Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Hà Nội mở rộng những cơ hội và thách thức mới


     Thăng Long được chọn làm Thủ đô nước ta vào năm 1010 dưới triều Lý, đổi tên thành Đông Đô dưới triều Lê và chính thức mang tên Hà Nội từ triều Nguyễn đến nay. Từ sau cách mạng Tháng Tám 1945, Hà Nội chính thức được tái chọn là Thủ đô nước Việt Nam DCCH và từ 1975 là CHXHCN Việt Nam. Trong giai đoạn sau giải phóng 10/10/1954 -2008, Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh lớn về địa giới hành chính:

  • Năm 1960 mở rộng lần thứ nhất, nâng diện tích từ 152,2 km2(dân số 530.000 người năm 1955) lên 586,13 km2(dân số 913.400 người).
  • Năm 1978 mở rộng lần thứ hai, nâng diện tích lên 2130,5 km2(dân số 2.450.600người).
  • Năm 1991 Hà Nội thu hẹp lại do chuyển 6 huyện và 1 thị xã về Hà Tây và Vĩnh Phúc, lúc này Thủ đô còn 922,8km2 và dân số là 2.127.800 người.
  • Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 có hiệu lực từ 1/8/2008 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP.Hà Nội đã chính thức mở ra trang mới trong lịch sử phát triển ngàn năm của Thăng Long- Hà Nội. Với việc sáp nhập nguyên tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung của huyện Lương Sơn , tỉnh Hòa Bình, Hà Nội được mở rộng hơn 3 lần và là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới, với diện tích đất tự nhiên 334.470.02 ha và dân số 6.232.940 người…

     Có thể nói, sự mở rộng Hà Nội lần này có ý nghĩa quan trọng nhất cả về lượng và chất so với bất kỳ sự điều chỉnh nào trước đó về địa giới Thủ đô. Từ nay, Hà Nội có hình dạng trên bản đồ rất giống một trái tim lớn cách điệu, sự trùng hợp thú vị với vị thế Thủ đô - Trái tim của cả nước - mà Hà Nội đã, đang và sẽ mãi đảm nhận. Đặc biệt, Hà Nội sau mở rộng đang đứng trước nhiều cơ hội, động lực mới và cả những thách thức mới đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và quản lý quá trình phát triển theo hướng bền vững…

  1. Những cơ hội và động lực phát triển mới…

Thứ nhất, Hà Nội mở rộng có tiềm năng đất đai tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội – đô thị : Với diện tích trên 3300 km2 (tức lớn hơn 5 lần diện tích 645km2 của toàn bộ đất nước Singapore có dân số hơn 4 triệu người và GDP hơn 92 tỷ USD năm 2007), Hà Nội mở rộng sẽ có điều kiện tốt hơn cho quá trình tái cấu trúc Thủ đô cả về không gian kinh tế, lẫn hệ thống cơ sở hạ tầng và kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Trước hết, Hà Nội sẽ có triển vọng sớm thoát khỏi “điểm liệt” bấy lâu nay về chỉ số điều kiện mặt bằng cho sản xuất kinh doanh trong so sánh về chỉ số cạnh tranh môi trường kinh doanh với các địa phương cả nước. Nói cách khác, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng và chi phí ít hơn trong tìm kiếm các mặt bằng đất đai và cơ hội đầu tư trên địa bàn Hà Nội mở rộng, điều đó cũng có nghĩa là dòng đầu tư phát triển từ các doanh nghiệp sẽ gia tăng, tạo xung lực mới tích cực cho phát triển kinh tế. Quy hoạch các khu công nghiệp, khu dân cư và đô thị chức năng (trong đó có các khu công nghệ cao, khu đại học, khu du lịch sinh thái, những trung tâm hành chính - chính trị và thương mại mới) cũng sẽ hợp lý và có điều kiện phát triển đồng bộ, hiệu quả hơn. Điều kiện diện tích đất giành cho nhà ở (nhất là nhà ở cho người dân có thu nhập thấp), cây xanh, giao thông và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khác cũng sẽ được cải thiện căn bản (chẳng hạn diện tích cây xanh trung bình trên đầu người sẽ có thể đạt tới trên 30m2/người so với chưa đầy 10m2 hiện nay). Ngoài ra, điều kiện đất đai và địa hình giành cho yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng mang ý nghĩa quốc gia của Thủ đô cũng sẽ được cải thiện, cả trước mắt, lẫn lâu dài. Hơn nữa, đồng thời với sự cải thiện sức ép quá tải mọi mặt của các khu phố cổ và phố cũ trong nội đô, thì dù sớm hay muộn, những vùng đất đa dạng thuộc “vùng sâu, vùng xa” của các địa phương trên địa bàn Hà Nội mở rộng cũng sẽ sớm thoát khỏi giấc ngủ ngàn năm, được đánh thức, hòa nhập vào dòng chảy chung của quá trình đô thị hoá- CNH & HĐH để thay hình đổi dạng, được khai phá và sử dụng có hiệu quả hơn, trở nên giàu có và văn minh hơn…

