Trang chủ  » Kiều bào  » THÔNG TIN KIỀU BÀO

Vai trò của Việt kiều trong sự nghiệp phát triển Đất nước


Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tích cực hướng về quê hương, có những đóng góp to lớn, thiết thực, toàn diện và đa dạng hơn vào công cuộc CNH-HĐH, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố sự đoàn kết và cải thiện vị thế đất nước, thông qua 5 «kênh» chủ yếu sau:

     Thứ nhất, đóng góp to lớn về vật chất, tinh thần kể cả xương máu vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng thời góp phần tích cực trong lưu giữ và quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh, văn hóa truyền thống dân tộc, phát triển ngoại giao nhân dân, củng cố sự đoàn kết dân tộc và tình cảm của bạn bè trên thế giới với đất nước và con người Việt Nam:

       Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, giành độc lập, thống nhất đất nước, hoạt động của kiều bào gắn liền với việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhân dân, tích cực giúp đỡ và phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao tiến hành vận động nhân dân và chính giới các nước, kể Pháp và Mỹ, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam, đấu tranh chống Pháp và Mỹ, giành độc lập thống nhất dân tộc. Cùng với đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hiệp định Paris, chống đàn áp những người kháng chiến, tham gia phục vụ, bảo vệ Phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang đàm phán tại Pháp... Nhiều trí thức Việt kiều (Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ...) và kiều bào đã tình nguyện hồi hương, đem kiến thức và tài sản tích lũy được về góp phần xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước, hoặc giữ vai trò cơ sở cách mạng, hạt nhân lãnh đạo phong trào Việt kiều hướng về Tổ quốc...

         Trong quá trình sinh sống, làm ăn và phát triển ở nước ngoài, cộng đồng kiều bào đã ngày càng góp phần tích cực lưu giữ và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, chủ động đấu tranh với những định kiến và ngộ nhận sai trái về Việt Nam, củng cố sự đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở trong nước, cũng như ở nước ngoài, đồng thời góp phần hình thành, phát triển tình cảm và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với đất nước và con người Việt Nam. Nhờ vậy, trên thực tế, tình cảm bạn bè các nước sở tại dành cho cộng đồng kiều bào và đất nước Việt Nam của chúng ta ngày càng sâu đậm. Bà Marie Bashir - Thống đốc bang New South Wales (Úc) nói: Cộng đồng người Việt Nam ở đây rất dễ thương, chăm lo làm ăn, tích cực học tập, có nhiều em học rất giỏi được giải thưởng của bang... Tôi rất yêu những người Việt Nam ở đây! Còn ông Thủ tướng Thụy Sĩ nói với nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp tổ chức ở Rumani: Chúng tôi rất yêu Việt Nam, dù chưa tới Việt Nam bao giờ. Tôi yêu Việt Nam thông qua cộng đồng người Việt Nam ở đất nước chúng tôi. Đó là một cộng đồng mà chúng tôi dành nhiều tình cảm. Người Việt Nam rất biết điều, chấp hành pháp luật, hòa nhập với nước sở tại, chịu khó, chăm chỉ và có nhiều sáng tạo trong công việc. Học sinh Việt Nam rất thông minh và thường đạt kết quả học tập cao. Tôi yêu Việt Nam vì thông qua cộng đồng người Việt ở đây, tôi hiểu được người Việt Nam như thế nào…!

     Thứ hai, các luồng kiều hối ngày càng tăng về quy mô qua các năm.

