Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Giáo dục - Du học

"Ở đời khó nhất là biết sống"


Nhận được điện thoại của đồng chí Nguyễn Tiến Năng nhắn đến NXB Chính trị Quốc gia để nhận cuốn sách biếu "Phạm Văn Đồng trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế" tôi thật sự xúc động. Tôi không ngờ bài viết của mình cũng được tuyển chọn vào cuốn sách hết sức quý giá này.

Khi cầm cuốn sách trong tay tôi vô cùng biết ơn Nhà xuất bản vì đã in được một cuốn sách dầy dặn (940 trang) ,bìa cứng, giấy đẹp, rất nhiều ảnh tư liệu quý giá, và nhất là tập hợp được khá đầy đủ nhiều bài viết của các vị lãnh tụ, các nhà khoa học, các nhà hoạt động quân sự, chính trị, văn hoá, xã hội, bè bạn quốc tế - những người đã có dịp gần gũi Bác Tô và đầy lòng kính yêu Bác.

Về đến nhà tôi bỏ hết mọi việc và đọc ngấu nghiến từ đầu đến cuối cuốn sách thú vị và hết sức bổ ích này.

Tôi không đủ cương vị và năng lực để đánh giá công trình lớn lao đó mà chỉ muốn kể lại cho đông đảo bạn đọc những chuyện ít người biết đến về vị lãnh tụ có rất nhiều đức tính quý báu giống với Bác Hồ, những đức tính mà mỗi chúng ta dù ở bất kể cương vị công tác hoặc vị trí xã hội nào cũng đều cần học tập và rèn luyện.

Đồng chí Nông Đức Mạnh kể: "Tiễn Bác Tô ra về, Bác nắm lấy tay nhà tôi, vỗ vỗ vào tay như cha con, nói thân mật: Chị bây giờ là phu nhân. Nhưng tôi khuyên chị đừng học làm phu nhân, mà cố làm người vợ cho tốt, người mẹ cho tốt. Nhà tôi thưa lại: Cháu cảm ơn Bác. Cháu không biết làm phu nhân đâu. Cháu làm công nhân, được nghỉ hưu sớm. Bây giờ, cháu cố gắng chăm lo việc gia đình."

Đồng chí Đỗ Mười kể: " Đồng chí sử dụng thời gian của mình theo một kế hoạch được thực hiện rất nghiêm túc và chuẩn xác. Cuộc họp dự kiến đến 11 giờ thì đúng 11 giờ là kết thúc. Đồng chí định nói chuyện trong nửa giờ thì không bao giờ vượt quá thời gian dự kiến".

Đồng chí Lê Khả Phiêu kể: " Thật lòng, khi trình bày với đồng chí Phạm Văn Đồng ý kiến của mình, mà ý kiến ấy lại khác ý kiến của đồng chí, tôi suy nghĩ,có phần lo lắng nhưng khi nghe đồng chí trả lời xong, tôi xúc động và cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi nghĩ: con người lãnh đạo kiên định ấy rất chân tình, rất lắng nghe, rất dân chủ"

Đồng chí Trần Đức Lương kể: "Đọc đi đọc lại các tác phẩm của Người, nhất là những điều Người viết về tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy sự truyền cảm dạt dào, chuẩn mực, có được bằng chính cuộc đời của người viết."

Đồng chí Phan Văn Khải kể: "Con gái của tôi không may mắc bệnh từ nhỏ nên được Bác Tô rất quan tâm...Do bệnh tật kéo dài nên khi ở nhà, không ít lần cháu biểu lộ tâm trạng bi quan, chán nản, không dám tin vào tiền đồ, hạnh phúc của chính mình. Vậy mà ,thật kỳ lạ, sau mỗi lần đến thăm Bác Tô, được Bác động viên, an ủi, cháu trở về với nét mặt tự tin, thanh thản...Tiếc rằng ngày cháu lấy chồng Bác Tô đã đi xa."

