Trang chủ  » Kiều bào  » THÔNG TIN KIỀU BÀO

Khi John đã tìm thấy Hùng...


Khuôn mặt hiền lành, giọng nói dễ thương, tính cách cởi mở và luôn khao khát tìm hiểu về quê hương... đó có lẽ là những yếu tố đã giúp cho Trần Hùng John hoàn thành chuyến đi bộ xuyên Việt trong vòng 80 ngày mà chẳng có một đồng nào giắt túi.

khi john da tim thay hung
Hùng đã thử làm rất nhiều nghề trong chuyến đi xuyên Việt.

Đi để "Việt Nam" hơn

Nói tốt tiếng Việt và làm MC cho một số kênh truyền hình Việt Nam, tuy nhiên, một số người vẫn bảo chàng Việt kiều Mỹ Trần Hùng John chẳng phải là người Việt thực sự bởi anh không sinh ra tại Việt Nam... Thay vì lên Google để tra cứu xem thế nào là người Việt Nam và làm theo, Hùng đã quyết định bỏ việc và lên đường đi bộ từ Bắc vào Nam để có thể hiểu rõ hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Hành trình ấy đã được anh kể lại trong cuốn sách mang tên John đi tìm Hùng.

Khi biết ý định có vẻ điên rồ này, bạn bè ai cũng cảm thấy lo lắng cho Hùng. Nhiều người khẳng định chắc chắn với anh rằng: Người Việt Nam không có mấy ai tốt đẹp, sẽ chẳng có ai giúp anh trên đường... Thậm chí, có người còn cảnh báo anh: "Sau vài ngày, Hùng có thể sẽ chết trên đường vì hàng trăm mối nguy hiểm rình rập".

Nghe mọi người nói vậy, chàng thanh niên sinh năm 1989 này cũng hơi băn khoăn. Nhưng chỉ sau vài ngày đi đường, anh mới thấy chẳng có gì phải lo lắng.

Thay vì lên kế hoạch dừng chân tại các thành phố lớn, Hùng cứ miệt mài đi và khám phá. Đến khi mệt, anh lại tìm một nhà dân để xin nghỉ lại. Trong những ngày “dưỡng sức”, anh tranh thủ học nghề nông. Nhiều vị chủ nhà đã nghĩ "cậu này Việt kiều Mỹ, sao làm nông dân được". Thế nhưng, Hùng quyết tâm nhận làm tất cả mọi việc, từ cày, cấy, đánh cá cho đến đan chiếu.

"Lần đầu tiên gặt lúa, tôi cứ nghĩ dùng cái liềm để chặt. May mà lúc sắp chặt trúng vào chân thì bác nông dân ra hướng dẫn tôi thao tác cho đúng. Thế là chỉ vài giờ sau, bác ấy đã phải thừa nhận là tôi làm rất tốt công việc này", Hùng nhớ lại.

Thấm thoắt đã ba năm trôi qua kể từ sau chuyến đi bộ xuyên Việt, Hùng cho rằng mình đã "Việt Nam" hơn và trưởng thành hơn rất nhiều. Tuy nhiên, anh thừa nhận mình vẫn đang gặp phải một vài vấn đề để thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam. Anh lấy ví dụ: "Rất nhiều người có tác phong "giờ cao su". Ai cũng vội vàng trên đường nhưng rồi vẫn đến muộn. Tôi chẳng thể hiểu được điều này nên nhiều khi bực mình lắm!".

Dạy tiếng Việt miễn phí trên Youtube

Cuối năm 2015, Hùng và mẹ đã đưa bà ngoại trở lại Việt Nam. Sau 40 năm xa quê, bà vô cùng ngạc nhiên khi thấy đất nước đã thay đổi hoàn toàn với những tòa nhà cao tầng cùng hàng trăm chiếc xe hơi nối đuôi nhau chạy trên đường.

