Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Giáo dục - Du học

Đưa tiếng Việt ra thế giới


Tiếng Việt trở thành ngoại ngữ để học sinh Hàn Quốc thi vào đại học, hay mới đây tại Australia, tiếng Việt trở thành 1 trong 5 ngoại ngữ để học sinh cấp học phổ thông lựa chọn học đã mở ra nhiều hy vọng về một Việt Nam năng động ngày hội nhập sâu với thế giới.

Các học viên tham dự lễ khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt
dành cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài  do Ủy ban Nhà nước
về người Việt Nam ở nước ngoài, UBTƯ MTTQ Việt Nam,
Bộ GD-ĐT đã tổ chức, tháng 8/2015.

Tiếng Việt là 1 trong 5 ngoại ngữ bắt buộc tại Australia

Làm cách nào để thế hệ thứ 2, thứ 3 không được sinh ra tại Việt Nam vẫn nói được tiếng Việt, thông qua đó giúp lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam nơi xứ người, việc làm cấp thiết hơn bao giờ hết là đưa tiếng Việt ra với thế giới. Ở một số nước tiếng Việt đã trở thành ngoại ngữ chính thức để học sinh lựa chọn học đã phần nào giúp công cuộc đưa tiếng Việt dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Chia sẻ với Đại Đoàn Kết về thông tin mới đây Chính phủ Australia  đã công nhận tiếng Việt trở thành 1 trong 5 ngoại ngữ bắt buộc cho các cấp học phổ thông lựa chọn học, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia - ông Trần Bá Phúc cho biết, tiếng Việt trở thành ngoại ngữ bắt buộc sẽ mở ra những hy vọng mới cho tiến trình dạy và học tiếng Việt đầy chông gai tại Úc châu.

Theo ông Phúc, việc dạy và học tiếng Việt tại Australia không gập ghềnh như nhiều nước khác. Tại trường học của Australia, Việt ngữ được khuyến khích thành lập. Chính phủ Australia sẵn sàng hỗ trợ một khoản tiền để hoạt động. Vấn đề ở chỗ giáo trình dạy và học, cũng như giáo viên dạy bộ môn này cho thích hợp thì chưa có nhiều.

Ông Phúc cho rằng, nếu Đảng và Nhà nước có cách thức giúp đỡ, tài trợ nào đó, như  cho các giáo viên dạy tiếng Việt ở Australia về trong nước tập huấn học tập có kỹ năng chuyên môn hơn, hoặc thấu hiểu truyền thống văn hóa hay chủ trương của Đảng, Nhà nước ta để áp dụng vào công việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài đó là điều bổ ích.

Thứ hai, cần tạo điều kiện cho đại sứ quán có tùy viên giáo dục, người tùy viên đó có nhất thiết phải có những hoạt động gắn bó cộng đồng đồng thời chủ động đề xuất lập ra trường có dạy tiếng Việt, khuyến khích thế hệ thứ 2, 3 không được sinh ra tại Việt Nam đến trường như vậy mới giúp các em ngày một gắn bó với cội nguồn. 

Trước đó, trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2013 của Hàn Quốc,  việc Bộ Giáo dục nước này đưa môn tiếng Việt vào danh sách các môn ngoại ngữ thứ hai (ở Hàn Quốc, môn tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, còn ngoại ngữ thứ hai là tiếng Đức, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Ả Rập và mới nhất là tiếng Việt) đã mở ra những kỳ vọng mới cho tiếng Việt gần hơn với thế giới. Nó chứng tỏ mối quan hệ hai nước ngày một khăng khít và cũng là bằng chứng thể hiện sự quan tâm của người Hàn đến Việt Nam.

