Trang chủ  » Kiều bào  » THÔNG TIN KIỀU BÀO

Tết Việt Nam ở Nga


Ai đã từng đi châu Âu và đón Tết cổ truyền Việt Nam ở nước ngoài đều thấy Tết ở nơi xa xứ có cái gì đấy vừa bâng khuâng, vừa khá lạnh lẽo, thậm chí đến dửng dưng bề ngoài trước những cảnh sắc thiên nhiên và tâm lý xã hội khác xa những nét truyền thống quê nhà. Với người đã từng đón 8 cái tết như vậy ở Nga (năm 1990-1996 và 2009-2010) thì cảm nhận ấy càng đậm nét hơn trong tôi. Không có cái xôn xao, rực rỡ trời hoa của Xuân đến; vắng cái náo nức của dòng người đi sắm hàng tết hay thu dọn, trang trí cửa nhà, công sở; càng thiếu cái ồn ào, vội vã của dòng xe vun vút trên đường chạy đua với thời gian, “tranh thủ kiếm/gỡ cái tết” như ở các địa phương trong nước, nhất là nơi đô thị lớn như Hà Nội và HCM, Tết ở Nga chỉ có tuyết trắng trời, trắng đất, trắng cây, với dòng xe cộ chạy đúng tốc độ quy định và dòng người luôn đi bộ nhanh như chạy, chen vai thích cánh như mọi ngày khác ở khắp các bến Metrô. Tết ở Nga không có cái cảm nhận rõ rệt và tinh tế của thời khắc Giao mùa, càng thiếu các hoạt động sinh hoạt ngoài trời và tập thể, mà hầu như chỉ có “tết tại gia”, khá khép kín và đơn giản trong lòng cộng đồng…

Theo thông lệ, năm nào Sứ quán ta cũng tổ chức chúc tết chung trong cộng đồng vào những ngày của tuần cuối cùng của năm cũ âm lịch tại hội trường Sứ quán, với sự tham gia của hàng trăm đại diện các cơ quan, đoàn thể cán bộ sứ quán, các đơn vị nhà nước và tập thể, tổ chức cộng đồng, các hiệp hội và cá nhân đang công tác, học tập và làm ăn, sinh sống tại Nga. Đêm Giao thừa, mọi người thường tụ tập tai nhà và ký túc, theo nhóm, tuỳ theo tình cảm và địa lý, để hồi ức và điện thoại về quê hương, xem VTV4 và chúc tết lẫn nhau. Ngày mùng 1 tết, đa số các cửa hàng và bà con kinh doanh cũng nghỉ hẳn 1 ngày để đón tết. Trong những sinh hoạt đón tết cộng đồng như vậy, nếu rủng rỉnh và thuận lợi, thường cũng đủ cả bánh chưng, giò thủ, chả, nem rán, măng hầm, gà luộc và các món ăn dân tộc khác được nhập từ Việt Nam sang, hay được mua nguyên liệu tại các chợ Việt hoặc siêu thị ở Nga về và các ông, bà chủ nhà khéo tay chế biến; có mâm ngũ quả và cành đào, chậu mai, hoa nhiều và đẹp như ở Việt Nam; có cả cảnh “lì sì” và những lời ca tiếng hát “livsow” hoặc trên dàn Karaoke gợi nhắc không khí Xuân mới trên quê hương. Tôi còn nhớ, hồi năm 1990 khi đón Giao thừa đầu tiên ở Nga tại “Đôm 5”, phố ĐờMitriaulianôva ( ngôi nhà nổi tiếng không chỉ ở Matxcơva những năm cuối thập kỷ 80-đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước), nơi tôi làm nghiên cứu sinh ở đó, được trực tiếp chứng kiến anh Lân Cường-con trai nhà giáo Nguyễn Lân danh tiếng- đã kỳ công tổ chức được cả cảnh múa sư tử truyền thống khá hoành tráng và đọc những bài thơ rất vui và hay ở tầng 7 của nhà này để phục vụ cộng đồng NCS và TTS của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô ở đây…

