Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » ĐIỂM TIN ĐỐI NGOẠI

ASEAN: Nhìn lại 2015 và bước tiếp


Năm qua, ASEAN đã đón nhận nhiều niềm vui khi Cộng đồng ASEAN ra đời đúng hẹn và cuộc tổng tuyển cử tại Myanmar thành công ngoài mong đợi. nhưng 2015 cũng là một năm sóng gió khi vấn đề an ninh hàng hải “nóng” hơn, xung đột nội bộ một số nước chưa có lối thoát.

asean nhin lai 2015 va buoc tiep

ASEAN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2016.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng năm 2016 những thách thức cũ sẽ tồn tại nhưng ASEAN vẫn sẽ là một khu vực ổn định, hứa hẹn tương lai tươi sáng.

AEC còn xa tầm với

Ông John J. Brandon, Giám đốc các chương trình hợp tác khu vực của Quỹ châu Á tại Mỹ cho rằng mặc dù Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã ra đời nhưng với những gì đã làm được và nhiều thách thức ở phía trước thì AEC vẫn còn xa tầm với đối với các nước thành viên trong Hiệp hội.

Theo ông Brandon, tầm nhìn của AEC là hướng tới một thị trường duy nhất, một cơ sở sản xuất đồng nhất với dòng chảy tự do về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cũng như dòng chảy tự do về vốn và lao động tay nghề. Tuy nhiên, AEC không giống như thị trường trong Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù, 70% mặt hàng thương mại nội khối ASEAN đã được miễn thuế và thuế suất trung bình chỉ ở mức 5% nhưng những rào cản phi thuế quan vẫn tiếp tục tồn tại và ảnh hưởng trực tiếp tới nền công nghiệp các nước thành viên.

Hơn nữa, ông Brandon nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân tộc về kinh tế vẫn còn khá mạnh trong một số nước thành viên, đặc biệt là Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Hiệp hội. Hệ thống cơ sở hạ tầng vật lý trong ASEAN vẫn còn yếu, cản trở hoạt động thương mại nội khối. Bên cạnh đó, phương thức hoạt động của ASEAN – “ASEAN way” là không can thiệp vào công việc nội bộ các nước thành viên, các quyết định được đưa ra trên nguyên tắc đồng thuận và linh hoạt trong việc thực hiện các cam kết. Chính điều này có thể là cái cớ để một số thành viên không tuân thủ cam kết của Hiệp hội.

An ninh hàng hải ngày càng quan trọng

Ông Brandon nhận định vấn đề an ninh hàng hải ngày càng trở nên quan trọng đối với ASEAN. Ông cho biết, hiện nay giữa các nước thành viên mới chỉ có 20% biên giới biển đã được phân định. Giữa các nước ASEAN vẫn còn tồn tại tranh chấp chủ quyền trên biển.

Có thể nói đây là một rào cản không nhỏ trong hợp tác nội khối. Việc thiếu hệ thống đường biên giới biển rõ ràng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng ASEAN thiết lập một trật tự an ninh tốt trên biển, dẫn tới một loạt các hoạt động bất hợp pháp như cướp biển, buôn bán người và đánh bắt bất hợp pháp trong khu vực.

Vấn đề Biển Đông cũng đang “nóng” hơn trong ASEAN và rộng hơn là châu Á. Tòa trọng tài thường trực của Liên hợp quốc (PCA) đã phán quyết vào tháng 10/2015 rằng Tòa có thẩm quyền giải quyết đơn của Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo ông Brandon, với phán quyết đó, Tòa sẽ tiếp tục xem xét những lập luận chủ quyền của Philippines tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cương quyết sẽ không công nhận phán quyết của Tòa. Nếu Bắc Kinh “ngang” như vậy thì biện pháp trọng tài sẽ dần bị “nhờn” và khó được sử dụng cho những trường hợp giải quyết hòa bình các tranh chấp không chỉ ở Biển Đông, châu Á mà còn ở khắp nơi trên thế giới.

Về chính sách của Trung Quốc năm 2016, chuyên gia nghiên cứu tình hình Đông Nam Á tại  Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) Joshua Kurlantzick cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng chiến thuật ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt” và cách tiếp cận “kép” đối với ASEAN. Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành động cải tạo đảo tại Biển Đông để sẵn sàng cho những căn cứ quân sự. Điều này sẽ gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ chặt chẽ với một số nước như Thái Lan, Myanmar hay Lào.