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: " Trong những năm Anh thôi giữ chức Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chúng tôi có nhiều thời gian ở gần nhau hơn và thường nói với nhau về tư tưởng Hồ Chí Minh. Anh mong muốn tư tưởng ấy quán triệt đến từng người dân, đến từng Đảng viên...Cho đến trước khi mất, điều anh lo nhất là hiện tượng thoái hoá trong Đảng. Nhiều khi anh đã kêu lên: Sao Đảng viên bây giờ nhiều người hỏng thế ".

Đồng chí Võ Chí Công kể:" Tôi nhớ mãi câu nói đơn giản nhưng rất quyết đoán của Anh trong cuộc họp Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo bàn về Tổng tiến công giải phóng miền Nam, trong đó có vấn đề đánh giá tình hình địch, liệu quân Mỹ có trở lại miền Nam để cứu nguy cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn không? Anh nói: Cho kẹo Mỹ cũng không dám trở lại "

Đồng chí Võ Văn Kiệt kể: "Anh Tô nói với tôi nhiều về tương lai, vị thế của nước ta trong một thế giới mới khi thiên niên kỷ thứ ba tới gần. Gắn liền với điều đó là yêu cầu rất cao đối với đội ngũ lãnh đạo mà trước hết là lãnh đạo cao cấp. Như một người anh lớn, Anh chia sẻ với tôi những băn khoăn về tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Anh rất suy tư làm thế nào để đẩy người nghèo lên, không kéo người giàu xuống mà làm giảm được khoảng cách giàu nghèo. Anh đặc biệt say sưa khi nói về sự nghiệp trồng người. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng được trao đổi công việc với Anh và Anh đã ra đi cùng những tâm sự ấy."

Đại tướng Văn Tiến Dũng kể: "Yêu cầu thiết tha của Anh là Đảng phải rất sáng suốt, nhận rõ hết sự thật, thấy cái tốt phải thấy cả cái xấu. Phải mở rộng dân chủ, thật thà tự phê bình và phê bình, trên cơ sở đó tăng cường đoàn kết nội bộ, phát huy trí tuệ tập thể. Anh căn dặn phải làm sao có đội ngũ những người kế thừa vững vàng, các thế hệ tiếp nhau thắp sáng hơn bó đuốc cách mạng."

Đại tướng Chu Huy Mân kể: " Pho lịch sử bằng vàng của Đảng ta được hun đúc bằng nghị lực, xương máu của nhiều thế hệ thật vô cùng vĩ đại và sáng chói, nhưng sang thời kỳ mới đã bị một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất làm cho hoen ố, xói mòn nghiêm trọng. Cực lắm anh Chu Huy Mân ơi! câu nói đầu tiên ấy của anh Tô khi gặp tôi như nghẹn lại, vì bị xúc phạm đến điều thiêng liêng nhất."

Đồng chí Phạm Thế Duyệt kể: " Có lần trò chuyện riêng với tôi, Anh gõ gõ vào cái ghế đang ngồi và bảo: Anh Duyệt ơi! ở đời phải tránh cái này, đừng bao giờ ham hố cái này, đừng bao giờ đi vào con đường ham công danh, địa vị. Phải sống sao cho trong sạch, trung thực. Đừng phụ lòng tin của dân. Lúc đó tôi rất xúc động chỉ biết vâng thôi , nhưng những lời căn dặn chân tình đó rất sâu sắc, thấm thía và làm tôi nhớ mãi".

Đồng chí Vũ Oanh kể: "Anh rất ít nói nhưng nghe nhiều, luôn luôn lắng nghe mọi ý kiến phản ánh từ cơ sở, từ địa phương, các bộ trong Chính phủ để nắm được tình hình và sự thật khách quan, nhằm cải cách, hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong từng giai đoạn lịch sử."

Đại tướng Mai Chí Thọ kể: "Anh Tô thường quan tâm lắng nghe ý kiến của người phát biểu kể cả ý kiến trái ngược với ý kiến của Anh .Anh ít khi phản bác trực diện, chỉ thỉnh thoảng thêm vào một vài câu ngắn gọn rất súc tích, đôi khi như nhắc nhở một cách khéo léo."

