Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Khoa học

Hạt của sự sống


Người ta thường gọi phấn hoa là hạt của sự sống (Seeds of Life). các nhà khoa học cho biết mỗi ngày trên thế giới có khoảng vài tỷ tấn hạt phấn phát tán đi tứ phía. Hạt phấn hoa mà ta nhìn thấy thường có chứa từ 3 đến 5 triệu phấn hoa.Ta không nhìn thấy phấn hoa vì kích thước của chúng quá nhỏ, chỉ có thể thấy được dưới kính hiển vi. Với cây cối  phấn hoa là khởi nguồn cho sự sống của chúng. Hoa có được thụ phấn thì mới kết thành quả và mới tạo ra hạt để gieo trồng tiếp vụ sau. Vì phấn hoa đa hình đa dạng, dưới kính hiển vi điện tử ta có thể thấy rất rõ cấu trúc hiển vi của từng  phấn hoa và có thể tìm ra tên cây đẫ sản sinh ra chúng. Khi phân loại người ta chú ý tới kích thước, hình dạng, cấu tạo , số lượng và vị trí lỗ nẩy mầm, các nếp nhăn trên vỏ ngoài...  Cấu trúc của phấn hoa cho ta biết lịch sử các loài cây từng tồn tại nhưng nay đã bị tuyệt chủng. Cấu tạo  phấn hoa liên quan đến kiểu phát tán của chúng. Có loại phát tán nhờ gió , chúng rất nhẹ, có loại có cánh để có thể bay xa. Có loại phát tán nhờ côn trùng, chúng thường có nhiêu gai tù hay gai nhọn. Nhiều phấn hoa có các lỗ  rỗng, chúng giúp cho việc điều tiết lượng chứa nước bên trong . Phấn hoa cây Epilobium angustifolium còn có các giải nơ dài, không chỉ giúp cho chúng bay xa mà còn giúp chúng bám dễ dàng vào trên lông các loài động vật để tiếp tục phát tán khắp nơi.

Căn cứ vào phấn hoa phát hiện được trên các con tàu bị đắm người ta có thể truy tìm ra được nguồn gốc xuất xứ của những con tàu này. Trước đây các nhà hàng hải thường sử dụng nhựa cây để bít kín các mối nối trên boong tàu hoặcbọc kín cả vỏ tàu. Rất nhiều  phấn hoa đã bám vào trong các nhựa cây này. Nhà khoa học Serge Muller ở Đại học Montpellier II (Pháp) đã tìm thấy phấn hoa Platanus trên nhựa dính của con tàu Baie-de-l’Amitié, đắm cách đây trên 2000 năm tại một hố đá ở cách mũi Adge 150m. Ông cho biết đấy là phấn hoa của loại cây gỗ Platanus orientalis thường mọc ở miền đông-nam nước Nhiều nhà khoa học Mỹ cũng đang dùng phương pháp này để xác định nguồn gốc của hơn 1000 con tàu đắm có lịch sử trên 2000 năm đang chìm sâu trong cửa biển Hy Lạp

Từ xa xưa con người đã biết tận dụng các phấn hoa do ong mật gom lại một cách tình cờ trong tổ. Phấn hoa đã dính trên thân ong khi chúng rúc sâu vào các đóa hoa để hút mật. Phấn hoa ong mật càng ngày càng được con người ham chuộng và ngày nay đã trở thành thương phẩm có giá trị cao. Tương truyền Võ Tắc Thiên sống vào đời Nhà Đường nhờ biết sử dụng phấn hoa mà giữ được sức khỏe và dáng trẻ trung trải qua tới ba đời Vua. năm 68 tuổi bà còn lên ngôi Hoàng Đế và trị vì đến tận năm 83 tuổi. Năm 70 tuổi bà còn tuyển các trai tráng khỏe, đẹp vào phục vụ cho hoạt động tình dục của bà trong Phụng Thần Phủ (!). Từ Hy Thái Hậu cũng nhờ dùng phấn hoa mà giữ được sức khỏe, sắc đẹp , năng lực làm việc và có tuổi thọ cao.Tổng thống Mỹ Ronald Reagan dù bị trọng thương do mưu sát và còn bị u ác tính nhưng vẫn thọ đến 93 tuổi là nhờ thường xuyên dùng phấn hoa. Các nhà khoa học chứng minh rằng phấn hoa có rất nhiều tác dụng hữu ích: thúc đẩy quá trinh tổng hợp protein, nâng cao tính năng miễn dịch của cơ thể, hạ thấp lượng chứa cholesterol trong máu, điều hòa hoạt động của hệ thần kinh, bảo vệ an toàn cho gan, hạn chế tác hại của các chất phóng xạ, ổn định hoạt động của đường tiêu hóa, giúp cho da dẻ mịn màng... Theo Đông y thì phấn hoa có vị ngọt, tính bình, thường được dùng có hiệu quả để chữa các chứng hoa mắt, chóng mặt đau lưng, mỏi gối, mất ngủ , kém ăn, đi tiểu đêm nhiều, suy giảm tình dục, liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, tắt kinh sớm... Phấn hoa giúp phòng chống nhiều bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, viêm gan, viêm loét dạ dày- tá tràng, phì đại tuyến tiền liệt, đề kháng ung thư. Phấn hoa thường được pha với nước sôi , ngâm rượu hay trộn với mật ong để uống. Thường dùng 5g chia làm 2-3 lần , dùng trong mỗi ngày.

Cũng cần lưu ý trong thiên nhiên đến mùa phấn hoa bay có thể gây dị ứng mẩn ngứa cho một số người. Đối với họ phấn hoa là loại dị ứng nguyên cần tránh tiếp xúc.

 

Nguyễn Lân Dũng - 11/01/2008

In bài viết nàyIn bài viết