Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Khoa học

Còn mãi những vắcxin của ông


Ông là nhà Vi khuẩn học số 1 của nước ta từ trước tới nay. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với tất cả các loại vắc xin chống bệnh vi khuẩn (lao, tả , thương hàn, bạch hầu, uốn ván, ho gà.... Khi tôi bắt đầu giảng dạy chuyên ngành Vi sinh vật học từ Khoá I tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì ông cùng với người bạn song hành chuyên về virút của ông là GS.TSKH. TTND. Hoàng Thuỷ Nguyên đã là hai chỗ dựa tinh thần cho tôi về một lĩnh vực mà tôi chưa hề được đào tạo. Tôi không được trực tiếp học các ông nhưng không lúc nào tôi không coi các ông như những người anh lớn, những bậc thầy ưu tú của mình.

Ông là tấm gương sáng của tinh thần tự học. Tốt nghiệp Đại học y khoa vào những thế hệ đầu tiên học từ chiến khu Việt Bắc sau khi đã tham gia tại các mặt trận lớn với tư cách một nhà phẫu thuật ông cùng GS. Nguyên được biệt phái chăm lo xây dựng ngành y tế dự phòng của nước ta. Đó là hai ông tổ của hàng loạt chế phẩm văcxin mang nhãn hiệu Việt Nam và có thể nói công sức của hai ông và học trò của mình đã cứu hàng triệu người thoát khỏi các bệnh nhiễm khuẩn hiểm nghèo.Một thầy thuốc dù giỏi đến đâu thì trong đời mình chỉ có thể cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân , nhưng công sức của các nhà y học dự phòng liên quan đến tính mạng của toàn thể nhân dân cả nước. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trên cương vị Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia về tiêm chủng mở rộng (EPI) và Chương trình phòng chống các bệnh tiêu chảy(CDD). Trong số 10 loại vắc xin được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng thì nước ta đã tự sản xuất được tới 9 loại. Văcxin của ông đã được chuyển giao công nghệ cho Inđônêsia và đang làm thủ tục chuyển giao cho ấn Độ . Ông được nhận học vị TSKH vào loại rất sớm tại CHDC Đức và trở thành người đại diện cho Việt Nam trong các Tổ chức Quốc tế về y học dự phòng. Uy tín của ông đã vượt qua biên giới Quốc gia khi Ông được bầu làm Uỷ viên Hội đồng chấp hành của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chủ tịch hiệp hội Y học các nước Đông Nam á (MASEAN).Trong thời gian Kháng chiến chống Mỹ ông đã từng là chiến sĩ y tế của Mặt trận B2 và từng là người cầm súng AK bảo vệ Viện Pasteur Sài gòn khi mới tiếp quản. Khi GS. Hoàng Thuỷ Nguyên lâm bệnh nặng ông là chỗ dựa cho các học trò của mình trong sự nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các vi sinh vật gây bệnh. Các sinh phẩm mà Viện Vệ sinh dịch tế, các Viện Pasteur, các Viện văcxin trong cả nước chế tạo ra không chỉ giúp cho nhân dân ta có thêm vũ khí quan trọng để phòng bệnh mà còn giúp cho các thầy thuốc chẩn đoán chính xác các bệnh nhiễm khuẩn.          

Ông là tấm gương sáng trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho các Viện nghiên cứu, các Trung tâm sản xuất chế phẩm khoa học và trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ. Tôi thường ước ao sao cho mỗi Viện nghiên cứu khoa học có được những người cầm lái như các GS. Trạch, GS. Nguyên. Nói không ngoa thì ở nước ta cho đến nay chỉ có Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội và các đơn vị sản xuất văcxin đáng được coi là những phòng nghiên cứu khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khi không đủ tiền trả tiền điện cho cơ sở nghiên cứu các ông đã gặp từ Tổng Bí thư trở đi để trình bày và tìm bằng được cách tháo gỡ. Tất cả các sinh viên cũ của chúng tôi được may mắn vào làm trợ thủ của hai ông đều trở thành các tiến sĩ, thạc sĩ thành thạo nghiệp vụ và hầu như ai cũng có dịp tu nghiệp dài hạn hay ngắn hạn của nước ngoài. Dù bận rộn đến mấy ông vẫn không bao giờ từ chối trong các công tác của Hội Vi sinh vật học hoặc khi chúng tôi mời ông vào các Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ.        

Tôi cứ băn khoăn mãi khi thấy 95 công trình nghiên cứu đồ sộ của ông, những công trình cứu sống hàng triệu người không được trao giải thưởng Hồ Chí Minh ( so với những người chỉ có vài bài hát, vài bài thơ ) nhưng ông lại tươi cười bảo tôi:" Thế là vui lắm rồi, chính moa đề xuất không được cái nọ thì phải được cái kia , chứ không thì các luý không được nhận giải thưởng HCM sẽ không được cả giải thưởng Nhà nước đâu!".

Trông phòng làm việc của ông tôi có thể thấy rõ trình độ và phong cách của một nhà khoa học cập nhật với trình độ quốc tế. Mọi tài tiệu được sắp xếp ngăn nắp và dễ tìm, các thiết bị tin học được tận dụng đến tối đa và tự tay ông đảm nhiệm trực tiếp mọi liên hệ với quốc tế nhờ hết sức thông thạo nhiều ngoại ngữ.        

Sau khi đã trao lại sự nghiệp nghiên cứu cho những người học trò đã được ông đào tạo chu đáo, ở tuổi xưa nay hiếm ông vẫn dành hết tâm trí trong các cương vị quan trọng mà quần chúng suy tôn: Chủ tịch Tổng hội Y dược học VN, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Đoàn chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN, Phó Chủ tịch Hội đồng KH Bộ Y tế, UV Hội đồng TƯ Liên hiệp các hội KH&KT VN...          

Tôi thường suy nghĩ vì sao ai ai cũng yêu quý và kính trọng ông? Câu trả lời là :Vì ông luôn nêu cao tấm gương làm việc hết mình với hiệu quả cao, vì ông hết mực khiêm tốn và không bao giờ nói đến các công lao của mình, vì ông không khi nào kèn cựa, dèm pha đồng nghiệp, vì ông thành tâm và nhiệt tình dạy dỗ , bồi dưỡng thế hệ trẻ, vì ông không ngại đến mọi miền của đất nước để tìm hiểu nhu cầu phòng chữa bệnh của nhân dân, vì ông có quan hệ tốt và có uy tín lớn với các nhà khoa học nước ngoài, vì ông là một người sống vô tư, thanh thản và lúc nào cũng thích trào phúng trong giao tiếp với người thân, vì ông là một người chồng, người cha, người ông hết mực thương yêu trong cái gia đình nhỏ nhắn của mình.          

Không ai ngăn nổi mệnh Trời, nhưng ông sẽ còn sống mãi trong tâm trí tất cả chúng tôi, những đồng nghiệp và học trò của ông, trong nhân dân- những người được ông trao cho vũ khí tự nâng cao sức miễn dịch để chống trả các bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo.           

Sự nghiệp của ông sẽ mãi mãi được kế tục bởi đồng nghiệp và các học trò xuất sắc của ông, trong đó có con ông - tiến sĩ Đặng Đức ánh.

                                                           

In bài viết nàyIn bài viết