Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

9 bẫy trong kinh doanh chứng khoán


Có thể nói, dường như chưa bao giờ kinh doanh chứng khoán lại trở nên sôi động như thời gian gần đây ở Việt Nam. Cùng với những lợi ích cả vĩ mô, lẫn vi mô mang lại cho đất nước, doanh nghiệp, cũng như từng cá nhân, không thể tránh khỏi những tổn thất không nhỏ và không thể tránh khỏi với tư cách là những rủi ro trong kinh doanh thị trường. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu được những rủi ro này nếu những chế độ quản lý nhà nước về chứng khoán được tuân thủ một cách nghiêm ngặt, đồng thời những nhà đầu tư (nhất là các nhà đầu tư không chuyên) có đủ kiến thức, bản lĩnh và sự tỉnh táo cần thiết để nhận diện và thoát khỏi những chiếc bẫy trong kinh doanh chứng khoán. Dưới đây xin phác họa một số bẫy điển hình:

  1. Bẫy từ việc mua cổ phiếu của những tổ chức tăng vốn điều lệ.

Việc liên tục xuất hiện những công ty, tổ chức kinh doanh hạng “đại gia”, hoặc cả những “thiếu gia” trình làng những phương án tăng vốn điều lệ hoặc những phương án mở rộng sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết với các những đối tác lớn trong và ngoài nước trong thời gian gần đây và tới đây, thường làm xuất hiện những cơn sốt săn lùng chứng khoán của các công ty này, từ đó kéo theo làn sóng tăng giá mạnh so với giá khởi điểm của những chứng khoán dạng này. Việc mua được chứng khoán đã là một sự khó khăn, thậm chí có phần may mắn đối với một số người. Song, trong lúc “say máu”, các nhà đầu tư này thường ít có sự tỉnh táo để nhận ra những chiếc bẫy lẩn khuất đâu đó có liên quan đến các chứng khoán mà họ vừa mua:

Thứ nhất, nếu không mua thêm những cổ phiếu mới với tỷ lệ tương ứng với đợt phát hành chứng khoán (ở đây là cổ phiếu) mới của công ty, thì các nhà đầu tư sẽ tự động bị giảm tỷ trọng cổ phiếu của mình trong tổng số các cổ phiếu đã phát hành của công ty phát hành cổ phiếu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư giảm tương ứng vị thế, tiếng nói và quyền biểu quyết của mình trong công ty.

Thứ hai, việc mua được cổ phiếu trong cơn sốt với giá cao sẽ phải gặp những rủi ro lớn do hạ giá cổ phiếu sau cơn sốt. Điều này trong thời gian gần đây đang chứng tỏ khá phổ biến, vì liên quan đến sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn của các chủng loại mặt hàng chứng khoán, cũng như liên quan đến kỹ thuật đánh bóng, làm giá của các công ty phát hành chứng khoán hoặc các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có sức và có khả năng lũng đoạn thị trường.

Thứ ba, việc tăng phát hành cổ phiếu, huy động thêm vốn, mở rộng quy mô và lĩnh vực kinh doanh phát hành cổ phiếu không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc tự động mang lại những khoản lợi nhuận lớn, mới như kỳ vọng của cả doanh nghiệp, lẫn nhà đầu tư chứng khoán trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn. Đặc biệt, rủi ro sẽ càng cao nếu công ty phát hành cổ phiếu không chuẩn bị kỹ những phương án về nhân sự và tổ chức lại sản xuất kinh doanh thích ứng với phần vốn huy động thêm. Và khi đó, doanh nghiệp có khả năng gặp phải những khó khăn lớn về trả lợi tức (nhất là duy trì với mức lợi tức cao như trước khi phát hành bổ sung cổ phiếu), thậm chí duy trì sự tồn tại của công ty. Điều này cũng có nghĩa là những rủi ro sẽ đến tức thời với những nhà đầu tư chứng khoán nắm trong tay những cổ phiếu của công ty nói trên.

