Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » ĐIỂM TIN ĐỐI NGOẠI

Dấu ấn đối ngoại đa phương Việt Nam


Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết "Tâm thế mới trong việc triển khai đối ngoại đa phương Việt Nam" đánh giá về những thành tựu của đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời gian qua. Báo ảnh Việt Nam trân trọng lược trích giới thiệu nội dung bài viết này:

Chưa bao giờ đối ngoại đa phương Việt Nam lại gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật như những năm vừa qua. Đáng chú ý, Việt Nam đồng thời được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu với số phiếu rất cao vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008-2009), Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC) (nhiệm kỳ 2016-2018), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) (nhiệm kỳ 2013-2015), Ủy ban Di sản Thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017) và Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015-2019). Không phải ngẫu nhiên mà khi thăm Việt Nam tháng 5/2015, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã khẳng định Việt Nam “có thể là người đi tiên phong thực sự của Liên hợp quốc.”

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang đi đầu trong việc cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Nhìn lại 20 năm qua, ngay sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, chúng ta đã tích cực thúc đẩy việc kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar, hiện thực hóa giấc mơ một ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 2015.
Ảnh: Trí Dũng - TTXVN


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước Việt Nam năm 2015.
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam năm 2015.
Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản năm 2015. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Cộng hòa Cuba năm 2015.
Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Mặc dù chặng đường Việt Nam tham gia ASEAN chỉ bằng non nửa lịch sử của tổ chức này, nhưng Việt Nam đang là nước đạt tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Việt Nam trở thành cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo, thúc đẩy xu thế hợp tác và liên kết giữa ASEAN với các đối tác, đưa ASEAN trở thành một tâm điểm trong mạng lưới kinh tế-thương mại và liên kết ở châu Á-Thái Bình Dương.

Chúng ta đã và đang khẳng định vai trò là một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á thúc đẩy đối thoại nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung, thể hiện đóng góp thiết thực và có trách nhiệm của Việt Nam vào việc củng cố xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương. Việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực Đông Nam Á cũng chính là bảo đảm môi trường hòa bình, phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước.

Từ năm 2014, Việt Nam đã lần đầu tiên tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chúng ta cũng trở thành nước đi đầu ở Đông Nam Á với việc tham gia và đã phê chuẩn 7/9 Công ước chủ chốt của Liên hợp quốc về quyền con người, đồng thời đẩy mạnh quá trình pháp điển hóa các quy định trong nước cho phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là trong việc bảo vệ quyền lợi của những nhóm thiểu số, dễ bị tổn thương trong xã hội.

Việc chúng ta tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)… ngay từ khi những cơ chế này vừa được thành lập là những tính toán chiến lược hết sức đúng đắn. Bởi lẽ, với tư cách là thành viên sáng lập, Việt Nam có quyền tham gia định hình luật chơi của các thể chế này nhằm tranh thủ mặt tích cực và bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia. Rõ ràng, cách tiếp cận mới đó giúp chúng ta nâng vị thế từ thụ động lên vai trò chủ động tại các khuôn khổ đa phương vốn đầy rẫy sự cạnh tranh, thậm chí áp đặt của các nước lớn.

Việt Nam đã và đang đi đầu trong ASEAN hoàn tất các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với các trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới như Liên minh Châu Âu (EU), Nga (trong Liên minh Kinh tế Á-Âu), Hàn Quốc…

Với triển vọng triển khai và hoàn tất 15 FTA đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm của các FTA ở khu vực với mạng lưới gồm 58 đối tác, trong đó có toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 15 nước G20, đóng góp trên 80% GDP toàn cầu.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132).
Ảnh: TTXVN


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2015.
Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương
lần thứ 23 (APEC 23) ở Philippines. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Bên cạnh những lợi ích có thể lượng hóa, việc phát huy tốt công cụ đối ngoại đa phương trong ASEAN đã nâng giá trị chiến lược và vị trí của Việt Nam trong chính sách của các nước lớn đối với khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà trong 15 năm qua, chúng ta đã thiết lập được quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả các nước láng giềng và các nước có vai trò, vị trí quan trọng trên thế giới.

Thông qua các cơ chế hợp tác đa phương với ASEAN là trung tâm, Việt Nam đã gia tăng tốc độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước lớn có ảnh hưởng chủ đạo ở khu vực và trên thế giới. Điều này đã góp phần giúp chúng ta giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời tranh thủ được các nguồn lực phục vụ phát triển.



- Các Đối tác Chiến lược: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines.
- Các Đối tác Toàn diện: Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Đan Mạch, Ukraine, Nam Phi, Brazil, Chile, Argentina, Venezuela.

 
---
* Tiêu đề do Báo ảnh Việt Nam đặt
http://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/dau-an-doi-ngoai-da-phuong-viet-nam/206954.html

In bài viết nàyIn bài viết