Myanmar còn nhiều việc phải làm

Cuộc tổng tuyển cử tại Cộng hòa liên bang Myanmar ngày 8/11 đã trở thành một sự kiện nổi bật trong khu vực thời gian qua, đặt dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách dân chủ của Myanmar. Tuy nhiên, năm 2016, lãnh đạo nước này còn rất nhiều việc phải làm.

Được đánh giá là tự do và công bằng nhưng theo ông Brandon, cuộc tổng tuyển cử vẫn thiếu tính toàn diện khi những người Hồi giáo thiểu số Rohingya không được công nhận với tư cách công dân và không được bỏ phiếu. Hơn nữa, nhiều cử tri khác cũng không thể tham gia bởi quá trình bỏ phiếu bị hoãn lại ở hai bang Kachin và Shan do xung đột và bất ổn định.

Mặc dù giành chiến thắng áp đảo với 77% số ghế trong Quốc hội song thách thức đối với Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu trong năm 2016 không phải ít. Ông Brandon khẳng định, quân đội sẽ vẫn cố gắng bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của mình trong Quốc hội Myanmar. Theo Hiến pháp, dù đảng chính trị nào cầm quyền, quân đội vẫn giành được 25% ghế trong Quốc hội và kiểm soát một số bộ quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ An ninh biên giới. Bà Aung San Suu Kyi không được phép trở thành Tổng thống vì bà đã kết hôn với người nước ngoài và có hai con có quốc tịch nước ngoài.

Bên cạnh đó, Myanmar đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như buôn bán ma túy, tham nhũng, xung đột sắc tộc, nghèo đói, giáo dục và y tế còn yếu.

Năm 2016, ông Brandon cho rằng, Mỹ và nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục thận trọng dõi theo cách xử lý các vấn đề nội bộ của Myanmar. Nếu quá trình dân chủ diễn ra tốt đẹp, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Myanmar có thể sẽ được dỡ bỏ, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nước này. Hơn nữa, theo ông Joshua Kurlantzick, vấn đề Myanmar sẽ còn được thảo luận trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ. Bà Hillary Clinton đã nhấn mạnh việc Mỹ tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Myanmar là một thành công trong nhiệm kỳ bà là Ngoại trưởng. Liệu Myanmar có thực sự là một câu chuyện ngoại giao thành công của Washington hay không cũng sẽ là đề tài trong các cuộc tranh luận của cuộc bầu cử Tổng thống.

Dân chủ ở Thái Lan suy giảm

Một vài năm trước, theo ông Brandon không ai nghĩ rằng Myanmar dù còn nhiều thách thức sẽ trở thành một trong những nước Đông Nam Á có nền dân chủ tốt. Nhưng điều đó đang dần trở thành hiện thực. Trong khi đó ở Thái Lan, Chính quyền quân sự đang phải nỗ lực ngăn chặn xung đột trên diện rộng giữa các đảng phái chính trị. Tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc vẫn chưa có lối thoát.

Nền kinh tế Thái Lan đã bị tụt lại dưới thời của Chính quyền quân sự. Tốc độ tăng trưởng năm 2015 là 3,2%, mức thấp nhất so với các nước Đông Nam Á khác. Lực lượng nông dân, chiếm 40% dân số Thái Lan nhưng chỉ đóng góp 8% GDP của cả nước. Điều này càng nới rộng khoảng cách giàu nghèo vốn đã rất lớn trong nước này.

Ông Joshua Kurlantzick nhận định trong năm 2016, cuộc bầu cử Thái Lan sẽ vẫn là một vấn đề. Chính quyền quân sự Thái Lan đã đẩy lùi ngày bầu cử và chuyển giao quyền lực nhiều lần sau khi một dự thảo điều lệ mới sụp đổ. Thủ tướng và đại diện chính quyền quân sự Prayuth Chan-ocha hiện đưa ra cam kết về cuộc bầu cử năm 2017. Song, ông cũng cho thấy những dấu hiệu đang củng cố quyền lực. Trong năm vừa qua, quân đội Thái Lan đã và đang triển khai thanh lọc thành viên trong hàng ngũ được cho là “không phù hợp” với đường lối lãnh đạo của ông Prayuth.

Như vậy, ông Brandon khẳng định, năm 2016 sắp tới, ASEAN phải đối mặt với rất nhiều thách thức nhưng đây vẫn sẽ là một khu vực ổn định và thịnh vượng hơn Trung Đông hay châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới. Với dân số hơn 600 triệu dân và tổng GDP khoảng 2,5 tỷ USD, triển vọng của khu vực khá tươi sáng.

http://tgvn.com.vn/asean-nhin-lai-2015-va-buoc-tiep-26718.html


In bài viết nàyIn bài viết