Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Giáo dục - Du học

Giới trẻ học đường


Thế hệ người trẻ trước kia cầm súng và mang thân mình ra giữ nước, thì thế hệ trẻ HS, SV hôm nay phải có trách nhiệm xây dựng đất nước đẹp giàu. Ngày truyền thống HS, SV lại đến. Thiết nghĩ, thêm một lần nữa để giới trẻ học đường nghĩ về mình, về đất nước.

alt

Sinh viên tình nguyện.

“Đứng trên đôi chân của mình” phải được người trẻ nhìn nhận một cách sâu sắc. Dù học chuyên ngành nào thì cho tới nay, với xu thế hội nhập và đòi hỏi tất yếu của cuộc sống cũng không thể không có ngoại ngữ, tin học. Đó không phải là “cần câu cơm” mà là đòi hỏi của cuộc sống. Vững chuyên nganh, đương nhiên là tốt, nhưng tin học, ngoại ngữ chính là đôi cánh để nâng bước mỗi người trên con đường đời thăm thẳm.

Hôm nay, 9/1, ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam. Nhắc đến ngày này là nhắc đến những thế hệ HS, SV cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Ngày 9/1/1950, trên đường phố Sài Gòn nổ ra cuộc đấu tranh của hàng ngàn HS, SV đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho các HS, SV bị bắt.

Trong đó, SV Trần Văn Ơn đã ngã xuống như một biểu tượng tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh của giới trẻ học đường. “Tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt!” như khẩu hiệu của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ nhất năm 1950 ở chiến khu Việt Bắc- Đại hội mà ngày 9/1 được quyết định chọn làm ngày truyền thống HS, SV. 

Sẽ quá dễ để kể tên ra đây những niềm tự hào của những thế hệ HS, SV viên từng “hiến dâng đời mình cho Tổ quốc”. Những thế hệ từng xếp bút nghiên lên đường chiến đấu.

Những “tuổi hai mươi ai mà chẳng tiếc/ Nhưng nếu tiếc đời mình thì còn chi Tổ quốc” (thơ Thanh Thảo). Những phong trào HS, SV Hà Nội -  Huế - Sài Gòn trong lúc Tổ quốc lâm nguy vẫn chói ngời trong những trang sử… Có nhiều tên tuổi những HS,SV trẻ tuổi còn mãi mãi được nhắc đến. 

Cách đây vài năm, người viết bài này có cuộc gặp gỡ đặc biệt với ông Lê Quang Vịnh ngay giữa trời mây Côn Đảo. Chàng sinh viên trí thức nổi tiếng trong giới học sinh sinh viên miền Nam trước 1975, năm 14 tuổi đã nếm cảnh lao tù vì tham gia hoạt động trong đoàn học sinh kháng chiến Huế, 24 tuổi là Tổng Thư ký Hội Liên hiệp SV, HS Sài Gòn Gia Định… đã từng bị kết án tử hình lưu đày ở nơi  hòn đảo giữa mịt mù trùng khơi, nơi một thời là địa ngục trần gian.

Bên mộ chị Võ Thị Sáu, hay đứng ở cầu tàu Côn Đảo, hay thăm lại những chuồng cọp, nhà giam giờ xanh mát tán bàng, những tháng năm tù ngục cận kề cái chết vẫn hiển hiện rất rõ trong lòng ông. Nhưng ông bảo ông chưa bao giờ thấy ân hận về một thời tuổi trẻ can trường, dấn thân.

Ông cũng bảo ở giữa Côn Đảo này ông luôn nghĩ về thế hệ, những HS, SV ngày nay, tuy rằng thế hệ của họ đã khác với ông rất nhiều, mối quan tâm cũng khác mà hoàn cảnh, đòi hỏi cũng khác.

Nhiều ngày qua, trên các diễn đàn có nhiều cuộc tranh luận về những người trẻ tuổi mới ra trường. Mỗi một thế hệ lại có những thuận lợi và khó khăn riêng của thế hệ mình. HS, SV ngày nay không còn phải chiến đấu và hy sinh như thế hệ cha anh, nhưng họ phải gánh sứ mệnh làm cho đất nước đẹp giàu.

