Trang chủ  » Kiều bào  » THÔNG TIN KIỀU BÀO

Theo dấu những người chân đăng...


Sau hơn 125 năm có mặt ở Nouvelle-Calédonie, lớp lớp thế hệ người Việt Nam vẫn giữ nguyên hồn cốt quê hương ở xứ người với việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ, những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, đặc biệt là trong dịp Tết đến, Xuân về.

Nouvelle-Calédonie (Tân Thế giới) trở thành lãnh thổ hải ngoại của Pháp kể từ năm 1853. Đến năm 1891, chuyến tàu rời cảng Hải Phòng đã đưa đến vùng đất này những người lao động Việt Nam đầu tiên. Họ đến đây làm phu tại các mỏ khai thác Niken và Crom theo dạng lao động tự nguyện, với hợp đồng năm năm.

theo dau nhung nguoi chan dang

Bữa tiệc đón Giao thừa năm Ất Mùi (2015) của kiều bào Nouvelle-Calédonie.

Giữ hồn Việt ở đảo xa

Những người Việt Nam tới đây làm việc trong các khu mỏ được gọi là chân đăng (tiếng Pháp là D'engager). Theo giải thích của ông Phạm Văn Đức - người từng sống 22 năm ở Nouvelle-Calédonie lý giải thì "chân đăng" là một từ tiếng Việt cổ, có nghĩa là đăng ký đi phu. Tài liệu còn ghi lại, vào năm 1929, có đến 6.000 người Việt Nam đã sinh sống và làm việc tại hòn đảo ở châu Đại Dương này.

Dù ở xứ người nhưng các cụ chân đăng vẫn giữ nguyên lề thói, phong tục tập quán của Việt Nam. Họ quan niệm, "đã là người Việt Nam phải nói tiếng Việt Nam". Vì thế, con cái của các cụ có thể theo học trường Pháp, nói tiếng Pháp nhưng khi bước chân về nhà là phải nói tiếng Việt. Ở các khu có đông người Việt sinh sống, các cụ chân đăng còn mở lớp dạy tiếng Việt cho con cháu.

Đầu những thập niên 1950, chính quyền Pháp đàn áp phong trào của người Việt Nam. Không chỉ cấm các đoàn, hội của người chân đăng sinh hoạt, chính quyền còn đóng cửa các lớp dạy tiếng Việt. Kể từ đó, ông Đức đã cùng các thanh niên khác bí mật tổ chức các lớp học nhỏ trong nhà dân. "Điều này cũng phần nào thể hiện ước vọng được hồi hương của các cụ", ông Đức chia sẻ.

Vào thập niên 1960, hơn 80% người Việt ở đây đã lựa chọn hồi hương theo một hiệp định giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Con cháu của những người ở lại hòa nhập với môi trường sở tại. Những thế hệ thứ ba, thứ tư của người Việt ở Nouvelle-Calédonie đa phần không biết nói tiếng Việt. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Hội Ái hữu Việt Nam - Nouvelle-Calédonie đã mở lớp dạy tiếng Việt tại trụ sở Hội vào mùa Hè để phục vụ nhu cầu học tiếng mẹ đẻ của bà con. Không chỉ có các em nhỏ, thậm chí những người đã "lên ông", "lên bà" cũng đến đây để học tiếng nói quê hương.

Những người Việt hiện đang sống ở Nouvelle-Calédonie đa phần làm việc trong lĩnh vực thương nghiệp và nông nghiệp. "Khi đến thăm khu chợ trung tâm ở Thủ đô Nouméa vào dịp cuối tuần, người ta dễ dàng tìm thấy các quầy thực phẩm của người Việt, với các món ăn như giò, chả, nem, bánh cuốn, bánh rán... Tên các món đa phần được viết bằng tiếng Việt bởi người dân bản địa cũng đã quen với chúng", ông Phạm Ngọc San Roland, một thành viên trong Hội Ái hữu cho biết.

Tết xưa - Tết nay

"Ngày xưa, các cụ chân đăng đón Tết cũng vui vẻ, rộn rã... chẳng khác nào như khi còn ở Việt Nam", ông Phạm Văn Đức kể lại. Cứ rục rịch gần đến Tết là các gia đình người Việt ở Tân Thế giới lại cùng nhau thịt lợn, giã giò, gói bánh chưng, trang trí nhà cửa... Duy chỉ có điều là thời tiết trong dịp Tết Nguyên đán ở đây khá nóng bức vì rơi vào mùa Hè. Thêm vào đó, Nouvelle-Calédonie cũng không có lá dong nên bà con người Việt phải dùng lá chuối để thay thế.

theo dau nhung nguoi chan dang
Ông Phạm Văn Đức (cầm máy quay) tại bữa tiệc đón Giao thừa năm Ất Mùi (2015).

Trong ba ngày đầu năm mới, các xóm người Việt đi phu ở Nouvelle-Calédonie đều tổ chức các hoạt động múa lân, múa rồng. Mọi người đến nhà nhau chúc Tết rồi cùng kéo đến Hội quán để ăn mừng. Nhân dịp này, Hội quán cũng phát động quyên góp tiền để gửi về Việt Nam ủng hộ đồng bào làm kháng chiến.

Ngày nay, ở Thủ đô Nouméa, chỉ còn một vài gia đình duy trì nghề làm giò chả, bánh chưng vốn được các cụ đem sang đây từ thế kỷ trước. Tết đến, mỗi gia đình, ít thì mua một hai cái bánh chưng, nhiều thì vài chục cái. Họ ăn không nhiều nhưng vẫn giữ phong tục biếu họ hàng, bạn bè. "Bữa cơm ngày Tết hiện nay có đủ loại giò, chả với lọ dưa muối để các thế hệ người Việt ngày nay không quên hương vị Tết", ông Phạm Ngọc San Roland chia sẻ. 

Kể từ khi thành lập vào năm 1974 đến nay, Hội Ái hữu vẫn tổ chức đón giao thừa theo Âm lịch cho tất cả cộng đồng tại trụ sở của Hội. Không chỉ liên hoan, buổi tiệc này còn có những màn biểu diễn văn nghệ, khiêu vũ. Vào dịp giáp Tết, cứ đến cuối tuần là các nhóm văn nghệ của nhà thờ, nhà chùa hay các nhóm em nhỏ người Việt lại tới đây để tập văn nghệ. Những bộ trang phục, đạo cụ để phục vụ cho tiết mục múa lân, múa rồng đều được Hội Ái hữu đặt mua từ Việt Nam. Và đến ngày 30 tháng Chạp, trụ sở Hội Ái hữu lại khoác lên mình "tấm áo" rực rỡ màu sắc của đèn lồng, cờ súy, câu đối cùng những tà áo dài thướt tha của các bà, các chị.

Ông San kể: "Về đêm gió thoáng mát nhẹ, mùi khói pháo thơm quyện vào cùng những tiếng cười rộn ràng. Quả thực là một khung cảnh Xuân rất Việt Nam trên xứ người!".

Người ta gọi thế hệ người Việt được sinh ra tại Nouvelle-Calédonie là Niaolis. Đây cũng là tên gọi của Tràm gió, loài cây mọc nhiều tại các khu mỏ, nơi người Việt từng lao động và sinh sống. Sau những trận cháy rừng, những cây Niaolis vẫn sống sót và tiếp tục đâm chồi nảy lộc. Đó cũng là điều mà những người chân đăng muốn gửi gắm về cách sống cho thế hệ con cái của họ.

http://tgvn.com.vn/theo-dau-nhung-nguoi-chan-dang-26851.html

In bài viết nàyIn bài viết