Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Hai mục tiêu lớn về phát triển văn hóa, con người Việt Nam


(Chinhphu.vn) - Dự thảo Văn kiện nhấn mạnh 2 mục tiêu: Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

alt
Ảnh minh họa

Kế thừa có chọn lọc Văn kiện Đại hội XI và tiếp thu những định hướng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI về văn hoá Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng lựa chọn, định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong phát triển văn hoá, xây dựng con người.

Trong đó đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Trọng tâm là đúc kết, từng bước xây dựng trong thực tế các chuẩn mực giá trị văn hoá và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật; làm cho mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hoá dân tộc; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn

Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hoá, làm tha hoá con người; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam.

Dự thảo Văn kiện nhấn mạnh xây dựng con người cần gắn với xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trước hết là xây dựng môi trường văn hoá, đời sống văn hoá lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình.

Phát huy vai trò văn hoá trong gia đình, nhà trường, cộng đồng; Thường xuyên quan tâm xây dựng nếp sống văn hoá tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hoá, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội; Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng.

Đề cao nhiệm vụ xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế, Dự thảo Văn kiện nêu yêu cầu chú trọng chăm lo xây dựng văn hoá trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hoá trong kinh tế; xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân.

Các giải pháp chủ yếu về phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá được nêu trong Dự thảo Văn kiện gồm: Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hoá; Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển; Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hoá lành mạnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá...

Phương Nguyên

http://baochinhphu.vn/Van-hoa-The-thao/Hai-muc-tieu-lon-ve-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-Viet-Nam/246388.vgp

In bài viết nàyIn bài viết