Đồng chí Nguyễn Thị Bình kể: "Về mặt chỉ đạo cụ thể đối với ngành giáo dục, đồng chí Phạm Văn Đồng đã đề xướng khẩu hiệu Trường ra trường, lớp ra lớp, dạy ra dạy, học ra học, thầy ra thầy, trò ra trò...Khẩu hiệu của đồng chí nêu ra rất tập trung, rất cụ thể, ngắn gọn, có hình ảnh, có sức lôi cuốn mọi người trong, ngoài ngành cùng tự giác thực hiện theo trách nhiệm và khả năng của mình."

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm kể: "Anh dặn học chính trị để nắm vững quan điểm đường lối của Đảng, học nghiệp vụ để trở thành những nhà ngoại giao giỏi, những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nhưng sẽ không đủ nếu không học ngoại ngữ, không biết ngoại ngữ. Anh nhấn mạnh : Chúng ta cần ngoại ngữ, cả nước ta cần ngoại ngữ, sự nghiệp cách mạng cần ngoại ngữ, người làm công tác ngoại giao, hơn ai hết , cần ngoại ngữ, phải đảm bảo giỏi về ngoại ngữ, giỏi thật sự, chứ không phải biết dăm ba chữ mà tưởng là đủ rồi".

Bên cạnh các bài viết xúc tích của các vị lãnh đạo nói trên còn có tới trên 90 bài viết khác của những người đã từng có nhiều dịp tiếp xúc với Bác Tô. Bài nào cũng rất hay, rất chân thực và cảm động. Tôi không sao trích ra hết được từng bài, chỉ xin nêu lên vài mẩu chuyện nhỏ.

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh (con trai GS anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ ) kể: "Thế rồi cha tôi ra đi mãi mãi, mang theo những dự án chưa thành về một thứ văcxin chống sốt rét. Sau cái tang đau thương đó , Bác Phạm Văn Đồng đã đến với anh em chúng tôi như một người cha trong gia đình...Rồi Bác nói với chúng tôi: Từ nay các cháu hay coi bác như ba của các cháu.Còn gọi bác là bác , hay là ba là tuỳ các cháu. "

Đồng chí Trần Việt Phương kể: "Khoảng 30 năm trước, sau một phần tư thế kỷ giúp việc Anh Tô, được Anh khuyến khích, một hôm tôi đề nghị Anh thu xếp thì giờ nghe phê bình những khuyết điểm của Anh. Anh hẹn sáng hôm sau. Tuy đã chuẩn bị kỹ, cả đêm đó tôi còn chuẩn bị thêm, chủ yếu là tắm gội cho tấm lòng mình trong sạch. Đúng hẹn, Anh đã ngồi im nghe một người cấp dưới, một thư ký giúp việc mình, phê bình suốt hơn hai giờ, không một lần nào ngắt lời, nghe chăm chú và nghiêm chỉnh. Nghe xong, Anh trầm ngâm suy nghĩ khá lâu, rồi nói: Những lời phê bình có nhiều điều đúng. Cũng có một số điều người không hoàn toàn trong cuộc không thể hiểu hết mọi hoàn cảnh. Nhưng tôi thấy không nên và không cần nói lại. Tôi sẽ suy nghĩ nữa để tiếp thu và sửa chữa. Đồng chí chúng ta, anh em chúng ta phê bình nhau thế này là rất tốt. Rồi Anh đứng lên ôm hôn tôi, như rất ít khi, hàng chục năm mới có một lần, chỉ vào dịp rất đặc biệt "

Đồng chí Nguyễn Tiến Năng kể: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, đất nước thống nhất, Nam-Bắc sum họp một nhà. Đồng chí Phạm Văn Đồng đi thăm đồng bào, đồng chí, các chiến sĩ miền Nam. Đồng chí đi bằng ô tô từ Hà Nội qua hầu hết các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Trong chuyến đi này đồng chí có mời hai người anh ruột cùng về thăm quê Đức Tân, Mộ Đức (Quảng Ngãi). Ngôi nhà cũ không còn nữa. Trước mắt các ông là đống gạch vụn với chân tường đầy cỏ và dây bìm bìm .... Thời gian qua đi, bỗng một hôm đồng chí Phạm Văn Đồng nhận được thư của bà con trong quê cho biết: người ta bàn tán về việc tỉnh đang xây nhà cho ông Đồng. Đồng chí liền điện khẩn cho lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình yêu cầu đình chỉ ngay việc xây nhà và đặt câu hỏi: Vì sao các đồng chí làm nhà cho tôi mà lại không hỏi ý kiến tôi? Đồng chí Nguyễn Quang Lâm (Tám Tú), Bí thư Tỉnh uỷ điện khẩn ra báo cáo, đại ý: Đã lâu bà con trong Nam ngoài Bắc khi đi ngang qua đây thường dừng xe vào thăm nhà Bác. Để có nơi đón tiếp bà con, tỉnh chủ trương xây dựng nhà khách, căn nhà cũng nhỏ thôi. Vậy xin phép Bác cho tỉnh được tiếp tục xây dựng. Nhận được điện của tỉnh, đồng chí Phạm Văn Đồng trả lời rằng: nếu các đồng chí làm nhà khách của tỉnh thì tôi không có gì để phản đối".