     Trong những năm tháng đầu sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiến hành đổi mới, những nguồn tiền và hàng gửi về Việt Nam dưới dạng quà biếu cho thân nhân đã từng là 1 trong những kênh bổ sung ngoại tệ, thiết bị, vật tư và hàng tiêu dùng quan trọng, bù đắp các thiếu hụt và góp phần cải thiện những khó khăn vĩ mô và vi mô của Việt Nam…Trong những năm gần đây, số người về thăm gia đình, quê hương ngày một tăng : Năm 1987 chỉ có khoảng 8.000 lượt người về thăm Việt Nam, năm 1992 lên tới 97.000 lượt người (tăng gấp 12 lần) ; các năm 2000-2003, trung bình mỗi năm có khoảng 350.000 lượt người về Việt Nam thăm thân nhân, du lịch, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh; năm 2004 đạt kỷ lục 430.000 lượt người và từ năm 2005 đến nay, mỗi năm có tới nửa triệu kiều bào về nước, đem theo lượng kiều hối rất lớn không chỉ để thăm thân, mà còn thực hiện rất nhiều dự án đầu tư. Lượng kiều hối về nước liên tục năm sau cao hơn năm trước và là một minh chứng rõ ràng cho xu thế gắn bó ngày càng tăng giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối năm 2002 đạt 2,2 tỷ USD( tăng 14% so với năm 2001 và tăng gấp đôi so với năm 1999), năm 2003 đạt 2,7 tỷ USD và tăng lên mức 4,428 tỷ USD năm 2005, riêng năm 2007 đạt khoảng 8-10 tỷ USD. Tốc độ tăng kiều hối trung bình trong thời kỳ 1991-2001 là 48,5% mỗi năm. Số liệu này chưa bao gồm lượng tiền do bà con trực tiếp mang theo trong những chuyến về thăm quê. Kiều bào còn tham gia đầu tư thông qua người thân ở trong nước với tổng số vốn ước tính hàng tỷ USD. Một số bà con đầu tư tương đối lớn, góp phần cải thiện đáng kể tình hình kinh tế của các địa phương.

    Nhân tố tích cực nhất tác động đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, làm cho bà con yên tâm hướng về cội nguồn chính là những thành tựu về kinh tế - văn hoá - xã hội và vị thế của đất nước ta ngày càng được nâng cao, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước có kiều bào ta sinh sống được củng cố và tăng cường. Về thăm quê, bà con kiều bào được tận mắt chứng kiến những thành quả của công cuộc đổi mới, chứng kiến sự đổi đời của từng mảnh đất, từng gia đình và ngay trong chính cuộc sống của thân nhân mình, và đó là những thực tiễn có tính thuyết phục mạnh mẽ nhất làm cho kiều bào chuyển biến về nhận thức, tự phủ nhận những thông tin không đúng về Việt Nam.

        Thứ ba, các hoạt động đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại ngày càng mở rộng và hiệu quả hơn.

     Trong giai đoạn 1988-9/2007, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 177 dự án đầu tư theo Luật Đầu tư Nước ngoài với số vốn là 796 triệu đô la Mỹ, trong đó hiện có 132 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 603,9 triệu USD (chiếm 0,8% lượng vốn đầu tư nước ngoài vào thời điểm hiện hành), và thành lập 1520 doanh nghiệp theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước, với số vốn là 3.500 tỷ VND. Việt kiều từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đã có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó đầu tư nhiều nhất là Việt kiều tại các nước Hoa Kỳ: với 45 dự án, tổng vốn đầu tư là 205,3 triệu USD; Australia với 21 dự án, tổng vốn đầu tư là 74,4 triệu USD; Thụy Sỹ có 3 dự án, tổng vốn đầu tư 69,2 triệu USD; Việt kiều từ Ba Lan và Liên bang Nga đã đầu tư 6 dự án với tổng vốn đầu tư triệu 123,2 triệu USD. Các dự án do Việt kiều đầu tư đã có mặt trên 28 địa phương trong cả nước, nhưng chủ yếu vốn tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh: 210,7 triệu USD (chiếm 34,9% tổng vốn đăng ký), thành phố Hà Nội (chưa mở rộng): 61 triệu USD (chiếm 10,1% tổng vốn đăng ký), còn lại là các địa phương khác. Phần lớn những dự án đầu tư của Việt kiều đều có quy mô nhỏ (bình quân của một dự án đạt 4,5 triệu đô la Mỹ), và trước đây chủ yếu nhằm vào kinh doanh nhỏ như nhà hàng, khách sạn hoặc du lịch...Gần đây, đầu tư của Việt kiều đang có xu hướng chuyển dịch sang nhiều lĩnh vực khác, có quy mô lớn hơn và thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp đa dạng hơn, như: dược phẩm, hóa chất, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, xây lắp cao cấp, tài chính-ngân hàng, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phần mền...Ngoài ra, trên thực tế, một phần không nhỏ đầu tư của Việt kiều được thực hiện dưới hình thức góp vốn liên doanh hay thông qua thân nhân trong nước.

