Không ai bị bỏ lại

So với thế giới thì Việt Nam còn nghèo, còn bộn bề trăm mối trong hành trình phát triển... nhưng tấm lòng đồng bào với nhau thì luôn đầy như nước biển Đông. Người đứng đầu Chính phủ cam kết với người dân rằng “trong đại dịch, không ai bị bỏ lại phía sau”. Ở trong nước, công cuộc “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam đã khiến cho thế giới kinh ngạc với sự quyết tâm, đồng lòng và hiệu quả của nó. Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - tóc bạc trắng, tay xách chiếc cặp lao đi dập dịch trong đêm – với người dân là hình ảnh sáng, đẹp vô cùng. Nó tạo niềm tin sâu sắc cho gần trăm triệu người dân Việt Nam vốn có tinh thần yêu nước, sẵn sàng sẻ chia mọi khó khăn cho một mục đích chung của cả dân tộc. Hình ảnh những “con đại bàng ”Vietnam Airlines bay vút lên bầu trời, chở theo những bác sĩ, tiếp viên hàng không... trong trang phục bảo hộ màu xanh dương để lao vào tâm dịch, đón đồng bào mình trở về đã trở thành biểu tượng cao quý của hãng hàng không đại diện cho quốc gia - trong “thời loạn” COVID-19.

Các chuyến bay của Vietnam Airlines vẫn tiếp tục bay đến nhiều nơi trên thế giới để thực hiện nhiệm vụ giải cứu công dân trong đại dịch COVID-19.

“Lần đầu tiên em nhìn thấy máy bay Vietnam Airlines trên sân bay Toronto – Canada, em phải cố kìm nén mới không bật khóc thành tiếng. Chúng em cảm nhận rất rõ là Chính phủ không bỏ rơi ai. 343 con người Việt Nam với 343 số phận, nỗi lo đã được đón về nhà mình. Đó là chưa kể đến việc, Việt Nam với Mỹ và Canada chưa có đường bay chính thức. Vậy mà giữa lúc căng thẳng nhất vì dịch, máy bay của Vietnam Airlines hiện diện trên những sân bay ở Log Angeles, San Francisco, Toronto, Vancouver... đồng nghĩa với việc đường bay từ Việt Nam đến Bắc Mỹ đã được khai thông”. Em Dino Nguyen, một du học sinh được đón về trong chuyến bay ngày 15 / 11/ 2020 chia sẻ với chúng tôi.

Bạn tôi đi thăm con du học và bị kẹt lại châu Âu. Chị kể rằng, khoảng thời gian bị kẹt lại là những trải nghiệm sâu sắc. Nó giống như mình đang bị rơi xuống địa ngục và phải rất cố gắng để quan sát những gì diễn ra xung quanh. Vẫn là cỏ cây hoa lá, mặt trời tỏa sáng, con người thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết... nhưng số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh từng ngày, số người chết nhảy nhót trên bảng tin thì nỗi sợ không thể nào gạt đi được. Nếu không có cộng đồng người Việt, có bạn bè đồng hương chắc là chưa chết vì COVID-19 đã chết vì tuyệt vọng. Cảm giác như thế là có thật.

Tôi tin lời chị ngay bởi tôi cũng trong cảnh giống chị, cũng đi thăm con và bị kẹt lại. Khi trên chuyến bay trở về Việt Nam, trong khi tôi thì lo lắng vì sự an toàn cho cả chặng đường dài thì con trai tôi không kiềm chế được cảm xúc. Thi thoảng nó lại bấu tay tôi: “Mẹ ơi! Mình về thật rồi. Con đã bảo mẹ là Chính phủ không bỏ ai lại phía sau mà”. Tôi nhắc con “bình tĩnh đi, còn phải lo nhiều lắm”. Nói thế thôi chứ trong tôi cũng chộn rộn bao cảm xúc. Khi con thì thầm “Mẹ ơi. Mình đang bay trên bầu trời Việt Nam” thì tim tôi như muốn nhảy văng ra ngoài. Xúc động ngập tràn. Tủi hờn cũng từ đâu ập tới. Tôi lặng lẽ quan sát, trên các hàng ghế xung quanh, nhiều người cũng ngọ nguậy, lặng lẽ tháo khẩu trang để lau nước mắt.

Những công dân Việt Nam được đón về sân bay Vân Đồn.

Cho đến thời điểm này, đã có hàng ngàn chuyến bay đón đồng bào ta từ các châu lục về nước. Gần 100 ngàn người đã hoàn thành cách ly và trở về với cuộc sống đời thường, bên người thân trong những ngôi nhà của mình. Điều nhỏ nhoi bình thường đó bỗng trở nên vô cùng quý giá.

