Trang chủ  » Kiều bào  » THÔNG TIN KIỀU BÀO

Để người Việt Nam ngày càng ưu tiên tiêu thụ hàng Việt Nam


Người Việt ưu tiên tiêu thụ hàng Việt là lẽ tự nhiên…

Thực tiễn thế giới đã, đang và sẽ còn tiếp tục chứng tỏ, sự phát triển ổn định và mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hoá (nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ thông thường) luôn gắn chặt với sự phát triển về quy mô thị trường, sức tiêu thụ, cũng như sự ủng hộ thực tế của người dân bản địa. Từ thời khai sơ, việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá còn đơn giản và còn mang tính khép kín trong một cộng đồng, một quốc gia, thì thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước là người quyết định quy mô và yêu cầu sản xuất hàng hoá của cộng đồng, của quốc gia đó. Đến khi sản xuất hàng hoá thế giới ngày càng phát triển, các nước đều mở cửa giao thương và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, thì người tiêu dùng đầu tiên, độ lượng và cũng khắt khe nhất, nếu không nói là quan trọng nhất, nhẽ tự nhiên, về cơ bản trước hết vẫn là người tiêu dùng địa phương, trong nước. Đa phần các doanh nghiệp trong nước sẽ khó kinh doanh một cách hiệu quả hoặc mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh được nếu không hoặc khó bán được hàng hoá cho người tiêu dùng, trước hết là thông qua người trong nước.

Vì nhẽ đó, từ trước đến nay, cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái lan và Trung Quốc, cũng như hàng loạt quốc gia đang phát triển và phát triển khác trên thế giới vẫn không ngừng đề cao vai trò của thị trường trong nước và không ngừng cổ vũ cho tinh thần ủng hộ hàng trong nước chất lượng cao phục vụ cho người tiêu dùng trong nước. Thậm chí, nhiều chương trình hành động quốc gia, nhiều hàng rào kỹ thuật và tổ hợp các biện pháp đủ loại được triển khai thống nhất cho chủ trương “người tiêu dùng trong nước ưu tiên dùng hàng trong nước” như một mục tiêu chung…

… Những động lực thúc đẩy phải từ nhiều phía.

Chủ trương “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà BCT đã chính thức phát động là đúng đắn và có ý nghĩa chiến lược lâu dài…Đặc biệt, chủ trương đó có giá trị thực tiễn và có thể trở thành động lực mới cho phát triển đất nước trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay, một khi nó được cụ thể hoá và thể chế hoá, đồng thời tạo hợp lực cần thiết từ nhiều phía theo tinh thần người Việt Nam ưu tiên tiêu thụ hàng Việt Nam cả ở trong nước, lẫn ở nước ngoài…

Người Việt Nam chỉ dùng hàng Việt Nam khi bản thân họ có nhu cầu có khả năng thanh toán trên thực tế, khi họ có thông tin về nguồn hàng, chất lượng và giá cả hàng hoá, cũng như khi họ được tiếp cận hệ thống dịch vụ phân phối hàng thuận tiện và tốt nhất có thể trong so sánh với các hàng hoá ngoại nhập.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi dân ta được giáo dục và tổ chức để trở thành cộng đồng những người tiêu dùng thông minh, tự trọng, biết phân biệt các giá trị Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc sống, nhất là khi mua sắm hàng hoá. Chẳn hạn, đứng trước 2 loại đồ thờ cúng được bày bán trong cùng một cửa hàng, người Việt Nam yêu nước có văn hoá sẽ tự biết chỉ nên chọn mua những lư hương thờ tự tổ tiên có giá trị tâm linh được chế tạo bằng đất đai và bởi những bàn tay xứ sở thiêng liêng, thay vì chạy theo những sản phẩm bóng bẩy với các màu mè sặc sỡ, và do nước ngoài sản xuất bằng chất liệu xa lạ với quê cha, đất tổ …;

Hơn nữa, người tiêu dùng thông minh, nhất là những người có tâm lý sính ngoại và sành điệu, có thói quan khẳng định “đẳng cấp” qua nhãn hiệu hàng hoá, còn cần biết tỉnh táo trước sức hấp dẫn riêng đầy “ma mị” của hàng ngoại nhập giá rẻ, dù chất lượng có thấp, nhưng “khuất mắt trông coi” và dù có dùng “cũng chưa chết hoặc hỏng ngay”, nhất là khi chúng lại có mẫu mã bắt mắt, với nhiều tiện ích gia tăng và tính năng độc đáo, vượt trội, lại được hỗ trợ bởi làn sóng quảng cáo chuyên nghiệp, lợi hại, công phu, tinh vi, có tổ chức…