          Thứ hai, Hà Nội mở rộng có nguồn lực con người dồi dào hơn: Sự bổ sung dân số của các địa phương sẽ góp phần gia tăng sự hấp dẫn của Thủ đô về nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hà Nội mở rộng sẽ có thêm cơ hội tuyển dụng các lao động rẻ, khéo tay, cần cù, sẵn sàng đảm nhận các công việc theo yêu cầu và có điều kiện tự đảm bảo sinh hoạt tại chỗ do là người địa phương, từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và giữ ổn định lực lượng lao động của mình. Hàng triệu cán bộ và công dân của các địa phương mới hợp nhất với Hà Nội cũng là nguồn cung cấp các cán bộ tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển mới của Thủ đô.

           Thứ ba, Hà Nội mở rộng có cơ hội cải thiện cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng, hiện đại và hiệu quả hơn: Hàng chục khu công nghiệp lớn nhỏ với nhiều doanh nghiệp vốn FDI có thương hiệu quốc tế, hàng trăm làng nghề truyền thống với lịch sử “đất bách nghệ” nổi tiếng của tỉnh Hà Tây và các địa phương khác đang hoạt động có hiệu quả sẽ trực tiếp góp phần làm khởi sắc và đa dạng thêm các sản phẩm công nghiệp chủ lực và xuất khẩu của Hà Nội mở rộng. Nông nghiệp Thủ đô tuy sẽ gia tăng về tỷ trọng trong cơ cấu GDP, nhưng sẽ có thêm cơ hội được chuyên môn hóa và hiện đại hóa cao hơn. Các dịch vụ trực tiếp hỗ trợ kinh doanh và phục vụ đời sống người dân sẽ phát triển ngày càng đa dạng, cả bề rộng, lẫn bề sâu. Đặc biệt, các Trung tâm tài chính - ngân hàng, các khu nông nghiệp - trang trại, các khu công nghệ cao và các khu du lịch - nghỉ dưỡng sinh thái đa sở hữu, có quy mô lớn, tầm vóc quốc gia và khu vực cũng sẽ ngày càng có cơ hội phát triển, trở thành biểu tượng mới của Thủ đô thời kỳ mở rông - hội nhập và phát triển.

   Thứ tư, Hà Nội mở rộng có tiềm lực vượt trội về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể: sự tập trung và cộng hưởng của hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (trong đó nhiều di sản có lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm và được xếp hạng quốc gia) của các địa phương thuộc Hà Nội mở rộng sẽ tạo nên sự thăng hoa rực rỡ hơn, vượt trội hơn bức tranh văn hóa đa sắc, hoành tráng và vô giá, không chỉ góp phần khẳng định vị thế trung tâm văn hóa, mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh hơn, toàn diện và hiệu quả hơn của của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

     Thứ năm, Hà Nội mở rộng có thị trường mở rộng hơn, có tính bổ sung, liên kết, hoàn chỉnh và hấp dẫn hơn: Với diện tích hơn 3300km2, dân số hơn 6,2 triệu (sẽ gia tăng thêm khá nhanh trong tương lai cả do tốc độ tăng tự nhiên và cơ học cao), và chiếm trên 10% tổng GDP, tổng thu NSNN, tổng đầu tư và tổng giá trị công nghiệp của cả nước, nơi tập trung các nguồn nhân tài vật lực có giá trị và “sức thanh khoản” cao, có vị trí quan trọng về giao thông, có lịch sử phát triển lâu đời và có Pháp lệnh Thủ đô (sẽ được nâng cấp thành Luật Thủ đô với sự phân cấp nhiều hơn cho địa phương)..., thì chắc chắn Hà Nội mở rộng không chỉ có sức sống tự thân mãnh liệt bên trong của một thị trường có dung lượng lớn, mà còn có sức hút và lan tỏa mạnh mẽ với các địa phương và thị trường khác trong vùng, trong cả nước và với quốc tế. Sự bổ sung giữa các địa phương của Hà Nội mở rộng còn cho phép làm tăng tính liên kết, hoàn chỉnh và hấp dẫn hơn của thị trường Hà Nội trong con mắt của nhà đầu tư, cả trong nước lẫn quốc tế, cả trong công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, lẫn trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, hệ thống giao thông hiện đại như Metro, xe buýt nhanh, khối lượng lớn sẽ hoạt có hiệu quả hơn và là cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn khi xét trên thị trường Hà Nội mở rộng; Hoặc “Hà Tây cũ” sẽ là cơ sở sản xuất, còn “Hà Nội cũ” với khả năng xúc tiến thương mại tốt hơn, thì bày hàng và tiêu thụ hàng, chứ không phải sau hợp nhất là đổ dồn về Hà Nội. Sự hợp lực của một bên có vốn, với một bên có tay nghề, mặt bằng và lao động sẽ là một sự giải tỏa tốt cho nhiều bức xúc của cả hai bên. Ngoài ra, mở rộng Hà Nội cũng sẽ giúp xả bớt đi sức ép thị trường rất nguy hiểm trong tương lai, như: giá cả tăng và cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm khó khăn do đất chật, người đông; quá tải về hạ tầng, đường sá; sức ép từ các tỉnh xung quanh ''ấn'' vào Hà Nội, nhất là các khu công nghiệp đặt không đúng chỗ. Khi mở rộng, Hà Nội sẽ có điều kiện tốt hơn để bố trí lại các khu công nghiệp và các khu chức năng khác của Thủ đô cho phù hợp với yêu cầu thị trường, môi trường, cảnh quan và phát triển…Hơn nữa, khi đó Hà Nội cũng sẽ có điều kiện thu hút thêm nguồn đầu tư, góp phần khai thác, mở rộng tiềm năng sẵn có của những địa phương và thị trường liên quan...

