Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » ĐIỂM TIN ĐỐI NGOẠI

Đông Nam Á: Bóng ma khủng bố đang hiện hình


Không chỉ còn là những lời cảnh báo, vụ khủng bố hôm 14/1 tại trung tâm thủ đô Jakarta là một hồi chuông cảnh tỉnh, không chỉ đối với Indonesia mà còn với cả khu vực Đông Nam Á. Khủng bố giờ đây đã trở thành bóng ma hiện hữu.

Câu chuyện không mới

Trước khi xảy ra vụ khủng bố ngày 14/1, một số cơ quan tình báo của Mỹ, Australia và Singapore đã cảnh báo, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang lên kế hoạch tấn công khủng bố tại Indonesia hoặc Malaysia, Thái Lan và Philippines, tương tự vụ khủng bố tại Paris đầu tháng 11/2015. Chính nhờ sự chuẩn bị và đối phó kịp thời, nên ngay sau các cuộc tấn công khủng bố, các lực lượng an ninh Indonesia đã nhanh chóng có mặt, tiêu diệt năm tên khủng bố, và sau đó tiến hành các đợt bố ráp lớn tại Jakarta cũng như trên toàn quốc, bắt giữ hàng chục nghi can.

Thực ra, việc các tổ chức Hồi giáo cực đoan đánh bom và tiến hành các hoạt động khủng bố không phải là vấn đề mới ở Indonesia cũng như Đông Nam Á. Trước khi có sự trỗi dậy của các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Nam Á và Trung Đông như Al- Qaeda và IS ở Iraq và Syria, Đông Nam Á đã chứng kiến không ít vụ khủng bố và tàn sát dân thường tàn bạo, được thực hiện bởi các tổ chức khủng bố như Mặt trận giải phóng dân tộc Monro (MNLF) và Abu Sayyaf ở miền Nam Phillipines, hay Jemaah Islamiyah (JI) ở Indonesia.

dong nam a bong ma khung bo dang hien hinh
 

Từ đầu thập niên 1990 đến năm 2005, Abu Sayyaf liên tục bắt cóc con tin phương Tây để đòi tiền chuộc. Năm 2001, Abu Sayyaf đã chặt đầu một con tin người Mỹ và chín con tin theo đạo Thiên chúa, sau nỗ lực đòi tiền chuộc bất thành, nhằm gây sức ép ngăn cuộc tấn công của quân đội Chính phủ Philippines.

Trong khi đó, JI được coi là những kẻ chủ mưu của cuộc đánh bom khủng bố giết chết hơn 200 người tại hòn đảo du lịch Bali, Indonesia năm 2002. Còn các vụ đánh bom khủng bố gây thương vong lớn nhất gần đây tại Jakarta là các vụ đánh bom khách sạn JW Marriott và khách sạn Ritz-Carlton làm bảy người thiệt mạng.

Từ đầu năm 2010 trở lại đây, các vụ tấn công khủng bố ở Đông Nam Á giảm hẳn, nhờ nỗ lực chống khủng bố của các nước Indonesia, Philippines và Malaysia, ngoại trừ bạo lực bùng phát ở khu vực miền Nam Thái Lan từ năm 2004 đến nay chủ yếu liên quan đến vấn đề ly khai.

Quan ngại nhiều hơn

So với các vụ khủng bố trước đây ở khu vực, vụ khủng bố ngày 14/1 tại Jakarta có số thương vong không lớn bằng, nhưng lại gây quan ngại nhiều hơn cho giới chức Indonesia và các nước trong khu vực, bởi một số lý do sau:

Thứ nhất là sự liên hệ giữa các tổ chức khủng bố ở Đông Nam Á với các tổ chức khủng bố khét tiếng ở Trung Đông và Nam Á như Al-Qaeda và IS. Theo số liệu của cơ quan an ninh Indonesia và nước ngoài, hiện có từ 600-1.000 công dân các nước Đông Nam Á đã tham dự các khóa huấn luyện và đang tham gia thánh chiến tại Iraq và Syria. Hiện nay, một số phiến quân Hồi giáo cực đoan đã quay trở lại khu vực Đông Nam Á và tìm cách gây dựng các mạng lưới khủng bố cũng như tuyển quân cho IS. Gần đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã lên tiếng cảnh báo rằng, Đông Nam Á là một trong những nguồn tuyển mộ quân quan trọng của IS. Việc những kẻ khủng bố tại Jakarta vừa qua có liên hệ với IS đã gióng lên hồi chuông báo động về sự kết nối giữa các tổ chức khủng bố trong khu vực với nhau và với mạng lưới khủng bố toàn cầu như IS và Al Qaeda. Nếu như điều này trở thành hiện thực, nhiều khả năng, vụ khủng bố vừa qua tại Jakarta chỉ là “khúc dạo đầu” tập dượt cho các vụ tấn công khủng bố đẫm máu hơn đang được lên kế hoạch.

