Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Từ điểm Cực bắc của Tổ quốc


Tôi ước ao mãi nay mới có dịp leo lên đến Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) nơi có vĩ độ 330 2’ Bắc, điểm cực Bắc của Tổ quốc ta, nơi có độ cao 1600-1800m so với mặt biển.         

Cảm động biết bao khi nhìn thấy trên ngọn núi cao nhất của Lũng Cú là một cột cờ uy nghiêm với một lá quốc kỳ đổ tươi rộng tới 54m2 lồng lộng bay trước gió. Từ rất xa đã thấy ngọn cờ và leo lên đến chân cột cờ thì cảm thấy thật tự hào biết bao về những người ngày đêm canh giữ từng tấc đất chạy dài suốt 1350km ở biên giới phía Bắc này. Trao đổi với Trung tá Đinh Kim Thư-Tham mưu trưởng bộ đội biên phòng Đồng Văn tôi được biết đồn biên phòng Lũng Cú phụ trách địa bàn 3 xã Lũng Cú, Ma Lé và Lũng Táo. Đồn này chỉ có 50 đồng chí mà suốt ngày đêm phải canh giữ 31,5 km đường biên trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Bom mìn nào đã được phá rỡ, đường đi chỉ là những đường mòn cheo leo trên vách núi . Tôi rình mãi mới chụp được hình hai chiến sĩ đang từ phía núi cao đi xuống. Lá cờ tuy khá tốn kém vì mỗi tuần phải thay một cái mới (các đoàn tham quan thường xin các lá cờ cũ về làm lưu niệm) nhưng thật đáng giá. Nó ghi nhận nóc nhà thiêng liêng của Tổ Quốc- điểm mở đầu cho một đường chim bay trải dài qua 25,5 vĩ độ đến tận điểm cực Nam là Xóm Mũi (Nam Căn, Cà Mau).                            

Đến thăm đồn biên phòng thấy chiến sĩ ta khỏe và đen , nhưng vui lắm. Họ coi nhiệm vụ đang làm là trách nhiệm thiêng liêng với Tổ Quốc, dù mỗi năm chỉ có ít ngày về phép . Đồng chí Thư chẳng hạn, vợ và các con đang còn ở mãi Nghệ An xa xôi. Đồng chí nói vui Người xưa chỉ có ba năm trấn thủ lưu đồn, còn chúng em trấn thủ vài chục năm liền! Các đồng chí mời chúng tôi ra hái đào do chiến sĩ tự tay trồng. Cây đào chĩu chịt quả , ăn không hết nên rụng đầy gốc. Đào trên này thơm ngon quá mà quả sai đỏ thắm cả cây.

Tôi đọc nhanh nhưng vần thơ chiến sĩ trên báo tường: …Cực Bắc ơi, lần đầu tiên tôi đến/ Súng trên vai hăng hái bước dồn/ Đôi giầy leo bao núi đã vẹt mòn/ Tim đập mạnh trước mốc son Lũng Cú/ Đỉnh núi cao cờ ta tung gió cuốn/ Trông cờ bay ai cũng muốn làm thơ/ Núi non điệp trùng như thành lũy trong mơ/ Xương thịt cha ông bồi đắp tự bao giờ?....Đồng đội tôi mỗi người mỗi xứ/ Tự nguyện dấn thân hội tụ về đây/ Chắc tay súng, giữ nơi này/ Cho quê hương có tháng ngày bình yên!…Đồng đội tôi sớm hôm vất vả/ Xa xóm làng cùng tất cả người thân/ Xá gì vất vả với gian truân/ Giữ biên cương mãi sắc xuân thanh bình…

Lên đây mới thấy hết mối thắm thiết của tình quân dân thắm thiết. Tôi trò chuyện hồi lâu với chàng trai 27 tuổi Vàng Mi Cấu- Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, vị chỉ huy trẻ tuổi của 665 hộ đồng bào gồm tới 3478 người dân của 9 xóm (có tới 7 xóm sát 16 km đường biên giới).