     Các dự án đầu tư của Việt kiều có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội, chính trị, trực tiếp góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm và phát triển đất nước; đồng thời, khẳng định chính sách đối ngoại đúng đắn của Nhà nước Việt Nam và thắt chặt sợi dây tình cảm của đồng bào xa xứ với quê hương. Tiêu biểu cho ý nghĩa đó là dự án Làng Việt kiều châu Âu ở Hà Đông, với chủ đầu tư là Công ty TSQ Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn tài chính TSQ, do người Việt định cư ở Ba Lan sáng lập ra, có trụ sở chính tại Warszawa, Cộng hòa Ba Lan. Dự án xây dựng làng Việt kiều châu Âu nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở tại Việt Nam của gần 300 gia đình Việt kiều tại châu Âu, đặc biệt là Việt kiều quê Hà Tây, về nước sinh sống và đầu tư phát triển kinh tế quê hương. Được thiết kế theo phong cách thuần Pháp và tổng vốn đầu tư 59 triệu USD, Làng Việt kiều châu Âu gồm quần thể 257 biệt thự đơn lập, biệt thự song lập với 45 mẫu khác nhau, có tổng diện tích 12,85 ha, trong đó tổng diện tích nhà biệt thự 55.719 m2, tổng diện tích nhà liền kề 20.985 m2, tổng vườn hoa công cộng 16.940 m2, đường giao thông chiếm diện tích 34.853 m2...

         Ngoài đầu tư trực tiếp và gián tiếp về nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang tích cực đảm nhận vai trò cầu nối trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài và phát triển hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam sang các thị trường khó tính, như Mỹ, Nhật, EU...Những thương hiệu Việt như Cà phê Trung Nguyên, đậu phộng Tân Tân, nước mắm Liên Thành, đã vào được hệ thống siêu thị lớn thứ 2 của Mỹ - Albersons qua công ty Việt kiều TDA. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, LB. Nga, Ucraina.., Việt kiều cũng tham gia đắc lực các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kinh doanh, như xây dựng các trung tâm thương mại chuyên về hàng Việt, hay xây dựng “Nhà Việt Nam”, thành lập các hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều ở nước sở tại (các doanh nghiệp của người Việt ở nước ngoài đang góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và các nước Đông Âu. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam theo con đường này mỗi năm lên tới trên 200 triệu USD). Các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu Việt Nam cũng đã thông qua kiều bào để được cập nhật những thông tin về sự thay đổi thị hiếu, mẫu mã, chất lượng, số lượng của khách hàng. Sử dụng kiều bào ta làm đại diện tại nước ngoài có hiệu quả hơn so với việc đưa người từ trong nước sang mở văn phòng đại diện. Bởi xét cho cùng không ai thông hiểu thị trường “bên đó” và cung cách làm ăn “bên này” như Việt kiều. Họ chính là “chìa khóa” để mở mọi cánh cửa thị trường cho hàng Việt Nam một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất.

