Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Khơi dậy ký ức xưa


Tranh Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, trước cơn lốc của đời sống văn hóa đương đại, tranh Tết đã phải trải qua một thời gian dài ế ẩm, thậm chí bị ngắt quãng. Mới đây một dự án do các nghệ nhân, họa sĩ chung tay thực hiện, những ký ức đẹp xưa đang dần được khơi dậy.

alt

 Khuôn in tranh làng Sình.

Đánh thức tranh Tết 

Từ xa xưa tranh Tết vẫn luôn là sự lựa chọn không thể thiếu của dịp Tết Nguyên đán truyền thống  của người Việt. Cứ vào mỗi dịp cuối năm, các làng tranh lại nhộn nhịp in, quẩy tranh đi bán, mang hương xuân sắc Tết đến từng nhà. Tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ rồi tranh Kim Hoàng ở đất Bắc; tranh làng Sình ở miền Trung là những dòng tranh nổi tiếng với những nét nghệ thuật đặc trưng.

Chỉ là những bức vẽ đơn sơ, nhỏ bé nhưng chính những đường nét mộc mạc, sắc màu tự nhiên đã hình thành nên một thế giới quan thu nhỏ, chứa đựng những tinh hoa, tư duy và triết lý sống của người Việt. Mỗi bức tranh cũng là một thông điệp, một lời cầu chúc cho năm mới gặp nhiều may mắn…

Thế nhưng, trong những năm gần đây với sự phát triển của xã hội, tranh Tết đã không còn là “nhu cầu” với nhiều gia đình, đặc biệt tại các thành phố lớn trong mỗi dịp “Tết đến, xuân về”. Các cửa hàng bán tranh Tết hiện nay phần nhiều khách hàng chỉ là Việt kiều về quê ăn Tết, hoặc khách nước ngoài mua làm đồ lưu niệm. 

Tuy vậy, trong nỗ lực bảo tồn một giá trị truyền thống với sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là từ chính các nghệ nhân làng nghề, tranh Tết đang có dấu hiệu hồi sinh! Nhà sưu tập tranh Nguyễn Thị Hòa cho biết, hiện nay tại làng tranh dân gian Đông Hồ có 3 gia đình nghệ nhân vẫn còn giữ được lửa nghề là nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp, nghệ nhân nguyễn Hữu Sam, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế…

Không chỉ vậy, được sự giúp đỡ của một nhà sưu tập người Pháp cung cấp cho nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế gần 100 bản Đông Hồ đã bị thất lạc. Nghệ nhân cũng đã phục hồi được 30 mẫu để cung cấp cho thị trường tranh Đông Hồ và ông cũng vẫn đang tiếp tục quá trình phục hồi lại hơn 70 mẫu còn khuyết thiếu.

Còn với tranh Hàng Trống, hiện nay chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiêm. Với tranh Hàng Trống không phải là tranh sản xuất hàng loạt như Đông Hồ mà sau khi in nét chính, phải dùng bút màu tô, vờn... vậy nên mỗi bức tranh đều mất thời gian hơn nhiều so với các dòng tranh khác. Những khách hàng đến đặt nghệ nhân vẽ thường là để bày trong đình, chùa, miếu, mạo nhất là những nơi thờ mẫu... thiên về thờ cúng. Vì thế, nghệ nhân vẽ miệt mài quanh năm không hết việc nhiều khi khách còn phải xếp hàng chờ đến lượt mình.

Còn với tranh làng Sình, nếu trước đây, chỉ có mỗi nghệ nhân Kỳ Hữu Phước sản xuất quanh năm thì nay hơn 70 hộ trong làng cũng cùng tham gia sản xuất. Tranh làng Sình chủ yếu là tranh cúng thế mạng, tuy nhiên bắt kịp nhu cầu của người dân, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã sáng tác một số tranh đề tài mới, hội làng, bài chòi, đấu vật, bộ 12 con giáp… phục vụ rộng rãi hơn nhu cầu của khách hàng.

Khi cộng đồng tự nguyện

Bên cạnh nỗ lực của chính các chủ nhân “di sản” tranh Tết, còn là những nỗ lực của giới họa sĩ với những dự án gắn kết cộng đồng với những giá trị văn hóa truyền thống. Mới đây, dự án “Cùng bé sáng tạo - khám phá tranh Tết” do TS Trang Thanh Hiền cùng các giảng viên, sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình “khởi động”.

Theo đó, mục đích dự án sẽ không đơn thuần là dạy trẻ nhỏ cách vẽ tranh dân gian mà còn hướng tới mục đích giúp các hiểu nhiều hơn về giá trị, ý nghĩa của từng dòng tranh. Đặc biệt, để có những tư liệu sống động, chân thực, các nghệ sĩ đã tổ chức những chuyến đi thực tế ở các làng nghề, gặp gỡ những gia đình nghệ nhân vẫn đau đáu giữ nghề. Ngoài ra, nhóm nghệ sĩ cùng nhau quét điệp, chuẩn bị ván khắc hay các nguyên vật liệu cần thiết khác cho việc hình thành những bức vẽ sống động, thấm đẫm hồn dân tộc. 

TS Trang Thanh Hiền cho hay: Dự án nghệ thuật sáng tạo tranh Tết mang đến một không gian sáng tạo độc đáo, những cơ hội trải nghiệm thú vị dành cho các em nhỏ dịp Tết Nguyên đán năm nay. Thông qua các hoạt động như tìm hiểu và trực tiếp in, vẽ tranh dân gian; đố vui về tranh dân gian…, các bé sẽ trực tiếp tham gia vào những công việc chuẩn bị cho một không gian văn hóa Tết Việt truyền thống. Các em cũng sẽ tự tay làm nên những chiếc thiệp chúc Tết, bao lì xì và đặc biệt là những bức tranh tạo hình từ cảm hứng dân gian…

Theo kế hoạch, hoạt động diễn ra trong ngày 17/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sau buổi khai mạc, hoạt động này sẽ được tiếp tục triển khai tại số 5 Đào Duy Từ (Hà Nội), trong khuôn khổ triển lãm Nét Xuân vào 21/2.

Đặc biệt, không chỉ tạo ra sân chơi cho các bé, dự án cũng là hoạt động tiếp tục hướng đến  mục tiêu thiện nguyện, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, đóng góp một phần kinh phí giúp các bạn nhỏ vùng cao ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vượt mùa đông giá rét, đón cái Tết cổ truyền bên gia đình. Dự án cũng tổ chức hoạt động bán tranh dân gian cùng tác phẩm của một số họa sĩ tham dự chương trình nhằm gây quỹ thiện nguyện, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có được một cái Tết ấm áp yêu thương.

http://www.daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/khoi-day-ky-uc-xua/83651

In bài viết nàyIn bài viết