Trang chủ  » Văn hoá - Giáo dục - Khoa học  » Thông tin Văn hóa - Xã hội - Du lịch

Kinh nghiệm xây dựng nền công vụ có hiệu quả, hiệu lực và có chất lượng dịch vụ cao ở các nước Đông Bắc Á


Vượt qua những khác biệt về thể chế chính trị và quy mô, vị thế quốc gia trên bản đồ thế giới, là những nước phát triển nhanh và tiêu biểu cho sự thịnh vượng kinh tế ở trong khu vực, các nước Đông Bắc Á ( Xinhgapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc …) đã có một điểm chung là cùng chủ động, có tầm nhìn và quyết tâm chính trị cao, tạo ra sự đồng thuận toàn xã hội, lựa chọn lĩnh vực then chốt để đột phá với lộ trình và bước đi phù hợp, sớm thúc đẩy các cải cách hành chính , xây dựng nền công vụ có hiệu quả, hiệu lực và có chất lượng dịch vụ cao nhằm mở đường và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội …Hơn nữa, ngay trong quá trình này cũng cho thấy họ có chung một số khuynh hướng cải cách sau:

  1. Tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tăng phân quyền độc lập trong quản lý nhà nước.

       Để hạn chế quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước, chính phủ một số nước đã xây dựng một nền hành chính công khai, dân chủ, gần dân, quy định rõ chế độ trách nhiệm công chức, loại bỏ quy trình, thủ tục phiền hà, sách nhiễu, gây tốn kém cho người dân và doanh nghiệp.

     Chương trình cải cách công vụ mang tên "Nền công vụ thế kỷ XXI" được thai nghén, khởi động từ những năm 1970 và tăng tốc vào những năm 1990 của Xin-ga-po luôn ưu tiên đặt trọng tâm cải cách vào việc đổi mới tổ chức, tạo cơ chế phù hợp, khuyến khích công chức nêu sáng kiến cải cách hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

     Tương tự, với mục tiêu xây dựng một "bộ mặt nhà nước" mới mẻ, một xã hội mới, phát triển và phồn vinh, các nỗ lực cải cách hành chính ở Nhật Bản được phát động từ thập kỷ 70, nhưng chỉ được thúc đẩy thực sự vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX và trước hết được thực hiện từ việc điều chỉnh lại các quy chế hành chính (các thể chế hành chính) theo hướng phi tập trung hóa, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm sự can thiệp không cần thiết của nhà nước, tạo cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, điều chỉnh những quy định để phù hợp với thông lệ quốc tế...Năm 1995, Luật Khung về phi tập trung đã được thông qua tại Nhật Bản. Để thực hiện chủ trương phi tập trung hóa, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành phân quyền cho địa phương và cải tổ bộ máy chính phủ. Đặc biệt, cuộc cải cách hệ thống chính quyền địa phương giai đoạn gần đây được ghi nhận là cuộc cải cách mang dấu ấn lịch sử lần thứ ba của Nhật Bản kế tiếp cuộc cải cách lần thứ nhất (gắn với sự phục hồi của chế độ quân chủ dưới thời Minh Trị Thiên hoàng ) và cuộc cải cách lần thứ hai diễn ra sau chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù về lý thuyết, từ năm 1947 đến nay, hệ thống chính quyền địa phương ở nước này đã chuyển từ hệ thống tập quyền sang hệ thống phân quyền, nhưng trên thực tế, Nhà nước vẫn duy trì những quyền hạn rộng lớn trong việc kiểm tra, giám sát chính quyền cơ sở, khiến xu hướng tập quyền có biểu hiện xuất hiện trở lại. Vì vậy, đầu những năm 90 của thế kỷ XX cho đến nay, dân cư địa phương và một số tổ chức xã hội Nhật bản đã khởi xướng nhiều phong trào đòi hỏi cải cách chính quyền địa phương theo hướng : Thứ nhất, phi tập trung hóa dựa trên hai nguyên tắc: "từ trung ương về địa phương" , tức chuyển giao cho địa phương những công việc và doanh nghiệp do trung ương quản lý; và "từ quan chức về người dân" , tức phi điều tiết các công việc hành chính và quản lý doanh nghiệp. Luật Chính quyền địa phương của Nhật bản quy định: Cơ quan chính quyền địa phương có vai trò và trách nhiệm thực hiện các chức năng quản lý những công việc hằng ngày liên quan đến đời sống xã hội, với bộ máy gọn nhẹ, nhưng vững mạnh ở địa phương, trên cơ sở độc lập hoặc cùng phối hợp với Nhà nước; vai trò của trung ương giới hạn ở việc giải quyết các vấn đề quốc tế, bảo đảm an ninh quốc phòng và chuẩn mực công dân chung. Sự tách biệt thẩm quyền của hệ thống chính quyền được thực hiện thay cho việc phân cấp cũ của Nhà nước đối với các chính quyền địa phương. Thứ hai, hợp nhất và sắp xếp, giảm bớt chính quyền thành phố và các tỉnh từ 3.200 hiện có để sẽ chỉ còn 1.000, từ đó giúp giảm bớt khó khăn của những thành phố có ngân sách hạn hẹp, dân số hạn chế; đẩy mạnh quá trình phi tập trung hóa, tăng cường tính độc lập và sự bảo đảm về tài chính của các chính quyền địa phương; xây dựng được một hệ thống chính quyền hoạt động hiệu quả, gọn nhẹ hơn, qua đó giảm bớt gánh nặng về tài chính. Đi xa hơn, Nhật Bản đang có xu hướng thúc đẩy sắp xếp lại các tỉnh thành những cơ quan tự quản được nới rộng hơn về quyền tự chủ, gắn với sự ra đời của các tiểu bang. Mục đích của cuộc cải cách là hợp nhất các tỉnh hiện có thành 7 đến 9 tiểu bang để xử lý các công việc hành chính nhà nước, hướng tới mục tiêu: "dân giàu, nước mạnh và đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế". Hệ thống các bang cũng đồng nghĩa với việc giải thể và cơ cấu lại hệ thống chính quyền 2 cấp vốn có, mở rộng các tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Thứ ba, đổi mới các cơ quan chính quyền địa phương thông qua sự khuyến khích thị trường hóa và tư nhân hóa các chức năng quản lý nhà nước, giảm bớt trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc cung cấp các dịch vụ công ích thiết yếu cho người dân. Đặc biệt, Nhật bản ngày càng khuyến khích tăng cường sự tham gia của người dân vào việc cải cách hệ thống chính quyền địa phương, mở rộng quyền độc lập về tài chính của các cơ quan chính quyền địa phương, đi đôi với việc thống nhất quyền lực hành chính và tài chính tự quản, hướng tới và mở rộng hơn nữa các quyền con người, như quyền tự do, dân chủ..., giải quyết tình trạng phát triển không đồng đều giữa các địa phương và sự cách biệt giữa các vùng, lãnh thổ.