         Rõ ràng, trong những năm gần đây, tư tưởng hướng về cội nguồn của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có những bước phát triển tích cực. Qua các dự án đầu tư của Việt kiều tại Việt Nam, nhiều nguồn lực trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên được sử dụng và phát huy có hiệu quả. Sự đóng góp của Việt kiều đã góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu tại chỗ hoặc tiếp cận với thị trường thế giới; góp phần tiến đến chuyển giao phương pháp quản lý và phương thức kinh doanh hiện đại ở trong nước. Đây cũng là một nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; lao động trong nước có thêm cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ tiên tiến, rèn luyện tác phong công nghiệp. Những đầu tư của Việt kiều tại Việt Nam đã góp phần bổ sung nguồn vốn, tạo thế và lực phát triển mới cho nền kinh tế đất nước khi đã gia nhập WTO.

           Thứ tư, các hoạt động hợp tác khoa học & giáo dục, tư vấn phát triển đất nước ngày càng được tăng cường.

         Lực lượng trí thức kiều bào, nhất là trong các ngành khoa học công nghệ, trong cộng đồng doanh nghiệp ngày càng nhiều. Hoạt động của các hội, đoàn được đẩy mạnh và thực chất, đã góp phần gắn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau làm ăn, hướng về đất nước, thực sự là những chiếc cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè thế giới. Đã có rất nhiều hội, đoàn và các tổ chức nghề nghiệp của người Việt, đặc biệt là ở các nước phát triển, về quê hương đất nước để thực hiện các hoạt động, các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và các hoạt động mang tính nhân đạo để trợ giúp đồng bào trong nước.

     Đáng chú ý là hằng năm có khoảng 200 lượt trí thức kiều bào từ các nước Đức, Pháp, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Mỹ... về nước làm việc với các trường đại học, viện nghiên cứu. Tháng 9/2002, tiến sỹ Nguyễn Chánh Khê, tác giả của 31 bằng phát minh đăng ký ở Hoa Kỳ trong các lĩnh vực tổ chức và quản lý khoa học và kỹ thuật, đặc biệt là khoa học vật liệu công nghệ thông tin và chế tạo vi mạch, đã quyết định về nước sinh sống và làm việc. Ngoài ra, còn có hàng trăm lượt chuyên gia và doanh nhân kiều bào về nước nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tham gia các hội thảo... với các trường đại học, các viện nghiên cứu. Nhiều hội, đoàn và các tổ chức nghề nghiệp của người Việt, đặc biệt là ở các nước phát triển, về quê hương đất nước để thực hiện các hoạt động, các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và các hoạt động mang tính nhân đạo để trợ giúp đồng bào trong nước...

     Với lợi thế luôn nắm bắt và tiếp cận được với những công nghệ mới nhất, trí thức Việt kiều đã có nhiều đóng góp trong suốt quá trình phát triển của đất nước, trên nhiều lĩnh vực như: tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn quản lý kinh tế, hợp tác đầu tư, cung cấp thông tin KH&CN, tạo lập các mối quan hệ cho các cơ quan khoa học để mở rộng hợp tác nghiên cứu và đạo tạo…Sự đóng góp của trí thức Việt kiều là một phần quan trọng, không thể thiếu trong việc phát triển nói chung và trong khi xây dựng phương hướng phát triển KH&CN nói riêng của Việt Nam.

     Trên thực tế, trí thức kiều bào đã hợp tác với các nhà khoa học trong nước trên nhiều lĩnh vực với các hình thức đa dạng hơn. Một số trí thức kiều bào làm cầu nối có hiệu quả thu hút các nhà khoa học trên thế giới đến Việt Nam, như trường hợp giáo sư Trần Thanh Vân - Việt kiều Pháp - tổ chức Hội thảo khoa học “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 5”. Một số trí thức giỏi đã về làm việc, hợp tác với các cơ quan trong nước, giúp phát triển nhiều lĩnh vực công nghệ mới như ông Nguyễn Chánh Khê - Việt kiều Mỹ đã về nước làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

     Thứ năm, các hoạt động quyên góp từ thiện, giao lưu tình cảm& phát triển đoàn kết cộng đồng ngày càng thiết thực…

