Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Ăn Tết quanh năm ở… Đông Nam Á


Nếu muốn tham dự tất cả các lễ hội đón năm mới truyền thống ở Đông Nam Á, bạn sẽ phải mất ít nhất…một năm!

Đông Nam Á là một khu vực đa dạng về văn hóa. Tùy theo quan niệm về thời gian, tôn giáo, tiết trời… mà việc đón năm mới của các dân tộc không giống nhau.

Những người Hồi giáo và gốc Ấn ở Singapore ăn Tết theo truyền thống, còn đa số sẽ ăn Tết theo Âm lịch như ở Việt Nam. Người ta thường nặn con vật cầm tinh năm đó đem bán cho mọi người mua về trưng bày trong nhà lấy may.

Võ Khánh, quê ở Phú Yên, hiện đang làm việc cho Hãng Audi Singapore đã hai lần ăn Tết Âm lịch ở đảo quốc Sư tử cho biết: “Mồng Một, mồng Hai Tết là dịp yên tĩnh nhất trong năm. Mọi người đi chùa hoặc quây quần bên gia đình. Du học sinh như chúng tôi tập trung lại xem Táo Quân, nấu nướng, gọi điện về cho gia đình. Khu vực nhộn nhịp nhất có lẽ là khu Phố Tàu  của những người gốc Hoa”.

Là người Việt Nam hay người Singapore, sau khi ăn Tết Nguyên Đán, bạn có thể chuẩn bị ba lô ngay để lên đường đến bốn đất nước láng giềng cùng  người dân đón năm mới vào tháng Tư.

Lễ Phật cầu bình an, té nước chúc đủ đầy

Tết của người Lào có tên là Bunpimay (còn gọi là Tết “Buộc chỉ cổ tay”, hay lễ hội “Hốt Nậm” - Té nước).  Anh Lattaphong Phanmachan, lưu học sinh Lào tại Học viện Ngoại giao cho biết,  ban đầu, mục đích của lễ hội này là cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, nảy lộc.

an tet quanh nam o dong nam a

Tắm Phật là một nghi lễ quan trọng trong dịp Tết ở các nước thuộc nhóm “tháng Tư”.

Buổi sáng, mọi người đến chùa cầu nguyện. Buổi chiều, sư trụ trì hướng dẫn dân làng đi hái hoa tươi đem về cúng Phật và đến tối thì tập trung ở chùa để vui chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống (morlam), múa lăm vông. Nếu làng nào đặt tượng Phật trong hang núi thì nhà sư và người dân sẽ tham gia lễ tắm Phật gọi là Song Namphaphou.

Để cầu may, người dân xứ sở Triệu Voi dùng hoa muồng (bò cạp vàng, hoa hoàng hậu) để trang trí nhà cửa, xe cộ và dùng hoa Chăm Pa cài trên tóc để cầu mong phước lành.

Đi chùa cũng là truyền thống đặc sắc nhất trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của người Campuchia, thường diễn ra vào cuối mùa nắng, khoảng trung tuần tháng Tư. Mồng Một, họ làm thức ăn ngon vào chùa dâng Phật và bày mời sư sãi thụ hưởng. Các nhà sư phải gắp mỗi phần ăn một miếng để ai cũng được phước như nhau. Ngày mồng Hai họ cũng dâng cơm vào chùa, làm lễ đắp chín ngọn núi và cầu siêu cho những linh hồn siêu thoát. Mồng Ba thì làm lễ tắm Phật, sau đó đua thuyền do một sư trưởng dẫn đầu cuộc thi.

Những tín đồ du lịch yêu thích Thái Lan có lẽ không thể bỏ qua Lễ hội đón năm mới Songkran được tổ chức từ ngày 13-15/4 hàng năm - thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật. Theo tập tục, người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi.

Vào ngày Wan Nao (tương tự ngày 30 của Tết), người ta sẽ chuẩn bị đồ ăn. Sau đó đến Wan Payawan là ngày đầu tiên của năm mới, người dân đến chùa hành lễ, cúng bái. Còn tại nhà, các bức ảnh, tượng  Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm. Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của lễ hội té nước…những người càng được té nhiều nước càng may mắn. Cuối cùng là ngày Wan Parg-bpee - Ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già, tổ tiên và rắc nước thiêng.

Tết truyền thống của Myanmar có tên gọi là Tết Thingyan, rơi vào tuần thứ hai của tháng Tư hàng năm. Người Myanmar tổ chức lễ hội bằng cách tạt nước lên người khác với ý nghĩa rửa sạch những dơ bẩn, đón chào năm mới với sự thanh khiết.

Người Myanmar thường hành hương đến chùa vàng Swedagon để lễ Phật. Sau đó, mọi người viếng thăm người lớn tuổi và quỳ lạy để thể hiện lòng tôn kính cũng như dâng nước đựng trong các nồi đất nung và xà phòng thơm. Theo truyền thống, người nhỏ tuổi sẽ gội đầu cho người lớn tuổi bằng hạt và vỏ của cây keo Acaciarugata.