Thứ hai, tuy không gây thương vong lớn về người và vật chất, nhưng việc khủng bố tiến hành hàng loạt vụ nổ bom ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” tại trung tâm Thủ đô Jakarta, nơi có đông cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, đã gợi nhớ sự giống nhau giữa phương thức và thủ đoạn khủng bố trong các vụ tấn công đẫm máu trước đó tại Mumbai (Ấn Độ) năm 2008, Nairobi (Kenya) năm 2013, hay Paris (Pháp) năm 2015.     

Thứ ba, nhiều dấu hiệu cho thấy sau khi bị tấn công, truy đuổi và làm suy yếu tại Iraq và Syria, IS đang tìm cách mở rộng hoạt động tại các nước khác nhằm gây thanh thế. Các vụ tấn công khủng bố mới đây - tiếp theo các vụ tấn công tại Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Burkina Farso, Mali hay Indonesia - là thông điệp của IS rằng, tổ chức này có đủ khả năng và sức mạnh vươn “vòi bạch tuộc” ra toàn thế giới.

Hơn nữa, tuy trước đây khủng bố ở Đông Nam Á hoạt động khá mạnh, nhưng các nhóm này chủ yếu là tự phát và gần như không phối hợp với nhau. Qua vụ khủng bố tại Jakarta vừa qua, nhiều dấu hiệu cho thấy bước đầu đã có sự liên kết giữa các nhóm khủng bố trong khu vực với nhau và với các nhóm khủng bố ngoài khu vực. Đây sẽ là điều hết sức nguy hiểm vì việc hình thành mạng lưới sẽ giúp làm tăng sức mạnh của các nhóm khủng bố khu vực lên gấp nhiều lần.

Ngoài ra, trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á ngày càng gắn kết với nhau sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời, các cuộc tấn công khủng bố tuy nhằm vào một quốc gia cụ thể, như Indonesia vừa qua sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường an ninh của toàn khu vực.

Cần giải pháp lâu dài

Vụ khủng bố tại Jakarta cho thấy nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Mặc dù đã được cảnh báo trước về nguy cơ, nhưng vụ khủng bố vẫn diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt tại Jakarta cũng như tại một số thành phố lớn. Điều đó cho thấy sự khó khăn trong việc loại bỏ hoàn toàn nguy cơ khủng bố. Ngoài ra, Indonesia là nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới với trên 250 triệu người, và nếu chỉ một phần nghìn dân số nước này đi theo hướng cực đoan thì con số này đã là 250.000 người. Cần nhớ rằng, trong vụ khủng bố vừa qua tại Jakarta, mới chỉ có 14 tên khủng bố tham gia, vậy mà đã gây bao rắc rối cho Chính quyền và người dân Indonesia.

Do đó, để chống lại các nguy cơ đe dọa khủng bố, thì Indonesia và các nước trong khu vực cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ, cụ thể:

Một là, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và công bằng. Đây sẽ là cách chống khủng bố lâu dài và hiệu quả nhất, bằng các biện pháp kinh tế và xã hội, để những kẻ khủng bố không có khả năng tuyển mộ những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề sự phát triển của đất nước.

Hai là, cần thúc đẩy hơn nữa sự hòa giải và đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau thông qua đối thoại, giáo dục và tuyên truyền, nhằm tránh các yếu tố gây kích động và hận thù tôn giáo.  

Ba là, tăng cường hoạt động của các lực lượng an ninh và bảo vệ luật pháp nhằm trấn áp các phần tử Hồi giáo cực đoan, quá khích.

Bốn là, cần tăng cường phối hợp hành động, chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên ASEAN để giảm thiểu và ngăn ngừa sự liên kết giữa các nhóm khủng bố khác nhau trong khu vực.

Như vậy, khủng bố đã không chỉ còn là nguy cơ mà đã thực sự trở thành mối đe dọa đối với các nước trong khu vực. Việt Nam, nguy cơ khủng bố đe dọa trực tiếp không lớn nhưng các thách thức đặt ra là môi trường an ninh - chiến lược vốn đang có những biến động nhanh, có thể bị ảnh hưởng thêm bởi mối đe dọa này. Do đó, ngoài việc nâng cao khả năng đối phó với mối đe dọa khủng bố, chúng ta cần theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các nước trong và ngoài khu vực để góp phần loại bỏ mối đe dọa khủng bố, đem lại sự ổn định và yên bình cho khu vực.

PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao.

http://tgvn.com.vn/dong-nam-a-bong-ma-khung-bo-dang-hien-hinh-26848.html

In bài viết nàyIn bài viết