Chính phủ và nhân dân đã bỏ ra biết bao công sức để giúp đỡ các xã vùng cao nói chung và các xã biên giới nói chung. Thật khó lòng tưởng tưởng nổi đường ô tô đã có thể vươn tới tất cả 193 xã của tỉnh Hà Giang. Kể cả cái xã Lũng Cú xa lắc xa lơ này đường ô tô đến được đủ cả 9 xóm.Việc báo chí nêu Hà Giang nợ quá hạn 354 tỷ đồng có lên đây mới hiểu là có những việc không vay để làm là không được . Người hưởng lợi trực tiếp chính là các dân tộc ít người nơi biên giới xa xôi này. Lũng Cú đã có trường Mầm non (với 5 cô giáo và 69 cháu), trường cấp I (22 giáo viên với 470 học sinh) và cấp II (tuy mới chỉ có 4 giáo viên mà có tới 155 học sinh!). Lũng Cú có trạm y tế khá mạnh ( 1 bác sĩ, 2 y tá, 2 nữ hộ sinh). Đáng chú ý là Lũng Cú có trạm Bưu điện –Văn hóa xã với panen điện mặt trời, với ăng ten parabôn , có tủ sách khá phong phú và có 5 loại báo phát đến từng xóm. Trạm thu phát sóng giúp dân chúng xem được tivi hàng ngày (xem tập trung) và vì vậy ai cũng rất vui khi nhận ra tôi là khuôn mặt quen thuộc trên VTV2 (!) Bộ đội với dân đúng như là cá với nước. Việc gì của dân cũng có công sức của bộ đội. Trạm xá quân đội hỗ trợ rất nhiều cho trạm xá của dân. Công việc chăn nuôi trâu bò, dê, lợn, ong, trồng ngô, đậu tương, đậu cô ve, dong riềng, lanh, trồng cây ăn quả, cây rừng đều có sự chỉ dẫn của cả cán bộ Huyện lẫn các anh bộ đội biên phòng.

Tuy Nhà nước và Chính quyền địa phương đã làm hết sức mình để hỗ trợ nhưng thiên nhiên quá khắc nghiệt nên thực tình là bà con dân tộc ít người ở cái vùng cao nguyên đá này còn quá nghèo nàn, thiếu thốn. Tôi thật sự khâm phục khi thấy giữa các tảng đá hễ có một tấc đất nào là y như rằng có cây ngô, gốc cây ngô còn có trồng xen với cả đậu tương, bí đỏ hay dây khoai lang (!). Sản phẩm chủ yếu của Lũng Cú chỉ là cây ngô và để có giống ngô lai hiện nay xã còn nợ gần 1 triệu đồng. Vậy mà dân Lũng Cú vẫn bảo vệ được 707 ha rừng trong đó có 250 ha rừng đầu nguồn. Huyện đã hỗ trợ 4,3 tấn gạo cho 95 hộ nghèo để cứu đó cho 433 nhân khẩu trong lúc giáp hạt và Tỉnh đã cho 4,5 tấn gạo để giúp 142 hộ nghèo trong ngày Tết Nguyên Đán. Những sự giúp đỡ đó chưa thể làm thay đổi tỷ lệ hộ đói nghèo là 23% theo tiêu chuẩn cũ và có lẽ tới trên 70% theo tiêu chuẩn mới (200 000đ/người/tháng). Vào thăm một số gia đình thấy hầu như không có đồ vật gì có giá trị tới 100 000đ (!)

Đã đến lúc phải suy nghĩ kỹ hơn cách giúp bà con thay đổi công nghệ canh tác. Với điều kiện tự nhiên nghiệt ngã của một cao nguyên đá tôi mới chỉ có thể bày cho bà con cách bảo quản cùi ngô trong vôi để sau đó nghiền ra trồng mộc nhĩ bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu (giá thu mua hiện nay là 300 000đ/10kg). Làm sao bình quân mỗi tháng mỗi người làm ra được 10 kg mộc nhĩ là đủ vượt qua ngưỡng đói nghèo rồi! Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất tâm đắc với ý tưởng này và hứa sẽ liên hệ ngay với các doanh nghiệp thu mua mộc nhĩ dưới xuôi.

Một chuyện rất đáng quan tâm là mùa rét đã sắp đến nơi rồi, vậy mà nghe nói các bạn trẻ trên này vẫn phải nhường áo ấm cho người già và em nhỏ, còn mình thì vẫn phong phanh áo vải. Tôi rất mong các bạn đọc của Báo Tuổi trẻ hãy tìm trong tủ áo những chiếc áo rét cũ không cần dùng nữa để làm quà cho thanh niên ba xã Lũng Cú, Ma Lé, Lũng Táo thuộc phạm vi đồn biên phòng Lũng Cú nơi cực Bắc này của Tổ Quốc. Tôi đã vận động được các bạn trẻ ở Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội đảm nhiệm cho việc đóng gói và chuyên chở đến tận tay thanh niên ở 3 xã còn hết sức khó khăn này.

 

                                                                                                                                          Nguyễn Lân Dũng

In bài viết nàyIn bài viết