       Thời gian qua, cùng với tác động của những thành tựu trong công cuộc đổi mới cũng như trên lĩnh vực đối ngoại, xu hướng trở về nguồn ngày càng phát triển trong kiều bào. Trong cộng đồng đang diễn ra sự chuyển hóa tích cực, ngày càng có nhiều người về thăm đất nước, hồi hương, hoặc về tìm cơ hội kinh doanh, đầu tưu, hợp tác khoa học kỹ thuật. Ngày càng nhiều kiều bào tham gia tích cực vào các hoạt động văn hoá - xã hội do các cơ quan ở trong nước, cũng như cơ quan đại diện ta ở nước ngoài tổ chức. Tại hầu hết các nước có đông kiều bào sinh sống như Pháp, Lào, Căm-pu-chia, Thái Lan, Ô-xtrây-lia, Nga, Mỹ, Ca-na-đa, Anh, Đức, Bỉ và các nước Đông Âu, đông đảo bà con đã đến các cơ quan đại diện ta tham dự các cuộc gặp mặt mừng Xuân. Các Hội người Việt Nam ở Pháp, Lào, Thái Lan, Campuchia, Anh, Bỉ, Ba Lan, Đan Mạch, LB Đức, Hà Lan, Nga, Séc, ý, Ucraina, Angola.. cũng như các tổ chức nghề nghiệp, đồng hương, xã hội, từ thiện…đã và đang được củng cố, thành lập mới và có những hoạt động, đóng góp thiết thực cho đất nước; được chính quyền sở tại công nhận và tạo điều kiện giúp đỡ. Tại Mỹ, các tổ chức NGO của người Mỹ gốc Việt có các hoạt động xã hội, từ thiện tại Việt Nam cũng đã tập hợp nhau lại, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp các hoạt động xã hội và từ thiện tại Việt Nam. Từ năm 2002 đến nay, số tiền do kiều bào gửi về nước giúp đỡ đồng bào các vùng bị lũ lụt, thiên tai... lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Hàng trăm triệu đồng khác được bà con quyên góp trong "ngày vì người nghèo" do Mặt trận Tổ quốc phát động. Bà con cũng giúp đỡ kinh phí xây dựng trường học, trạm thủy lợi... ở nhiều địa phương; cung cấp thiết bị y tế, thuốc men... trị giá hàng chục nghìn USD cho một số bệnh viện lớn và trạm y tế xã; thực hiện nhiều dự án hỗ trợ cựu chiến binh, trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn...

     Sự tham gia của kiều bào vào các hoạt động chính trị trong nước cũng ngày càng sâu rộng: tham gia các Trại hè Việt Nam 2004, 2005 và 2008 cho thanh, thiếu niên Việt kiều từ các nước về dự ở Việt Nam; tham gia Đoàn kiều bào tiêu biểu, có công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ về thăm quê, chúc Tết các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tham dự các hoạt động Tết, Quốc giỗ vua Hùng và Quốc khánh 2.9; tham gia thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội trong nước, như Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tham gia cuộc bầu cử Quốc hội nhân dịp về quê đón tết; tham dự các buổi gặp mặt thân mật truyền thống đón mừng Xuân mới của các cơ quan Nhà nước ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, tổ chức các đoàn đến chào và chúc Tết các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thậm chí, một số nhân vật trong chế độ Sài Gòn trước đây như các ông Đỗ Mậu, Nguyễn Cao Kỳ, hoặc thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc sỹ Phạm Duy đã về thăm và có những hoạt động tích cực theo tinh thần trên; một số vấn đề nhân đạo do quá khứ để lại đã được giải quyết trên cơ sở đạo lý Việt Nam...

     Những kết quả nêu trên tuy còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của cộng đồng và chưa đáp ứng được tất cả nguyện vọng của đồng bào ta, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nên chuyển biến tích cực trong nhận thức và thái độ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.

 

Ts. Nguyễn Minh Phong - Dương Quỳnh Chi

Viện nghiên cứu phát trỉên KT-XH Hà Nội

DT.0912266399

In bài viết nàyIn bài viết