  1. Bẫy từ việc “mua dễ, bán khó” chứng khoán.

Tính thanh khoản thấp, khó bán của chứng khoán mà nhà đầu tư đang sở hữu có thể do chứng khoán đó khó và thậm chí không thể bán được hoặc không được phép bán hay chuyển nhượng nhằm thu hồi vốn đầu tư. Hàng hóa không thể bán được thường do chất lượng và tiện ích của hàng hóa không đáp ứng nhu cầu và “gu” của người mua, hoặc khi cung vượt quá cầu, và cũng có thể do có hàng hóa khác thay thế tương đương, thậm chí có sức hấp dẫn hơn. Còn chứng khoán khó và thậm chí không thể bán được thường chủ yếu do chất lượng chứng khoán không cao, mà trước hết có liên quan đến tình trạng tài chính và triển vọng thị trường của công ty, tổ chức phát hành chứng khoán. Thật không may cho nhà đầu tư chứng khoán, khi vì một lý do nào đó, chứng khoán mà nhà đầu tư đã mua là của một công ty, tổ chức có tình trạng tài chính thiếu lành mạnh và triển vọng cung cấp các yếu tố đầu vào, cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra của công ty, tổ chức đó thiếu đảm bảo hiệu quả vững chắc. Thậm chí, chỉ cần có sự thay đổi nhân sự cấp cao của ban lãnh đạo của nó thôi, cũng có thể khiến giá cả thị trường chứng khoán này sụt giảm rõ rệt.

  1. Bẫy liên quan đến sự lừa đảo của công ty phát hành chứng khoán.

Rủi ro đối với nhà đầu tư sẽ là tối đa khi công ty, tổ chức phát hành chứng khoán bị tuyên bố phá sản giả tạo hoặc đơn giản là biến mất “không kèn không trống” trên thương trường sau những pha biểu diễn kiểu “tự đánh bóng” khá chuyên nghiệp, thiện nghệ, ly kỳ và giật gân nhằm dẫn dụ những nhà đầu tư – “con cóc vàng” hoặc “con nai vàng” sập bẫy. Trong quá khứ ở Liên Bang Nga những năm đầu “hậu Xô Viết” của thập kỷ 90 thế kỷ XX có trường hợp điển hình là công ty àMM đã từng lừa đảo hàng chục triệu người dân Nga đang còn ngơ ngác với công ty cổ phần và lãi suất tiền gửi tín dụng thương mại, vì ham lãi suất cao mà nô nức gửi tiền và mua cổ phần của công ty này. ở Việt Nam tương tự vào thời điểm gần đó cũng có vụ “Nước hoa Thanh Hương” khá ầm ĩ và trở thành bài học đắt giá cho hàng ngàn người dân cũng như chính quyền sở tại… Còn ngày nay, trên thị trường chứng khoán người ta vẫn ghi nhận được tình trạng công khai và nô nức đấu giá mua cổ phiếu của cả những công ty trên thực tế đã bị phá sản vì trình trạng tài chính âm, không thể trả nợ, hoặc của những công ty, quỹ đầu tư thậm chí mới có quyết định thành lập, chưa hề có trụ sở văn phòng, bộ máy tổ chức, con dấu và tài khoản để triển khai hoạt động trên thực tế…

  1. Bẫy từ việc “được ăn cả, ngã về không”.

Trong kinh doanh chứng khoán (cũng như nhiều hoạt động kinh doanh khác) thường xuất hiện tâm lý những thành công dễ dàng và nho nhỏ lúc đầu sẽ kích thích tình trạng phấn khích thái quá của nhà đầu tư, đặc biệt đối với những chứng khoán mà họ tự cho là “có duyên” đối với mình. Khi đó, nhà đầu tư sẽ tập trung mua chứng khoán vào một diện hẹp các danh mục chứng khoán mà họ đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư chứng khoán có thể chịu rủi ro từ việc “bỏ hết trứng vào một giỏ” khi lựa chọn không đúng cơ cấu chứng khoán đầu tư. Thậm chí, việc sở hữu thuần túy các cổ phiếu ưu đã mà không được chuyển nhượng trong thời hạn nhất định (thường từ 3-5 năm) cũng có thể khiến nhà đầu tư gặp rủi ro liên quan đến tính thanh khoản thấp của các chứng khoán này, nhất là khi họ cần tiền để trả lãi vay ngân hàng hoặc muốn rút vốn về để đầu tư vào chỗ khác có lời hơn, an toàn hơn…

Hơn nữa, ngay cả những chứng khoán tốt nhất có sức hấp dẫn nhất, “hot” nhất thuộc dạng “blue-chip” cũng có thể không giữ vững dài lâu được vị thế của mình trước sự cạnh tranh và biến động thị trường đầy khốc liệt và nhanh chóng của thời buổi toàn cầu hóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư chứng khoán này có thể phải hứng chịu cả hai thiệt hại dạng “khấu hao hữu hình” và “khấu hao vô hình” giá trị và tính thanh khoản của các chứng khoán mà họ nắm giữ.