“Tết năm nay buồn và khó khăn hơn mọi năm”! Nhận xét này của Tùng ”zin”- một đầu mối có uy tín về dịch vụ giấy tờ và vé máy bay tại Mát xcơ va, với thâm niên ở Nga trên 25 năm nay, đã khái quát đúng tâm trạng và cảm nhận chung của các thành viên cộng đồng người Việt Nam ở Nga, dù là cán bộ, sinh viên hay người kinh doanh và lao động đủ mọi tầng lớp đang bôn ba trên mọi nẻo đường và lĩnh vực của đất nước Nga rộng nhất thế giới này. Tùng “zin” buồn là phải thôi. Như anh nói thì như mọi năm, vào dịp tháng cuối năm, sát tết như thế này, thì “ bét nhất” trung bình anh cũng làm được dịch vụ “đóng khẩu” cho 40-50 người, với giá trên dưới ngàn đô/người/năm, trừ chi phí , mỗi cuốn cũng được vài chục đô bỏ túi. Thế là có cái tết khá tươm tất cho một gia đình gồm 2 vợ chông, 2 cậu con trai đang học phổ thông, 1 người giúp việc và 2 chiếc ôtô như anh. Còn năm 2009 này, hoạt động dịch vụ của anh teo tóp hẳn, chỉ bằng 1/4-1/5 của năm ngoái. Mỗi tháng, để sống với mức trung lưu tại Mátxcơva, mối gia đình chi tiêu tổng cộng không dưới 3000đô, trong đó riêng tiền căn hộ 3 buồng khoảng 80 m2 ở khu chung cư ngoai ô xây từ những năm 80 của thế kỷ trước là 1000đô( vẫn là rẻ, nếu so với giá 1500 đô/căn hộ 2 buồng khoảng 50m2 ở Đôm 5 nói trên). Anh khoe vừa về Việt Nam chơi tháng trước, khi sang anh mang theo bức tranh “cá Chép ngắm trăng” to như tờ bản đồ treo tường mà bên nhà ngoại đã chuẩn bị cho để đón tết ở Nga. Vợ anh, chị Hà Linh Hương, em ruột phóng viên Hà Linh Chi của tờ Thời báo Ngân hàng mà tôi quen biết đã lâu, có gương mặt xinh đẹp như chị gái và không hổ danh là cháu ruột của nghệ sỹ Ái Vân đẹp nức tiếng một thời ở phố Huế - Hà Nội. Hương có dáng người thanh tú, cân đối với đôi mắt to, đen, như mắt cô Ái Vân và hơi buồn; có thể nói công , dung, ngôn, hạnh đủ cả và nấu ăn các món ta, tàu, tây thì tuyệt ngon, lái xe cũng rất “nuột”. Sang Nga lao động theo diện Hiệp định chính phủ Xô-Việt, cô thợ dệt Linh Hương gặp cậu lưu học sinh Thanh Tùng, học sinh chuyên toán Nguyễn Huệ -Hà Đông- học Đại học Mỏ ở Mátxcơ va. Hai người trai thanh gái tú đất Hà thành nên vợ nên chồng, quyết định ở lại Nga làm ăn và sinh được 2 cậu con trai khôi ngô, thông minh, kế thừa được tất cả những nét đẹp nhất của cả bố lẫn mẹ, và điều đáng quý là các cháu nói thạo cả tiếng Việt và tiếng Nga. Trong đêm khuya thanh vắng, khi chuyện trò đi vào chiều sâu, Tùng kể nhiều về những bức xúc và tâm trạng cuả người thanh niên trí thức, dù bận bịu với mưu sinh vất vả trong đời thường trên đất khách quê người, song vẫn đau đáu nỗi niềm về sự phát triển của đất nước, mong được nhà nước và các doanh nghiệp khai thác các khả năng về ngôn ngữ, các kiến thức và quan hệ thị trường và xã hội mà anh và bao người Việt khác có được để mở rộng tiêu thụ hàng hoá trong thị trường của Nga, có lợi cho quê hương, đất nước. Anh cũng bộc lộ cả sự băn khoăn về tương lai của cá nhân và cộng đồng người Việt ở Nga trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay…

