Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Công luận và dân chúng


Lại một lần nữa cả thế giới bị công luận gây hoang mang đến cực độ. Đó là mối đe dọa của đại dịch cúm A/H1N1. Tất cả các loại báo chí đều đưa tin virut gây bệnh cúm này có thể xảy ra đại dich trên toàn cầu. Khi đó thế giới có thể tổn thất 3000-4400 tỷ USD và làm chết trên 70 triệu người (!). Người ta lại nhắc đến đại dịch cúm năm 1918 ở Tây Ban Nha tấn công gần 1 tỷ người - một nửa dân số thế giới lúc đó - vượt qua cả đại dịch Cái Chết Đen thời Trung Cổ. Mặc dù dịch bệnh bắt nguồn từ Viễn Đông, song nó vẫn được gọi là cúm "Tây Ban Nha", do chính đất nước này đã đưa ra lời cảnh báo đầu tiên về sức tàn phá của nó. Người ta còn cho rằng, virus 1918 có thể đã góp phần đưa Đại chiến Thế giới đến hồi kết, do phần lớn quân lính hai phe bị chết vì cúm nhiều hơn vì vũ khí. Người ta cũng nhắc đến dịch cúm Á châu năm 1957 (loại A, H2N2) làm chết hơn 2 triệu người và dịch cúm năm 1969, (loại A, H3N2) dịch cúm xảy ra ở Hong Kong đã cướp đi gần 34.000 nhân mạng.

Tình hình trở nên nghiêm trọng khi vào ngày 11-6-2009 Tổ chức Y tế thế giới (WHO)chính thức công bố cúm A/H1N1 là một đại dịch, mặc dầu bà Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan nhận xét đại dịch này chỉ ở mức độ nghiêm trọng trung bình. Gần đây tình hình đã đảo ngược lại. Bác sĩ người Đức Wolfgang Wodarg, Chủ tịch Uỷ ban Y tế thuộc Hội đồng Nghị viện Châu Âu (PACE) cáo buộc các hãng dược lớn đã "cài" người vào trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và những tổ chức có ảnh hưởng khác, khiến WHO nới lỏng hơn các định nghĩa về đại dịch, dẫn đến lời tuyên bố đại dịch bùng nổ trên thế giới. Ông Wodarg cho rằng: "Đây là một trong những vụ bê bối y học lớn nhất trong thế kỷ. Chúng ta chỉ có một loại cúm nhẹ - một đại dịch không có thật". Ông Wodarg cho biết, các nhà sản xuất thuốc cúm và vaccine đã tác động đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tuyên bố đây là đại dịch cúm. Nhờ đó các hãng dược thu được những “khoản lợi nhuận khổng lồ”, trong khi các quốc gia đã phải “lãng phí” nguồn ngân sách y tế của họ cho một căn bệnh tương đối nhẹ. Ông cho rằng đó là một “chiến dịch đầu độc dư luận” có quy mô lớn! Ủy ban Y tế của Hội đồng Nghi viện châu Âu đã phải thành lập ủy ban điều tra về vai trò lobby của các hãng dược phẩm đối với các chuyên gia y tế để thổi phồng mức độ báo động dịch cúm A/H1N1 thành một “đại dịch thế kỷ”. Ông Wolfgang lên án các hãng bào chế đã xúi giục - kể cả hối lộ - giới chuyên gia và những người có trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng để thổi phồng mức báo động dịch cúm A/H1N1 nhằm bán các sản phẩm của họ.

