Trang chủ  » Kiều bào  » Chính sách cho Kiều Bào

Một số chính sách mới đối với người Việt Nam ở nước ngoài


Một số chính sách mới đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Hà Nội (TTXVN 7/8/2001) Ngày 31/7/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/2001/QĐ- TTG về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 210/1999/QĐ-TTG ngày 27/10/1999 về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Nguyễn Đình Bin về Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Câu hỏi: Đề nghị ông cho biết đối tượng kiều bào khi về nước được hưởng giá các loại dịch vụ, giá vé đi lại trên các loại phương tiện giao thông vận tải như công dân trong nước nêu trong quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 210 của Thủ tướng Chính phủ có điểm gì khác so với trước đây và ý nghĩa của việc ban hành chính sách mới này?

Trả lời:

Theo Quyết định 210/1999/qđ-ttg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng kiều bào khi vè nước được hưởng chính sách "một giá" chỉ bao gồm công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam và người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Nay, theo Quyết định số 114/2001/qđ-ttg ngày 31/07/2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 210 thì tất cả người Việt Nam ở nước ngoài không phân biệt quốc tịch, mang hộ chiếu Việt Nam hay hộ chiếu nước ngoài, khi về nước đều được hưởng giá các loại dịch vụ, giá vé đi lại trên các loại phương tiện giao thông vận tải như áp dụng đối với người Việt Nam ở trong nước. Ngoài ra, thân nhân của người Việt Nam ở nước ngoài gồm: vợ hoặc chồng, bố mẹ vợ hoặc chồng, con riêng của vợ hoặc chồng, con nuôi hợp pháp đi cùng khi về nước, nếu có giấy xác nhận của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc của ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài về mối quan hệ gia đình nói trên, thì cũng được hưởng giá các loại dịch vụ giá vé đi lại trên các loại phương tiện giao thông vận tải như công dân trong nước. Việc sửa đổi, bổ sung chính sách thống nhất một giá các loại dịch vụ, giá vé đi lại trên các loại phương tiện giao thông vận tải như công dân trong nước cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thể hiện rõ mục tiêu của việc xây dựng chính sách là góp phần thu hẹp tiến tới xóa bỏ sự cách biệt về quyền lợi được hưởng giữa đồng bào ở ngoài nước và đồng bào ở trong nước. Đồng thời, đây cũng là một bước quan trọng tiến tới thực hiện cơ chế một giá trong lĩnh vực dịch vụ và giao thông vận tải trong lộ trình nước ta hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Việc sửa đổi chính sách "một giá" lần này đã cụ thể hóa một bước tinh thần nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng 9, là trong nước cần có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về thăm quê hương, mở mang các hoạt động văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, góp phần thiết thực xây dựng đất nước.

Câu hỏi: Xin ông cho biết thêm có điểm gì mới trong Quyết định sửa đổi, bổ sung về việc hỗ trợ vận chuyển sách báo, ấn phẩm và đưa các đoàn nghệ thuật ra nước ngoài phục vụ bà con kiều bào?

Trả lời:

Theo Quyết định sửa đổi, bổ sung, Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ban Vật giá Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan căn cứ số lượng vận chuyển thực tế ra nước ngoài hằng năm để thực hiện trợ giá đối với cước vận chuyển phim ảnh, sách báo, văn hóa phẩm, ấn phẩm tuyên truyền quảng bá cho du lịch, các tài liệu tuyên truyền cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và giá vé máy bay cho các đoàn nghệ thuật ở trong nước, do Bộ Văn hóa-thông tin hoặc Bộ Ngoại giao giới thiệu, đi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Mức trợ giá bằng 50% tổng số giá cước vận chuyển, giá vé máy bay thực tế thanh toán với các đơn vị vận tải. Thực tế cho thấy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng mong muốn được thông tin đầy đủ, chính xác hơn về tình hình trong nước qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, phát thanh, truyền hình, internet... cũng như mong muốn được tiếp thụ thường xuyên văn hóa cội nguồn thông qua các sản phẩm văn hóa, các đoàn biểu diễn nghệ thuật, được tiếp cận các chương trình dạy và học tiếng Việt... Đây là một nhu cầu rất lớn và bức xúc hiện nay của kiều bào. Mặc dù trong thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực thông tin, văn hóa phục vụ kiều bào những cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của bà con. Số lượng sách, báo, văn hóa phẩm và các đoàn nghệ thuật sang phục vụ bà con vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính của sự hạn chế này là do giá cước vận chuyển từ trong nước ra nước ngoài còn khá cao. Vì vậy, quy định mới của Chính phủ như một đòn bẩy quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các hoạt động chuyển tải thông tin, văn hóa ra nước ngoài phục vụ kiều bào; góp phần làm cho kiều bào hiểu rõ hơn tình hình đất nước trong công cuộc đổi mới, cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phân xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

In bài viết nàyIn bài viết