“Phải đến ít nhất 30% người Việt ở Matxcơva đã về nước hoặc rời đi các nơi khác trong năm 2009”. Tôi tin điều Tùng “zin” nói khi đến “Đôm 5”. Tại đây, tiếp tôi tại nhà hàng món ăn Việt Nam được đầu tư hàng triệu đô, đẹp nhất trong số các cửa hàng ăn Việt Nam ở Mátxcơva, song rất vắng khách, anh Quốc Trung và vợ là chị Hồng Minh, chủ nhà hàng (và cũng là bạn cũ của tôi, 2 người đã bám trụ ngôi nhà này cũng ngót 20 năm nay) cho biết: “Năm ngoái Đôm 5 này vẫn còn được gọi là Nhà Việt Nam, vì tuyệt đại đa số người sống trong 7 tầng nhà là người Việt mình. Còn năm nay, chỉ còn 4-5 hộ Việt mà thôi, vì mọi người đã về nước, hoặc chuyển đi nơi khác tìm mối làm ăn mới hoặc tìm chỗ ở rẻ hơn”. Quả thật, tôi đi khắp 7 tầng nhà thênh thang mà chả gặp thêm bóng dáng người Việt nào, ngoài vợ chồng anh và mấy người của công ty anh. Còn căn hộ 709 anh Trung và chị Minh thuê ở tầng 7 thì an toàn đến mức không cần đóng cửa, trong khi hồi tôi còn ở đây (phòng 512), các phòng đều phải 2 lần cửa và 3 lần khoá, chốt mà vẫn còn sợ trấn, cướp…

