Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Khoa học

Có thật nấm Vân chi phòng chống được ung thư và AIDS.?


Nấm Vân chi (Trametes versicolor, Coriolus versicolor, Agaricus versicolor, Boletus versicolor, Polyporus versicolor, Polystictus versicolor, Poria versicolor) là một loại nấm dược liệu đã được y học cổ truyền phương Đông sử dụng từ lâu. Sở dĩ như vậy vì nấm này có rất nhiều tác dụng dược lý, nổi bật nhất là tác dụng phòng chống ung thư. Trong vài thập kỷ gần đây đã có hàng ngàn công trình nghiên cứu về tác dụng dược lý của nấm Vân chi. Gần đây nhất nấm này còn được phát hiện là có khả năng kiềm chế virus HIV. Hiện nay các dược phẩm chế xuất từ nấm Vân chi được phát triển đa dạng, được sử dụng rộng rãi trong y học hiên đại, kết hợp với nhiều liệu pháp vật lý, hoá học và sinh học để điều trị nhiều loại bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là chống và kìm hãm ung thư. Chủng giống nấm Vân Chi hiện được bảo quản và đang được tiến hành nghiên cứu tại Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật (VTCC) thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tác dụng tăng cường miễn dịch

Tác dụng dược lý của nấm Vân chi chủ yếu dựa trên nền tảng là khả năng làm tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, nhờ hoạt tính của các hợp chất chứa trong nấm. Trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của nấm Vân chi lên khả năng miễn dịch của cơ thể người và tất cả các công trình đều có kết quả khẳng định tác dụng tăng cường miễn dịch của nấm này. Theo các kết quả nghiên cứu, trong nấm có chứa các hợp chất polysaccarit liên kết với protein với rất nhiều ưu điểm dược lý và chính các polysaccarit này quyết định tác dụng tăng cường miễn dịch của nấm. Các hợp chất này gồm hai loại chính: PSP (polysaccharide peptide) và PSK (polysaccharide krestin).

PSK và PSP có cấu trúc hoá học cũng như các tính chất khá tương đồng. Chúng đều là những hỗn hợp của các chuỗi đường liên kết với một số protein (Q.Y.Yang et al., 1992). Cả hai đều có trọng lượng phân tử khoảng 100 kDa và các chuỗi polypeptit trong phân tử của chúng đều chứa một số lượng lớn các axit amin aspartic và glutamic (Ng.T.B., 1998). Các polysaccarit này có khả năng chống chịu với tác dụng của các enzym thuỷ phân protein (T.Hotta et al., 1981). Về tính chất vật lý, PSK và PSP thông thường tồn tại ở dạng bột màu nâu, không mùi vị, tan và bền trong nước nóng nhưng không tan trong các dung môi như methanol, benzen, pyridine, clorofom và hexan (S.Ueno et al., 1980; T.Hotta et al., 1981).

Tác dụng chung của PSP và PSK là hoạt hóa, tăng cường sự sản sinh và bảo vệ các tế bào của hệ miễn dịch (P.M.Kidd, 2000). Các thí nghiệm trên cơ thể động vật chỉ ra rằng PSP có hoạt tính rất đa dạng. Hợp chất này cảm ứng, kích thích làm tăng sự sản xuất các interferon, interleukin và các TNF (yếu tố hoại tử u), qua đó thúc đẩy sự sản xuất các tế bào Lymphô, đồng thời hoạt hóa các đại thực bào (W.K.Liu et al., 1993; G.D.Yu et al., 1996; X.W.Mao et al., 1996). Các đại thực bào và tế bào Lymphô là hai loai tế bào miễn dịch chính có tác dụng chống lại các tác nhân gây độc xâm nhập từ ngoài vào và tiêu diệt các tế bào lạ - các tế bào ung thư. Bên cạnh đó, PSP còn có tác dụng điều hòa hoạt động của các cytokine, đây là thành phần mấu chốt trong quá trình “tự chết”, rất quan trọng để ngăn ngừa sự hình thành và phát triển các khối u. PSK và PSP còn có tác dụng làm tăng độc tính và số lượng của các tế bào giết tự nhiên đối với các tế bào lạ. Nghiên cứu thực hiện bởi Munroe và cộng sự cho thấy số lượng các tế bào giết tự nhiên trong cơ thể 36 bệnh nhân suy giảm miễn dịch đã tăng 35% khi họ được điều trị bằng polysaccarit chiết từ nấm Vân chi (Munroe, 2004). Một tác dụng khác của các polysaccarit này là khả năng tăng cường hoạt tính và sự sản xuất (thông qua cảm ứng sao mã) các enzyme superoxide dismutase (SOD) (W.S.Wei et al., 1996;Y.Kobayashi et al., 1994) và glutathione peroxidase (Z.J.Pang et al., 2000). Các enzym này đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại tác động gây hại của các tác nhân oxy hoá tự do, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ung thư.

