Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Thăng Long - Hà Nội: Thủ đô của đất nước Rồng bay


       Trên thế giới không có đất nước nào mà hình dáng, truyền thuyết về cội nguồn(Con Rồng cháu Tiên) và địa danh các địa phương (Hạ Long, Cửu Long, Bái Tử Long, Hoàng Long, Hàm Rồng, Bạch Long Vĩ), cũng như Thủ đô (Thăng Long), lại có nhiều liên hệ trực tiếp và gián tiếp tới Rồng như nước Việt Nam; và có lẽ cũng không có địa danh nào trên thế giới lại nhiều lần “thay tên đổi họ” như Vùng đất Thăng Long-Hà Nội vốn nổi tiếng địa linh nhân kiệt. Phải chăng đây cũng là khát vọng ngàn đời, là sứ mệnh thiêng liêng cha ông đã đặt lên vai con cháu- hãy kiên cường vượt Vũ môn để hóa Rồng…!    

     Chẳng thể là ngẫu nhiên mà tên gọi Thăng Long - “Rồng bay lên”­- được đặt cho Thủ đô của nước ta vốn có hình dáng con Rồng đang vươn ra biển Đông, với phần đầu của Rồng là miền Bắc, vùng rộng lớn nhất để thể hiện những chi tiết uy nghi như sừng, bờm và râu; miền Trung thon, hẹp là thân Rồng đang bay lượn uyển chuyển; miền Nam lại phình ra to hơn, thể hiện sinh động những khúc cuộn của Rồng, và thu gọn, kết thúc tại mũi Cà Mau như mỏm đuôi Rồng đang vẫy vùng; còn Hoàng Sa, Trường Sa như biểu lộ ẩn khuất của móng Rồng vươn ra giữa đại dương cuộn sóng…Đặc biệt, vùng đất thiêng Thăng Long – Hà Nội, lại nằm đúng vị trí mắt Rồng, với miệng Rồng mở ra nơi cửa sông Thái Bình, mũi Rồng là vùng Quảng Ninh - Hải Phòng và hàm dưới của Rồng chính là vùng Thanh Hoá ngày nay…Hơn nữa, địa giới Hà Nội sau khi mở rộng (8/2008) lại có hình tựa như Trái tim lớn cách điệu, thật hợp với vị thế Thủ đô- Trái tim của cả nước mà Hà Nội đã, đang và sẽ mãi đảm nhận…Có thể nói, càng ngắm nghía và ngẫm nghĩ, mới càng thấm thía duyên hội kỳ ngộ, đắc địa và đắc nhân tâm, sự tiếp nối thiêng liêng và tự nhiên giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, trong mối giao hoà Thiên-Địa-Nhân đầy cảm khái ...!

     Hà Nội đã có nhiều tên gọi khác nhau và cũng có nhiều biến động cả về diện tích và dân cư trong suốt chiều dài lịch sử…

       Ngay từ năm 544 sau công nguyên, Lý Bí xưng Đế dựng nước Vạn Xuân và đã đóng đô ở khu vực Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Ông đã cho xây dựng chùa Khai Quốc (Chùa Mở nước, sau đổi tên thành chùa Trấn Quốc ở khu vực Hồ Tây- Hà Nội).

       Thời kỳ phong kiến phương Bắc đô hộ nước ta, đời nhà Tùy (581-618), nhà Đường (618-907), Hà Nội chỉ là một huyện lị với tên gọi Tống Bình. Trong thời kỳ này, Hà Nội được xây đắp thành lũy mang tên Tử Thành (do Khâu Thừa xây năm 621, La Thành (do Trương Bá Nghi xây năm 767) và đến năm 866 Cao Biền tiếp tục tu bổ thành này (khi đang xây thì có thần nhân hiện ra xưng là Long Đỗ, do vậy sử sách còn ghi đây là đất Long Đỗ) và khi xây xong thì cho đổi tên gọi Tống Bình thành Đại La.

         Vào mùa xuân năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn viết Chiếu dời Đô từ Hoa Lư ra Hà Nội đã khẳng định giá trị phong thủy ( Địa lý - Môi trường - Tâm linh) có một không hai của vùng đất này, và Nhà Vua cũng là người đặt tên Thăng Long cho Kinh đô của nước Việt .

       Từ đó, Hà Nội còn tiếp tục mang các tên khác, như Đông Đô (1397-1407, 1428-1430), Đông Quan (1407- 1427), Đông Kinh (1430- 1789), Bắc Hà, Bắc Thành (1789- 1831), và chỉ thực sự mang tên gọi Hà Nội từ năm 1831 đến nay.