Năm 2009, “hoạ vô đơn chí”, cộng đồng người Việt ở Nga chịu nhiều biến cố và tổn thất khó đo lường do sự hội tụ đồng thời của các nhân tố, như thời tiết lạnh giá bất thường, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, những thay đổi đột ngột trong chính sách của chính quyền sở tại, mà nổi bật là chợ Vòm (người Nga gọi là chợ Cherkizov) đã bị đóng cửa vĩnh viễn theo nghiêm lệnh củaThị trưởng Mátxcơva nhằm phát triển cái gọi là thương mại văn minh (hiện mới chiếm khoảng 5% tổng bán lẻ ở đây) với các giấy phép chất lượng hàng hóa, giấy chứng nhận thuế quan và không được ảnh hưởng đến đời sống bình thường của người dân. Đây là ngôi chợ bán buôn và bán lẻ lớn nhất, trực tiếp và gián tiếp tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định từ hàng chục năm nay cho hàng chục ngàn người Việt Nam (Tết năm 1996, trong khi chờ nhận bằng tiến sỹ kinh tế để về nước, kết thúc khoá học nghiên cứu sinh chính thức cuối cùng theo dạng Hiệp định chính phủ Việt-Xô, tôi có dịp vài tháng làm nhân viên trong Trung tâm thương mại quốc tế (Công ty KT) của anh Lê Ngọc Hường, một “soái’ hàng đầu và nguyên chủ tịch Hội người Việt ở Nga, trực tiếp tham gia quản lý các hoạt động kinh doanh tại chợ này. Khi ấy, trong tay chỉ có hơn trăm “công” bán hàng mà anh thuê buôn từ chủ chợ Vòm, rồi cho người Việt mình thuê lẻ lại, mặc dầu tiền chợ còn phải thúc hàng tháng do các chủ công bán hàng còn phọt phẹt lắm, nhưng khi tết đến, anh Hường vẫn tổ chức đón tết chung cho bà con ở KT rất chu đáo và sôi nổi, có mời cả quan khách Nga địa phương tới dự. Đám nhân viên chúng tôi mang túi quà tết của công ty đi biếu từng chủ “công”. Trong mỗi túi tôi nhớ có 1 bánh chưng , một hộp mứt mua của “Trí béo” (“soái đầu đàn” của người Việt ở Nga thời bấy giờ, cùng làm NCS ở trong Đôm 5 và tôi cũng đặt tên con trai thứ hai của mình sinh tại Đôm 5 là Trí) và 1 tờ báo “Vạn sự”, trong đó có in bài tôi viết dưới dạng phỏng vấn anh Hường để quảng bá cho KT và mô hình kinh doanh mới bán hàng tại các côngternơ như ở chợ Vòm. Chợ Vòm đóng cửa, anh Lê ngọc Hường bị chết, đã làm tổn thất hàng trăm triệu đô cho các chủ hàng và bà con Việt Nam kinh doanh tại chợ này. Biến cố này như một bước ngoặt lớn trong lịch sử làm ăn của người Việt ở Nga, giống như sự kiện đóng cửa “Đôm 5” cũ và mới ở Mát xcơva của thập kỷ trước. Ngoài ra, kinh tế Nga lâm vào khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, người dân bị giảm thu nhập và tiết kiệm chi tiêu, cũng khiến buôn bán trở nên khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2009, chính sách xiết chặt quản lý hộ khẩu và quản lý người nước ngoài của Nga mới thực sự là đòn giáng nặng nề vào sự tồn tại của cộng đồng. Cắt ½ lượng giấy phép lao động từ nửa triệu người nước ngoài năm 2008, còn 250 ngàn lao động trong năm 2009, và năm 2010 sẽ chỉ còn 100-150 ngàn và không gia hạn các hộ khẩu đã hết hạn…tất cả đã khiến cộng đồng người Việt Nam ở Mátxcơva, với đa số là trí thức và người lao động thuần khiết bị “sốc”, phải dạt đi các tỉnh, các nước cộng hoà khác và cả sang nước thứ ba, để tìm cách tồn tại, thích ứng với tình hình mới, có người đã phải bán oto, chuyển sang đi metro. Tình trạng hộ khẩu và quyền lao động khó khăn đã khiến hàng chục, thậm chí hàng vài chục ngàn người Việt ở Nga đã, đang và sẽ có thể trở thành cư dân bất hợp phát, lao động chui, thậm chí bị các ông chủ bóc lột nặng nề trong những điều kiện sinh hoạt và làm việc tồi tệ, được phản ánh trên các báo chí, truyền hình Nga. Tôi đã được nghe hơn một lần những câu chuyện sinh động do chính Đại sứ Bùi Đình Dĩnh kể lại việc ông từng cùng cán bộ Sứ quán “ẩn danh”, làm người bình thường trong khi vi hành xuống các tỉnh và doanh nghiệp để “đích mục sở thị” nắm bắt đời sống và nguyện vọng thực của cộng đồng, để tìm cách tháo gỡ…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sức sống mạnh mẽ của cộng đồng Việt Nam đầy năng động ở nước ngoài nói chung, ở Nga nói riêng. Cho đến nay, nhiều trung tâm thương mại hiện đại, kinh doanh theo tiêu chuẩn văn minh và phù hợp luật pháp của nước sở tại đã khai trương và đang phát triển. Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp Việt Nam ở Nga đã phối hợp và hỗ trợ tìm kiếm, tổ chức các hình thức sản xuất, kinh doanh phù hợp luật pháp của LB Nga để tạo thêm việc làm cho bà con, giúp đỡ bà con làm các thủ tục đăng ký cư trú hợp pháp theo pháp luật của Bạn; Ban hỗ trợ cộng đồng bao gồm cán bộ Đại sứ quán, đại diện Hội doanh nghiệp, Hội người Việt và một số nhà doanh nghiệp đã được thành lập (tháng 7/2009) nhằm hỗ trợ bà con vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đã mua đất, thuê cơ sở hạ tầng kinh doanh dài hạn tới 50 năm và có hàng vài ngàn lao động ở Nga, như công ty Milton TNP của ông Trần Đăng Chung và công ty LION của ôngTrịnh Viết Ngọ… Các hoạt động hợp tác, giao lưu giữa các doanh nghiệp và cộng đồng người Việt ở Nga với nhau và với các cộng đồng người Việt ở các nước khác đã được tăng cường. Nhiều người Việt Nam đã mua được nhà và trang trại ở Matxcơva và các địa phương khác, thậm chí nhập quốc tịch Nga, lấy vợ, chồng Nga, nhưng vẫn giữ nguyên quốc tịch Việt Nam. Có doanh nhân thành đạt đã được bầu làm thành viên Hội đồng dân tộc và chính quyền địa phương. Nhiều cộng đồng người Việt ở các chủ thể và các tỉnh, vùng của LB.Nga đã thực sự ổn định và hoà nhập tốt vào đời sống cộng đồng địa phương và được đánh giá cao…

