Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Khoa học

Bể khí sinh học món quà thiết thực cho nông dân


Vừa qua với sự tài trợ của của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) về Dự án Khí sinh học , một cuộc Hội thảo rất có ý nghĩa đã được tổ chức tại Sauhara, một địa điểm gần Vườn Quốc gia Chitwan (Nêpan). Ngoài ba nước Đông Dương và nước sở tại còn có các chuyên gia về khí sinh học của một số nước đang phát triển khác như Bănglađét, Etiôpi và Ruanđa.

Khí sinh học (Biogas) đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới từ rất sớm. Đó là hỗn hợp khí mêtan (CH4) và một ít khí cácbonic (CO2) , được sinh ra từ quá trình phân giải phân và nước tiểu của người, gia súc và gia cầm. Trước đây theo mô hình của Trung Quốc người ta đưa xuống bể khí sinh học (KSH) cả rác thải, rơm rạ, phân xanh… nhưng xem ra rất bất tiện cho việc điều hành và vì vậy tất cả các báo cáo trình bày trong Hội thảo cũng như qua thực tiễn quan sát tại các làng xóm ở Nêpan thì không thấy đưa vào bể bất kỳ vật liệu gì khác ngoài phân và nước tiểu (kể cả giấy vệ sinh).

Ngoài các buổi Hội thảo các đại biểu còn có cơ hội cưỡi voi trong rừng Quốc gia Chitwan và được trực tiếp quan sát tê giác 1 sừng cùng nhiều động vật quý hiếm khác.

Nước chủ nhà Nêpan đã ứng dụng khí sinh học từ thập kỷ 80 và từ năm 1992 với sự hỗ trợ của Dự án SNV , Chính phủ Nêpan đã xây dựng Chương trình Hỗ trợ Khí sinh học (BSP) và nhờ đó đã xây dựng thêm được rất nhiều bể KSH. Từ chỗ chỉ có khoảng 2000 bể KSH vào năm 1991-1992 đến nay đã xây dựng thêm mỗi năm khoảng 16 000 đến 18 000 bể KSH. Cho đến nay ở Nêpan đã có 140 000 bể KSH cho các gia đình nông dân ở 62 địa phương và phục vụ cho lợi ích thiết thực của 11 000 nông dân.Nêpan không nuôi lợn cho nên chủ yếu chỉ dùng phân và nước tiểu của người và trâu bò. Mô hình của Nêpan khác Việt Nam ở chỗ phải có thêm một bể tròn có cánh khuấy để đánh tan phân trâu bò trong nước trước khi cho chảy vào bể (ở Việt Nam chủ yếu sử dụng tại các chuồng lợn vì vậy có nơi để cho nước rửa chuồng cùng phân lợn chảy thẳng vào bể KSH). Các nhà vệ sinh ở Nêpan có đường ống dẫn phân và nước tiểu chảy xuống bể. Khí SH sinh ra sẽ đẩy dịch phân sau lên men (gọi là nước phân- giàu dinh dưỡng, không mùi hôi và đã được tiêu diệt được phần lớn mầm bệnh , gồm vi khuẩn và trứng giun sán qua quá trình lên men sinh nhiệt) lên một bể nổi có nắp đậy bằng những tấm bê tông và thoát ra ngoài. Lượng nước phân này được dùng để ủ với rơm rạ, rác sinh hoạt, lá cây…làm phân ủ (composte), để nuôi giun đất, hoặc chứa vào một hố (bên trên là một giàn mướp hay bầu bí) dể múc dần tưới cho rau đậu và hoa ở gần nhà, cũng có thể dùng bơm để dẫn theo ống nhựa đến các cánh đồng ở xa. Loại nước phân này còn được dùng để đưa xuống các ao hồ nuôi cá. Khí (chủ yếu là mêtan) nổi lên ở phần trên của bể KSH sẽ được dẫn theo đường ống vào nhà bếp để đun nấu thay mọi thứ nhiên liệu khác (củi, than, rơm rạ…). Có van để mở hoặc đóng tại nắp bể KSH và tại bếp . Như vậy là nhờ có bể KSH mà môi trường nông thôn được cải thiện một cách rõ rệt. Chuồng trâu bò sạch sẽ (phân được gắp hàng ngày đưa vào bể có cánh khuấy, nước tiểu và nước rửa chuồng theo rãnh chẩy xuống bể KSH), không có ruồi muỗi và không có mùi hôi thối, Môi trường sống được thay đổi. Nguồn phân và nước tiểu được tận dụng và được chuyển hóa thành các loại phân hữu cơ (đặc và lỏng) vừa có chất lượng cao, vừa an toàn (không có mầm bệnh, giảm đáng kể lượng phân hóa học), lại không có mùi hôi thối và dễ cho cây trồng hấp thu, dễ chuyển thành chất mùn làm cải thiện chất đất. Đáng chú ý là nếu chăn nuôi đủ số lượng trâu bò cần thiết thì sẽ có đủ lượng KSH để chạy máy nổ nhỏ nhằm có điện thắp sáng và xem TV, nghe rađiô…

