Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Trẻ hóa 'phố ông đồ'


Theo kế hoạch, Hội chữ Bính Thân năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 15/2 trong khuôn viên Hồ Văn (Di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội). Đây là năm thứ 2 các ông đồ phải trải qua quá trình khảo hạch nghiêm túc trước khi được cấp thẻ của BTC để tham gia hội chữ. Đại diện Trung tâm Hoạt động văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho hay, chiểu theo đúng kết quả thi thì chỉ có 15 ông đồ đủ tiêu chuẩn được cho chữ. Đáng mừng là trong số đó có nhiều ông đồ trẻ.

alt

Phố ông đồ ở Hồ Văn năm 2015.

Trong quan niệm của nhiều người, những ông đồ cho chữ thường phải là những người đã cao tuổi. Một nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ đã chia sẻ, có lần nhà thư pháp tài danh Lê Quốc Việt ngồi cho chữ, nhưng chỉ rất ít người tới xin chữ của ông đồ trẻ này mà người ta đổ xô vào mua chữ của những ông già tóc bạc phơ.

Tại sao lại như vậy, bởi lâu nay tâm lý người đi xin chữ đã ấn định rằng ông đồ thì phải già lụ khụ mới có đủ chữ nghĩa. Song trên thực tế, giờ đây nhiều người trẻ đã được học hành về kiến thức Hán Nôm cơ bản. Vì thế theo nhà nghiên cứu nọ thì đừng nên áp thước đo cũ để đo vào xã hội hôm nay.

Được biết tại Hội chữ Bính Thân 2016, cũng như ở Hội chữ Ất Mùi 2015, để được vào ngồi “cho” chữ ở Hồ Văn, các ông đồ phải trải qua kỳ khảo hạch nghiêm ngặt của BGK, hoặc là có tác phẩm được chọn để trưng bày trong Triển lãm Thư pháp, tất cả đều phải đeo thẻ của BTC mới được dựng lều viết chữ, cho chữ. Việc làm này không nằm ngoài mục đích lựa chọn những ông đồ có đủ trình độ để cho chữ thiên hạ. 

Ngày hôm nay (25/1), BTC họp báo công bố về Hội chữ Bính Thân 2016. Theo đó, sẽ có 110 ông đồ với 110 gian hàng thư pháp Hội chữ Xuân để “cho chữ” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuy nhiên theo kết quả khảo hạch năm 2016, với 44 thí sinh tham dự (37 người thi thư pháp chữ Hán Nôm và 7 người thi thư pháp chữ Quốc ngữ), thì chỉ có 12 người được lựa chọn viết thư pháp Hán Nôm và 3 người viết thư pháp Quốc ngữ.

Trong thời gian 20 phút, đề thi yêu cầu người tham gia khảo hạch thực hiện một tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh (gồm: chính văn, lạc khoản, đóng ấn chương) kèm theo lời thuyết minh về tác phẩm. Phần thực hành thi pháp, thí sinh viết nội dung chính văn tác phẩm gồm 4 chữ. Đối với thí sinh thi chữ Quốc ngữ là 4 chữ: Uống nước nhớ nguồn. Đối với thí sinh thi chữ Hán Nôm là 4 chữ: Yến dực di mưu. Khổ giấy được BTC cung cấp. Nội dung thể hiện dạng Hoành phi. BGK cho hay họ đặc biệt chú trọng tới giá trị thẩm mỹ của  tác phẩm thư pháp. 

Đại diện BGK cho biết, trong số 15 ông đồ trải qua kỳ khảo hạch nói trên, cũng có những người ở diện đỗ “vớt”. Vì thế, những thí sinh đỗ chính thức được cấp “visa” 3 năm, còn những thí sinh đỗ vớt chỉ được cấp “visa” trong năm 2016, năm sau sẽ phải thi sát hạch lại. Sát hạch hàng năm sẽ góp phần phân loại, không để “vàng thau” lẫn lộn như trước, nhiều người cho chữ sai, chữ xấu vẫn chễm chệ ngồi phố ông đồ.

Trong khi người đi xin chữ không phải ai cũng hiểu được chữ Hán Nôm, cũng như không “thẩm” hết được cái đẹp của thư pháp Việt. Cũng bởi có người đi xin cho có phong trào nên không phân biệt được đâu là cái hay, cái đẹp và ý nghĩa thực thụ của những chữ mà mình xin được…

Như vậy, 15 thí sinh đủ tiêu chuẩn sẽ cùng với những “ông đồ” của mùa cũ cùng tham dự Hội chữ Bính Thân tới đây. Đặc biệt như đã đề cập ở trên, trong số những ông đồ thế hệ 8X, 9X có những người tiêu biểu như Nguyễn Tô Tâm An (SN 1997, sinh viên năm thứ nhất Học viện Quan hệ quốc tế, CLB Tảo Sách) thi đỗ cao nhất trong kỳ thi khảo hạch người viết tại Văn Miếu năm 2015; Nguyễn Thành Duy (SN 1981, thạc sĩ, CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam); Nguyễn Trung Hoàng Long (SN 1982), Trần Quang Đức (SN 1985), Nguyễn Hữu Sử (SN 1986)…

Theo nhận định của BTC, số lượng ông đồ trẻ thế hệ 8X, 9X tuy còn khiêm tốn so với thế hệ trước, nhưng đã có những nhân tố tiêu biểu, trong tương lai, có thể đóng góp tích cực cho một nền thư pháp Việt Nam; có bản sắc, hướng tới cộng đồng và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc…

Có một điều đáng mừng là càng ngày càng có nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên đang theo học thư pháp với niềm đam mê thư thực thụ để góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống trong dòng chảy xiết của cuộc sống đương đại.

Theo qui định từ Hội chữ Ất Mùi 2015, giá cả bức thư pháp được niêm yết công khai, tránh tình trạng “chặt chém” người xin chữ như một số năm trước đây. Do việc siết qui định tham gia phố ông đồ, nhiều người cũng đang băn khoăn về số lượng ông đồ dự Hội chữ Bính Thân sẽ ít đi chăng. Bởi năm 2015 có khoảng 200 ông đồ đăng ký tham gia hội chữ Xuân.

Đại diện Sở VHTT Hà Nội chia sẻ, việc quản lý qui củ phố ông đồ nhằm mục đích gìn giữ một nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xin - cho chữ của nhân dân.

Trong khuôn khổ của Hội chữ Bính Thân 2016 sẽ có Triển lãm Thư pháp,  trưng bày khoảng 100 tác phẩm tiêu biểu nhất.    

http://www.daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/tre-hoa-pho-ong-do/85588

In bài viết nàyIn bài viết