Đồng chí Hoàng Quốc Dũng kể: "Những năm đã cao tuổi, đồng chí thường nói với chúng tôi: Người già có nhiều kinh nghiệm sống và hoạt động nhưng cũng dễ hư tính như bảo thủ, cố chấp và gia trưởng, phải luôn luôn cảnh giác với chính mình. Nếu anh em thấy tôi có điều không phải thì cho tôi biết, đừng nể. Những buổi làm việc sau đó, đồng chí thường hỏi: Có gì cần nói không? Khi chúng tôi báo cáo chưa có thì đồng chí nói vui: Chưa có nghĩa là sẽ có chứ gì? Ta phải cố giữ cho nhau nhé. "

Đồng chí Trần Bạch Đằng kể: " Khi thôi nhiệm vụ trong Trung ương Đảng, là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, Anh Đồng không một lần vượt quá sự phân công là nghe, suy nghĩ để đề xuất với lãnh đạo ý kiến của mình và sẵn sàng theo quyết định của lãnh đạo đương chức - dù đó là những người trẻ tuổi hơn, thuộc cấp dưới của Anh trước kia và là học trò của Anh."

Đồng chí Võ Thị Thắng kể: "Sau này tôi mới biết ,khi được bác sĩ báo tin tôi bị bệnh nặng thập tử nhất sinh, cầm chắc cái chết, Bác hết sức lo lắng và theo dõi sát sao. Bác đã lệnh cho bệnh viện huy động mọi biện pháp cứu chữa cho tôi, vì còn nước, còn tát. Có lúc tương tôi không qua khỏi , Bác đã cho người tìm trong ba lô của tôi xem có địa chỉ người thân nào để ho gặp mặt tôi lần cuối. Nhờ đó , tôi mới được gặp chị dâu và hai đứa cháu mà tôi chưa từng biết mặt. "

Thật cảm động biết bao khi được đọc ở cuối sách những lời tâm sự chân thực của Đại tá Phạm Sơn Dương, người con độc nhất của Bác Tô. Anh kể:" Má của tôi bị bệnh nặng, vì trong chiến tranh Má tôi phải chịu đựng một thời gian dài xa cách và thương nhớ, vì lo lắng cho Ba tôi quá nhiều, vượt quá sức chịu đựng của người phụ nữ như Má, cho nên khi Má bị bệnh, Ba tôi ân hận lắm...Sau khi Bác Hồ mất , Ba tôi mong muốn được sống cùng với gia đình, bạn bè và xã hội như tất cả mọi người, nhưng mong muốn đó đã không thực hiện được. Cho đến những ngày vào bệnh viện, Ba tôi vẫn làm việc cho đến hơi thở cuối cùng."

Tôi kể sao hết những điều học hỏi được từ cuốn sách quý giá này. Mong sao mọi người chúng ta ,từ các nhà lãnh đạo đến mỗi người dân, đều có dịp đọc và tự tìm thấy cho mình một lẽ sống xứng đáng. Gấp cuốn sách lại tôi ghi nhớ lời căn cặn của Bác Tô: "Cuộc sống mà quá bình lặng thì thật vô vị, vô nghĩa. ở đời khó nhất là biết sống, sống sao cho có ý nghĩa."

 

Nguyễn Lân Dũng        

In bài viết nàyIn bài viết