               Đồng thời, ngược lại, cũng không nên lạm dụng lòng yêu nước trong sáng và sức chịu đựng có hạn của người dân lành, nếu không nói là có tội với dân, với nước, khi nhân danh những giá trị tốt đẹp, cứ nhắm mắt làm ngơ trước thực tiễn người tiêu dùng Việt Nam buộc phải trả giá đắt đầy ấm ức cho những “hàng nội giả hiệu” được bảo hộ kéo dài. Chúng không chỉ móc “cháy túi” người dân, mà còn làm nghèo thêm ngân khố và tài sản Nhà nước, làm suy giảm nhanh chóng tiềm năng và sức mạnh quốc gia nói chung, làm tổn thương hình ảnh và giá trị thương hiệu “hàng Việt Nam” nói riêng…Trong bối cảnh mở cửa, người tiêu dùng có quyền rộng rãi hơn trong tiếp nhận thông tin và cơ hội lựa chọn các hàng hoá và nguồn cung cấp theo ý mình. Vì vậy, sẽ thật khó thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam mua hàng Việt Nam chỉ vì lòng yêu nước thuần tuý, dù cao cả, khi mà với cùng giá cả “xêm xêm” nhau, mà chất lượng hàng nội quá kém, mẫu mã lại đơn điệu và các dịch vụ hậu mãi dường như không có.

Hàng Việt Nam sẽ thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng nước ngoài khi những người lao động và quản lý doanh nghiệp Việt Nam “trên dưới một lòng “ tận tâm hiệp lực sản xuất ra hàng hoá một cách trân trọng, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại và với chất lượng “như là làm cho mẹ mình dùng”, chứ không chạy theo lợi nhuận thuần tuý và lợi ích ngắn hạn mà làm ăn tắc trách, dối lừa. Một chiếc áo được thiết kế đẹp, may kỹ và nút thắt chỉ thùa khuyết áo được làm cẩn thận để khuy áo còn bền chắc khi vải áo đã sờn rách, chính làm nên thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao trong lòng người tiêu dùng Việt Nam hiệu quả và nhân văn hơn hẳn những clip quảng cáo đắt đỏ trên các đài truyền hình vào những giờ vàng…Hàng Việt Nam sẽ chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và cả trên thị trường nước ngoài tốt hơn khi chúng ngày càng tiếp cận gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu nghiêm ngặt nhất về vệ sinh, an toàn thực phẩm và các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Khẩu hiệu “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt khi mở rộng theo nghĩa ưu tiên tiêu thụ và bán hàng Việt Nam, sẽ không dừng lại ở ý nghĩa cổ động chính trị thuần tuý, mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế-xã hội sinh động, mang lại hiệu quả to lớn toàn diện cả cấp vĩ mô, lẫn vi mô, trong nước và ở nước ngoài, trước mắt, cũng như lâu dài, khi có sự hỗ trợ có tổ chức, thông minh và thực chất của Nhà nước Việt Nam. Sự hỗ trợ này không chỉ từ phía Nhà nước tạo mọi cơ hội nhằm làm tăng thu nhập và khả năng thanh toán thực tế của người tiêu dùng trong nước, mà còn từ phía làm tất cả nhằm làm giảm bớt các chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tổ chức sản xuất và phân phối hàng hoá Việt Nam cho người Việt Nam và nước ngoài thông qua gần 86 triệu dân trong nước, lẫn hơn 3,5 triệu kiều bào ta đang định cư ở trên 100 nước trên thế giới. Nhà nước cũng cần phát động và duy trì những cuộc vận động cấp quốc gia, trong khuôn khổ các cam kết hội nhập đã ký, nhằm tăng cường nhận thức, thói quen và thông tin về quy mô, chất lượng, giá cả và tính năng, cùng hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ rộng khắp, hiện đại và thuân lợi, cùng các điều kiện cung ứng và chăm sóc khách hàng khác từ phía các doanh nghiệp Việt Nam trên phạm vi toàn quốc, cũng như trên thế giới, nhất là những nước có đông đảo cộng đồng kiều bào ta đang sinh sống và kinh doanh…

Nếu những điều trên được thực hiện tốt, thì nhất định hàng Việt Nam sẽ ngày càng là sự lựa chọn đầu tiên và ổn định dài lâu của người tiêu dùng Việt Nam và nước ngoài…/.

 

                                                                                                                             Nguyễn Minh Phong

                                                                                                              Viện nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội

                                                                                               DT.0912266399 & 89268021588 & +79654030512

In bài viết nàyIn bài viết