Trang chủ  » Đối ngoại nhân dân  » Kinh tế - Doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong khủng hoảng tài chính thế giới


Do vị thế đặc biệt của nước Mỹ nên tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ đến TTCK Việt Nam đang và sẽ là lớn hơn so với một số nhận định ban đầu đã đưa ra ở nhiều cấp độ, bởi các kênh tác động chủ yếu sau:

     Thứ nhất, gây tâm lý lo ngại chung và sự trầm lặng, thận trọng hơn trong việc ra quyết định của các nhà đầu tư. TTCK là thể chế tài chính mang tính thị trường và quốc tế cao, đặc biệt chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm lý và lòng tin… Vì vậy, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ - với sự mất giá thê thảm của các chứng khoán hàng đầu thế giới - đã dội nước lạnh vào nhiệt tình đầu tư của hầu hết các nhà đầu tư vào các TTCK trên thế giới, trong đó có TTCK Việt Nam…

     Thứ hai, có thể làm giảm dòng vốn trong nước và nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán do: Các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn về nguồn vốn, cơ hội hoặc sự hứng khởi đầu tư; Cuộc khủng hoảng có thể làm giảm sút mạnh nguồn kiều hối từ Mỹ và cả từ các nước khác có chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng này do thu nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ và các nước đó cũng bị giảm sút ít, nhiều, trực tiếp và gián tiếp. Sự rút vốn của các tổ chức tài chính - chi nhánh hoặc công ty con đang hoạt động ở Việt Nam về nước nhằm cứu nguy hoặc đảm bảo an toàn cho các công ty mẹ…Có khả năng dòng FDI đăng ký và thực hiện ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ ít hơn dự liệu và so với xu thế năm 2008, do các nhà đầu tư nước ngoài gặp những khó khăn về tài chính, thị trường và cả sự thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư mới, hoặc khi phải tiếp tục giải ngân, mở rộng các khoản đầu tư đang triển khai. Ngoài ra, các công ty tài chính và tổ chức tín dụng khác trong nước cũng sẽ khó huy động vốn hơn, do đó sẽ hạn chế đầu tư vào TTCK.

Thứ ba, có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam - đang hoặc sẽ niêm yết trên TTCK gặp khó khăn trong kinh doanh cả trên thị trường trong nước, lẫn nước ngoài, từ đó làm giảm sút lợi nhuận, kéo theo giảm sút thị giá chứng khoán của mình, tức giảm bớt sức hấp dẫn chung của TTCK với các nhà đầu tư…cuộc khủng hoảng trực tiếp làm thu hẹp thị trường xuất khẩu và giảm sút nguồn thu ngoại tệ do khả năng suy giảm xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ, cũng như các thị trường các nước phát triển khác trên thế giới liên quan trước hết với tình trạng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Bằng chứng đầu tiên là số liệu của Tổng cục Thống kê vừa cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và các hàng xuất khẩu khác của Việt Nam từ tháng 9/2008 đến nay đã suy giảm rõ rệt (riêng hàng dệt may mất khoảng 100 triệu USD chỉ trong tháng 9/2008, từ 920 triệu USD trong tháng 8/2008 giảm còn 820 triệu USD tháng 9/2008, mặc dù Việt Nam năm nay đã vượt Ấn Độ, để trở thành nhà xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ lớn thứ hai thế giới, chỉ còn đứng sau Trung Quốc).

     Thứ tư, hơn nữa, khi đồng USD mất giá do khủng hoảng thì sự tác động tiêu cực đến đồng tiền Việt Nam có thể sẽ đến cả từ 2 phía gắn với 1 trong 2 khả năng sau: Một mặt, VND sẽ bị lên giá so với USD, nếu Việt Nam chủ trương giữ vững sự ổn định tỷ giá chính thức của đồng tiền Việt Nam trong tương quan với USD. Khi đó, hàng xuất khẩu Việt Nam càng trở nên đắt đỏ và khó cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, đồng nghĩa với sự sụt giảm tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng thâm hụt thương mại, giảm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu của Việt Nam với các hệ lụy khác kèm theo… Mặt khác, ngược lại, VND sẽ tăng nguy cơ mất giá theo đồng USD, nếu Việt Nam chủ trương điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa của VND một cách mềm dẻo theo yêu cầu và tín hiệu thị trường cùng với tốc độ mất giá của USD. Khi đó, áp lực phá giá VND sẽ gia tăng, đồng nghĩa với gia tăng sức ép lạm phát trong nước- điều khá nhạy cảm trong bối cảnh hiện tại của nước ta. Dù bất luận trong trường hợp nào thì rủi ro tỷ giá cũng sẽ gia tăng đối với nhà đầu tư chứng khoán, thành thử sẽ làm tăng khó khăn và sự thận trọng của các nhà đầu tư chứng khoán cả trong và ngoài nước khi lựa chọn và thông qua các quyết định của mình.