Bốn cái Tết trong năm

Là một quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo nên Indonesia rất có nhiều lễ, tết. Đáng chú ý nhất là Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, Tết Depavali của người Indonesia gốc Ấn và Tết của người Hồi giáo Idul Fitri.

an tet quanh nam o dong nam a

Tết ở Indonesia được chuẩn bị rất công phu và tốn nhiều thời gian.

Trong đó, lễ Idul Fitri của người Hồi giáo được nghỉ dài ngày nhất ở Indonesia nơi số người theo đạo Hồi chiếm tới 86%. Sự kiện này thường được tổ chức ngay sau tháng Ramadan (tháng nhịn ăn) và diễn ra từ tháng Sáu đến tháng Chín hàng năm, tùy theo lịch của đạo Hồi. Ở Indonesia, việc này được quyết định sau khi quan sát mặt trăng ở ba vị trí khác nhau trên xứ Vạn Đảo.

Người Indonesia chia nhau dựng những ngôi đền thờ bằng trái dừa, lá dừa, cây mía và gạo nhuộm đủ màu sắc... để làm nơi tế thần linh. Ngoài ra còn nhiều hoạt động nghệ thuật như hát, nhảy, múa; đặc biệt là những đám rước kiệu quanh thị trấn, để rồi khi hết Tết, họ kéo ra sông và dìm kiệu xuống nước, xem đó như điều cầu xin thần Nước phù hộ cho mưa thuận gió hòa.

Cùng thời điểm đó, người Hồi giáo Malaysia chào đón Lễ Idul Fitri. Những ngôi nhà được quét dọn, trang hoàng sạch sẽ, phố xá được trang trí với nhiều màu sắc rực rỡ và nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức.

Dịp này, khi gặp gỡ nhau, người Malaysia có tục lệ chạm nhẹ bàn tay mình vào lòng bàn tay người đối diện, sau đó nắm tay lại rồi áp sát vào tim trong khoảng thời gian ngắn. Người nào lớn tuổi hơn thì được chào hỏi trước. Tuy nhiên, việc chủ động chạm tay vào tay người phụ nữ là điều cấm kỵ.

Các nhà nghiên cứu phong tục tập quán chia khu vực Đông Nam Á thành bốn nhóm quốc gia ăn Tết theo truyền thống. Đó là nhóm theo Âm lịch (Việt Nam và Singapore); nhóm Hồi giáo (Indonesia và Malaysia); nhóm Tháng tư (Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar) và nhóm theo Dương lịch (Philippines).

Cùng sang năm mới

Theo xu thế chung, giờ đây vào ngày 1/1 Dương lịch, người dân ở Đông Nam Á chào năm mới cùng cả thế giới. Trong bốn dịp Tết chính ở Indonesia thì Tết Dương lịch được coi là Tết chung của tất cả mọi tôn giáo, sắc tộc, tổ chức vào ngày 1/1 hàng năm. Đêm 31/12, đường phố Jakarta  náo nhiệt trong không khí đón giao thừa, ngắm pháo hoa và pháo sáng, kéo dài từ 10 giờ đêm 31/12 tới 2-3 giờ sáng 1/1.

Người Philippines ăn Tết Dương lịch và mọi việc bắt đầu từ trước Giáng sinh. Bùi Hà My (nhân viên truyền thông, Hà Nội) đã có lần đón năm mới Dương lịch ở đất nước xinh đẹp này cho biết đã theo các bạn vào làm lễ ở nhà thờ - địa điểm linh thiêng của đa số người dân ở đây.

Sau đó, mọi người đi viếng mộ để tưởng nhớ những người đã khuất. Ở nông thôn, người ta leo lên các ngọn núi cao để cầu phúc kéo dài trong chín ngày và chỉ chấm dứt vào ngày Noel. Các thanh niên đeo mặt nạ giả thần núi nhảy múa chung với dân làng để cầu phúc, cầu may, cầu mùa màng bội thu. Trẻ em được mặc quần áo mới, người lớn thì ca hát, ăn mừng.

Tết Dương lịch năm 2016, lần đầu tiên 600 triệu người dân Đông Nam Á sẽ trở thành công dân ASEAN đúng nghĩa khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời. Bên cạnh việc duy trì Tết truyền thống thì 600 triệu dân ASEAN hoàn toàn có thể hướng đến một lễ hội năm mới chung mang bản sắc khu vực. Nền tảng đầu tiên cho ý tưởng này chính là suốt hàng ngàn năm qua, mặc dù phong tục mỗi nơi mỗi khác, nhưng các nghi lễ đón năm mới đều mang ý nghĩa cầu mong hạnh phúc, an lành.

http://tgvn.com.vn/an-tet-quanh-nam-o-dong-nam-a-26303.html

In bài viết nàyIn bài viết