Tại Việt Nam, cả nước có 10.866 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, 42 trường hợp đã tử vong (trong đó có 23 trường hợp có tiền sử mắc bệnh mạn tính, 10 trường hợp là phụ nữ có thai). Chỉ có 42 người chết , nghĩa là chỉ bằng 70% số người chết trung bình do tai nạn giao thông trong... 2 ngày (!). Một nước nghèo như nước ta nhưng để chống lại đại dịch cúm A/H1N1, tính đến hết năm 2009 ngân sách trung ương và các địa phương đã chi gần 1.000 tỉ đồng (!). Trong đó đến hết tháng 10-2009 Bộ Tài chính đã hỗ trợ trên 790 tỉ đồng cho 52 tỉnh thành và tám bộ, ngành mua sắm thiết bị, tuyên truyền chống dịch, máy đo thân nhiệt từ xa tại các sân bay, cửa khẩu...Trung Quốc , một nước có 1,4 tỷ dân đã cấp phép lưu hành hơn 33 triệu liều vắcxin phòng cúm A/H1N1 do các công ty dược của Trung Quốc sản xuất và sẽ cấp phép lưu hành 100 triệu liều khác trong quý I/2010. Vậy mà tổng số người nhiễm dịch ở nước này chỉ có 46.000 trường hợp và đáng chú ý là mới chỉ có 6 người đã tử vong (!). Tại Anh, Chính phủ đặt mục tiêu tiêm phòng cho 11 triệu người, và dự định sẽ tiêm phòng cúm A/H1N1 cho tất cả các đối tượng dưới 18 tuổi. Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 2-11-2009 cũng mở chiến dịch tiêm phòng cúm A/H1N1 qui mô lớn. Khoảng 350.000 người, bao gồm các nhân viên y tế và những người chuẩn bị hành hương đến Arập Xêút, là nhóm được tiêm phòng trong giai đoạn đầu của chiến dịch này. Từ tháng 5 -2009, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận khoảng 1.500 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, trong đó chỉ có 4 trường hợp tử vong (!).Tại Afghanistan, tất cả các trường học công và tư nhân phải đóng cửa trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ ngày 2-11-2009, như một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe toàn dân, sau khi Afghanistan ghi nhận trường hợp đầu tiên ở nước này chết vì cúm A/H1N1...           

Các hãng dược phẩm khổng lồ đẩy nhanh việc sản xuất các dược phẩm để đem lại niềm hy vọng cho nhân dân khắp toàn cầu nhằm chống lại “đại dịch” này. Đó là thuốc Tamiflu (hay Oseltamivir) của hãng Hoffman La Roche và thuốc Relenza (hay Zanamivir) của hãng Glaxo Welcom. Đầu tháng 8-2009 Công ty Sinovac của Trung Quốc đã tuyên bố sản xuất thành công vaccin chống virur A/H1N1. Vậy mà không có một nghiên cứu nghiêm chỉnh nào xác minh một cách khoa học và được thế giới công nhận về Tamiflu về Relenza cũng như vaccin của Sinovac. Hai thuốc Tamiflu và Relenza được xác định là có hiệu quả lâm sàng và phòng ngừa thấp. Cơ chế của Tamiflu và Relenza là ức chế sự tăng sinh của virút trong cơ thể người bệnh chứ không thể tiêu diệt được virút. Vì tần số nhiễm virút trong cộng đồng thấp, nên việc sử dụng thuốc đại trà không đem lại hiệu quả kinh tế .Và đại dịch đã không hề xảy ra ! Lợi nhuận thu về cho các hãng dược phẩm khổng lồ này không biết lớn biết đến ngần nào?