Những người Việt tại nga đang sinh hoạt trong cộng đồng ngày càng có tính tổ chức cao và chặt chẽ hơn, thông qua Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga (được thành lập từ 31/1/2004) với 28 Hội và Chi hội ở khắp các tỉnh, thành phố lớn của LB.Nga, trong đó có 24 Hội và Chi hội hoạt động thường xuyên. Hoạt động của Hội khá toàn diện và phong phú, bao quát hầu hết các khía cạnh của đời sống cộng đồng ở LB.Nga, trong đó tập trung vào các hoạt động: Văn nghệ, thể dục-thể thao; kỷ niệm các ngày lễ, tết; Tổ chức dạy tiếng Việt, tiếng Nga cho cộng đồng; Tổ chức và tham dự các hoạt động từ thiện, nhân đạo và các sinh hoạt cộng đồng khác diễn ra trong nước và ở nước Nga…Bên cạnh đó, Hội còn quan tâm chủ động và tranh thủ sự hỗ trợ của Sứ quán và các cơ quan chức năng để góp phần gìn giữ sự đoàn kết, lành mạnh và an ninh trong nội bộ cộng đồng, cũng như góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp của người Việt Nam ở Nga hoạt động hiệu quả, phù hợp thực tế và các quy định pháp lý của chính quyền địa phương…

Bên cạnh đó, VBA - Hiệp hội của các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga cũng đã được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, làm cầu nối, đầu mối xúc tiến và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga; Hỗ trợ toàn diện và bênh vực lợi ích hợp pháp của các nhà doanh nghiệp Việt Nam mọi ngành nghề và quy mô trên thị trường LB Nga, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động, hợp tác và kinh doanh có hiệu quả và phù hợp với pháp luật Liên bang Nga;Thu hút các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, các nhà doanh nghiệp Nga và nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và Liên bang Nga; Hỗ trợ, hướng dẫn các nhà doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường hàng hóa, đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng, đóng góp cho nền kinh tế Liên bang Nga và Việt Nam…

Chợ ASEAN, một trung tâm thương mại mới của doanh nghiệp Việt Nam thay thế phần nào cho chợ Vòm ở Nga, dịp tết này đang vào kỳ sôi động. Hàng hoá đang chuyển về ngày càng nhiều, khách mua bán ngày càng tấp nập. Đây đó trong các gian hàng đủ loại đã lấp ló bóng những cành Đào Phai, Đào nụ Nhật Tân và cả những chậu Mai Vàng; Ríu rít những lời mời hẹn nhau đến ăn tết tại kvar-căn hộ của nhau với cái bắt tay nắm chặt và nụ cười ấm áp trên cả những gương mặt chủ và khách hàng, dẫu trên má và cổ áo vẫn còn vương những bông tuyết trắng của cái lạnh -22o ngoài trời…

Các cô gái Việt nhỏ nhắn, sinh viên Học viện Tiếng Nga Puskin-Matxcơ va (nơi tôi đang theo học khoá 9 tháng nâng cao tiếng Nga theo Đề án 165 của BTCTW) đã tạm rời chiếc laptop vật bất ly thân của các sinh viên thế hệ 8X, đang say sưa tập luyện làn múa nón dịu dàng và say đắm trên nền nhạc bài hát “Giấc mơ trưa” do ca sỹ Khánh Linh thể hiện để trình diễn trong dịp chúc tết cổ truyền thường niên tổ chức ở Sứ quán Việt Nam tại LB.Nga…

Một cái Tết mới sắp về trong lòng cộng đồng Người Viễn Xứ!

--------------------------------------------------------------------------------------

         (30/11, tại thành phố  Ekaterinburg-LB.Nga, công ty Pacific của Việt Nam phối hợp với công ty cổ phần Taganski Riat của phía Nga, đã tổ chức lễ khai trương Trung tâm Thương mại Hà Nội hướng tới sự kiện trọng đại kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội vào năm 2010).

 

                                                                                                                                                                                                                                            TS.Nguyễn Minh Phong                                                                                                                                   Viết từ Matxcơva-1/2010

In bài viết nàyIn bài viết