Thứ năm, đồng thời, do khủng hoảng, các thị trường chứng khoán khu vực và thế giới cũng suy giảm, khiến lợi thế hấp dẫn của TTCK Việt Nam so với các nước khác cũng mất đi (nhất là về chỉ số P/E), khiến TTCK Việt Nam kém thu hút hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, có thể coi đây như cơ hội để phát triển TTCK nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, vì lẽ, một mặt, sẽ tăng hấp dẫn các nhà đầu tư khi TTCK Việt Nam chứng tỏ được là bản thân nó sẽ tạo chỗ trú ẩn an toàn cho vốn đầu tư trong nước và quốc tế trong bối cảnh “chiến sự”- khủng hoảng đang có chiều hướng lan tỏa ngày càng rộng hơn và chưa thể chấm dứt trong thời gian trước mắt; Mặt khác, trong khi thị trường vốn vay ngân hàng gặp khó khăn, thì các doanh nghiệp sẽ buộc phải tìm kiếm vốn đầu tư từ các nguồn thay thế, và TTCK sẽ trở thành sự lựa ôiichọn hàng đầu cho các doanh nghiệp có hoặc sẽ phải phấn đấu có đủ tiêu chuẩn cần thiết để tham gia sân chơi này. Điều này sẽ tạo xung lực tích cực mới cho cả sự phát triển của doanh nghiệp, lẫn của TTCK Việt Nam.

       Cần nhấn mạnh rằng, có nhiều căn cứ để biến cơ hội đó thành hiện thực, do trong thời gian trước mắt, hầu hết các thị trường đầu tư truyền thống trên thế giới đều gặp khó khăn cả do từ khủng hoảng của Mỹ, cũng như do từ các vấn đề bên trong của mình. Vì vậy, cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư thế giới vốn giàu tiềm năng và kinh nghiêm bị thu hẹp nghiêm trọng, vốn đầu tư quốc tế đang bị ứ thừa, cần tìm nơi đầu tư mới thích hợp. Với sự nhạy cảm và bản lĩnh chuyên nghiệp cao, họ đã nhận thấy những cơ hội mới từ các thị trường mới nổi như Việt Nam, với dân số đông, trẻ, sức tiêu thụ thị trường ngày càng tăng, nhiều thị trường còn gần như bỏ ngỏ và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, mở cửa và hội nhập theo các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế trong khu vự và trên thế giới. Hơn nữa, bản thân Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang hết sức cởi mở chào đón các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh lâu dài ở Việt Nam. Những động thái chính sách và ngoại giao của Chính phủ và các hoạt động mua bán cổ phần, sáp nhập và tái cơ cấu trong khu vực doanh nghiệp nước ta đã, đang và sẽ tạo cơ hội, sức hấp dẫn và động lực mới cho sự thu hút đầu tư nước ngoài. Kết quả ấn tượng trong thu hút FDI vào Việt Nam năm 2008 là minh chứng tiêu biểu nhất cho xu hướng mới này.

     Mặc dù cuộc khủng hoảng chưa kết thúc và cần thời gian để kiểm định, nhưng có thể rút ra 3 bài học lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ hiện nay:

     Một là, không có ngoại lệ và miễn dịch phá sản cho bất kỳ đại gia nào trong cuộc chơi trên sân kinh tế thị trường. Nói cách khác, một doanh nghiệp dù lớn đến đâu, thâm niên dài bao nhiêu và trước đó có thành công như thế nào, song cũng có thể sụp đổ nếu vi phạm luật chơi, mà cụ thể ở cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay là vi phạm chuẩn cho vay bất động sản có sự dung túng của Chính phủ…

     Hai là, vai trò của công tác thông tin, dự báo và giám sát, cảnh báo an toàn, nhất là an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng là hết sức quan trọng và không thể coi nhẹ trong bất luận trường hợp nào và vào thời điểm nào…Ngoài ra, cần luôn tỉnh táo với các tác động lan tỏa, dây chuyền của các sự biến kinh tế trên thị trường trong nước và quốc tế. Cần dập ngòi khủng hoảng từ khi nó còn nhen nhúm, thay vì khi nó đã thành đám cháy mạnh và lan rộng, thì chi phí là khó đo lường, nhất là với một nước còn nghèo và các thiết chế thị trường còn chưa phát triển, hoàn thiện.