  1. Bẫy từ những thông tin chứng khoán và thị trường giả.

Mặc dầu ra đời cách đây trên 200 năm và bất chấp những thăng-trầm của các ngành, nghề, sản phẩm kinh doanh khác, song có thể nói kinh doanh chứng khoán vẫn ngày càng trở thành một bộ phận không thể thiếu được của nền kinh tế hiện đại với đặc trưng cơ bản là kinh tế thông tin. Thật hiếm có hoạt động kinh doanh nào mà sự thành bại của nhà đầu tư lại đòi hỏi và gắn liền với yêu cầu về sự đa dạng, hệ thống, toàn diện, cập nhật và chính xác các thông tin có liên quan trực tiếp và gián tiếp như đầu tư chứng khoán. Không phải không có lý khi phác họa chân dung nhà đầu tư chứng khoán điển hình là người luôn háo hức trước mọi tin đồn và hăng hái góp phần vào tin đồn; luôn cảnh giác đề phòng và cũng rất nhẹ dạ, cả tin; ranh ma và nhạy cảm; quen biết nhiều, nhưng không kết bạn thân với ai trong làng chứng khoán (!). Và trong số họ, ai là người nắm được thông tin thì sẽ là người dễ dàng chiến thắng và chiếm thế thượng phong, giảm thiểu được những rủi ro chết người vì mù mờ thông tin mà người khác thường mắc phải. Nói cách khác, rủi ro trong kinh doanh chứng khoán có nguồn gốc rất sâu đậm từ số lượng và chất lượng thông tin mà nhà đầu tư cần để làm cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư. Rủi ro luôn rình mò ở mọi nơi và nhà đầu tư sẽ phải trả giá sớm hay muộn, đắt hay rẻ, khi không nắm được các thông tin chính xác nhất, đầy đủ nhất và kịp thời nhất liên quan đến môi trường đầu tư, đến chất lượng chứng khoán và tình hình thị trường… Khả năng lắng nghe, phân tích đọc vị các “chiêu thức” và cả nghệ thuật “tung tin đồn”, gây nhiễu trên thị trường chứng khoán của cả các “đại gia” hoặc đại bợm kinh doanh chứng khoán, hay của bản thân các công ty, tổ chức phát hành chứng khoán, sẽ là bùa hộ mệnh để nhà đầu tư tự bảo vệ mình tránh được những cạm bẫy và rủi ro gắn với thế giới thông tin thường luôn mờ ảo trên thị trường đặc thù này. Một báo cáo tài chính hoặc cáo bạch chưa được kiểm toán, thẩm định bởi các tổ chức độc lập, chuyên nghiệp, có uy tín và trình độ chuyên môn cao; một thông tin đến chậm hoặc bị cắt xén không đầy đủ, không chính xác về hoạt động kinh doanh của công ty phát hành cổ phiếu, về môi trường pháp lý và về các nhà đầu tư khác trên cùng “sân chơi”, hoặc đơn giản là về tình hình thời tiết hay dịch bệnh nào đó… đều có thể trở thành đầu mối trực tiếp gây ra các thiệt hại khôn lường cho nhà đầu tư chứng khoán.

  1. Bẫy từ yêu cầu và chất lượng dịch vụ chứng khoán.

Vì yêu cầu đặc thù đòi hỏi bắt buộc phải thông qua các tổ chức trung gian, môi giới trong kinh doanh chứng khoán, nên các nhà đầu tư chứng khoán có thể phải chịu nhiều rủi ro liên quan đến các quy định, quy trình nghiệp vụ và chất lượng dịch vụ của các tổ chức trung gian bắt buộc và bất đắc dĩ này, điển hình là các rủi ro liên quan đến việc tổ chức khớp lệnh và phân lô giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có tổ chức.

Việc khớp lệnh định kỳ gây rủi ro cho nhà đầu tư vì họ không thể hủy ngang lệnh đã đặt mua hàng bán trước khi kết thúc phiên khớp lệnh, bất chấp những biến động mới bất lợi trên thị trường cho họ, nếu họ không muốn chịu phạt về sự thay đổi quyết định này. Khớp lệnh định kỳ cũng có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư vì dễ gây tình trạng cung – cầu ảo trên thị trường và cả tình trạng nghẽn mạch, quá tải hoặc phân biệt đối xử theo kiểu bỏ rơi nhà đầu tư nhỏ ở các sàn, trung tâm và công ty chứng khoán. Tuy vậy, việc khớp lệnh định kỳ này cũng có thể tạo cơ hội để nhà đầu tư giảm bớt thiệt hại khi hủy lệnh đã đặt sau khi khớp lệnh đối với các chứng khoán còn dư chưa xử lý hết trong phiên giao dịch gần nhất mà họ tham dự.

