Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Di sản hội Gióng: Cộng đồng bảo tồn vẹn nguyên giá trị


Ban tổ chức Lễ hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn- Hà Nội) vừa cho biết, năm 2016 địa phương sẽ quản lý chặt chẽ hơn quá trình tổ chức lễ hội này. Việc tổ chức Lễ hội đền Sóc nói riêng và tổ chức hội Gióng ở Hà Nội nói chung nhằm thực hiện đầy đủ cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

alt

Lễ hội Gióng đền Sóc. (Ảnh tư liệu).

Những giá trị có một không hai của hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (Sóc Sơn) đã được công nhận di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010. Sau 5 năm được vinh danh, di sản này sắp đến kỳ được UNESCO đánh giá mức độ tác động của danh hiệu đến di sản và cộng đồng. 

Sẽ giám sát việc thực hành nghi lễ 

Ban tổ chức Lễ hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn- Hà Nội) vừa cho biết, năm 2016 địa phương sẽ quản lý chặt chẽ hơn quá trình tổ chức lễ hội này. Việc tổ chức Lễ hội đền Sóc nói riêng và tổ chức hội Gióng ở Hà Nội nói chung nhằm thực hiện đầy đủ cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản văn hoá  phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hơn 5 năm trước, UNESCO đã ghi nhận một cách ngắn gọn và đầy đủ về Hội Gióng, đó là “Một bảo tàng văn hóa của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng”. Sức sống mãnh liệt của hội Gióng cũng đã được kiểm chứng qua thời gian hàng trăm năm với sự tham gia tự nguyện của cộng đồng. Trong đó, gắn với hội Gióng ở Phù Đổng là hệ thống di tích dày đặc, kho tàng di sản phi vật thể phong phú; còn ở đền Sóc là phong cảnh sơn thủy hữu tình và một chuỗi di tích vệ tinh.

Những yếu tố đó đủ để đưa hội Gióng và không gian hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc trở thành điểm đến hấp dẫn quanh năm. Dẫu vậy trên thực tế do sự đầu tư, khai thác chưa hợp lý nên di sản chưa được quảng bá rộng rãi, và chưa phải người dân nào cũng hiểu rõ về giá trị của một di sản văn hóa.

Theo thông lệ hàng năm, hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi sinh Thánh Gióng diễn ra từ ngày 7 - 9 tháng 4 Âm lịch, và Hội Gióng ở đền Sóc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn- nơi Thánh hóa diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng. Hội Gióng là một hội trận được trình diễn bằng một hệ thống biểu tượng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được cộng đồng bảo tồn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Nhưng trong quá trình thực hành lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn) có những thời điểm mà người tham gia đã góp phần gây bạo lực và mất trật tự lễ hội. Vì thế, theo ông Đoàn Văn Sinh- Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sóc Sơn, năm nay BTC sẽ cấm mang gậy cướp giỏ hoa tre tại lễ hội này. 

Người dân sẽ hưởng lợi từ di sản 

Trước đó, năm 2014 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị quý giá của hội Gióng, Đề án “Phát huy giá trị không gian Lễ hội Gióng tại Gia Lâm và Sóc Sơn” do Sở VHTT Hà Nội làm chủ đầu tư, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) xây dựng đã được UBND TP Hà Nội thông qua. Đề án được xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị không gian hội Gióng nhằm phục vụ du lịch và phát triển du lịch bền vững, góp phần vào sự phát triển văn hoá – kinh tế – xã hội tại hai huyện Gia Lâm và Sóc Sơn cũng như một số địa phương khác trên địa bàn thành phố. Mục tiêu của đề án còn nhằm quảng bá giá trị di sản hội Gióng đến khách du lịch trong nước và quốc tế. 

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, lâu nay quần thể di tích đền Sóc đã được đầu tư đáng kể để nhắm đến mục tiêu phát triển du lịch. Nhưng theo bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm: Dù di sản là của cộng đồng nhưng lợi ích mang lại cho cộng đồng chưa rõ nét nên người dân hầu như chưa được hưởng lợi từ di sản…Chính vì vậy mà trong đề án xây dựng, Trung tâm đề xuất một số mô hình phát huy giá trị không gian hội Gióng gắn với phát triển du lịch bền vững.

Ông Trương Nam Thắng (Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ) đã cho rằng, đề án là cơ sở khoa học và thực tiễn để các cơ quan chức năng có biện pháp bảo tồn, khai thác giá trị không gian hội Gióng một cách hợp lý, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng để họ có thể thực hiện tốt hơn nữa vai trò chủ thể của di sản.

Đó là một thiện chí tốt, nhưng vấn đề là giải pháp thực hiện để du lịch không làm phá vỡ không gian văn hóa, mà trái lại nó sẽ tương hỗ lẫn nhau. Ý tưởng phát huy giá trị không gian lễ hội Gióng thông qua du lịch rất nhân văn. Tuy nhiên để hiện thực hóa ý tưởng này, vừa bảo tồn được giá trị truyền thống, vừa đem lại cơ hội cho du lịch thì không phải chuyện một sớm một chiều.

Theo lộ trình, năm 2016 hội Gióng đền Phù Đổng và Đền Sóc (loại hình di sản lễ hội đầu tiên ở nước ta được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) sẽ đến kỳ UNESCO đánh giá mức độ tác động của danh hiệu đến di sản và cộng đồng. Trước mắt, trong rất nhiều chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản hội Gióng thì việc bảo tồn khẩn cấp di sản hát múa Ải Lao ở phường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) - một trong những nghi lễ đặc trưng của hội Gióng ở đền Phù Đổng đã được Sở VHTT Hà Nội đầu tư nghiên cứu bảo tồn thông qua đề án “Nghiên cứu, bảo vệ tập quán xã hội hát và múa Ải Lao”. 

Như vậy, đã 5 năm kể từ khi hội Gióng được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những nghi lễ truyền thống, và tính nguyên bản của lễ hội vẫn do cộng đồng tự nguyện và chung tay gìn giữ.

http://www.daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/di-san-hoi-giong-cong-dong-bao-ton-ven-nguyen-gia-tri/85050

In bài viết nàyIn bài viết