Trên cơ sở các tác dụng trên, PSK và PSP giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể nói chung, giúp chống lại ảnh hưởng kiềm chế miễn dịch của các liệu pháp hóa trị và xạ trị (Chung Kuo Yao, Li Hsueh Pao, 1996), giúp kiềm chế tác hại và kìm hãm sự phát triển các khối u, đồng thời cũng giúp tăng cường chức năng của gan, tăng cảm giác ngon miệng, điều hoà hệ thần kinh và làm giảm đau các vết thương.

Đặc biệt đáng lưu ý là tác dụng chống ung thư của PSK và PSP. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng PSK và PSP có tác dụng với nhiều loại tế bào ung thư như các tế bào ung thư biểu mô (carcinoma), các sarcoma và các tế bào ung thư máu (leukemia) (Q.Y.Yang et al., 1992). Nghiên cứu của Hsieh và cộng sự (T.C.Hsieh et al., 2002) chỉ ra rằng PSP tác động lên pha G trong chu kỳ phân bào của các tế bào ung thư máu, qua đó cảm ứng quá trình “tự chết” (apoptosis). Một nghiên cứu khác (Y.Dong et al., 1997) lại cho thấy các polysaccarit này có khả năng ức chế sự tổng hợp ADN ở các tế bào ung thư vú và kìm hãm sự nhân lên hàng loạt của các tế bào ung thư gan. PSK và PSP không có tác dụng trực tiếp gây hại cho các tế bào ung thư mà gián tiếp thông qua các tác dụng tăng cường miễn dịch như nêu ở trên, cụ thể là hoạt hóa các tế bào miễn dịch và tăng cường hoạt động của các enzym chống các tác nhân oxy hóa.

Gần đây PSP còn được chứng minh là có tác dụng chống lại sự xâm nhiễm của vi rut HIV type 1 (R.A.Collins và Ng.T.B, 1997). Polysaccarit này có tác dụng ngăn cản liên kết giữa protein HIV-1 gp của vi rut và thụ thể CD4 từ đó ngăn chặn sự xâm nhập của vi rut vào tế bào miễn dịch, đồng thời còn có tác dụng ức chế các enzym HIV-1 reverse transcriptase và glycohydrolase cần thiết cho sự tạo thành vi rut. Vì vậy PSP được đề nghị như một liệu pháp hữu hiệu chống lại HIV type 1.

Các polysaccarit của nấm Vân chi có độ bền cao với nhiệt độ và ánh sáng, tồn tại lâu trong cơ thể, và đặc biệt chưa được phát hiện có tác dụng phụ gì, cả đối với phụ nữ mang thai, vì vậy rất thích hợp cho nhiều liệu pháp điều trị (P.M.Kidd, 2000). Chúng có thể được tách chiết từ quả thể hoặc sợi nấm Vân chi bằng phương pháp dùng nước nóng.

Bên cạnh các polysaccarit là các thành phần chính quyết định tác dụng dược lý của nấm Vân chi, trong nấm còn chứa nhiều loại enzym như SOD (với tác dụng nêu ở trên), cytochrome P-450, một thành phần quan trọng trong việc khử độc các chất được nhập vào tế bào, và các chất trao đổi bậc hai có tác dụng ức chế thrombin, chống quá trình đông tụ máu (A.Karmali,www.mycologyresearch.com)

Khả năng sử dụng nấm Vân chi như một dược phẩm quý.