Chúng tôi đến thăm một xưởng chuyên sản xuất các dụng cụ phục vụ cho việc xây dựng các bể KSH. Đó là cac cánh khuấy bằng tôn, các bếp ga, các đường ống, các van…

Việc xây dựng các bể KSH do các công ty tư nhân đảm nhiệm. Tại Nêpan hiện có 11,34% các bể KSH dung tích nhỏ - 4m3, 47,71% các bể 6 m3, 23,30% các bể 8 m3, 15,55% các bể 10 m3, 1,39% các bể 15 m3, và 0,21% các bể 20 m3. Tiền xây dựng hoàn chỉnh các bể KSH thay đổi tùy thuộc vào các vùng khác nhau. Dự án hỗ trợ trực tiếp một phần kinh phí cho nông dân. Cụ thể là với các bể dung tích 4-6 m3 nông dân đựoc nhận khoảng   6 500- 9 500 rupi ( hiện nay 65 rupi = 1 USD), các bể dung tích 8-10 m3 được nhận khoảng 5 500-8 500 rupi. Trong thực tế vào thời điểm 2003/2004 ở Nêpan để xây dựng 1 bể KSH dung tích 6 m3 thì tổng chi phí (kể cả mọi thiết bị đi kèm và tiền chi cho công ty xây dựng) ở vùng núi mất khoảng 334,85 USD và ở vùng xuôi mất khoảng 322,78 USD (giá thành ở Việt Nam cho 1 bể KSH tương đương là thấp hơn nhiều). Phần nông dân bỏ ra thêm để xây dựng bể KSH có thể thu hồi rất nhanh do tiết kiệm được nhiên liệu đun nấu và phân hóa học. Trung bình mỗi năm mỗi hộ tiết kiệm được 59,19 USD tiền củi, 12,16 USD tiền dầu (kerosene), 8,07 USD tiền phân đạm, 5,28 USD tiền phân lân và 8,07 USD tiền phân kali…Theo tổng kết (2007) thì nhờ sử dụng nước phân của KSH (bio-slurry) mà đã tăng năng suất được 38,1% với lúa; 32,2% với ngô; 34,2% với lúa mỳ,; 42,1% với khoai tây và 30,4% với rau, đậu…     

Mô hình bể KSH ở Etiopi (Ethiopia) tương tự như ở Nêpan. Một hộ nông dân nuôi 2-4b con bò đủ nguyên liệu cho 1 bể KSH ngoài việc có sản phẩm bón ruộng còn đủ để đun nấu và thắp sáng

Tại Campuchia ngoài việc dùng để bón trực tiếp còn dùng nước phân này để ủ phân với rơm rạ, cây cỏ, để nuôi giun, để nuôi cá (làm tăng lượng thực vật phù du)…Bạn còn có sáng kiến dùng nước phân ở bể KSH để ngâm với một số nguyên liệu thực vật (như Neem, Yam, Boraphed …) , ủ 2 tuần rồi pha 1lít này với 4 lít nước và dùng để thay thuốc trừ sâu hóa học ,vừa đạt hiệu quả tốt, vừa góp phần có sản phẩm an toàn…

Tại Lào, chương trình KSH mới chỉ được triển khai ở 4 huyện thuộc Viên Chăn và mới thực hiện được ở 120 hộ nông dân. Chương trình do Vụ Chăn nuôi và nghề cá thuộc Bộ Nông Lâm nghiệp Lào thực hiện và dự kiến sẽ mở rộng phạm vi ứng dụng trong năm 2008.