Nghĩa cử đồng bào

Tại thành phố Melbourne – Úc, chị Nguyễn Bảo Châu – quản trị viên của nhóm có hơn 12 ngàn thành viên tên “Mẹ Việt tại Úc” đang trải qua những tháng ngày cực kỳ bận rộn. Hàng ngày, sau 10 giờ tối, khi con gái nhỏ đã ngủ, chị dành hai giờ đồng hồ cuối ngày ghi chép lại các thông tin của những người Việt cần giúp đỡ khác rồi chuyển sang cho “thủ kho” Katina Vũ - cũng ở Melbourne. Sáng hôm sau, cầm danh sách trong tay, Katina Vũ sẽ vào kho, lấy hàng và cùng với các tình nguyện viên Bùi Vân, Lê Nhung... chuyển các nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, thuốc uống, bỉm, sữa... cho những người Việt đang gặp khó khăn, các du học sinh bị kẹt lại, không có chỗ ở, thiếu thực phẩm hoặc bị ốm đau... Những nhu yếu phẩm này cũng được các tình nguyện viên người Việt chuyển đến cho nhóm, người ít người nhiều, ai cũng mong được thể hiện tấm lòng của mình đối với bà con cùng cảnh xa xứ.

“Tôi còn có tiền gửi con tuần ba buổi, có chi phí sinh hoạt, trong khi những người khác rất khổ sở, đặc biệt là các mẹ đang nuôi con nhỏ, phụ nữ đơn thân hay những người Việt không có giấy phép định cư. Họ cần lắm sự giúp đỡ”, Nguyễn Bảo Châu nói. Từ Melbourne, hoạt động thiện nguyện này đã lan rộng ra cộng đồng người Việt tại Úc. Nhận được tin nhắn nhờ giúp đỡ, nếu ở các khu vực khác, chị Bảo Châu lại kết nối với các điều phối viên ở gần đó để nhờ hỗ trợ.

Hội người Việt Nam tại Pháp có những việc làm thiết thực để giúp đỡ đồng bào mình: giúp người lớn tuổi mua các nhu yếu phẩm, hỗ trợ tài chính, vật chất giúp đỡ những người khó khăn... Các bác sĩ trong cộng đồng người Việt ở Pháp còn tích cực hỗ trợ bà con trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Không chỉ có thế, Hội còn kêu gọi tất cả người Việt và bạn bè tại Pháp hưởng ứng phong trào của kiều bào trên toàn thế giới nhằm giúp đỡ những người nghèo nhất bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Người Việt Nam sống tại CH Séc từ nhiều năm nay đã trở thành cộng đồng dân tộc thiểu số tại Séc. Tính cách, phẩm chất của người Việt từ lâu đã không còn xa lạ với người dân bản xứ. Tuy nhiên, tinh thần tương thân giúp đỡ nhau của bà con người Việt khi hoạn nạn, nhất là trong đại dịch COVID-19 đã khiến cho người ta phải nhìn nhận lại những giá trị.

Việt Nam trao tặng vật tư y tế cho một số nước thuộc EU.

Không chỉ cứu giúp những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong đại dịch, người Việt ở đây còn hỗ trợ các bệnh viện, lực lượng ứng cứu và người dân Séc bằng cả vật chất, tiền bạc trong công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Họ mua máy trợ thở và các dụng cụ y tế khác tặng các bệnh viện; phát động phong trào may khẩu trang tặng cho người dân sở tại. “Cộng đồng người Việt là cộng đồng người nước ngoài duy nhất làm được việc đó”. Ông Marcel Winter, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Séc-Việt đánh giá. Nhiều tờ báo ở Séc như Mlada fronta dnes, Lidove noviny... đưa tin đậm nét về tình đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Séc đối với người dân sở tại trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19.

Giữa năm ngoái, cả nước như sôi lên vì lá đơn kêu cứu của 219 công dân, trong đó có 116 người mắc COVID-19 ở Guinea xích đạo. Sau cuộc họp khẩn liên bộ với Vietnam Airlines, một chuyến bay đặc biệt đã bay xuyên đem để đến Guinea xích đạo và đưa số công dân này về nước an toàn. 

Chuyện cổ tích mang tên "Kiều bào" 

Ở Canada có một số tổ chức hội người Việt Nam nhưng đáng chú ý nhất là Hội Cha mẹ du học sinh tại Canada do chị Nguyễn Thị Thu Hương và anh Nguyễn Đức Chi làm quản trị. Các anh chị đều có con du học tại Canada. Trong những ngày dịch bệnh hoành hành, vừa thắt ruột lo cho con, các anh chị vừa nghĩ đến các em du học sinh và người Việt Nam bị kẹt hoặc còn đang học tập, làm việc tại xứ sở lá phong này. Thế là trang FB Hội Cha mẹ DHS Canada ra đời để kịp thời giúp đỡ cộng đồng người Việt tại đây.

