Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Quốc Trượng với tiếng cười sâu cay của hề chèo


Nhiều khán giả hâm mộ NSND Quốc Trượng thường nói rằng: “Xem anh Trượng diễn hề chèo ai cũng ôm bụng cười, cười lăn cười lóc, nhưng đêm về nằm vắt tay lên trán lại thấy trong tiếng cười ấy ẩn chứa nhiều điều sâu cay, thâm thúy. Thế mới biết cái tài của Quốc Trượng, làm khán giả cười cũng giỏi, mà khiến khán giả khóc cũng dễ như trở bàn tay!”.

Bao nhiều năm theo nghiệp diễn chèo, nhất là với những vai hề chèo, nên cái chất ấy giờ đã ăn sâu vào máu của Quốc Trượng. Chẳng thế mà khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi,  anh chỉ chịu ngồi yên được một lúc là đã bắt đầu uốn éo đôi bàn tay rồi cất cái giọng "í... a..." rất đặng trưng của mình khiến cho chúng tôi ai cũng phải phì cười. 

NSND Quốc Trượng là thế hệ sinh viên khoá đầu tiên của Khoa Kịch hát Dân tộc, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (năm 1983), cùng thời với các nghệ sỹ chèo nổi tiếng khác của Việt Nam như: Xuân Hinh, Hồng Ngát, Thuý Lụa, Duy Từ... Tuy được đào tạo để trở thành diễn viên chính kịch, thế nhưng cũng giống như nghệ sỹ Xuân Hinh, cái duyên đến với những vai diễn hề chèo đối với Quốc Trượng cũng thật bất ngờ.

Quốc Trượng kể rằng, hồi đi học, có lần thầy giáo bảo rằng: “Thầy thấy Quốc Trượng và Xuân Hinh hợp với hề chèo đấy. Hai trò đến gặp thầy Mạnh Tuấn nhờ thầy chỉ dạy xem sao.”. Vậy là anh cùng bạn học Xuân Hinh khăn gói mang “xôi gà” đến nhà NSND Mạnh Tuấn để xin “tầm sư học đạo”. Sau vài câu kiểm tra để tìm hiểu tố chất hề chèo, NSND Mạnh Tuấn đã ưng ý và nhận ngay làm học trò. Vậy là từ đó, Quốc Trượng và Xuân Hinh trở thành học trò ruột của “Vua hề chèo” xứ Bắc.


Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Trượng trong vai trò của một đạo diễn tại Nhà hát Chèo Quân đội. Ảnh: Tất Sơn


Nghệ sĩ Quốc Trượng trong một vai hề chèo năm 1995. Ảnh Tư liệu


Khán giả cảm động lên tặng tiền cho nhân vật “Khều tật nguyền” do Quốc Trượng thủ vai, năm 1995. Ảnh: Tư liệu


Hình ảnh nghệ sĩ Quốc Trượng và các bạn diễn những năm đầu thập kỷ 90. Ảnh: Tư liệu

Với người nghệ sĩ, hầu hết vai diễn đầu đời của họ đều là những kỷ niệm, những trải nghiệm khó quên. Với Quốc Trượng cũng thế, đó là vai diễn “Tùng lò gạch” trong vở chèo “Người đàn bà bất hạnh” (tác giả Trần Chí Trắc). Vai diễn đã mang về cho anh danh hiệu Nghệ sỹ xuất sắc trong Hội thi tài năng sân khấu trẻ toàn quốc năm 1991.

Không chỉ là danh hiệu, vai diễn nhân vật hiện đại đầu tiên này còn giúp anh “định danh” được tên tuổi trong lòng công chúng. “Đi lưu diễn ở nước ngoài, bà con Việt kiều cứ gọi tôi là anh Tùng lò gạch,vui đáo để!”, NSND Quốc Trượng hóm hỉnh nói.

Là người chuyên đóng vai hề nhưng Quốc Trượng tâm sự anh lại rất thích diễn bi. Bởi với anh, đỉnh cao của hài chính là bi, còn đỉnh cao của bi lại chính là hài. Đây cũng là triết lý, là giá trị nhân văn của nghệ thuật mà anh luôn hướng tới trong nghiệp diễn của mình. Vì thế, trong những vai diễn của anh người ta luôn thấy ẩn chứa cái triết lý sâu xa này, đó là trong hài có bi, trong bi có hài.

Ví như trong vở "Người tử tù mất tích", với vai nhân vật Khều tật nguyền, Quốc Trượng đã giành được Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quân vì đã lột tả một cách xuất sắc cái chất bi hài kịch của hề chèo. Với vai diễn này, có lúc Quốc Trượng khiến khán giả cười ngả nghiêng vì sự vụng về, ngây ngô của nhân vật, nhưng có lúc anh lại khiến người xem phải rơi lệ vì những lời run rẩy của kẻ tật nguyền cầu xin sự bố thí của thiên hạ để lấy tiền về nuôi người làm cách mạng bị kết án tử tù. Vì thế, có những suất diễn anh đã phải dừng lại nhiều lần vì khán giả cảm động chạy lên tận sân khấu ôm lấy anh mà khóc và bỏ tiền vào chiếc nón rách... Hay như nhân vật Thị Nở trong vở kịch “Tỉnh rượu lúc tàn canh”, một vở kịch bi từ đầu cho đến kết thúc, nhưng khi xem ai cũng phải bật cười với những nụ cười đầy xót xa.


NSND Quốc Trượng thị phạm tính cách của một hề chèo trong lúc đạo diễn vở chèo mới. Ảnh: Tất Sơn


NSND Quốc Trượng hướng dẫn các nghệ sĩ chèo của Nhà hát Chèo Quân đội
cách thể hiện tính cách nhân vật trong chèo. Ảnh: Tất Sơn



Sau nhiều năm theo nghiệp diễn, giờ NSND Quốc Trượng bận rộn hơn trong vai trò quản lý và đạo diễn. Ảnh: Tất Sơn


Với kinh nghiệm và tài năng, NSND Quốc Trượng luôn là người truyền lại nguồn cảm hứng diễn chèo cho các nghệ sĩ trẻ. Ảnh: Tất Sơn


Thời gian này NSƯT Quốc Trượng ít có thời gian diễn trên sân khấu vì bận rộn trong vai trò đạo diễn và quản lý. Anh hiện là Giám đốc Nhà Hát Chèo Quân đội và anh đang cùng Nhà hát thực hiện đề án phục dựng lại 7 vở chèo cổ kinh điển của Việt Nam như: Lưu Bình Dương Lễ, Quan âm Thị kính, Trinh Nguyên, Trương Viên… trước là để phục vụ trong toàn quân và sau là cho lớp khán giả trẻ. Với kinh nghiệm và cái tài của mình, anh sẽ lại truyền tiếp ngọn lửa đam mê cho các nghệ sĩ trẻ, để khán giả lại có cơ hội được thấy cái chất "hề chèo Quốc Trượng" tiếp tục bùng nổ trên sân khấu chèo Việt Nam.

Với những đóng góp không mệt mỏi cho nền nghệ thuật chèo Việt Nam, ngày 10/1/2016, nghệ sĩ Quốc Trượng đã vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu cao quý nhất: Nghệ sĩ Nhân dân./.

http://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/quoc-truong-voi-tieng-cuoi-sau-cay-cua-he-cheo/207255.html

In bài viết nàyIn bài viết