Trang chủ  » Kiều bào  » THÔNG TIN KIỀU BÀO

Kiều bào Myanmar tại Singapore: Ở lại hay trở về?


Khoảng 50 nghìn kiều bào Myanmar sinh sống tại Singapore đang tự hỏi rằng có nên ở lại hay trở về nước theo tiếng gọi của quê hương.

 kie u ba o myanmar ta i singapore o la i hay tro ve
Khu bán trang phục Myanmar tại  Peninsula Plaza. (Nguồn: Simon Roughneen) 

Ở lại

Aye Aye Win nhìn về phía người cha 83 tuổi của mình và giải thích tại sao cô muốn ở lại Singapore sau 3 thập kỷ định cư ở đây, xa gia đình cô tại Myanmar. Cha của Aye Aye Win đã tới Singapore một vài tuần trước để điều trị bệnh. Aye Aye Win nói rằng ở Myanmar ông không có cơ hội điều trị do hệ thống y tế Myanmar còn tương đối nghèo nàn.

Aye Aye hiện quản lý một cửa hàng nhỏ tại Peninsula Plaza, một khu thương mại phức hợp, trung tâm của người Myanmar tại Singapore. Cô chia sẻ: “Tôi dự định ở lại Singapore lâu dài, mặc dù tôi biết rằng nhiều người Myanmar di cư sang Singapore đang có ý định trở về nước”. Trong khi đó, đồng bào của cô tại Singapore muốn trở lại Myanmar bởi vì tiến trình cải cách mà Chính phủ Myanmar tiến hành có nhiều dấu hiệu cải thiện tích cực.

Nhiều thập kỷ trước, tình hình chính trị nội bộ bất ổn định, việc làm khan hiếm đã buộc người dân Myanmar phải di cư tới các nước khác để làm ăn. Phần lớn người dân Myanmar tới Thái Lan, hiện ước tính có khoảng 3 triệu lao động nhập cư Myanmar sống tại đây. Người Myanmar còn di cư tới Malaysia, Australia, Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia ở châu Âu, vùng Vịnh.

Singapore, quốc đảo nằm gần Vịnh Marina cũng là miền đất triển vọng mà người dân di cư Myanmar tìm đến. Chính sự thịnh vượng và cơ hội nghề nghiệp dồi dào đã khiến Singapore có sức hút mạnh mẽ đối với không chỉ người di cư Myanmar mà cả người di cư từ nhiều quốc gia khác trong khu vực. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP trên đầu người năm 2014 của Myanmar chỉ khoảng 1.203 USD, trong khi con số này ở Singapore là 56.284 USD. Aye Aye Win là một trong khoảng 50 nghìn người dân Myanmar tới Singapore.

Mặc dù vậy, kể từ năm 2010, nền kinh tế Myanmar tăng trưởng khoảng 8%/năm và đầu tư nước ngoài tăng vọt, từ 329 triệu USD giai đoạn 2009-2010 lên 8 tỷ USD giai đoạn 2014-2015. Nhiều công ty của phương Tây và Nhật Bản đã quay lại thị trường Myanmar, sau một thời gian dài phải ngừng hoạt động thương mại, do cấn vận quốc tế cũng như do những khó khăn trong hoạt động kinh tế tại một đất nước không minh bạch và có nhiều nạn tham nhũng.

Trở về

Tuyệt vọng do không tìm được việc làm tại Myanmar, Lin Htet Aung, tư vấn viên công nghệ thông tin 30 tuổi, đã sang sinh sống tại Singapore sau khi tốt nghiệp đại học 8 năm trước. Nhưng khác với Aye Aye Win, Lin Htet Aung có ý định quay lại đất nước khi nền kinh tế nước này có dấu hiệu khởi sắc.

“Tôi thấy rất nhiều người từ các nước khác có thể đến kinh doanh tại Myanmar vậy tại sao tôi không thể?”, Lin Htet Aung chia sẻ. Hơn nữa, việc Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua cũng đã thôi thúc nhiều kiều bào Myanmar trở về nước.

Nhiều kiều bào Myanmar trong đó có Lin Htet Aung tin rằng, đảng NLD sẽ thay đổi đất nước dân chủ và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần kiều bào Myanmar, một số kiều bào khác vẫn tỏ ra bi quan về đất nước Myanmar trong thời gian tới, trong đó có Noel Myint, một kỹ sư công nghệ thông tin 37 tuổi và là bạn thân của Ling Htet Aung.

kie u ba o myanmar ta i singapore o la i hay tro ve
Noel Myint (áo xanh). (Nguồn:  Simon Roughneen)

Noel Myint cho rằng, những thay đổi ở Myanmar hiện nay mới chỉ là sự thay đổi bên ngoài, vẫn còn nhiều nhức nhối trong lòng đất nước. Bên cạnh đó, theo Noel Myint, đảng NLD cũng phải mất khoảng từ 5 đến 10 năm nữa để có thể cải cách đất nước hiệu quả.

“Tôi không nhìn thấy tương lai của mình khi quay trở lại Myanmar trong khoảng 5 hoặc 10 năm tới”, Noel Myint chia sẻ. Nền kinh tế Myanmar phát triển nhanh chóng trong những năm qua nhưng tăng trưởng chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn như Yangon và Mandalay. Hiện nay, hơn một nửa dân số Myanmar vẫn chưa tiếp cận được với điện, và nông dân Myanmar vẫn phải sống trong nghèo đói.

Do đó, nhiều người có ý định nán lại Singapore một thời gian sau đó mới quay trở về Myanmar. “Myanmar đã có một số thay đổi nhưng ở vùng nông thôn, cuộc sống vẫn còn rất nghèo”, Min Oo, 24 tuổi, làm việc cho công ty du lịch Singapore nói. Min Oo cùng vợ sang Singapore làm việc và để lại đứa con 3 tuổi tại Yangon cho ông bà chăm sóc. Min Oo muốn tìm hiểu về kinh doanh trong du lịch và sau đó về Myanmar làm việc trong ngành này. “Trong vòng 3 đến 4 năm tới, chúng tôi hy vọng sẽ có thể quay trở về Yangon để bắt đầu sự nghiệp của mình”, Min Oo chia sẻ.

http://tgvn.com.vn/kie-u-ba-o-myanmar-ta-i-singapore-o-la-i-hay-tro-ve-26877.html

In bài viết nàyIn bài viết