Cuối năm ngoái, chuyến bay từ Toronto (Canada) về Vân Đồn chở theo không chỉ 343 hành khách trong diện được giải cứu mà còn mang theo một bộ tro cốt. Đó là một em sinh viên 19 tuổi bị chết vì đột quỵ - do quá căng thẳng hay vì những bệnh lý khác?! Phải mất hai tuần sau cảnh sát mới xác định được thân nhân của em để liên lạc. Đau đớn làm sao, gia đình em ở Huế cũng vừa bị trận lũ làm cho thiệt hại vô cùng. Hội Cha mẹ du học sinh Canada đã quyên góp được 145 triệu đồng, lại liên hệ để có người đứng ra thay mặt gia đình làm tang lễ, hỏa táng và chuyển tro cốt của em về quê nhà.

Tôi có hỏi chị Thu Hương: “Chị bận trăm công ngàn việc, lại nhiều âu lo cho con cháu còn vướng việc học và làm tại Canada, làm sao mà chị có thể chăm sóc cho trang FB Hội Cha mẹ DHS tại Canada từng giờ, từng ngày như thế được?”. Chị trả lời rất đơn giản: “Nhiều khi việc đến thì mình cứ làm thôi chị ạ. Em giúp được ai cái gì là quý lắm. Em cũng may mắn gặp nhiều người tốt”. Câu trả lời của chị cũng giống như câu trả lời của Lan – một người mẹ có con du học tại Toronto: “Em thấy mình giúp được ai là em thấy quý lắm chị ạ”. Lan sang Toronto thăm con và bị kẹt lại vì dịch. Khi có vé bay giải cứu trong chuyến bay cuối tháng 3.2021 vừa rồi, nghe thông tin của Hội Cha mẹ DHS tại Canada kêu gọi sự giúp đỡ cho em Lê Phan Hải Hằng – một du học sinh bị suy thận, phải lọc máu tuần 3 lần, chị đã nhường lại suất bay cho em, trong khi bản thân Lan cũng đang cần dược giúp đỡ. Chị bị rối loạn thần kinh thực vật – một căn bệnh “ốm như đùa” với những biểu hiện tức ngực khó thở, mất ngủ triền miên... hành hạ cơ thể con người đến suy kiệt. Câu chuyện của Lan nhường vé cho em Hằng bị trọng bệnh đã gây xúc động cho cả cộng đồng người Việt tại Canada. Thông qua Hội Cha mẹ DHS tại Canada, nhiều người đã chung tay giúp em vượt cơn khốn khó. Chỉ trong vài ngày, tổng số tiền mà Hằng nhận được lên tới 128,856$ CAD (2 tỷ 322 triệu VND) và 1 vé máy bay từ Toronto về Việt Nam. Cũng nhờ sự can thiệp của Hội mà ngay sau khi máy bay hạ cánh, Hằng ngồi trên xe lăn được đưa ngay vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương để điều trị kịp thời.

Tiếp sau câu chuyện của Hải Hằng là câu chuyện của em Đoàn Phượng Vy. Vy được đưa về cuối năm 2020 cũng trong cảnh thận của em chỉ hoạt động còn 4%, phải lọc máu 3 lần mỗi tuần. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Cha mẹ DHS và đại sứ quán Việt Nam tại Canada, em đã được bay về Việt Nam kịp thời để vào viện chữa bệnh. Nghe tin bạn Hằng nhận được sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng người Việt tại Canada và Việt Nam, từ bệnh viện nơi em đang chữa bệnh, em mạnh dạn viết thư lên FB của Hội cầu xin sự giúp đỡ. Chỉ trong vài ngày, em đã nhận được 17,909$ và 443.290.000 VND.

Câu chuyện về Hội Cha mẹ DHS cũng như các Hội người Việt khác hỗ trợ nhau trong hoạn nạn còn kéo dài, dài mãi... Tôi tin rằng, chừng nào người Việt còn, chừng nào khó khăn chưa hết thì chừng đó những chuyện cổ tích giữa thời hiện đại như thế này còn được viết mãi, viết mãi.

Qua messenger, tôi gửi cho chị Thu Hương một file gif, biểu thị thái độ khâm phục, Hương reply vài dòng ngắn ngủi: “Còn nhiều em cần sự giúp đỡ lắm. Em đang viết thư lên Đại sứ quán trình bày về hoàn cảnh từng em. Hẹn gặp chị”.