Chị Lê Thị Anh Thư- Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Văn hóa Việt, tiếng Việt rất được người Hàn Quốc coi trọng. Theo chị Anh Thư: Để người dân Hàn Quốc yêu và hiểu văn hóa Việt, Hội người Việt Nam ở nước ngoài đã rất nỗ lực trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống, đưa  hình ảnh đất nước Việt Nam đến với những người bạn Hàn Quốc. Hiện nay, áo dài và phở đã trở nên thân thuộc và phổ biến tại Hàn Quốc.

Không chỉ có vậy, tiếng Việt hiện cũng đang rất thịnh hành ở Hàn Quốc. Những người học chuyên ngành tiếng Việt đều đang được chủ doanh nghiệp “trải thảm” đỏ đón nhận. Tiếng Việt trở thành ngoại ngữ để các công dân xứ Hàn lựa chọn học đã thực sự làm cho hai nước Việt - Hàn ngày càng xích lại gần nhau hơn.

Sẽ biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt phù hợp

Tại cuộc gặp mặt của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với các đại diện kiều bào là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam mới đây, vấn đề dạy và học tiếng Việt thế nào cho hiệu quả cũng được đại diện kiều bào đề cập đến. Theo đó, không ít kiều bào trăn trở về những khó khăn trong việc xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở các nước và mong muốn nhà nước cần tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho các học sinh, sinh viên để kết nối cộng đồng ở các nước tốt hơn.

Riêng về chương trình giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3, nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều yếu kém, cần được hỗ trợ về giáo trình giảng dạy và kinh phí để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa của người Việt. 

Trả lời về vấn đề này, ông Đặng Thế Hùng - Phó nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Để đưa tiếng Việt ra thế giới, trước đây Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có đề án 281 dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đã xây dựng được 2 bộ sách rất quý đó là tiếng Việt vui và quê Việt dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, tính chất của tiếng Việt phụ thuộc vào văn hóa, bản sắc của từng nước. Người Việt ở châu Âu hay Á rất khác nhau, đặc biệt là ở các nước như Hoa Kỳ, Bắc Mỹ. Sách ở trong nước đưa sang bên đó thì không được chấp nhận”, ông Hùng nói. Hiện nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các cơ quan chức năng trong nước đang làm là xây dựng các đề án dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chẳng hạn, đề án dạy tiếng Việt cho người Việt ở Campuchia đã, đang được làm.

Với cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay đại diện kiều bào muốn xây dựng bộ sách giáo khoa song ngữ, xin bản quyền để in sách bằng hai thứ tiếng để dạy tiếng Việt ở các nước.

Hay cách đây ít lâu, chính Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có sáng kiến xây dựng đề án chung tay giữa gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có phần dạy tiếng Việt. Đề án này đã xây dựng trình Chính phủ và đã giao cho các cơ quan chức năng như Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ chủ trì vấn đề này. Hy vọng những việc làm thiết thực như vậy sẽ giúp công cuộc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài tốt hơn  trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị- Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có thực tế tiếng Việt dạy ở châu Âu, châu Á, hay châu Mỹ là khác nhau. Vì vậy, có thể xây dựng nhiều bộ giáo trình khác nhau (2-3 bộ) phù hợp điều kiện dạy và học của từng vùng để tiếng Việt gần hơn với thế hệ thứ 2, 3.

Muốn làm được điều này phải có các nhóm biên soạn nhau và có sự kết hợp giữa chuyên gia trong nước và ngoài nước nhưng hạt nhân phải là những giáo viên từng dạy tiếng Việt ở những vùng đặc thù tham góp vào quá trình biên soạn sách.

Trong một cuộc gặp gỡ với kiều bào, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Chúng ta gặp nhau với một tấm lòng người trong nước hướng tới người nước ngoài cùng nhau lắng nghe để hiểu nhau hơn. Trong bất cứ vấn đề gì cần sự chia sẻ, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẵn sàng chung tay góp sức với đồng bào ở xa Tổ quốc”.   

http://www.daidoanket.vn/que-huong-hai-ngoai/dua-tieng-viet-ra-the-gioi/83377

In bài viết nàyIn bài viết