ chuối che chắn cho cây non mới trồng. 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Hệ thống rau con mới gieo được phủ bằng bao ni lông để tránh ảnh hưởng của thời tiết. 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Các bước sinh trưởng của cây trồng được ghi chép, theo dõi cẩn thận. 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Một buổi họp nhóm chia sẻ kinh nghiệm trồng rau sạch
của các thành viên trong tổ hợp tác Trác Văn (Hà Nam). 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch xã Trác Văn (Hà Nam)
trao đổi với các nhóm nông dân về kế hoạch triển khai vụ rau mới trong năm. Ảnh: 
Trịnh Văn Bộ


Mô hình cây giống tại vườn ươm cây HTX Vân Nội, Vĩnh Phúc. Ảnh: Tư liệu


Thu hoạch rau cải xanh. 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Kiểm tra trọng lượng rau trước khi đóng túi và dán nhãn. Ảnh: 
Trịnh Văn Bộ


Rau hữu cơ được dán tem an toàn và bảo đảm theo tiêu chuẩn PGS. 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Một số sản phẩm rau hữu cơ của HTX Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội. 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Một số sản phẩm rau hữu cơ Trác Văn (Hà Nam) được đóng gói theo tiêu chuẩn PGS. 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Người nước ngoài tin tưởng sử dụng rau sạch của Trác Văn (Hà Nam). 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Theo chân các cán bộ của VECO, chúng tôi đã đến tham quan Hợp tác xã trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS tại Trác Văn (Hà Nam). Tại đây, các cán bộ của VECO đã giúp Hợp tác xã này áp dụng thành công các tiêu chuẩn sản xuất rau hữu cơ đã được Liên đoàn các phong trào hữu cơ quốc tế IFOAM công nhận. Với diện tích hơn 1ha, hàng năm Hợp tác xã sản xuất được khoảng 30 loại rau, củ quả hữu cơ với sản lượng trung bình khoảng 2,5 tấn/1 tháng, và tiêu thụ khá tốt tại thị trường các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hà Nội.

Tương tự như vậy, VECO đã hỗ trợ tỉnh Phú Thọ tạo chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn phân phối sản phẩm cho thành phố Việt Trì và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, VECO còn hỗ trợ Phú Thọ phát triển chuỗi trồng chè tại xã Lương Sơn, huyện Yên Lập để khai phá tiềm năng vùng đất vốn còn nhiều khó khăn này. Đến nay, huyện Yên Lập đã thành lập được hợp tác xã trồng chè, thu hút hơn 370 xã viên tham gia.

Có thể nói, việc hỗ trợ thành lập các hợp tác xã và các nhóm nông dân sản xuất bền vững là một trong những mục tiêu hàng đầu của VECO trong nỗ lực giúp người nông dân Việt Nam vươn lên thoát nghèo. Bởi thông qua mô hình này, người nông dân có thể chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó có được nguồn thu ổn định và lớn hơn./.

http://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/veco-viet-nam/206897.html

In bài viết nàyIn bài viết