Việc công luận không chính xác gây hoang mang và đưa lại tác hại không nhỏ trong công chúng không phải chỉ trong trường hợp đối với cúm A/H1N1. Trước đây Trước đây người trồng vải đã có lần lao đao vì tin đồn ăn vải bị viêm não . Thực ra virut gây bệnh viêm não Nhật Bản phải truyền qua vật trung gian là một số loài chim. Vào mùa vải chín chim hay về ăn nên tỷ lệ bệnh này có tăng lên. Hoàn toàn không liên quan gì đến tác hại của quả vải. Rồi thì tin đồn ăn bưởi bị ung thư. Qua điều tra sơ bộ của cơ quan chức năng, chỉ hơn một tháng nay nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại hơn 100 tỉ đồng vì tin đồn “ăn bưởi bị ung thư”. Báo Daily Mail (Anh) 7-2007 công bố kết quả nghiên cứu của đại học Nam California và Hawaii : ăn bưởi chùm (Grapefruit) tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh. Grapefruit có tên khoa học là Citrus paradisi, tiếng Việt là bưởi chùm hay bưởi đắng. Gọi tên bưởi chùm do quả từng chùm như nho. Gọi tên bưởi đắng do có nhiều chất đắng naringin, không chỉ ở vỏ mà cả ở lõi và màng múi. Bưởi chùm khó bóc vỏ nhưng nhiều nước. Bưởi chùm hiếm gặp ở xứ ta. Vì đắng nên chẳng người Việt nào ăn. Giống bưởi mà người Việt Nam ăn có tên khoa học là Citrus grandis hay Citrus maxima, tên nước ngoài là pamplemousse ; hoàn toàn khác với bưởi chùm. Hơn nữa nghiên cứu về bưởi chùm cũng chỉ là một nghiên cứu thiếu căn cứ. Tác giả căn cứ vào cuộc nghiên cứu trên 46.080 phụ nữ mãn kinh sống ở bang California và Hawaii. Cuộc khảo sát chỉ căn cứ vào các bản hỏi đáp về thói quen ăn uống năm 1993 với nhiều câu hỏi, trong đó có câu : trong năm 1993 chị đã ăn hoặc uống bao nhiêu bưởi chùm. Có 50% phụ nữ trả lời đã ăn hoặc uống nước bưởi chùm. Chín năm sau, tức là tháng 12- 2002, họ liên hệ với các cơ sở y tế để lấy dữ liệu về những người này. Trong số 22.877 phụ nữ đã từng ăn bưởi chùm năm 1993 có 863 người bị ung thư vú, chiếm 3,8%. Trong số 23.203 phụ nữ không ăn bưởi có 794 người bị ung thư vú, chiếm 3,4%. Sai biệt giữa hai nhóm chỉ là 0,4% (!).Ngay chuyện uống nước đun lá đu đủ để chữa ung thư cũng xuất phát từ một bản dịch không chính xác của một Việt kiều ở Australia. Sự thực là như sau : có sự nhầm lẫn giữa cây đu đủ (Papaya) với một cây khác có tên là Paw- paw. Cây đu đủ tên khoa học là Carcia papaya thuộc họ Caricaceae (có người xếp vào họ Papayaceae) còn cây Paw-paw có tên khoa học là Asimia triloba thuộc họ Annonaceae. Cây này còn được gọi là Chuối Ấn Độ (Indian banana), Chuối Hoosier (Hoosier banana), Chuối cho người nghèo (Poor Man’s Banana). Trông giống như quả xoài nhưng bên trong không giống.

Sai lầm nghiêm trọng này do một Việt kiều dịch sai lệch một bài từ nguồn Gold Coast Bulletin (04/92) và đưa lên mạng (http://www.dactai. com/ ladudu. html). Thật là một nhầm lẫn tai hại làm cho bao nhiêu người nhắm mắt uống thứ nước đun lá đu đủ rất khó uống trong nhiều năm mà chả có tác dụng gì. Rồi thì lại đến chuyện rau “tăng phọt” do dùng kích tố sinh trưởng thực vật. Về sau sự thật đã được làm sáng tỏ. Đó là việc nông dân sử dụng chất điều hòa sinh trưởng GA3 và một chất mà tác giả bài báo nói không rõ nguồn gốc là chất 920.Tôi xin khẳng định chế phẩm 920 cũng chính là GA3 được sản xuất và ứng dụng rộng rãi tại Trung Quốc. Tác dụng điều hòa sinh trưởng của GA3 (gibberellic acid 3) chủ yếu là xúc tiến việc kéo dài tế bào, xúc tiến quá trình tổng hợp protein và axit nucleic trong tế bào, kích thích hạt nẩy mầm, thúc đẩy quá trình phát triển của thân , lá, hoa. Qua kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thì chưa thấy người trồng rau có sử dụng chất điều hòa sinh trưởng thực vật nào ngoài quy định cho phép. Tin đồn rau to, rau non là do dùng chất kích thích “tăng phọt” là thông tin không chính xác, làm thiệt hại rất lớn cho người trồng rau và gây hoang mang cho người tiêu dùng.         

Thông tin trên công luận có ảnh hưởng rất lớn đối với công chúng và xã hội. Vì vậy thông tin phải chính xác , nhất là các thông tin khoa học liên quan đên sức khỏe con người.

 

                                                                                                                                                             TỐ AN

           

 

 

In bài viết nàyIn bài viết