Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Nông thôn Hà Nội trong quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 1991 - 2008


Nghị Quyết 15/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô(tháng 12/2000) đã giao nhiệm vụ “Hà Nội phải đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

Các nội dung trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn ngoại thành Hà Nội đã được Thành ủy, HĐND xây dựng thành các Chương trình, kế hoạch phát triển theo từ giai đoạn cụ thể như: Chương trình 06 về "Phát triển kinh tế ngoại thành và xây dựng nông thôn mới" (1992-2000). Chương trình 12 về "phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn" (2000-2005). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIV đã định hướng phát triển của nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 1996-2010 với mục tiêu “Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cao cấp hóa các sản phẩm nông nghiệp... gắn với công nghiệp chế biến, đa dạng sản phẩm nhằm đạt mục tiêu chất lượng sản phẩm sạch, hiệu quả; xây dựng một nền nông nghiệp đô thị sinh thái môi trường bền vững...".Chương trình 05 về "phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hóa nông thôn giai đoạn 2006-2010" và các Kế hoạch 29/KH-UBND, kế hoạch số 61/KH-UBND, kế hoạch 70/KH-UBND tại địa bàn các quận, huyện…Theo Nghị quyết của Quốc hội, diện tích Hà Nội được mở rộng hơn 3 lần(hơn 3.300 km2), dân số hơn 6 triệu người, diện tích đất nông nghiệp khoảng 192 nghìn ha (chiếm gần 58% đất tự nhiên) và tỷ lệ dân số sống ở nông thôn tăng từ 37% lên khoảng 50%….

Nông nghiệp Hà Nội trong thời gian qua phát triển khá đồng bộ, bộ mặt nông thôn Hà nội ngày càng khang trang hơn, đời sống của nông dân nông nghiệp và khu vực ngoại thành ngày càng được cải thiện, mức sống và thu nhập tăng, tỷ lệ hộ giàu tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm, ổn định chính trị khu vực nông thôn được giữ vững.

Mặc dù ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ và giảm dần trong GDP Thành phố (9,0% GDP năm 1990, giảm xuống 5,6% năm 1995 và chỉ còn 1,5% năm 2008), nhưng cơ cấu kinh tế nông thôn ngoại thành chuyển dịch theo đúng hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng (tăng từ 34,07% (năm 1995) lên 40,20% (năm 1999), đến năm 2006 chiếm 79,84%, 80,8% năm 2007), thương mại-dịch vụ cũng tăng từ 18,35% (năm 1995) lên 20,60% (năm 1999) và đến năm 2007 là 16% và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cụ thể: ngành nông nghiệp giảm từ 47,58% (năm 1995) xuống 39,20% (năm 1999), 16,7% năm 2005, 3,77% năm 2006 và còn 3,2% năm 2007. Sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp tập trung vào một số ngành nghề như: chế biến thực phẩm, sữa, rau, hoa cây cảnh, gốm sứ, dệt may, thủ công mỹ nghệ... Các cụm công nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn đã hình thành, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục phát triển.Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do huyện quản lý tăng trưởng bình quân 15%/năm (giai đoạn 1995-2000).

Hàng năm nông nghiệp ngoại thành sản xuất trên 248.000 tấn lương thực qui thóc, trên 100.000 tấn rau, trên 30.000 tấn thịt lợn hơi, 7.000 tấn cá, hàng chục ngàn tấn thịt gia cầm và nhiều nông sản hàng hóa khác..., đáp ứng khoảng 25% tổng nhu cầu lương thực và thực phẩm, trong đó đáp ứng tới 80% rau xanh, 40-50% thịt, 20% trứng, 30% cá của Thành phố. Trên thực tế, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh với quy mô ngày càng lớn: rau sạch ở Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì; nuôi trồng thủy sản và kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái ở Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn; trồng hoa ở Từ Liêm; chăn nuôi bò sữa, lợn, gà, vịt siêu thịt tập trung ở Gia Lâm, Sóc Sơn... và đang hình thành các khu nông nghiệp kỹ thuật cao, các vùng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ sinh học, làm nền tảng cho một nền nông nghiệp đô thị sinh thái và hiện đại của Thủ đô. Mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, diện tích đất nông nghiệp tiếp tục giảm do chuyển sang phục vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất nông nghiệp vẫn tăng qua các giai đoạn: từ 27,74 triệu đồng (1995) lên 39,88 triệu đồng năm 1999, và năm 2006 đạt 59,12 triệu đồng/ha so với năm 2005 tăng 7,12 triệu/ha, đến năm 2007 đạt 65 triệu đồng/ha, tăng 9 triệu đồng/ha so với đầu giai đoạn (năm 2005 đạt 56 triệu đồng/ha). Đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại kinh doanh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và nông nghiệp sinh thái (như mô hình VAC: vườn-ao-chuồng và VACR: vườn-ao-chuồng-rừng) đạt hiệu quả kinh tế cao, đáng khuyến khích, nhất là ở Sóc Sơn, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh... Tổng diện tích trồng rừng tập trung tăng thêm gần 1000 ha; ngoài ra còn trồng nhiều loại cây ăn quả đặc sản, vừa có tác dụng chống xói mòn, tăng độ che phủ cây xanh, vừa tạo vành đai cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, các giống ưu thế lai, giống mới (dưa ngọt, dưa hấu, rau, ngô, lúa, bò sữa cao sản, lợn nạc, vịt siêu thịt, vịt siêu trứng, gà thả vườn, tôm càng xanh, cá chép lai ..v..v..), nhiều công nghệ mới (công nghệ Invitro cho nhân nhanh những cây trồng quý hiếm, công nghệ cấy phôi bò sữa, công nghệ sản xuất rau sạch, an toàn thực phẩm..v..v..) được đưa vào sản xuất, góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng và chủng loại hàng hoá, cũng như góp phần phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung của Hà Nội.