Bà ngoại tuy sang Mỹ đã lâu nhưng không nói được tiếng Anh. Nhiều khi buồn, bà chỉ biết ngồi xem tivi hay đi dạo một mình. "Trong số 31 đứa cháu của bà, chỉ có mình tôi biết nói tiếng Việt. Các cô các bác đã trưởng thành và có gia đình riêng nên nhiều lúc bà rất cô đơn. Vừa rồi, được trở về quê để gặp lại họ hàng, bà vui và xúc động lắm", Hùng kể.

Nhận thấy đa số thanh niên Việt kiều đồng trang lứa không nói được tiếng Việt dù rất muốn tìm hiểu và trở về quê hương, Hùng đã nảy ra ý tưởng xây dựng một chương trình video dạy tiếng Việt miễn phí trên Youtube. Ở Mỹ có nhiều trung tâm dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào. Tuy nhiên, do giáo trình khá phức tạp nên rất ít người muốn theo học.

Tận dụng lợi thế công việc (tại một công ty truyền thông), chàng trai này sẽ quay những video dạy các câu nói phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cho thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba tại nước ngoài. Từ đó, anh sẽ phát triển kênh Youtube ấy thành một nguồn thông tin để giới thiệu với thế giới về một Việt Nam phát triển và đầy sắc màu văn hóa.

Trong năm 2016, Trần Hùng John sẽ cố gắng xin nhập quốc tịch Việt Nam. Đây là vấn đề khá nan giải bởi bố mẹ anh đều không còn giấy tờ chứng minh là người Việt Nam khi sang Mỹ. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã đồng ý hỗ trợ Hùng trong việc này. Theo đó, Hùng sẽ lấy được quốc tịch Việt Nam nếu chứng minh được những đóng góp của anh cho đất nước.

Với cá nhân Hùng, việc có quốc tịch Việt Nam mang ý nghĩa rất quan trọng. Đó sẽ là sự chứng nhận cho nguồn gốc của anh, khiến anh tự hào hơn khi giới thiệu với bạn bè quốc tế rằng: “Tôi là người Việt Nam!”.

Góp ý về phương pháp giáo dục

Nhân buổi phỏng vấn, Trần Hùng John cũng "khoe" về cuốn sách về cách nuôi dạy con mà anh sắp cho ra mắt: Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ. Là cử nhân ngành Tâm lý của Đại học Berkeley (Mỹ), Hùng rất muốn các sản phẩm của mình sẽ tác động phần nào đến các phương pháp giáo dục tại Việt Nam để góp phần làm xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Anh chia sẻ: "Chẳng ai có quyền bắt ép người khác phải thay đổi mà bản thân mỗi người phải tự làm điều đó. Những cuốn sách của tôi sẽ giúp cho mọi người biết mình đang gặp vấn đề gì và cần phải thay đổi ra sao".

rước khi bố mẹ Hùng chia tay, trong suốt 10 năm đầu đời, anh được gia đình nuôi dạy theo kiểu bảo vệ, chăm bẵm giống như rất nhiều gia đình Việt Nam. Sau đó, anh về sống với mẹ và được "thả" ra ngoài cuộc sống để tự do phát triển. Trong cuốn sách sắp ra mắt, Hùng sẽ so sánh hai kiểu nuôi dạy ấy và cung cấp thêm những nghiên cứu tâm lý học về cách nuôi con.

Thông cảm với các bậc phụ huynh thương con, không muốn con phải vất vả giống như mình trước đây, nhưng theo Hùng, việc bảo vệ con một cách thái quá lại khiến cho đứa trẻ gặp nguy hiểm khi bước ra đời.

"Khó khăn, thử thách rất cần thiết trong cuộc sống. Nhiều khi, bố mẹ phải để con mình vấp ngã để học cách đứng lên và thấy thất bại là một điều bình thường trong cuộc sống. Tôi rất thích một câu ngạn ngữ tiếng Anh: Cái gì không giết ta sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn", Hùng chia sẻ.

http://tgvn.com.vn/khi-john-da-tim-thay-hung-26765.html

In bài viết nàyIn bài viết