Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Giáo dục - Du học

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ở Liên Bang Nga


Chiều ngày 20/11/2009, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tại Sứ quán Việt Nam ở LB.Nga đã diễn ra cuộc gặp mặt thân mật và cảm động của hơn 100 đại biểu đại diện cho lãnh đạo Sứ quán, đại diện các nhà giáo và cộng đồng người Việt Nam hiện đang công tác, sinh sống và hoạt động tại LB.Nga. Dù ngoài trời rất lạnh và tuyết trắng xoá mọi nơi, song phòng họp tràn ngập hơi ấm tình người và rực rỡ hoa tươi , thơm ngát và hoà quyện cùng với những nụ cười luôn thường trực trên môi khách dự…

            Có lẽ hiếm có những cuộc họp mặt nào dù ở trong nước hay nước ngoài mà lại có nhiều hoa và nụ cười cùng lúc như trong các cuộc gặp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Cả người tổ chức, cũng như khách mời dù thể hiện những cảm xúc khác nhau với tư cách là người Thầy, là học trò hay là nhà quản lý, hoặc cả những giáo sinh sắp gánh trên vai sứ mạng thiêng liêng của nghề Thầy giáo…song, trong tâm trí dường như ai cũng đã, đang và sẽ còn tiếp tục lưu giữ những hình ảnh sâu đậm nào đó về người Thầy đáng kính và thân thương của mình trong suốt cuộc đời…

            Với tâm trạng đó, mặc dầu chuẩn bị bước sang tuổi 60, và đã từng có hàng chục năm đứng trên bục giảng trường Đại học, nhưng ông Trung, Bí thư Đảng uỷ Sứ quán, đã rơm rớm nước mắt và có những phát biểu đầy xúc động về ngày nhà giáo Việt Nam và những kỷ niệm đẹp về thầy Nghệ-người Thầy giáo cũ “siêu giỏi” dậy học từ hồi phổ thông cách đây hơn 40 năm về trước ở nghệ An…TSKH.Kim Bảo, Trưởng phòng quản lý lưu học sinh ở Lãnh sự quán Việt Nam đã giành những lời tốt đẹp và trân trọng nhất tôn vinh các nhà giáo và nghề Thầy giáo, đồng thời nhắc nhở đến vai trò thiêng liêng của người Thầy trong đời sống cộng đồng, dù ở trong nước hay ở nước ngoài … Những nhà giáo tham dự cuộc gặp mặt, dù có người đã về hưu, 75 tuổi như cô Phan Tam, nguyên giảng viên Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, hay những người vẫn đang đứng trên bục giảng, như PGS.TS.Ngọc Bắc-Phó Viện trưởng viện Văn hoá của Học Viện Chính trị và Hành chính Quốc gia, các giảng viên kiêm nhiệm hay những giáo sinh và sinh viên trẻ măng của Đại học sư phạm Matxcơva, Đại học Quốc gia Hà Nội v.v… đều bộc lộ chân thành những tâm tư và tình cảm của mình về Ngày nhà giáo và nền giáo dục Việt Nam, đồng thời tin tưởng sâu sắc rằng trong tương lai không quá xa, nền giáo dục nước nhà sẽ có những phát triển mới về chất, trong khi vẫn vẹn nguyên tình thầy trò và truyền thống kính thầy, ham học của ông cha và các thế hệ đi trước…

            Cuộc họp mặt đã được làm phong phú bằng những lời ca, tiếng hát mộc mạc, nhưng không kém phần đằm thắm của tập thể cán bộ Phòng quản lý lưu học sinh, của sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường sư phạm, ngoại ngữ trên địa bàn thành phố Matxcơva, cũng như của những giọng hát hay đoạt giải trong hội thi tiếng hát cộng đồng người Việt Nam ở Nga năm 2008… Đặc biệt, bài hát tự biên tự diễn về người thầy, và màn múa đặc sắc của tốp nữ giáo sinh Học viện tiếng Nga Puskin trên nền nhạc bài hát “Giấc mơ trưa” do Ca sỹ Ngọc Khuê thể hiện đã gây được những cảm xúc sâu lắng, trữ tình, đầy chất nhân văn, ngọt đọng mãi trong tâm tưởng khán giả và làm ấm lòng những người Thầy trong những ngày đông tuyết giá trên miền viễn xứ…/.

 

                                                                                                                                     TS. Nguyễn Minh Phong

                                                                                                                                               TP. Matxcơva

In bài viết nàyIn bài viết