Kinh tế hộ gia đình giữ vai trò chủ lực, ngày càng được củng cố và phát huy hiệu quả, tạo ra trên 80% giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời đã có khoảng 95,6% số hợp tác xã (HTX) hoạt động theo luật HTX mới, chủ yếu là trong lĩnh vực dịch vụ, tạo điều kiện cho kinh tế hộ và kinh tế trang trại phát triển. Một số đơn vị nông nghiệp quốc doanh hoạt động khá, giữ vai trò chủ đạo trong khâu nhân, tạo giống mới, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp phát triển

Việc xây dựng cơ sở vật chất ở nông thôn được tăng cường: Năm 2006, tổng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn chiếm 14% tổng kinh phí đầu tư của toàn thành phố, đầu tư trực tiếp khoảng 110 tỷ đồng, chiến 1,37%. Đến nay 90% đường liên xã, 80% đường nội bộ xã và thôn xóm được lát gạch và bê tông hóa, hệ thống đầu mối các công trình thủy lợi được xây dựng và cải tạo, kênh mương được kiên cố hóa, hệ thống thủy nông toàn thành phố đảm bảo tưới chủ động cho 80% diện tích, tiêu chủ động cho 73,9% diện tích. 100% số xã có điện và gần 100% số hộ được dùng điện, 70% dân nông thôn được dùng nước sạch.

Cơ cấu lao động chuyển nhanh từ lao động nông nghiệp (năm 2005 là 55,8% đến năm 2007 giảm xuống còn 38,1%) chuyển sang lao động trong các ngành kinh tế khác, công nghiệp (năm 2007 là 28,2% tăng 5,3% so với năm 2005), dịch vụ (năm 2007 là 33,7% tăng 12,4% so với năm 2005).

Chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao do việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp an toàn như: các loại rau, quả cao cấp, măng tây, súp lơ xanh, lợn siêu nạc, tôm càng xanh, hoa loa kèn chịu nhiệt, hoa ly, hoa lan các loại... đang trở thành nhu cầu bức thiết của Thủ đô và bước đầu tiếp cận với yêu cầu của xu thế hội nhập.

Những thành tựu đạt được trong phát triển nông nghiệp - nông thôn Hà Nội đã có vai trò đáng kể trong việc nâng cao đời sống của người dân và góp phần vào quá trình CNH-HĐH chung trên địa bàn. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế :

- Việc thực hiện giao đất ổn định cho nông dân theo quy hoạch chậm dẫn đến tâm lý của người dân không yên tâm sản xuất; vốn đầu tư chưa xứng với yêu cầu phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, vốn trong dân chưa được khai thác triệt để, trong khi các làng, xã ngoại thành đang "đô thị hóa" với tốc độ nhanh, lao động nông nghiệp dôi dư ngày càng nhiều.

- Sản xuất và Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng và công nghệ cao chưa mở rộng, chưa ổn định; thu nhập của nông dân thấp; 40-50% hộ nông dân thiếu vốn sản xuất; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm…

- Khu vực HTX chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất của các hộ nông dân trong cơ chế mới, kém năng động, công tác điều hành và quản lý của cán bộ HTX còn nhiều hạn chế, bất cập;

Về cơ bản, quá trình CNH-HĐH nông nghiệp còn ở trình độ thấp, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, phân tán; chất lượng các sản phẩm còn nhiều hạn chế; sự tăng trưởng nông nghiệp hàng năm chưa ổn định. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển dịch chậm; cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn ở quy mô nhỏ, lạc hậu, thiếu đồng bộ; chưa hình thành được các cơ sở chế biến và bảo quản sau thu hoạch; các làng nghệ truyển thống chậm được khôi phục, cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, môi trường nông thôn bị ô nhiễm. Đầu tư cho nông nghiệp nông thôn so với nhu cầu phát triển theo hướng CNH-HĐH còn thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Nguồn vốn ngân sách đầu tư tản mạn không đồng bộ. Sản xuất nhỏ, manh mún với công nghệ lạc hậu; dịch bệnh hay xảy ra cùng biến động giá cả thị trường.

