Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Giáo dục - Du học

KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY SINH CỦA CỐ GS. LÊ BÁ THẢO (1923-2008)


Nhân cách một thày giáo kiểu mẫu

Trong những năm ngồi trên ghế nhà trường có những người thày mà mãi mãi chúng tôi coi là những tấm gương sáng để cho mình luôn gắng noi theo. Trong số này có cố GS Lê Bá Thảo. Tôi vinh dự là một trong những học sinh đầu tiên của ông (cùng với chị Nguyễn Giang Tiến, sau này là người bạn đời của ông). Đó là vào năm 1950 tại Thái Nguyên, nơi đặt cơ sở của Trường Sư phạm Việt Bắc. Ông không phải là người được chuẩn bị để làm thầy giáo nhưng là một trí thức tình nguyện đi theo tiếng gọi của cuộc kháng chiến thần thánh và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được phân công. Từ một hướng đạo sinh, một cậu Tú Triết học, rồi một sinh viên Y khoa nhưng khi cuộc chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ông đã gia nhập chi đội Giải phóng quân đầu tiên ở Huế và tham gia cướp chính quyền tại Huế. Ông từng làm Trưởng ban thông tin liên lạc quân sự thành phố Huế, sau đó là Trưởng ban thông tin quân sự khu IV và mặt trận Lào. Ông trực tiếp tham gia chiến đấu tại các mặt trận ác liệt nhất ở Huế, ở Lào. Cuối năm 1946 ông được lệnh của Bộ Quốc phòng tham gia mở đường liên lạc từ Yên Lạc đi Phố Cát để sau này trở thành con đường huyết mạch trong kháng chiến. Từ năm 1948 ông được điều sang làm Tham chính Văn phòng Bộ Quốc phòng và sau đó trực tiếp tham gia chiến dịch Cao Bắc Lạng với tư cách là phái viên tham mưu của Sư đoàn 308. Đó là thời gian ông có mặt bên cạnh các nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Vương Thừa Vũ..         