Gần đây, người ta hay nói HS, SV du học ở lại nước ngoài quá nhiều mà không về nước phục vụ quê hương. Những con số rõ ràng về các em đoạt giải cao của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” được du học nước ngoài nhưng lại không về nước. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao? Chẳng lẽ họ chán quê nhà đến thế ư? Lỗi do họ hay do ai? Thoạt nhìn, vấn đề là khá đơn giản, nhất là phê phán, chê bai những người “bỏ xứ” thì quá dễ. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn nhận, vẫn đề không hẳn họ đã nhạt lòng với quê hương, hoặc chỉ ham theo đuổi phồn hoa xứ người.

Trở về hay ở lại cũng đều có lý do riêng, nhưng mẫu số chung là tuổi trẻ đóng góp được gì cho đất nước. Không ít nhà khoa học, doanh nhân thành công ở nước ngoài và vẫn hướng về quê cha đất tổ, cũng có nghĩa là họ đã đóng góp theo cách riêng của mình. Không khuyến khích các em du học rồi tìm đường ở lại, vấn đề là hãy tạo điều kiện tốt để họ phục vụ cho quê hương.

Thực tế cho thấy, không ít người tốt nghiệp đại học ở nước ngoài- kể cả có học hàm học vị- ngại về nước vì điều kiện làm việc chưa tốt, cùng đó là thu nhập thấp. Quan trọng là môi trường làm việc, điều kiện làm việc, tư duy mới trong công cuộc dựng xây đất nước..., những điều không chỉ giới du học mong muốn, mà là “mẫu số chung” cho giới trẻ dấn thân, lập nghiệp.

Nhưng, tuổi trẻ cũng đừng vội đòi hỏi đất nước phải có đủ điều kiện để mình vùng vẫy. Khó khăn là khó khăn chung, thì thuận lợi cũng là chung. Thực tế cho thấy, không ít người trẻ trong giới HS, SV đã không chủ động trang bị kiến thức để vào đời trên đôi chân của mình. Nhiều người ngồi trên giảng đường đã thấp thỏm trông vào những quan hệ của “người lớn”. Sự thụ động dẫn đến nhiều hệ lụy, có khi còn đeo đẳng suốt cả cuộc đời.

“Đứng trên đôi chân của mình” phải được người trẻ nhìn nhận một cách sâu sắc. Dù học chuyên ngành nào thì cho tới nay, với xu thế hội nhập và đòi hỏi tất yếu của cuộc sống cũng không thể không có ngoại ngữ, tin học. Đó không phải là “cần câu cơm” mà là đòi hỏi của cuộc sống. Vững chuyên ngành, đương nhiên là tốt, nhưng tin học, ngoại ngữ phải được coi là đôi cánh để nâng bước mỗi người trên con đường đời thăm thẳm.

Vậy, bao nhiêu người trong số HS, SV đã nghĩ, đã làm được điều đó?

Gần đây, cơ quan chức năng thống kê cho thấy, tỉ lệ SV tốt nghiệp ra trường thất nghiệp quá nhiều, số người làm trái ngành, trái nghề đào tạo còn nhiều hơn  cho thấy vấn đề không đơn giản. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, cơ quan hành chính cho biết, việc “đào tạo lại” cử nhân là khá phổ biến. Kể cả thạc sĩ, tiến sĩ cũng không hẳn ai cũng trang bị được kiến thức cần thiết để làm việc. Về việc này, người ta có thể “trách” này trách nọ, nhưng về sâu xa thì đó chỉ là ngụy biện, bởi lẽ nếu mình không tự trang bị, trau dồi kiến thức cho mình thì không ai làm thay được cả.

Thế hệ người trẻ trước kia cầm súng và mang thân mình ra giữ nước, thì thế hệ trẻ HS, SV hôm nay phải có trách nhiệm xây dựng đất nước đẹp giàu.

Ngày truyền thống HS, SV lại đến. Thiết nghĩ, thêm một lần nữa để giới trẻ  học đường nghĩ về mình, về đất nước.  

http://www.daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/gioi-tre-hoc-duong/83308

In bài viết nàyIn bài viết