Để phát huy và củng cố vị thế Thủ đô, Hà Nội cần tiếp tục phấn đấu đi đầu cả nước về công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, với một số định hướng trọng tâm sau:

Thứ nhất, từng bước hiện đại hóa cơ cấu ngành nghề, cơ cấu sản phẩm và cơ cấu công nghệ, gắn phát triển nông nghiệp với việc phát triển kinh tế ngoại thành theo hướng nông nghiệp đô thị.

Trong thời gian tới, Thành phố cần giành sự quan tâm thích đáng cho việc xúc tiến chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển đa dạng cả trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản theo hướng hiện đại hóa và thâm canh, tạo nhiều nông sản hàng hoá có giá trị cao, chủ động đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân Thủ đô và xuất khẩu, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và lợi thế khoa học công nghệ của Thủ đô. Quy hoạch và phát triển một số vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh ở ngoại thành như: vùng sản xuất rau sạch, hoa, cây cảnh, cây ăn quả; vùng phát triển chăn nuôi bò sữa, lợn nạc, gia cầm, cá, tôm.

Thành phố tập trung đầu tư phát triển công nghệ sinh học, đẩy mạnh chế biến lương thực, thực phẩm, công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch cũng như xây dựng và phát triển những trung tâm chuyển giao công nghệ, cung cấp giống cây, con theo phương pháp tiến tiến phục vụ nhu cầu của nông dân Thủ đô, nông dân các vùng lân cận và cả nước. Hà Nội cần đặc biệt phát triển các loại hình dịch vụ trong nông nghiệp cho ngoại thành và cho cả vùng lân cận.

Thứ hai, từng bước CNH-HĐH các mô hình sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, "doanh nghiệp hóa" các cơ sở kinh doanh nông nghiệp và kinh tế hộ gia đình, "công nhân hóa" nông dân - lao động nông nghiệp.

Thường xuyên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ phát triển các loại hình kinh doanh nông nghiệp đa dạng, nhất là kinh tế hộ - trang trại. Quan tâm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, gắn với sự hình thành và phát triển các làng sinh thái, các quần thể trang trại-khu dân cư-điểm du lịch và văn hoá, thu hút lao động tại chỗ...

Thứ ba, phát triển kinh tế nông nghiệp đi đôi với phát triển hạ tầng và tăng cường giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn.

Cần từng bước gắn các kế hoạch phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp với quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô, đặc biệt với việc phát triển hạ tầng. Đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ và liên tục của hệ thống hạ tầng đô thị trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, quan tâm xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế và đô thị hóa trên địa bàn Thủ đô, nhất là vùng ngoại thành (vấn đề thất nghiệp, vấn đề chênh lệch giàu nghèo, các tệ nạn xã hội và phúc lợi công cộng).

Trước mắt, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là đẩy mạnh công tác qui hoạch và quản lý quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, vùng chuyên canh, các vành đai nông nghiệp, tiến tới ổn định qui hoạch phát triển khu ven đô và các huyện ngoại thành

Tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất đai. Kết hợp bố trí lại dân cư với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, kết hợp giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với cải thiện điều kiện sống và môi trường nông thôn để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung có sức cạnh tranh, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, canh tác và truyền thống kinh doanh của địa phương; hình thành các vùng nguyên liệu, các làng nghề, làng vườn, các vành đai nông nghiệp, tạo điều kiện ổn định quy hoạch phát triển khu ven đô thị và các huyện ngoại thành, hình thành các cơ sở sản xuất kinh doanh theo mô hình nông nghiệp đô thị.

Cần công bố quy hoạch một cách rộng rãi và bảo đảm sự ổn định mang tính pháp lý của những địa giới đã công bố. Đồng thời, tiến hành điều chỉnh mạnh dạn những mức hạn điền và phân cấp quản lý đất đại hiện nay trên địa bàn tạo sự phát triển nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH.

