Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Rầm rập từ thiện


Tha thiết kêu gọi áo ấm, chăn len, dép tổ ong… cho đám trẻ chân trần vùng cao là đáng quý. Nhưng cũng nên hiểu rằng đôi khi đám trẻ vùng cao đi chân trần mới thích nghi được với những vùng đất khắc nghiệt ấy.

alt

Trẻ em vùng cao.

Càng gần đến Tết, những chương trình từ thiện càng rầm rộ. Đó là đạo lý, là tình nghĩa Việt Nam. Cả xã hội suốt những năm qua đã tích cực phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhiều cảnh ngộ khó khăn, mang quà Tết, cái ăn, cái mặc, sách vở đến cho nhiều trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa… Nhưng rầm rập đi làm từ thiện năm này qua năm khác, nếu cứ làm như vậy, có vẻ như “sự nghiệp” này còn nhiều năm nữa chưa xong.

Từ thiện là hoạt động đáng quý, đáng nhân lên trong bối cảnh đời sống thời hiện đại ngày càng có khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, có những số phận thiệt thòi hơn người khác. Càng cuối năm, càng gần Tết, càng lúc mùa đông rét mướt, người có lòng nhân ái lại càng nghĩ đến những số phận thiệt thòi. Sự phát triển của xã hội hiện đại không làm bớt đi những nghịch lý. Ai đã từng đi qua những vùng ven sông, ven biển sau một trận bão, ai đã từng đến vùng núi cao sau một trận lũ quét, ai đã từng nhìn những đứa trẻ vùng cao mình trần chân đất trong cái rét lạnh thấu xương… thì đều nghĩ rằng một chút áo ấm, một chút vật chất chia sẻ là hết sức có ý nghĩa. Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Lại cũng có câu rằng: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cho nên, áo ấm, mì tôm, đôi dép, viên thuốc hay một gói quà Tết… đâu phải là vô nghĩa lý. 

Bây giờ mà lại bàn chuyện cần câu hay con cá thì cũ quá rồi. Đã là vùng khó khăn, đã là người nghèo, thứ gì chả cần. Cầu câu cũng cần mà con cá cũng quý. Nhưng thiện nguyện quá đà là việc cũng không nên. Những vùng đất ấy, những con người ấy mãi mãi sẽ thế nào nếu cứ rầm rập hết đoàn từ thiện này đến đoàn từ thiện khác kéo đến. Quần áo, sách vở, kẹo bánh, mì tôm… không giúp một vùng đất thoát nghèo bền vững. Chúng ta đôi khi áp đặt cách nhìn của những con người đến từ những vùng đất phát triển cho những người dân bản địa.

Chúng ta nghĩ rằng phải thế này mới tốt mà đôi khi không nghĩ rằng vị trí địa lý, tập quán, văn hóa của vùng đất ấy lại khiến họ phải sống như họ đang sống thì tốt hơn. Ở đây không có ý cho rằng họ cứ mãi mãi phải nghèo hoặc lạc hậu mới tốt mà chỉ muốn nói rằng những gì chúng ta đem tới cho họ nghĩ là để giúp mà chưa chắc đã giúp họ sống tốt hơn. Bài học của những quan công sứ người Pháp đã được họ viết thành sách khi đến khai phá văn minh vùng Tây Nguyên vẫn còn nguyên giá trị. Sự văn minh của một vùng đất có lý lẽ riêng mà nếu áp đặt để biến đổi khác đi, là đang làm biến mất cả một nền văn hóa. 

Tha thiết kêu gọi áo ấm, chăn len, dép tổ ong… cho đám trẻ chân trần vùng cao là đáng quý. Nhưng cũng nên hiểu rằng đôi khi đám trẻ vùng cao đi chân trần mới thích nghi được với những vùng đất khắc nghiệt ấy.

Những năm qua, phong trào từ thiện trong xã hội cực kỳ rầm rộ, nhưng cũng nên có những điều tra, thống kê thực sự khoa học xem những hoạt động từ thiện theo kiểu ấy mang “con cá” ấy có hiệu quả thế nào đối với từng người nghèo, từng xã nghèo, từng huyện nghèo. Việc làm nào, cách làm nào hiệu quả thì nên nhân rộng, cách làm nào thì không nên tiếp tục nữa. Đành rằng từ thiện là tấm lòng, là tự phát của mọi người trong xã hội, nhưng đó cũng là nguồn lực chung của toàn xã hội. Mọi nguồn lực trong xã hội dù là của Nhà nước hay của tư nhân đều không nên lãng phí.

Ở đây, chúng tôi không đánh đồng những người làm từ thiện thực chất, thực sự với những người lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi hoặc trục lợi. Nhưng nói chung đối với cuộc đời, từ thiện không phải đang cho mà là đang nhận. Phần đông người làm từ thiện trong chúng ta như đã nói ở trên là kể cả nếu không phải vì danh, vì lợi thì cũng thực ra chẳng phải là để  thỏa mãn tâm nguyện của chính mình hay sao. Làm việc thiện vì thế cái được thuộc về người cho hơn là người nhận. 

Nghĩ cho đến tận cùng như thế, đừng nghĩ mình đang đi cho mà là đang nhận về mình, để dẹp bỏ những cách từ thiện phong trào, những a dua, những lợi dụng để thiện tâm mà không phải bố thí, để từ thiện cũng phải hướng tới hiệu quả và giá trị bền vững.

Cuộc đời cần những tấm lòng. Từ thiện là nhân lên lòng nhân ái, là khiến cho cuộc sống có giá trị hơn. Nhưng nếu năm nào càng gần đến Tết càng rầm rập những đoàn từ thiện rồng rắn lên vùng cao, cờ giong trống mở mà không khiến cho vùng cao mở mày mở mặt hơn lên thì nghĩa là gần Tết sang năm, lại đi từ thiện.

Lâu nay, trong việc làm từ thiện, người ta chỉ nghĩ từ một phía người cho, chứ không lắng nghe xem người nhận nghĩ thế nào. Con cá cũng cần mà cần câu cũng cần. Để miền núi tiến kịp miền xuôi cần tư duy nhìn miền núi khác đi của chính người miền xuôi chứ đừng bắt người miền núi sống và nghĩ giống mình.

http://www.daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/ram-rap-tu-thien/84895

In bài viết nàyIn bài viết