Khi biên giới phía Bắc được mở cửa Đảng và Nhà nước ta nghĩ ngay đến việc đào tạo gấp một đội ngũ thầy cô giáo để chuẩn bị cho công cuộc khôi phục đất nước sau ngày giải phóng. Ông được nhận một sứ mạng mới- trở thành người giáo viên nhân dân và lớp chúng tôi là lớp đầu tiên ông lên lớp với tư cách thầy giáo môn Địa lý học. Đây là chuyện đáng vô cùng khâm phục. Ông chưa hề chuẩn bị gì cho công việc này nhưng với tinh thần nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua ông đã vui vẻ nhận nhiệm vụ. Với thiên bẩm thông thạo nhiều ngoại ngữ và với lòng yêu thiên nhiên đất nước ông đã trở thành người thầy giáo địa lý đầu tiên của thế hệ chúng tôi. Năm 1951 cả thày và trò được lệnh chuyển sang Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) theo lệnh của Hồ Chủ tịch và sự đồng tình giúp đỡ của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Chúng tôi lại có may mắn được Thầy Thảo vừa tiếp tục dạy Địa lý vừa làm giáo viên chủ nhiệm cho lớp 7E chúng tôi. Đây là một lớp mà cho đến nay khi chúng tôi đều đã quá tuổi cổ lai hy nhưng năm nào cũng gặp nhau vài lần để hàn huyên, tâm sự, ôn lại chuyện các thày các bạn thuở xưa. Nhiều bạn khá thành danh như các GS Hồ Ngọc Đại, Tương Lai, Nguyễn Quốc Hùng, Kiều Thu Hoạch, rồi đạo diễn điện ảnh Long Vân, phó chủ tịch Hội LH Phụ nữ VN Vương Thị Hanh, Trưởng phòng GDPT Hà Nội Hàn Liên Hải, Hiệu trưởng Trường Đảng Hải Phòng Nguyễn Trọng Bình, nhà văn hóa Đào Dậu…nhưng khi ngồi với nhau chúng tôi vẫn mày mày, tớ tớ như hồi trẻ thơ. Một trong những thầy giáo được chúng tôi nhắc đến nhiều nhất là Thày Lê Bá Thảo. Trước hết là tài năng của Thày, một người vẽ bản đồ bằng cả hai tay một lúc, một người làm cho học sinh thật sự xúc động khi được học về thiên nhiên đất nước, một tấm gương tự học để trở thành giáo sư đầu ngành Địa lý học của cả nước, một thầy giáo thông thạo 5 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, La Tinh, Cổ Hy Lạp), một nhà khoa học lặn lộn trên mọi miền đất nước để có những tác phẩm để đời về hai lĩnh vực quan trọng nhất trong địa lý học là Nghiên cứu địa mạo và Nghiên cứu địa lý phân vùng. Tôi không đi theo chuyên môn của Thày nhưng tất cả kiến thức địa lý mà Thày đã truyền thụ và ăn sâu trong tâm trí chúng tôi từ tuổi thơ đã giúp tôi thêm yêu quý quê hương và phấn đấu làm những điều có ích cho đất nước. Chúng tôi tìm mua các tác phẩm quý giá của Thày để đọc thêm và bổ sung cho mình những kiến thức hết sức bổ ích trong cuộc sông. Những ngày gần đây khi hơn 20 tỷ USD sắp được đổ bộ vào Việt Nam và một nguy cơ biến đi hàng vạn ha bờ xôi, ruộng mật tôi lại tìm đọc những lời tâm huyết trong sách mà Thầy đã viết cách đây trên hai thập kỷ: Không dùng những phần đất đai đã được khai khẩn lâu đời và đã chứng minh được sự phì nhiêu của nó vào mục đích phi nông nghiệp. Nếu các nhà lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo các địa phương nghe theo lời khuyên rất chí lý của Thầy thì đâu đến nỗi dọc các quốc lộ, các tỉnh lộ đã và đang bê tông hóa biết bao nhiêu ruộng đất mà trải qua hàng nghìn năm dưới tác dụng tạo mùn cần cù của thế giới vi sinh vật mới tạo nên loại đất có cấu tượng có thể nuôi sống đời đời nhân dân ta. Tôi thấy cần lên tiếng tiếp theo tinh thần của Thầy để mong ngăn cản lại việc chiếm hữu ngày càng nhiều đất canh tác để xây dựng các khu công nghiệp, các khu chế xuất theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Ở nước ngoài, ngay ở nước Trung Hoa cạnh chúng ta, người ta làm đường cao tốc lên Nội Mông, người ta san đồi núi thấp ở Quảng Tây…để xây dựng các khu công nghiệp hiện đại nhằm giữ gìn, bảo vệ các cánh đồng phì nhiêu quý giá. Nghĩ đến Thầy Thảo tôi lại vô cùng băn khoăn vì sao học sinh hôm nay không thích các môn lịch sử, địa lý và trong giao tiếp tôi thấy lớp trẻ hiểu biết quá ít về lịch sử và địa lý nước nhà. Nên trách ai, có lẽ một phần không nhỏ ở những ông thầy không đủ sức làm cho thế hệ trẻ yêu quý thêm Tổ quốc mình qua các bài giảng về Địa lý và Lịch sử như thế hệ chúng tôi đã được tiếp nhận từ những người thầy đầy tâm huyết như Thầy Thảo (môn Địa lý), Thầy Trần Văn Khang (môn Lịch sử). Trong thời đại Internet hiện nay không nên nhét vào đầu học sinh những con số khô cứng luôn biến đổi mà mọi người đều có thể tìm thấy dễ dàng trên các trang web. Điều quan trọng hơn là gieo vào lòng học sinh những kiến thức cơ bản để các em có thể tiếp tục bổ túc thêm trong cuộc đời của mình và quan trọng hơn nữa là gieo vào lòng từng học sinh lòng yêu quý thiên nhiên và lịch sử cuẩ đất nước mình, tổ quốc mình.

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của cố giáo sư Lê Bá Thảo (18/4/1923- 18/4/2008) tôi muốn gửi tặng các thầy cô giáo phổ thông và các em học sinh yêu quý những kỷ niệm về một người Thấy mà chúng tôi vô cùng yêu quý, vô cùng kính trọng. Rất mong tất cả chúng ta đều gắng tìm đọc các trước tác bất hủ mà Thầy đã để lại cho đời, để rồi thêm yêu quý đất nước này và đừng làm bất cứ điều gì phương hại đến thiên nhiên và tài nguyên vô cùng quý giá trên Tổ quốc chúng ta.

 

GSTS.NGUYỄN LÂN DŨNG

In bài viết nàyIn bài viết