  1. Những thách thức ở phía trước…

     Bên cạnh những cơ hội và động lực tích cực nêu trên, Hà Nội mở rộng phải đối diện với khá nhiều bài toán không đơn giản, mà việc giải quyết chúng không phải chỉ bằng quyết định hành chính và trong ngày một, ngày hai.      

     Về tổ chức, trước hết là vấn đề thống nhất nhận thức và tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao trong các tổ chức, cơ quan công quyền và nhân dân, giảm thiểu tình trạng cát cứ địa phương, bè phái, mất dân chủ và cơ hội chủ nghĩa. Bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn Hà Nội mở rộng cũng phải đứng trước nhu cầu đồng hóa, cấu trúc lại trên cơ sở sáp nhập, kiện toàn, hài hòa các mối quan hệ về tâm lý, kinh tế, kỷ cương nhà nước... Ngoài ra, cần tránh lãng phí xã hội do hiện tượng chạy quỹ, tẩu tán tài sản công và các hiện tượng tham nhũng tập thể và cá nhân khác. Cần nhấn mạnh rằng, công tác cán bộ và sắp xếp lại bộ máy, địa điểm trụ sở và tăng cường đoàn kết, nâng cao trách nhiệm, năng lực và kỷ luật công vụ có ý nghĩa mấu chốt bảo đảm khai thác được các cơ hội và phòng tránh các tác động tiêu cực từ việc mở rộng địa giới Thủ đô. Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Hơn lúc nào hết, chúng ta phải nêu cao tinh thần đồng tâm, hiệp lực. Bất cứ sự phân vân, nghi ngờ, tính toán cá nhân nào đều không đúng và không phù hợp cho sự nghiệp chung…

   Về công tác Quy hoạch và đầu tư, phải xem xét lại toàn bộ các quy hoạch tổng thể và chuyên ngành (đặc biệt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội), từ đó cụ thể hóa vào từng quy hoạch, kế hoạch, chỉ tiêu, định hướng dài hạn và trung hạn, và cả các giải pháp phát triển hàng năm của các địa phương và đơn vị. Cơ cấu kinh tế Hà Nội mở rộng sẽ thay đổi khá lớn, vì sẽ cộng các cơ cấu địa phương vào. Như vậy, tính chất tiên tiến của cơ cấu trước đó sẽ bị giảm bớt đi, tỷ trọng nông nghiệp tăng lên, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ giảm xuống, mức độ đô thị hóa kém hơn. Thành thử, Hà Nội mở rộng sẽ đứng trước nhu cầu to lớn về đầu tư cải thiện căn bản và cấp bách những cơ sở hạ tầng KT-XH, cải thiện cơ cấu, trình độ kinh tế và cuộc sống, cũng như đào tạo nhân lực của các địa phương lạc hậu hơn vừa hợp nhất vào.

   Ngoài ra, Hà Nội mở rộng còn phải đứng trước những nhiệm vụ thường xuyên bảo đảm các yêu cầu ngày càng cao về giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc, tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phòng chống các tệ nạn và tội phạm các loại trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế đầy đủ hơn, sâu và rộng hơn… Có nhiều cơ sở thực tiễn để tin rằng, trước thời khắc lịch sử lớn lao này, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ thực hiện tốt chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội mở rộng Phạm Quang Nghị: Hợp nhất để tạo ra sự phát triển nhanh hơn, tốt hơn, mạnh hơn trong mọi lĩnh vực…để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị đầu não quốc gia…/.

 

TS.Nguyễn Minh Phong

Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

In bài viết nàyIn bài viết