       Xung quanh sự kiện vua Minh Mạng đặt tên Hà Nội có 2 luồng ý kiến cho rằng:

       Thứ nhất, Vua Minh Mạng khi thực hiện cải cách hành chính đã chia lại các tỉnh thuộc vùng Đàng Ngoài cũ, theo đó, từ Quảng Bình trở ra được chia làm 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội, còn Thủ đô của Việt Nam lúc đó đã chuyển vào Phú Xuân – Huế. Rõ ràng là vào thời điểm năm 1831 việc đặt tên cho Hà Nội chỉ đơn thuần là đặt tên cho một tỉnh lẻ ở Đàng Ngoài, dựa trên vị trí của nó so với một dòng sông, mà không mang cái khí thế long trọng và ý nghĩa thiêng liêng như khi vua Lý Công Uẩn dời đô. Điều cần lưu ý là cách đặt tên gọi Hà Nội cho vùng đất theo địa hình địa lý đó đã có ở nhiều nước Châu Á, chẳng hạn, bên Trung Quốc từ thời Đông Hán đã có địa danh Hà Nội. Nếu đọc lại Tam Quốc hẳn chúng ta sẽ thấy đoạn chiến lược gia Tuân Úc khuyên Tào Tháo như sau: “Xưa Cao Tổ giữ Quan Trung, Quang Vũ chiếm Hà Nội mà tạo ra cái thế rễ sâu, gốc vững mà chế ngự thiên hạ…” (Tinh hoa mưu trí trong Tam Quốc, tác giả Hoắc Vũ Giai, người dịch Nguyễn Bá Thính, các trang 61, 353, NXB Lao động, 1996). Hiện nay được biết tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (dưới thời Tam Quốc vùng này thuộc nước Thục) có thị tứ Hà Nội. Nằm về phía đông của Ôsaka Nhật Bản, trên đường đi Kyôtô cũng có một khu vực mang tên Kawachi có nghĩa là Hà Nội (trong sông) với cách biểu đạt bằng chữ tượng hình theo Hán tự giống như Hà Nội của Việt Nam ta. Địa danh này ra đời từ thế kỷ 7 sau công nguyên, tức là lâu đời hơn Hà Nội của chúng ta tới 1200 năm. Sự trùng hợp này được giải thích là do Nhật Bản trước kia cũng chịu ảnh hưởng cách định danh của người Trung Hoa, định vị tọa độ theo hình thế núi sông (Xem bài: “Hãy thả cho Rồng bay lên của nhà sử học Dương Trung Quốc đăng trên Lao Động cuối tuần số 15, ngày 11/4/2008).

     Thứ hai, trước đó, từ thời vua Gia Long – Nguyễn Ánh (năm 1805) đã ra lệnh triệt phá Hoàng Thành Thăng Long, hạ độ cao tường thành cho thấp hơn kinh đô Phú Xuân và bắt dân đọc chệch chữ Long trong Thăng Long thành Lung (trong từ lao lung). Để sĩ phu và nhân dân Bắc Hà quên hẳn hào khí Thăng Long, nên năm 1831 Minh Mạng đã đặt tên Hà Nội. Nếu ghép cái tên khai sinh là Thăng Long với tên Hà Nội (sẽ là Rồng bay trong sông) thì dễ dàng thấy hình ảnh một con Rồng đang bị giam hãm trong một dòng sông chật hẹp chứ không phải đang được bay giữa trời, biển bao la. Điều này có khác chi hổ chạy trong cũi, cá bơi trong chậu hoặc chim bay trong lồng? Đó là một hành động có tính toán rất thâm thúy để đáp lại việc trước kia sĩ phu và nhân dân Bắc Hà đã nhiệt thành ủng hộ nhà Tây Sơn (hẳn chúng ta còn nhớ quan đại thần của Gia Long là Đặng Trần Thường đã cho đánh chết Ngô Thì Nhậm ngay trong sân Văn Miếu Quốc Tử Giám vì tư thù và tội đã đắc lực phò nhà Tây Sơn. Ngay đến hài cốt của vua Quang Trung cũng bị đày đọa thê thảm như thế nào thì mới thấy được sự hằn học của nhà Nguyễn đối với di sản của Tây Sơn). Sau này triều đình nhà Nguyễn đã dễ dàng thỏa thuận với thực dân để Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp.