Nấm Vân chi có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể nên có thể được sử dụng để điều trị rất nhiều loại bệnh. Ở đây xin được trình bày những minh chứng cho hai tác dụng nổi bật và đáng quan tâm nhất của nấm Vân chi: điều trị ung thư và chống vi rut HIV.

Tác dụng điều trị ung thư:

Ở Nhật Bản, từ năm 1970, PSK từ nấm Vân chi đã được chứng minh có khả năng kéo dài thời gian sống thêm 5 năm hoặc hơn cho các bệnh nhân ung thư thuộc nhiều thể loại: ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư phổi và ung thư vú (P.M.Kidd, 2000). Năm 1994, nhà xuất bản Lancet công bố kết quả của một nghiên cứu về một liệu pháp mới kết hợp PSK với các phương pháp hoá học để điều trị ung thư dạ dày. Theo kết quả này, so với điều trị bằng hoá chất đơn thuần, điều trị bằng hóa chất kết hợp với PSK giúp tăng thời gian sống sót của các bệnh nhân thêm 5 năm và không gây ra tác dụng phụ nào.

Còn PSP đã được sử dụng để điều trị ung thư giai đoạn 2 và 3 ở Trung Quốc từ lâu. Polysaccarit này cũng có tác dụng kéo dài thêm thời gian sống ít nhất là 5 năm cho các bệnh nhân ung thư thực quản. PSP cũng có tác dụng cải thiện sức khỏe, giúp giảm đau và tăng cường khả năng miễn dịch ở 70 –97 % các bệnh nhân ung thư dạ dày, thực quản, ung thư phổi, ung thư buồng trứng và cổ tử cung (P.M.Kidd, 2000). Nghiên cứu thực hiện bởi Tsang và cộng sự trên 34 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến triển cho kết quả là sau 28 ngày điều trị bằng PSP, số lượng tế bào máu, hàm lượng các kháng thể của những người được điều trị đều tăng cao hơn so với những người không được điều trị (K.W.Tsang et al., 2003). Đặc biệt ở những người được điều trị, sự tiến triển của bệnh đã được làm chậm lại một cách đáng kể.

Kết quả nghiên cứu do nhóm của tiến sỹ Kenyon ở trung tâm nghiên cứu điều trị lâm sàng Dove (Winchester, London) trên 30 bệnh nhân ung thư thuộc nhiều dạng khác nhau chỉ ra rằng điều trị bằng bột nghiền từ sinh khối nấm Vân chi làm giảm mạnh mẽ hoạt tính của enzym telomerase (một enzym thiết yếu giúp các tế bào ung thư chống lại quá trình “tự chết”), đồng thời tăng cường đáng kể các phản ứng miễn dịch chống lại các khối u. Vì vậy, nghiên cứu cho thấy điều trị bằng nấm Vân chi đặc biệt vẫn có tác dụng với các trường hợp ung thư giai đoạn 3 và 4, khi mà các liệu pháp hoá học và phóng xạ đã không còn tác dụng.

Còn rất nhiều các công trình nghiên cứu khác về tác dụng chống ung thư của nấm Vân chi mà có lẽ nếu chỉ trong khuôn khổ bài viết này sẽ không thể đề cập hết được. Bản chất, cơ chế tác động của các hoạt chất trong nấm Vân chi đối với ung thư hiện vẫn đang được rất nhiều nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau (hóa sinh, miễn dịch, y học, dược học…) quan tâm nghiên cứu và ngày càng nhiều các phát hiện mới được công bố. Tiềm năng phòng chống và điều trị ung thư của nấm Vân chi là rất lớn và rất đáng lưu ý.

Tác dụng chống virus HIV

Năm 1997, R.A.Collins và Ng.T.B. (1997)thuộc Đại học Hồng Kông công bố kết quả nghiên cứu về tác dụng chống lại vi rut HIV typ 1 của các polysaccarit từ nấm Vân chi . Ngay sau đó, nhiều nhà nghiên cứu khác đã tiến hành các thử nghiệm sử dụng nấm Vân chi trong điều trị bệnh nhân AIDS.