   Từ năm 2003 đến nay, Trung Quốc thực hiện nhiều bước cải cách hành chính với mục tiêu đưa cải cách vào chiều sâu nhằm thực sự thay đổi chức năng của chính quyền theo phương châm: chuyển từ chính quyền vô hạn (cái gì cũng làm) sang chính quyền hữu hạn (quản lý bằng pháp luật, chỉ làm những việc thuộc chức năng đích thực của quản lý hành chính nhà nước). Hiện nay, tổng số công chức của Trung Quốc vào khoảng 5 triệu người, trong đó 61% tốt nghiệp đại học trở lên. Biện pháp quan trọng nhất để tinh giản biên chế là sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp; chuyển một bộ phận lớn các đơn vị sự nghiệp công thành doanh nghiệp để xóa bỏ chế độ bao cấp. Để xây dựng nội dung và chỉ đạo quá trình cải cách hành chính, Trung Quốc thành lập Ủy ban cải cách cơ cấu trung ương trực thuộc Quốc vụ viện và chịu trách nhiệm chung về chương trình cải cách hành chính ở Trung Quốc. Chủ nhiệm Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban là Phó Chủ tịch nước và các thành viên. Ủy ban có một Văn phòng giúp việc với biên chế 52 người và có một số cán bộ hợp đồng, tổng số không quá 100.

  1. Áp dụng các công cụ, tiêu chuẩn quản lý hiện đại và thống nhất .

     Hiện đại hóa chính phủ, xây dựng chính phủ điện tử là một trong những mục tiêu trọng tâm của chương trình cải cách hành chính ở các nước. Để làm được điều này, một số nước đã chú trọng đào tạo con người, sau đó mới là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật.

     Nhằm thống nhất và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Chính phủ Xin-ga-po đã áp dụng bộ quy chuẩn ISO-9000 trong bộ máy hành chính, coi đây vừa là công cụ cải tiến lề lối làm việc, vừa là công cụ đánh giá hiệu quả, phân loại công chức. Mọi góp ý, đề xuất của nhân dân về hoạt động của cơ quan hành chính đều được nghiên cứu, xem xét. Các cơ quan hành chính phải thường xuyên rà soát loại bỏ những quy định không còn phù hợp.

     Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc là một nội dung được chú trọng trong cải cách hành chính. Hàn Quốc đã hoàn tất việc kết nối mạng trung ương - địa phương, thiết lập hệ thống xử lý công việc hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính thông qua mạng điện tử. Với việc công khai hóa cách xử lý các vấn đề của dân, của doanh nghiệp trên mạng, công chức có trách nhiệm trả lời trực tiếp các ý kiến và kiến nghị của dân trên mạng Internet. Điều này, đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đồng thời làm cho người dân quan tâm hơn đến hoạt động của cơ quan nhà nước.

  1. Đề cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy và chất lượng dịch vụ của công chức.    

       Chất lượng đội ngũ công chức được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu để tăng cường hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước. Chính phủ nhiều nước đã quan tâm đầu tư tài chính cho công tác này, coi đó là nguồn kinh phí đầu tư cho tương lai.

     Chính phủ Xin-ga-po đặc biệt chú trọng đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, coi đây là giải pháp cơ bản để xây dựng nền công vụ có hiệu quả. Theo quy định, mỗi công chức bắt buộc phải được bồi dưỡng 100 giờ/năm; phải có kế hoạch tự học tập cho mình, trong đó có việc sử dụng 100 giờ quy định, với 60% thời lượng phục vụ cho công việc hiện tại và 40% cho công việc tương lai. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng công chức được áp dụng linh hoạt cho phù hợp với từng đối tượng, như đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao, đào tạo mở rộng và đào tạo bổ sung.

       Cải cách chế độ công chức được Nhật Bản rất chú trọng. Nhật Bản đã xây dựng Luật Công chức và Luật Đạo đức công chức. Công chức khi được tuyển dụng vào cơ quan làm việc phải tuyên thệ phục vụ và phải đáp ứng cao các phẩm chất đạo đức và ý thức công dân, năng lực chuyên môn và kết quả công tác. Các tiêu cực trong thi tuyển công chức được khắc phục nhằm bảo đảm tuyển dụng được những người thực sự có tài, đủ năng lực phục vụ đất nước.

     Với mục tiêu đề ra là xây dựng chính phủ có hiệu quả, cởi mở, gần dân, được dân tin cậy, minh bạch, hoạt động linh hoạt, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao và loại trừ tham nhũng. ..công cuộc cải cách hành chính ở Hàn Quốc được đẩy mạnh từ năm 2003 trở lại đây, và tập trung vào những trọng tâm: đổi mới cơ chế tuyển dụng, đưa yếu tố cạnh tranh vào chế độ tuyển dụng theo nguyên tắc công bằng, minh bạch và công khai; xây dựng cơ chế đánh giá công chức gắn với điều chỉnh hợp lý hóa chế độ tiền lương.Đặc biệt, Hàn Quốc chú trọng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng công chức, đa dạng hóa các loại hình và cách thức đào tạo. Từ năm 1997 đến nay, Hàn Quốc đã giảm được 7% tổng biên chế. Hiện tại, số công chức ở Hàn Quốc khá thấp: 576.000 người; bình quân 27 công chức/1.000 dân.    

     Trong lĩnh vực cải cách công vụ và công chức, Trung Quốc áp dụng rộng rãi hình thức thi tuyển với nguyên tắc là công khai, bình đẳng, cạnh tranh và tự do, được nhân dân và bản thân công chức đồng tình. Đối với cán bộ quản lý, khi cần bổ sung một chức danh nào đó thì thực hiện việc đề cử công khai và tổ chức thi tuyển. Hằng năm, cán bộ công chức được đánh giá và phân ra 3 loại: xuất sắc, hoàn thành công việc và không hoàn thành công việc. Công chức bị xếp vào loại thứ 3 đương nhiên bị thôi việc. Đặc biệt, phương thức, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng để khai thác nguồn nhân lực cho bộ máy hành chính được cải cách, đổi mới cho phù hợp với thời kỳ hiện đại hóa đất nước. Nội dung, chương trình đào tạo được phân thành 3 loại: đào tạo để nhận nhiệm vụ, áp dụng cho những đối tượng chuẩn bị đi làm ở cơ quan nhà nước; đào tạo cho những người đang công tác trong cơ quan nhà nước, chuẩn bị được đề bạt vào vị trí quản lý; bồi dưỡng các chức danh chuyên môn.

 

                                                                                                        Dương Quỳnh Chi - Nguyễn Minh Phong

                                                                       Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội - DT.0912266399

 

 

 

In bài viết nàyIn bài viết