       Ngoài ra, trong thi ca và văn hóa dân gian, Hà Nội còn được gọi là Tràng An, Phượng Thành, Long Thành, Hà Thành, Kinh Kỳ-Kẻ Chợ …

     Trong số những tên gọi Hà Nội đã mang trong lịch sử, có lẽ cái tên Thăng Long vẫn lắng đọng lại một cách thân thương và biểu đạt đầy đủ nhất lòng tự hào trong sâu thẳm tình cảm của mỗi người dân đất nước Rồng bay, dù đang sống trong nước hay ở hải ngoại …

     Cần thấy rằng, lịch sử của Thăng Long-Hà Nội cho tới hôm nay là 998 năm, với năm lần đổi tên, thì trong đó có 388 năm (khoảng gần 1/3 thời gian) Thủ đô của đất Việt mang tên Thăng Long, cụ thể thời Lý (217 năm) và Trần (171 năm). Đặc biệt, chính khi Thủ đô mang tên này thì đất nước lại được đánh giá là các giai đoạn lịch sử phát triển thịnh vượng và bền vững nhất về kinh tế, hùng mạnh về quân sự (ba lần đánh thắng quân Nguyên-Mông), đồng thời mang đậm sắc thái riêng của Việt Nam trong phát triển Phật giáo, văn hóa nghệ thuật và y học; 12 năm mang tên Đông Đô ; 20 năm mang tên Đông Quan ; 354 năm mang tên Đông Kinh (trong giai đoạn này các triều đại thường tồn tại không quá 100 năm và không đạt được sự cường thịnh như thời Lý, Trần); 42 năm mang cái tên Bắc Thành ; tên Hà Nội được đặt vào năm 1831 thì cho tới nay mới có 177 năm, với gần 2/3 thời gian đầy khó khăn, ly tán ...

        Từ sau cách mạng Tháng Tám 1945, Hà Nội chính thức được tái chọn là Thủ đô nước Việt Nam DCCH và từ 1975 là CHXHCN Việt Nam. Trong giai đoạn sau giải phóng 10/10/1954 - 2008, Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh lớn về địa giới hành chính:

  • Năm 1960 mở rộng lần thứ nhất, nâng diện tích từ 152,2 km2(dân số 530.000 người năm 1955) lên 586,13 km2(dân số 913.400 người).
  • Năm 1978 mở rộng lần thứ hai, nâng diện tích lên 2130,5 km2 (dân số 2.450.600người).
  • Năm 1991 Hà Nội thu hẹp lại do chuyển 6 huyện và 1 thị xã về Hà Tây và Vĩnh Phúc, lúc này Thủ đô còn 922,8 km2 và dân số là 2.127.800 người.
  • Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 có hiệu lực từ 1/8/2008 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP.Hà Nội đã chính thức mở ra trang mới trong lịch sử phát triển ngàn năm của Thăng Long- Hà Nội. Với việc sáp nhập nguyên tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, Hà Nội được mở rộng hơn 3 lần về diện tích, hơn 2 lần về dân số và là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới. Từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, Thành phố Hà Nội có 29 đơn vị hành chính, gồm 9 Quận, 2 Thành phố và 18 Huyện, với tổng diện tích là 3.346,3 km2, dân số khoảng 6.274 ngàn người. Có thể nói, sự mở rộng Hà Nội lần này có ý nghĩa quan trọng nhất cả về lượng và chất so với bất kỳ sự điều chỉnh nào trước đó về địa giới Thủ đô. Từ nay, Hà Nội có hình dạng trên bản đồ rất giống một trái tim lớn cách điệu, sự trùng hợp thú vị với vị thế Thủ đô - Trái tim của cả nước mà Hà Nội đã, đang và sẽ mãi đảm nhận. Thủ đô đã được mở rộng, bao gồm nhiều địa phương sáp nhập lại, trong đó, núi Ba Vì và đền Thượng có một vị trí phong thủy vô cùng quan trọng đối với long mạch và vận mệnh của đất nước Việt Nam đang và sẽ tạo nên khí thế của sự hợp nhất, đi lên, đồng lòng và đoàn kết anh em một nhà…

       Hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tái khẳng định tên gọi Rồng bay cho Thủ đô của đất nước mang hình con Rồng - Việt Nam sẽ có một ý nghĩa đặc biệt tích cực trong việc khích lệ tinh thần tự tôn, tự hào và đoàn kết dân tộc, xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế…

     Chưa bao giờ Đất nước và Thủ đô ta lại đứng trước những vận hội to lớn như hiện nay, đó là thiên thời. Giang sơn giờ đây thống nhất, mang hình con Rồng nằm trải dài suốt một dải bên bờ biển Đông, sung sức với vóc dáng của nó đã lớn hơn nhiều so với cái buổi ban đầu tổ tiên ta dựng nước, đó là địa lợi. Và một khi hơn 80 triệu trái tim và khối óc đồng thuận và được thôi thúc vươn lên bởi hào khí Thăng Long, thì yếu tố nhân hòa sẽ được cộng hưởng, tạo thêm sức bật mãnh liệt. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong thời đại Hồ Chí Minh, Rồng Việt Nam sẽ vươn cao và bay xa, Thủ đô Thăng Long - Hà Nội sẽ ngày càng sáng, đẹp và hào hoa …/.

 

                                                                                                                      Gia Minh-Tất Tiến-Minh Phong

In bài viết nàyIn bài viết