   Ba là, nhà nước có vai trò không thể thiếu được và ngày càng to lớn trong cuộc chiến với các chấn động kinh tế chu kỳ hoặc bột phát, nhất là khủng hoảng tài chính-ngân hàng, dù nó xẩy ra không trực tiếp từ sai lầm của Chính phủ hoặc trong khu vực kinh tế nhà nước…Tuy nhiên, sự can thiệp này phải tuân thủ các yêu cầu và lợi ích thị trường, không làm xấu đi sự ổn đinh kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hòa các lợi ích, nhất là không đổ gánh nặng khủng hoảng lên người dân, người tiêu dùng. Sử dụng các công cụ nợ, biến nợ xấu thành chứng khoán có thể mua - bán trên thị trường nợ là một trong các lựa chọn cần thiết và hiệu quả trong trường hợp này và cho mục tiêu đó.

       Yêu cầu và cách thức đối phó với khủng hoảng tài chính Mỹ có khác nhau với các doanh nghiệp và ngân hàng trong nước. Điều này tùy thuộc vào mức độ liên quan trực tiếp và gián tiếp tới cuộc khủng hoảng từ mỗi doanh nghiệp…Có một số nguyên tắc chung sau:

  1. Cần rà roát lại các dự án và hoạt động đầu tư - kinh doanh của đơn vị, tự phân loại tính chất, cách thức và mức độ ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này, từ đó chủ động có phương án xử lý cụ thể hiệu quả cho đơn vị và đối tác cụ thể trong giả định tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
  2. Thực hiện đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh và thị trường, cũng như các đối tác có liên quan.
  3. Thường xuyên theo dõi thị trường, cập nhật thông tin, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng dự báo và năng lực xử lý kịp thời các tình huống phát sinh từ bên ngoài. Có thể lập các đội đặc nhiệm, với các kịch bản “tác chiến” linh hoạt và tối ưu cho các tình huống khẩn cấp;
  4. Tiếp tục cải thiện năng lực và sự lành mạnh tài chính, chất lượng bộ máy và quản trị kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, có tầm nhìn dài hạn trong liên doanh, liên kết, hợp tác và cạnh tranh kinh tế cả trong quá trình phát triển bên trong, cũng như trong cuộc chiến với các động thái thị trường và chấn động kinh tế bên ngoài… trong đó, cần chú ý một số điểm sau đây: Giảm phí, chi phí trung gian và chi phí không chính thức giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp; phát triển một thị trường vốn đa dạng hơn và có tính thị trường thực chất hơn, bao gồm các loại công ty và quỹ đầu tư, trong đó có nhiều loại quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh, kể cả quỹ tư nhân; tăng cường tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp theo hướng đa sở hữu, đồng thời khuyến khích phát triển tập đoàn theo nguyên tắc thị trường, đủ sức cạnh tranh quốc gia và thế giới v.v…Ngoài ra, còn cần chú ý xử lý tốt các vấn đề liên quan đến mua bán sáp nhập doanh nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, an sinh xã hội; mở cửa mạnh hơn nữa về tài chính, để nước ngoài họ vào. Khi luồng vốn trong nước đã hạn hẹp và không được sử dụng hiệu quả, thì càng phải mở cửa cho nước ngoài, nếu không sẽ có đình trệ, ách tắc không cần thiết. Bất kỳ chính sách nào cũng có 2 mặt của nó, vì vậy phải lưu ý dự báo trước, chuẩn bị trước phương án, xác định cơ chế phản hồi, phản biện, tiếp thu và không ngừng hoàn chỉnh, để phát huy mặt tích cực, giảm tiêu cực của các chính sách được lựa chọn.../.

 

                                                                                                                                     Nguyễn Tấn Đạt

                                                                                                                       Công ty XDCT Hàng không ACT

      

In bài viết nàyIn bài viết