Trong khi đó, việc tổ chức khớp lệnh liên tục, mặc dù cho phép các nhà đầu tư đặt lệnh thận trọng, chính xác hơn được giải quyết nhu cầu mua – bán nhiều hơn, nhanh chóng, bình đẳng hơn và giảm thiểu tình trạng cung – cầu ảo trên thị trường chứng khoán, song có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư ở chỗ: khớp lệnh liên tục là giao dịch trên cơ sở khớp liên tục các lệnh mua – bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch, không phải chờ đến thời điểm định kỳ như kiểu khớp lệnh định kỳ. Trong nguyên tắc xử lý khớp lệnh liên tục này thì quyền ưu tiên luôn dành cho các lệnh mua có mức giá cao hơn và các lệnh bán có mức giá thấp hơn. Trường hợp các lệnh mua và bán có đồng mức giá thì quyền ưu tiên sẽ dành cho lệnh nhập vào hệ thống giao dịch trước. Đến đây, rủi ro cho nhà đầu tư có thể xuất hiện theo 2 cách: hoặc rủi ro vì lệnh mua – bán của họ bị nhập vào hệ thống chậm hơn so với các nhà đầu tư khác có lệnh tương tự nên không thực hiện được sớm hoặc hết các lệnh đã đặt (thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh khi khớp lệnh định kỳ thường chỉ khớp được khoảng 60% số lệnh đã được nhập vào hệ thống); Hoặc rủi ro vì họ buộc phải mua – bán bằng hết các chứng khoán đã đặt lệnh theo mức giá thị trường thời điểm hiện hành cao (khi mua vào) hoặc thấp hơn (khi bán ra) so với mức lệnh đã đặt. Sở dĩ có sự rủi ro này là vì trong quy trình khớp lệnh liên tục sử dụng loại “lệnh thị trường” – gọi tắt là MP. Lệnh này có nghĩa là lệnh mua tại mức giá thấp nhất (sàn) hoặc lệnh bán tại mức giá cao nhất (trần) trên thị trường. Nếu sau khi so khớp lệnh theo nguyên tắc trên mà khối lượng đặt lệnh của lệnh MP vẫn chưa thực hiện hết, thì MP sẽ được xem là lệnh bán tại mức giá thấp hơn tiếp theo hiện hành trên thị trường. Do thực hiện nguyên tắc ưu tiên khi khớp lệnh là: bán thì ở mức giá thấp, mua thì ở mức giá cao, nên thiệt hại cho nhà đầu tư đặt lệnh bán sẽ càng lớn nếu giá bán được ngày một giảm trong quá trình khớp lệnh này vì lệnh mua sẽ khớp số lượng bán với bất kỳ giá nào cho đến khi đủ số lượng. Khi đó, nhà đầu tư dễ bị lâm vào tình trạng mua vào ở giá trần và bán ra ở giá sàn.

Trong khớp lệnh liên tục, hiệu lực lệnh của nhà đầu ta trong nước được tính từ khi lệnh được nhập vào hệ thống cho đến khi kết thúc ngày giao dịch, hoặc bị hủy bỏ. Riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài, nếu lệnh mua nhập vào hệ thống không được khớp, hoặc chỉ được khớp một phần vào thời điểm, thì sẽ bị hủy, sau đó nhà đầu tư muốn mua thì phải tiếp tục đặt lệnh trở lại.

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán còn có thể đối diện với các rủi ro gắn với sự điều chỉnh quy định về số lượng giao dịch cổ phiếu thực hiện, cụ thể từ mức 10 cổ phiếu trước đây, đã nâng lên tối thiểu 100 cổ phiếu mỗi lô giao dịch trong quá trình khớp lệnh liên tục ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các rủi ro đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ có thể gồm:

- Họ phải chịu rủi ro vì “bỏ hết trứng vào một giỏ”, không thể xé nhỏ các khoản đầu tư như trước.

- Họ không có cơ hội mua các hàng – chứng khoán tốt vì chúng chỉ được giao dịch theo lô lớn.

- Họ phải chịu thiệt hại do phải là người “bán lẻ”, “mua lẻ” với giá thấp hơn (tới 10%) so với các nhà đầu tư có số lượng cổ phiếu đủ lô quy định, trong khi đó họ cũng không có cơ hội mua lẻ thêm cổ phiếu (giả sử đã có 90) để làm tròn 100 cổ phiếu cho đủ lô theo quy định.