Tiêu biểu phải kể đến là nghiên cứu của Marijke Pfeiffer trên một nhóm bệnh nhân HIV dương tính ( M.Pfeiffer, 2001). Các bệnh nhân này được điều trị bằng Coriolus MRL, một dược phẩm chế xuất từ nấm Vân chi, kết hợp với liệu pháp châm cứu và dùng thảo dược; một số có dùng thêm HAART, một loại thuốc chống AIDS. Kết quả nghiên cứu cho thấy sau 3-4 tháng điều trị, sức khỏe của các bệnh nhân đều được cải thiện, biểu hiện như tăng cân, cảm thấy khỏe khoắn hơn, giải tỏa ức chế tâm lý. Đặc biệt số lượng vi rut trong cơ thể họ đều giảm một cách đáng kinh ngạc (từ vài chục nghìn xuống vài nghìn) và số lượng các tế bào trình diện kháng thế CD-4 đều tăng. Sau thời gian điều trị các bệnh nhân đều khỏi hoặc thuyên giảm hẳn các triệu chứng hệ quả của AIDS như ỉa chảy, viêm phế quản, đau tim, viêm dây thần kinh, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, vv…Một số có thể ngừng không cần điều trị với HAART và có thể quay lại với cuộc sống bình thường, chơi thể thao, làm việc trở lại, … M. Pfeiffer (2001) đã xây dựng một phác đồ điều trị khá hiệu quả cho các bệnh nhân HIV dương tính .

Một nghiên cứu đáng lưu ý khác do nhóm của G. Rotolo (1999) thực hiện cũng chứng minh tác dụng điều trị các biểu hiện thứ cấp trong sự phát triển bệnh ở các bệnh nhân AIDS . Các bệnh nhân đều trên 35 tuổi, HIV dương tính, được điều trị bổ sung bằng chế phẩm từ nấm Vân chi. Kết quả cho thấy sau 15 ngày điều trị với hàm lượng chế phẩm sử dụng là 3g/ngày, số lượng các tế bào bạch cầu trong cơ thể các bệnh nhân đều tăng lên khoảng 27% so với các trường hợp không được điều trị, và con số này giảm xuống còn 14,1 % nếu lượng chế phẩm sử dụng cho điều trị được giảm đi một nửa. Sau 45 ngày điều trị kết hợp cả hai chế độ, số lượng bạch cầu trong cơ thể các bệnh nhân tăng 45,2%. Từ các kết quả này tác giả khuyến cáo việc sử dụng chế phẩm từ nấm Vân chi như một liệu pháp chống bệnh AIDS và đề nghị nghiên cứu sâu hơn về bản chất tác dụng của nấm đối với sự tăng số lượng bạch cầu.

Hiện nay các nghiên cứu về tác dụng của nấm Vân chi trong phòng chống vi rut HIV và bệnh AIDS vẫn đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Các nhà khoa học chủ yếu tập trung vào các cơ chế tác động của các hoạt chất trong nấm để từ đó đề xuất những phương pháp điều trị thích hợp.

 

Nấm Vân chi rõ ràng là một loại nấm dược liệu có nhiều đặc tính dược lý ưu việt và rất đáng quan tâm. Tiềm năng sử dụng nấm Vân chi trong điều trị lâm sàng, đặc biệt với các bệnh hiểm nghèo như ung thư, AIDS là rất lớn và cần được đi sâu khai thác. Một điều đáng lưu ý là việc nuôi trồng và sản xuất dược liệu từ nấm này không hề tốn kém , rất phù hợp với điều kiện của các nước đang phát triển, trong khi đây lại là một loại nấm có hiệu quả y dược cao. Vì vây, việc phát triển sản xuất dược phẩm từ nấm Vân chi có ý nghĩa kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho các ngành Công nghiệp dược phẩm và Công nghệ sinh học.

In bài viết nàyIn bài viết