Trang chủ  » Kiều bào  » THÔNG TIN KIỀU BÀO

Nguồn lực kiều bào


Hiện có hàng ngàn doanh nhân người Việt đang có mặt tại hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và số dự án đầu tư về nước ngày một nhiều hơn. Bên cạnh đó, kiều bào ta ở nước ngoài còn có một lực lượng lao động trẻ hùng hậu, tay nghề cao, thuộc thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3.

alt

Doanh nhân kiều bào trong một chương trình gặp mặt Xuân.

Nguồn kiều hối đạt hơn 12 tỷ USD

Theo ông Đặng Trần Phong- Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học Công nghệ (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài), trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, hầu hết DN Việt Nam ở nước ngoài phải rất nỗ lực để vượt qua khó khăn. Trong khi một số doanh nghiệp đứng vững tại thị trường sở tại thì số tập đoàn lớn đang có xu hướng chuyển về đầu tư tại Việt Nam. 

Doanh nhân người Việt ở nước ngoài không chỉ tự vận động, tranh thủ cơ hội mà đã liên kết với nhau hình thành nên những mạng lưới trải khắp các khu vực, các quốc gia. Đặc biệt, tháng 8-2009, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã ra đời với hơn 200 hội viên là DN Việt Nam đang làm ăn thành đạt ở trên 30 nước trên toàn thế giới. Đây được coi như mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài. Tới nay, rất nhiều cơ sở kiều bào đã trở thành cầu nối xúc tiến đầu tư, thương mại của trong với ngoài nước.

Gần đây nhất, sự ra đời của các Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở khu vực châu Á như Hội doanh nhân Việt Nam tại Campuchia, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào... với nhiều hoạt động hiệu quả thiết thực đã minh chứng cho sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của cộng đồng DN Việt tại nước ngoài.

Ở trong nước, đến nay đã có hơn 50 trong tổng số 63 tỉnh/thành có các dự án đầu tư của người Việt ở nước ngoài với hơn 2.000 doanh nghiệp, mang về nguồn kiều hối rất đáng kể theo từng năm, phần lớn từ các nước như Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Hà Lan, Séc...  

Lượng kiều hối gửi về nước đạt mức cao, gia tăng năm sau hơn năm trước. Năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, lượng kiều hối vẫn đạt mức gần 7 tỷ USD. Năm 2010, kiều hối gửi về đạt mức 8,6 tỷ USD. Riêng năm 2015 kiều hối chuyển về nước đạt hơn 12 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về nhận kiều hối. Đầu tư và kiều hối gửi về trong nước đã góp phần tạo công ăn việc làm, tham gia phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và là nguồn bổ sung ngoại tệ cho đất nước. 

Một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới  (World Bank) nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng kiều hối chuyển về hàng đầu châu Á.  Đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam, kiều hối không chỉ giúp cải thiện mức sống của người dân mà còn giúp giảm thâm hụt thương mại. 

Nguồn lực trí thức trẻ 

Trong số hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, có khoảng 10%, là các doanh nhân, chuyên gia, trí thức. Trí thức người Việt tập trung chủ yếu tại các nước có nền kinh tế và khoa học kỹ thuật phát triển. Họ góp mặt ở hầu hết các ngành và lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài nhiều người đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, được các cơ quan truyền thông nước ngoài ca ngợi. 

Mỗi năm có trên 200 lượt trí thức gốc Việt từ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Anh, Úc, Canada,…được mời hoặc tự nguyện về làm việc tại Việt Nam ở các lĩnh vực khác nhau. Một số lĩnh vực đang nghiên cứu hợp tác có hiệu quả như tin học và ứng dụng tin học, điện tử, viễn thông, y học, vật liệu composit, giáo dục - đào tạo, tài chính - kế toán, ngân hàng, xây dựng, công nghệ in, chế biến và bảo quản thực phẩm, giống cây, nuôi trồng thủy sản, xử lý chất thải công nghiệp.

Ông Nguyễn Phú Bình- nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài đang trở thành một đối tượng quan trọng của công tác vận động nhằm động viên khuyến khích sự hợp tác, đóng góp của họ đối với công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Theo ông Bình, thế mạnh của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là được đào luyện, tiếp cận môi trường khoa học công nghệ tiên tiến và hiện đại, tiếp cận, nắm bắt được phương pháp quản lý kinh tế vĩ mô và chuyên ngành. Họ có khả năng phát kiến sáng tạo, có năng lực tổng hợp thông tin, tư vấn đề xuất và tạo dựng mối quan hệ với các cơ sở khoa học, cơ sở kinh tế ở nước sở tại.

Đề cập đến vấn đề này, TS Lương Bạch Vân- Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM đánh giá, phần lớn các chuyên gia, trí thức kiều bào về nước là thế hệ thứ nhất. Họ mới chỉ có thể đóng góp ở một số lĩnh vực nhất định như đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, huấn luyện,...Trong khi thế hệ thứ 2 và thứ 3 chiếm số lượng rất lớn nhưng trở về đóng góp chưa nhiều. Nếu chúng ta có chính sách hợp lý, tạo điều kiện tốt để họ trở về thì chắc chắn, đội ngũ này thực sự là lực lượng nòng cốt, góp tay vào xây dựng đất nước.  

Hiện trí thức Việt Kiều tập trung nhiều nhất ở Mỹ (150.000), Pháp (40.000), Canada (hơn  20.000),…. Hầu hết các lĩnh vực đều có sự góp mặt của người Việt nhưng đông nhất là trong  lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông. Thống kê của chương trình Social Culture Vietnamese thuộc mạng thông tin liên quốc gia Global Internet Working cho biết có 40.000 trí thức người Việt tham gia  hệ thống này. Trong đó, khoảng 65% có chuyên môn về máy tính, 15% là kỹ  sư các ngành khác và 20% thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, kinh tế. Riêng tại  Silicon Valey (Mỹ) có hơn 10.000 người Việt làm việc. 

http://www.daidoanket.vn/que-huong-hai-ngoai/nguon-luc-kieu-bao/85454

In bài viết nàyIn bài viết