Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Để giảm tải gánh nặng tiền mới, tiền lẻ trong ngày tết


Đầu Xuân năm mới, lòng người phơi phới với những niềm vui trao - nhận mừng tuổi nhau, cũng như đi lễ, cúng giàng, bỏ giọt dầu hay công đức tại các đền chùa bằng những đồng tiền mới, tiền lẻ đẹp đã trở thành nhu cầu tâm linh bầy tỏ lòng thành kính tự tâm và hy vọng cho những sở cầu của mình được chứng nghiệm…Nhưng khi mỹ tục và lễ nghi bấy lâu nay không được hiểu thấu lại bị “cái lợi” bao trùm, câu chuyện tiền mới, tiền lẻ đã trở thành gánh nặng không đáng có trong ngày Tết…

Chia sẻ và tôn trọng nhu cầu này, vào những tháng giáp Tết cổ truyền dân tộc hàng năm, Nhà nước đều cố gắng đưa vào lưu thông khối lượng khá lớn hàng ngàn tỷ đồng các loại tiền mệnh giá nhỏ, còn thơm mùi mực in qua các kênh phân phối chính thức, như lĩnh lương, thanh toán và các chi trả khác qua kho bạc, ngân hàng. Từ đó, tiền lẻ và mới lại tiếp tục lan toả và quay vòng đến chóng mặt qua mạng lưới chằng chịt những kênh phái sinh khác như là một thứ “hàng hoá đặc biệt”, được trao đổi thông qua các dịch vụ không chuyên và không chính thống, nhưng hết sức công khai, thuận tiện và cả sự phiền muộn vì bị “chặt chém” cho người có nhu cầu, với những tỷ lệ không thống nhất, nhưng tựu chung đều đem lại những con số “giật mình” cả về lãi suất, lẫn quy mô thu nhập nếu so với các dịch vụ tín dụng ngân hàng truyền thống và chính thức. Tại những điểm trực tiếp tiêu thụ khối lượng lớn tiền lẻ, như Đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Bia Bà và Phủ Tây Hồ (Hà Nội) và những nơi thờ tự có tiếng là “ cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc” trên cả nước khác, thì “tỷ giá niêm yết” ở đó (dù là tiền cũ quay vòng) luôn cao ngang ngửa hoặc cao hơn hẳn ở các “trung tâm bán buôn” tiền lẻ, mới nguyên sêry có tiếng, như phố Đinh Lễ, Bờ Hồ -hay phố Quang Trung - Hà Đông- Hà Nội. Những cọc tiền mới, còn nguyên giấy niêm phong của ngân hàng, với các mệnh giá 10 nghìn đồng, 5 nghìn đồng, 5 00 đồng và 200 đồng, được trao đổi với tỷ lệ lãi trung bình là 10%, thấp nhất lãi 5%, và cao nhất tới 40%, thậm chí có lúc là 50%. Mức “ra giá” trong giao dịch đổi tiền này thường được điều chỉnh và cập nhật liên tục, linh hoạt hơn hẳn tỷ giá ngoại tệ của NHNN, tuỳ theo mức cụ thể về chênh lệch cung-cầu, về loại tiền (mệnh giá càng thấp, giá đổi càng cao), về độ mới của tiền (nhưng không loại trừ có sự pha trộn tiền cũ và tiền quay vòng khi “cháy’ tiền mới) về khối lượng giao dịch (đổi nhiều giá có mềm hơn chút đỉnh so với đổi ít, kiểu như mua buôn rẻ hơn mua lẻ mà), về sự kỹ tính của người mua, cũng như về cả sự quen biết và kinh nghiệm thương thảo của các bên…

Đặc biệt, thời kinh tế thị trường, có cầu ắt có cung. Để có tiền lẻ làm dịch vụ, những người đổi tiền tìm đủ mọi cách, mọi mối quan hệ, cả bằng kênh tình cảm, lẫn kênh thuần tuý thương mại. Có người còn có sáng kiến “lách luật” bằng cách gửi tiền lớn vào ngân hàng, sau đó ít bữa lại hồ hởi rút ra bằng tiền lẻ, tiền mới … Những cục tiền lẻ có thể nằm chất đống trong các thùng kính của cửa hàng, hoặc trong tay từng nhân viên tín dụng nghiệp dư len lỏi vào từng ban thờ đổi tại chỗ cho khách…Thậm chí, trong thời buổi công nghệ số này, có người nhanh nhậy còn lập hẳn những trang mạng có thương hiệu để thực hiện dịch vụ đổi tiền này.

Sự khan hiếm và buôn bán ăn theo với mức lãi kiểu phết, phẩy “ xoáy trôn ốc” về tiền lẻ, tiền mới trong dịch vụ tâm linh nói trên đã gây nhiều hao tổn cả vật chất, lẫn căng thẳng tinh thần cho người có nhu cầu và thụ hưởng đích thực cuối cùng. Thậm chí, đây đó, bản thân sự lòng vòng, san xẻ cơ số tiền mới, tiền lẻ cho các địa phương, cho các ngành, các chi nhánh ngân hàng, kho bạc, từ đó đến các doanh nghiệp, các cơ quan nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, đã làm biến tướng mục đích tốt của ngân hàng Nhà nước, trở thành “đặc quyền, đặc lợi” và bị than phiền, chê trách...

Để giảm bớt gánh nặng không đáng có về tiền mới, tiền lẻ nêu trên, làm cho niềm vui tâm linh của bà con ngày càng thuần khiết và trọn vẹn, thiết nghĩ, ngành Ngân hàng cũng không vì sức ép hoặc lo “khó xử” mà bỏ đi “thông lệ” phát hành tiền lẻ, tiền mới nhiều hơn ở những tháng cuối năm. Đồng thời, điều quan trọng là bà con ta nên tự mình điều chỉnh, từ bỏ dần thói quen cúng lễ kiểu dàn trải và phô trương, đến đền nào, phủ nào, ban nào cũng trưng cúng bằng tiền lẻ, tiền mới. Tốt nhất là “tuỳ tâm biện lễ”, không phân biệt loại tiền và cứ đặt hết số tiền định công đức vào “một cửa”, một hòm công đức chung, nếu cần thì có sổ ghi và nhận giấy chứng nhận về làm kỷ niệm. Nhà Chùa cũng đã dạy, đi lễ Phật nơi cửa Chùa, nếu dâng vàng mã và tiền dương (tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành) là không đúng. Còn nếu là tiền định công đức thì không cứ là loại tiền nào. Làm như vậy, Nhà nước đỡ mất kinh phí in nhiều tiền nhỏ hàng năm. Bà con đi chùa, phủ, đền hội lại được thanh thản và thuận tiện, vì không lo phải mất thời gian và chi phí vô ích, tốn kém cho việc đổi tiền, cũng như không bị áy náy hay cảm thấy có lỗi do quên hoặc thiếu tiền lẻ, tiền mới đặt đủ lượt các cửa, các ban thờ tự. Hơn nữa, điều này còn giúp cảnh chùa và nơi thờ tự thêm phần tôn nghiêm do loại bớt đi cảnh luộm nhuộm, thương mại hoá và “cổ phần hoá” đền phủ với những đồng tiền quốc gia bao phủ mọi ban, bệ, tượng thờ và hòm công đức bầy la liệt gây phản cảm và dễ bị lạm dụng. Ngoài ra, còn tránh được tình trạng tiêu thụ tiền giả trong khi cúng lễ…

 

                                                                                                                                    Minh Phong - Linh Chi

          




In bài viết nàyIn bài viết