Hai là tăng cường đầu tư và hỗ trợ thích đáng từ ngân sách Nhà nước các cấp, kết hợp hài hòa các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Trong những năm tới ngân sách Thành phố cần tăng mạnh tỷ trọng đầu tư cho phát triển kinh tế và hạ tầng cơ sở vùng ngoại thành. Đồng thời, Thành phố cần quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã được chuyển đổi theo Luật, chính sách tự do hóa và khuyến khích đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách cho mục tiêu này bao gồm các nguồn vốn tín dụng, vốn của các doanh nghiệp, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI)...Đặc biệt, cần tiếp tục mạnh dạn nghiên cứu thử nghiệm các hình thức mới hiệu quả kết hợp 4 nhà: Nhà nước-Nhà khoa học- Nhà doanh nghiệp và Nhà nông trong tổ chức các hoạt động kinh doanh nông nghiệp theo hướng công nghiệp, hiện đại, văn minh…

Ba là lựa chọn và phát triển khoa học - công nghệ (trước hết là các công nghệ thích hợp), củng cố và mở rộng chức năng hoạt động, tăng cường vai trò các tổ chức khuyến nông để đưa công nghệ mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp

Ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giống để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng khu lai tạo giống mới, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất các loại cây, con giống cho năng suất, chất lượng cao; Đẩy nhanh nghiên cứu chuyển giao trên cơ sở xem xét tính thích hợp của các qui trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi tiên tiến và các tiến bộ khoa học khác, nhằm đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.

Chú trọng việc nhập khẩu, kết hợp với việc nhân giống, tạo giống, khai thác quỹ gen trong nước để sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường, bảo vệ thực vật bằng phương pháp sinh học, phân bón vi sinh. Đầu tư cơ sở vật chất cho sản xuất các loại giống rau, hoa trong nhà kính, dùng công nghệ Polyetylen và đầu tư cho bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất khẩu.

Phát triển công nghệ chế biến bảo quản hoa, quả, rau, thịt... đảm bảo chất lượng sản phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật nuôi trồng nông-thuỷ sản tiên tiến theo mô hình nông nghiệp đô thị, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sản phẩm, phổ biến kinh nghiệm vận dụng kỹ thuật mới cho các chủ trang trại, các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp thông qua các đoàn thể quần chúng nông thôn như Chi hội nông dân, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội làm vườn, Câu lạc bộ hoa - cây cảnh, ....

Bốn là tăng cường đào tạo lao động và công tác cán bộ cho phát triển nông nghiệp - nông thôn

Việc đào tạo nghề trong nông thôn cần được quan tâm bằng nhiều hình thức thiết thực và có trách nhiệm hơn, coi trọng hơn việc đào tạo nghề cho nông dân đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lao động trong khi triển khai các dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn…., trước hết tập trung giải quyết cho các vùng bị thu hồi đất nông nghiệp với qui mô lớn. Đối với một số ngành nghề truyền thống có triển vọng phát triển tại các huyện ngoại thành cần có biện pháp chủ động hỗ trợ để các nghệ nhân truyền nghề cho lớp trẻ. Nhà nước cần chú trọng tạo điều kiện mở thêm một số ngành dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các vùng diễn ra quá trình đô thị hóa để thu hút lao động dư thừa.

Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã (HTX), cán bộ quản lý các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ khu vực ngoại thành nhằm tạo thế ổn định trong việc phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội.

Năm là, đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ hàng hoá nông sản, hình thành các tổ chức xúc tiến thương mại tổng hợp và chuyên ngành nông sản của Hà Nội và chung cho vùng kinh tế trọng điểm, khai thông thị trường nông sản trong nước và vươn ra quốc tế.

Phát triển các trung tâm giao dịch như: hệ thống chợ bán buôn, bán lẻ hàng nông sản ngay tại vùng chuyên canh hóa. Phát triển HTX tiêu thụ dưới hình thức thu gom sản phẩm cho doanh nghiệp Nhà nước hoặc thông qua đại lý để đảm bảo chất lượng hàng hóa, bảo vệ lợi ích của nông dân.

Hình thành các tổ chức xúc tiến thương mại tổng hợp và chuyên ngành cho nông nghiệp của Hà Nội và chung cho vùng kinh tế trọng điểm, khai thông thị trường nông sản trong nước và vươn ra quốc tế. Khuyến khích hoạt động của các trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thành lập trung tâm tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp của Thành phố để hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cũng như các trang trại tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao. Thông tin rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng về các đề tài khoa học, thành tựu nghiên cứu ứng dụng phục vụ nông nghiệp, các mô hình sản xuất tiên tiến, kinh nghiệm sản xuất của những trang trại, hộ nông dân làm ăn giỏi.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ bằng cách mở rộng hình thức ký kết hợp đồng trực tiếp về tiêu thụ hàng hóa nông sản giữa các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến với nông dân./.

 

TS. Nguyễn Minh Phong & ThS. Phạm Thị Thanh Bình

         Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

In bài viết nàyIn bài viết