- Họ sẽ bị chịu nhiều cảnh phân biệt đối xử khác khi thụ hưởng các dịch vụ chứng khoán nếu vẫn muốn là người trực tiếp đầu tư, không muốn thông qua các quỹ đầu tư đại chúng, quỹ tín thác và các công ty chứng khoán…

  1. Bẫy từ các cơn sốc giá thị trường.

Các nhà đầu tư chứng khoán (nhất là loại nhỏ, lẻ) có thể phải gánh chịu nhiều bẫy chứng khoán trực tiếp hoặc gián tiếp bắt nguồn từ các cơn sốc giá trên thị trường trong nước và nước ngoài, trước hết liên quan đến các trào lưu mua, bán chứng khoán theo tâm lý bầy đàn, đám đông, đầy cảm tính và xúc cảm, làm phá vỡ các quy luật vận động bình thường của thị trường. Khi đó, họ sẽ tự trở thành “gậy ông đập lưng ông”. ở một khía cạnh khác, nhiều khi họ gặp phải những bẫy rất điển hình trong kinh doanh thị trường liên quan đến các hoạt động đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt, gây nhiễu thông tin và tự đánh bóng, thổi giá hoặc thậm chí lừa đảo và thông đồng có tổ chức của các nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiềm lực tài chính và sức mạnh khác đủ sức gây thăng trầm đồng thái thị trường hòng trục lợi.

Ngoài ra, các cơn sốc giá chứng khoán cũng thường có liên quan rất chặt với những chấn động thị trường khác từ nước ngoài, mà cuộc khủng hoảng tài chính – tiền lệ những năm cuối thập kỷ 1980 của thế kỷ XX ở Châu á là một ví dụ điển hình.

  1. Bẫy liên quan đến sự thay đổi chính sách vĩ mô trong hoạt động quản lý nhà nước.

Các nhà đầu tư chứng khoán còn đối diện với nhiều bẫy liên quan đến thay đổi chính sách trong quản lý kinh tế và tài chính, chứng khoán của nhà nước, cũng như của địa phương. Điều này càng đặc biệt rõ nét trong bối cảnh những thay đổi chính sách này không mang tính nhất quán, có thể dự báo được, kém minh bạch, thiếu tuân thủ các luật chơi theo kinh tế thị trường, cũng như các cam kết hội nhập quốc tế, như: chính sách 2 giá trong phát hành cổ phiếu (giảm giá từ 20-40% cho các nhà đầu tư chiến lược hoặc cán bộ, công nhân viên của công ty cổ phần hóa lần đầu); những thay đổi trong chính sách tỷ giá, lạm phát, tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong công ty cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư nước ngoài; chính sách xuất – nhập khẩu, độc quyền hoặc các quan hệ quốc tế song phương - đa phương v.v…

  1. Bẫy liên quan đến sự kém hiểu biết của người chơi chứng khoán.

Cuối cùng, bẫy lớn nhất và cũng là nguồn cội của mọi rủi ro trong đầu tư chứng khoán chính là bẫy từ sự dại dột và sai lầm do thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng tổng hợp, phân tích và phản ứng thị trường nhạy bén, chính xác của bản thân nhà đầu tư…Rủi ro càng cao khi nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán bằng vốn đi vay,sa vào vòng xoáy chiếc “bẫy nợ nần”,trong khi thị trường thì trầm lắng,còn gánh nặng trả lãi cho vốn vay thì ngày càng chồng chất. Đã vĩnh viễn qua rồi những cơ hội ngắn ngủi và các ảo tưởng về kinh doanh chứng khoán thật dễ chịu và hấp dẫn vì đơn giản chỉ là mua chứng khoán vào, “đắp chiếu” rồi đợi giá lên một chiều và khi cần tiền thì bán ra. Sự phát triển của kinh tế thông tin, kinh tế tri thức đòi hỏi và cho phép phải tri thức hóa các hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh chứng khoán, để đầu tư chứng khoán thực sự “ích nước, lợi nhà”.

Để phục vụ việc quản lý thị trường chứng khoán tốt hơn, cũng như để giúp giảm thiểu các bẫy chứng khoán nêu trên, các hoạt động xây dựng, hoàn thiện và phổ biến luật pháp nhà nước, đảm bảo tính hiệu lực thực tế của chúng, cũng như việc tăng cường đào tạo và xây dựng, vận hành tốt hệ thống thông tin và các cơ chế giám sát an toàn, cần thiết khác liên quan đến các hoạt động chứng khoán là những việc cần phải làm một cách thường xuyên trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đơn vị và cá nhân có liên quan./.

 

Nguyễn Minh Phong

Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế

Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội

409 Kim Mã, Hà Nội

ĐT: 0912266399

In bài viết nàyIn bài viết