Hội thảo hoan nghênh các kết quả triển khai rất có hiệu quả ở Việt Nam. Thay mặt cho Dự án KSH thuộc Cục Chăn nuôi, thạc sĩ Lê Thị Xuân Thu đã có một báo cáo khá chi tiết nêu bật được quá trình phát triển KSH ở Việt Nam. Trong thực tế các bể KSH đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1960 và nhất là sau 1975 đã được nhiều cơ quan nghiên cứu, triển khai. Tuy nhiên phải đến năm 2002 với sự hỗ trợ kinh phí từ phía Chính phủ Hà Lan việc triển khai mới được thực hiện với tốc độ nhanh chóng. Trong giai đoạn I (2003-2005) đã xây dựng được 18 000 bể KSH tại 12 tỉnh thuộc 8 vùng kinh tế khác nhau. Đến cuối năm 2006 đã có 27 000 bể KSH và đến năm 2007 đã xây thêm được 16 000 bể KSH tại 24 tỉnh, nâng tổng số bể KSH đang hoạt động lên tới 27 000 bể. Dự kiến trong giai đoạn II của Dự án sẽ xây dựng tiếp 113 000 bể KSH,nâng tổng số lên 140 000 bể tại 53 tỉnh thuốc các vùng khác nhau trong cả nước. Việt Nam (số liệu năm 2005) đang nuôi 27435 nghìn lợn, 5540,7 nghìn bò, 2922,2 nghìn trâu, 110,4 nghìn ngựa, 1314,1 nghìn dê cừu và một số lượng lớn gia cầm, thủy cầm. Nếu các hộ nông dân đều có bể KSH thì tình trạng vệ sinh nông thôn sẽ thay đổi hẳn, sẽ tiết kiệm được toàn bộ nguồn phân và nước tiểu của người và gia súc, gia cầm, sẽ giảm được chi phí về nhiên liệu đun nấu và về phân bón hóa học, sẽ phát triển được các cánh đồng thực phẩm an toàn và sẽ có điện ngay cả ở các vùng khó có thể nối với lưới điện quốc gia. Hiện nay ở Việt Nam thường sử dụng bể KSH có dung tích 11,03 m3, 86,5% bể KSH nối kết với nhà vệ sinh và 61,72% số hộ nông dân sử dụng nước phân từ bể KSH trong trồng trọt hoặc để đưa vào ao nuôi cá. Các phân tích về kim loại nặng đều cho thấy trong nước phân này lượng chứa Cd, Pb, Hg, As đều thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn Nhà nước đối với nước dùng để tưới tiêu.

Theo nghiên cứu ở Việt Nam thì lượng khí mêtan sinh ra từ 1kg nguyên liệu là: với phân trâu bò- khoảng 20-32 lít khí; phân lợn: 40-60 l; phân gia cầm: 50-60 l; phân người: 60-70. Nếu dùng thêm nguyên liệu thực vật thì lượng khí sinh ra rất thấp (0,3-0,5 l khí với 1kg bèo tây và 1,5-2,0 l khiứ với 1kg rơm rạ) và lại dễ làm tắc ống dẫn khí, ống dẫn nước phân, do đó chỉ nên sử dụng để ủ với nước phân của bể KSH . Để dễ tính số lượng gia súc gia cầm đủ dùng cho bể KSH nên biết trung bình mỗi ngày lượng phân và nước tiểu sinh ra từ 1 trâu là 30-40kg, 1 bò là 18-25kg, 1 lợn là 3,5-7kg, 1 người là 0,18-0,34kg, với 1 gia cầm, thủy cầm là 0,18- 0,34kg…Nếu không có đường dẫn phân trực tiếp xuống bể thì có thể áp dụng bể khuấy trộn như ở Nêpan với việc bổ sung 1-2 lit nước cho mỗi kg phân- để pha loãng phân trước khi đưa xuống bể. Tránh tuyệt đối việc đưa xuống bể các chất có hại cho vi sinh vật vì quá trình lên men trong bể KSH là do nhiều nhóm vi sinh vật thực hiện. Tránh đưa vào bể rác rưởi vì thường có lẫn đất ,cát, dầu, mỡ, hóa chất…Với nước rửa chuồng lợn cũng nên hạn chế số lượng, vì nếu bể ủ có quá nhiều nước sẽ phát sính váng và lại phải tốn công phá váng để thoát khí. Nên trang bị thêm áp kế hình chữ U để biết lượng khí sinh ra nhiều hay ít. Nếu áp suất khí giảm thấp có thể là do thiếu nguyên liệu, do đường ống bị tắc hay do bị rò rỉ. Khi dùng nước phân của bể KSH để ủ thì nên phơi héo , băm nhỏ rơm rạ, cỏ, bèo tây… rồi trộn với 0,5-0,7% vôi bột, tưới đều nước phân cho thấm vừa đủ (thường gấp 3 lần trọng lượng nguyên liệu), ủ thành đống và hàng ngày tưới thêm 15 l/100kg nguyên liệu. Sau 2-3 tuần cần đảo trộn và bổ sung thêm 2-5% phân supe lân rồi lại ủ tiếp. Sau 45-60 ngày có thể dùng rất có hiệu quả để bón cho các loại cây trồng .        

Các đại biểu đã thảo luận rất sôi nổi về các ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp sản xuất , ứng dụng KSH, cũng như bàn về khả năng tiếp tục hợp tác ,trao đổi kinh nghiệm, tham quan thực tế , mong sao mọi gia đình nông dân trong các nước đang phát triển đều có thể tiếp nhận thành tựu khoa học có ý nghĩa thực tiễn rất lớn lao này.

 

                                                                                                                                GSTS. Nguyễn Lân Dũng

 

In bài viết nàyIn bài viết